Bút chiến trên mạng, tại sao không?
Phát biểu tại hội nghị công tác Tuyên giáo toàn quốc
diễn ra sáng nay 9/1/2013, ông Hồ Quang Lợi, Trưởng ban Tuyên giáo
thành ủy Hà Nội nói: "Đã tổ chức đội ngũ 900 dư luận viên trên toàn
thành phố nhằm phát huy sức mạnh của đội ngũ tuyên truyền miệng. Trong
khi đó, báo chí thủ đô thực hiện ý kiến chỉ đạo về những vụ việc nhạy
cảm; thành lập các tổ phóng viên bấm nút, phản ứng nhanh. Tổ chức “nhóm
chuyên gia” đấu tranh trực diện trên mạng internet, tham gia bút chiến
trên internet. Đến nay, đã xây dựng được 19 trang tin điện tử, hơn 400
tài khoản trên mạng (Zich)”
Một thông tin khá bất ngờ, tạo cho tôi cảm giác thích thú.
Tuy nhiên, không biết 19 trang tin điện tử và hơn 400 tài khoản mạng mà
ông Lợi nói đã được lập với vai trò “tham chiến” kia là những trang
nào, công khai hay nặc danh?
Đó là riêng Hà Nội, còn các địa bàn khác hoặc cấp trung ương, bộ ngành
chuyên trách cao hơn có không, bao nhiêu, công khai hay che núp dưới
những cái tên kiểu “quan, vua, chúa, tướng, dân, thợ thầy” làm báo ba
sàm bá láp hoặc "đồng chí X, Y, Z…” nào đó?
Bởi nếu không công khai tên tuổi cá nhân (hoặc tổ chức) như trang web
của tôi (http://truongduynhat.vn) thì đó là việc làm mờ ám, không trong
sáng và đặc biệt là vi luật. Nó không đáng có và không được phép ở một
chính quyền đàng hoàng, minh bạch.
Nếu vậy, nó chẳng khác nào blog “Quan làm báo” và những trang
blog/website ẩn danh khác đang công kích đả phá chế độ mà chính ông Lợi,
ngành Tuyên giáo và chính quyền đang lên án.
Còn nếu tất cả 19 trang tin điện tử cùng hơn 400 tài khoản trên mạng
kia là chính danh, công khai tên tuổi địa chỉ và danh vị thật, đường
đường chính chính thì chẳng những không nên phê phán mà ngược lại, tôi
xem đó là một động thái nên làm và đáng biểu dương.
Lâu nay, tôi vẫn luôn phê phán chính quyền và hệ thống tuyên giáo- báo
chí truyền thông chính thống ở điểm này. Rằng đáng ra phải công khai mọi
sự, công khai thông tin, công khai tranh luận thì chính quyền và cả một
hệ thống tuyên giáo- báo chí truyền thông chính thống lại luôn cho là
nhạy cảm, chọn cách im lặng né tránh. Báo chí mà cứ ngại chuyện nhạy
cảm, nhạy tí là né tránh, thậm chí Ban Tuyên giáo luôn chỉ đạo ngưng
hoặc tránh vì lý do “nhạy cảm”. Đó là một lối tư duy rất cổ lỗ, lạc hậu
kiểu đầu đất. Nhạy cảm mới cần báo chí, không nhạy cảm, vớ va vớ vít
toàn mấy chuyện không đâu, hoặc đâm chém, hiếp dâm, cởi áo tụt quần thì
cần báo chí làm gì?
Tôi hay ví đó là cách nhường thế trận truyền thông cho… “địch”.
Hãy công khai tranh luận một cách chính danh quân tử, thay vì sử dụng
những biện pháp kỹ thuật lén lút cướp phá không khác gì bọn hacker, hoặc
chụp mũ chính trị và kết án một cây bút chỉ vì những bài viết góp ý,
phê bình phản biện của họ. Trước một thông tin, trước một tác phẩm, một
bài viết, một cây bút, một góp bàn phản biện, chỉ được phép dùng chính
phương cách truyền thông “tham chiến”, chứ không được phép dùng đến cái
còng số 8, nòng súng và nhà giam.
Cái nghĩa bút chiến truyền thông là ở đó. Và tôi luôn mong đợi, phấn khích điều này.
“Bút chiến trên internet”- nói như ông Hồ Quang Lợi- tại sao không?
Copy từ: Trương Duy Nhất
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét