Jeffrey Thai (Danlambao) - Bà
- người đàn bà mà tôi ngưỡng mộ - và tôi không hề quen biết nhau. Nói
rõ hơn, bà chẳng biết tôi và tôi cũng chẳng quen bà. Tuy thế, tôi có
biết bà. Tôi biết bà lâu lắm rồi, từ những ngày tôi còn học đại học ở
quê nhà và cuối tuần nào cũng đi xem phim màn ảnh lớn ở rạp chiếu bóng.
Bà vốn là một diễn viên điện ảnh khả ái với nhan sắc mặn mà, được điểm
xuyến bằng đôi má lún đồng tiền. Ngày ấy, khi tôi còn là một anh sinh
viên thì bà đã ở lứa tuổi trung niên.
Tôi ngưỡng mộ bà vì những vai diễn điện ảnh của bà ư? Không hẳn như
thế. Nếu thế, có lẽ cũng chỉ là một sự ngưỡng mộ quá đỗi bình thường.
Vả lại, những vai diễn ấy đã ở lại với một ký ức thật xa, còn vai diễn
mới nhất của bà trong phần tiếp theo của một bộ phim cũ thì tôi lại chưa
xem. Hình như đã lâu lắm rồi, tôi không bắt gặp tên Kim Chi của bà -
cái tên có nghĩa là một "cành vàng" - trên các trang báo. Đột nhiên,
ngày hôm qua, cái tên ấy xuất hiện với một câu chuyện chẳng có liên quan
gì nhiều đến điện ảnh.
Sự thực là tôi chỉ mới ngưỡng mộ bà qua câu chuyện này thôi, cách đây
chưa đầy 24 giờ đồng hồ. Và tôi muốn nhấn mạnh là: Đây là một sự
ngưỡng mộ rất đậm và rất sâu, đầy trân trọng. Tôi vốn là người sống
trong cõi đời này với nguyên lý sống "phi thần tượng". Nói ra như thế,
để xin được hiểu là sự ngưỡng mộ này vượt thoát khỏi mọi giới hạn tầm
thường và bình thường, để vươn đến một bình diện cao hơn nhiều lắm:
Ngưỡng mộ một nhân cách sống, một tấm lòng với dân tộc, với quê hương.
Tôi đã đọc, và đã nghe, nghe kỹ lắm, những lời bà chia sẻ. Giọng bà nói
về sự sống và cái chết, và về mọi thứ, mới thật bình thản và nhẹ nhàng
làm sao, nhưng lại lay động lòng người như gió bão, và để lại một dư vị
trân trọng đậm sâu.
Bà đã làm gì nhỉ? Chắc hẳn là to tát lắm? Không! Hoàn toàn không! Bà
chỉ đơn giản nói một tiếng: Không! (Bà không muốn nhận lời khen từ
con người ấy cho sự nghiệp điện ảnh của bà, vì có nhận, bà cũng chẳng
cảm thấy sung sướng gì). Và rồi, bà chỉ mộc mạc nói lên một cách chân
thực những ý nghĩ của bà - những sự thật đúng theo cái nghĩa chân chính
và thiêng liêng của hai từ sự thật. Nói một cách bình dân và rất miền
Nam là "nghĩ sao nói vậy, có gì nói nấy".
Tiếng "Không!" của bà, thực ra, nhẹ nhàng thôi. Nhưng, dứt
khoát. Không một phút do dự. Không một giây ngập ngừng. Người nghe có
cảm giác như bà đã ấp ủ tiếng "Không!" này từ lâu lắm. Nó như vang lên
từ một cõi lòng đã chán ngán đến tận cùng, từ một sự khinh bỉ cực kỳ
nhất đối với người mà nó hướng đến. Mà nó hướng đến ai nhỉ? Có tưởng
tượng nổi không: Đó là vị thủ tướng đương nhiệm của một quốc gia - cái
quốc gia mà bà đang là một thần dân. Tôi đã sững sờ khi nghe tiếng
"Không!" dứt khoát ấy cất lên và vang vọng trên toàn thế giới. Ngay tại
thời khắc ấy, xuất hiện trước mặt tôi là hình ảnh của một "ai đó", đang
loay hoay tìm kiếm trên mặt đất mình đang đứng, một vết nứt đủ lớn để
mà chui tọt vào đó, cố giấu che đi nỗi nhục quá "phũ phàng" này. Khó mà
có thể tìm thấy ở một dân tộc nào khác, một đất nước nào khác, lại có
một vị lãnh đạo thuộc cấp tối cao "được" công dân của mình đối xử với
một cung cách "làm tái tê" như thế.
Hãy nghe bà lý giải cho sự từ chối này: "Tôi không muốn trong nhà
tôi có chữ ký của một kẻ đang làm nghèo đất nước, làm khổ nhân dân. Với
tôi, đó là một điều rất tổn thương vì cảm giác của mình bị xúc phạm".
Lời lý giải nghe thật giản đơn, nhưng mang ý nghĩa của một bản cáo
trạng đanh thép đối với cái chế độ mà bà đang sống cùng, với ít nhất một
kẻ lãnh đạo cấp cao. mà bà bất đắc dĩ phải làm kẻ phục tùng. Hãy thử
suy nghĩ xem kẻ ấy đã lãnh đạo như thế nào để bà nói là "đang làm nghèo
đất nước, đang làm khổ nhân dân". Không khó để hình dung, qua lý giải
của bà, hình ảnh của một bạo chúa và một cường quyền, mà bà, nói riêng,
và cả toàn dân VN, nói chung, đang phải chứng kiến và chịu đựng trong
từng ngày sống.
Đi xa hơn cả sự lý giải của bà, nói về cái chế độ ấy, về những kẻ lãnh
đạo cường quyền ấy, một nhân vật "trong cuộc" tên Hạ Đình Nguyên vạch
rõ, nguyên văn như sau: "Họ đều là người không có học thì làm sao
yêu nước được, căn cơ là ở chỗ đó. Nó không yêu nước, không lương tâm,
không xấu hổ... Nước nào người lãnh đạo cũng đặt tổ quốc lên trên, còn
họ thì đặt quyền lợi giai cấp lên trên thì làm sao?". Toàn dân VN
nếu đọc được và ý thức được thực sự ý nghĩa đằng sau những lời miêu tả
trần trụi, thẳng thắn, và rất thực này về những kẻ lãnh đạo tối cao, mà
họ đang răm rắp cúi đầu tuân phục, và giao phó việc nước, việc dân thì
có lẽ họ sẽ ngã ngửa ra mất. Thế thì có khác gì "giao trứng cho ác"
đâu! Trước sau gì, không nước mất, nhà tan mới là chuyện lạ!
Trở lại với bà, điều làm tôi ngưỡng mộ bà nằm ở chỗ: Khi bà nói lên
tiếng "Không!" và đưa ra lời lý giải chân thật ấy, bà biết và biết rất
rõ rằng bà vừa ký xong bản án tử cho chính bản thân mình. Vấn đề chỉ
còn là ở thời gian. Vốn là một người "trong cuộc" - một người cộng sản
chính hiệu, như chính lời bà thú nhận, bà biết hơn ai hết cái chế độ ấy
sẽ đối xử với bà, với bất kỳ những ai dám có một tiếng nói khác biệt
(cho dù là chính nghĩa) như thế nào. Bà thậm chí có thể miêu tả một
cách tỉ mỉ những thủ đoạn mà họ đã dùng như một công thức bất di, bất
dịch: bôi nhọ danh dự, chụp mũ, vu khống, gây tai nạn, thủ tiêu... Sự
sẵn sàng đối mặt trực diện với những nguy hiểm chết người ấy để nhằm nói
lên sự thật đã phản ánh nhân cách sống thật cao cả của bà: Sống là
sống cho ngay thẳng, cho tử tế, cho thật với lòng mình, cho dẫu có chết
cũng không có gì đáng sợ. Thử hỏi trong cái xã hội VN hiện tại, nơi mà
cả sự đểu cáng, sự giả dối và sự đớn hèn đã lên ngôi, thì còn có bao
nhiêu người dám nghĩ và sống như bà.
Sự ngưỡng mộ mà tôi dành cho bà còn nằm ở lòng yêu nước, thương nòi, thương dân tộc rất đỗi đậm sâu, chân thành và thực tế của bà. Tôi hoàn toàn đồng ý với bà rằng chúng ta chỉ quí trọng những ai làm lãnh đạo mà làm cho đất nước giàu, nhân dân sung sướng; còn ai không làm được điều đó thì chúng ta không thích, không quý trọng được. Làm lãnh đạo mà không làm cho dân giàu, nước mạnh đã là một tội lỗi; đằng này, họ còn "hèn với giặc, ác với dân" đến thế, trong suốt những ngày tháng qua, thì trời đất nào mà chịu nổi, phải không bà? Tôi hiểu rằng, sống ngay chính giữa lòng chế độ, bà đã thấy, đã nghe, và lòng bà đã xót, đã đau lắm, cho dân mình, cho nước mình. Giá mà những kẻ lãnh đạo ấy có được, dẫu chỉ một chút thôi, cái tâm thương yêu đồng bào ruột thịt, thương yêu đất nước như cái tâm của bà!
Không chỉ là một lòng ngưỡng mộ trân trọng dành cho bà, tôi, cũng như
nhiều người con dân Việt khác, còn tri ân bà nhiều lắm - một lòng tri ân
sâu xa vô lượng. Tiếng nói chân thực phản ánh đúng sự thật của bà, bất
chấp mạng sống, ở thời điểm mà đất nước đang trong giai đoạn "dầu sôi,
lửa bỏng" bởi sự xâm lăng từng bước của bọn giặc phương Bắc như hiện
nay, có một ý nghĩa to lớn hơn bao giờ hết. Nó làm cho những con người
còn đang sợ hãi phải nhìn lại chính mình và lấy làm xấu hổ mà tự vấn
lương tâm rằng: Tại sao một người phụ nữ chân yếu, tay mềm và đã đi quá
xa hơn nửa đời người như bà, lại có thể ung dung, cất cao chính kiến
của mình như thế với toàn thể nhân loại; trong khi đó, họ lại sống đớn
hèn, lặng câm, co rúm như loài cuốn chiếu vô tri?
Nó làm cho những nhà trí thức còn đang "cuốn chiếu, trùm chăn", còn đang
phân vân cân, đo, đong, đếm giữa cái chết vinh và cái sống nhục, mỗi
khi nhìn vào trang sách, phải đối diện với cái bóng ảo của bà và câu
hỏi: Các ông học cao, hiểu rộng hơn tôi nhiều lắm mà, chẳng lẽ các ông
không hiểu được đạo làm người đối với đồng bào, với đất nước, với tổ
tiên, nòi giống hay sao? Tôi cũng thấy rõ lắm ánh mắt lấm lét, ngượng
ngùng, lảng tránh, khi đọc về bà, khi nghe về bà, của những con người u
mê, có học cũng như không, khi mà họ đã giao linh hồn cho quỉ đỏ, một
lòng tôn thờ, phù trợ cho những kẻ đang dẫn dắt đất nước, dẫn dắt nhân
dân đến bến bờ hủy diệt. Khốn nạn thay, tất cả chỉ vì bỗng lộc riêng
của "nhóm lợi ích" hay một thứ sổ hưu chết tiệt nào đó.
Bà ơi! Một lần nữa, tôi xin chân thành nghiêng mình ngưỡng mộ bà. Tôi
đã thấy trong giấc chiêm bao đêm qua, Hai Bà Trưng oai nghi của chúng ta
ngẩng cao đầu tự hào bên giòng sông Hát. Tôi đã thấy Bà Triệu của
chúng ta lại cưỡi con gió mạnh, đạp bằng sóng dữ và chém cá kình ngoài
Biển Đông. Và tôi cũng thấy trong ngục lạnh, một Tạ Phong Tần và nhiều
con người chính nghĩa khác nữa, đang mỉm những nụ cười đầm ấm lắm.
Tiếng nói của bà đã phá tan màn đêm lạnh. Rồi, tôi tin rằng các tiếng
nói tiếp theo sẽ lần lượt được cất lên. Và khi nào mà cả hơn 80 triệu
con tim chúng ta cùng chung một tiếng nói, thì đó là ngày cáo chung của
những gì phải cáo chung, là ngày mà "cái đất nước này sẽ hòa nhập được
với thế giới, tốt đẹp hơn, giàu có hơn, và dân không khổ nữa", theo đúng
như ý của bà muốn đó, thưa bà.
11/01/2013
Jeffrey Thai
Copy từ: Dân Làm Báo
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét