(
Đọc cuốn “ Ảnh hưởng qua lại giữa đạo
Công giáo
và văn hóa Việt Nam” của TS. Phạm Huy Thông)
PGS.TS Đỗ Lan Hiền
Đạo
Công giáo không phải là một đề tài mới ở Việt Nam. Đã có rất nhiều người nghiên
cứu về nó, khen chê nó dưới nhiều góc độ khác nhau. Nhưng đọc cuốn “ Ảnh hưởng qua lại của đạo Công giáo và văn
hóa Việt Nam” của TS. Phạm Huy Thông do Nhà xuất bản Tôn giáo vừa ấn hành
tháng 11-2012 ( dưới đây gọi tắt là “ Ảnh
hưởng qua lại”) vẫn đem lại cho tôi nhiều cảm nhận mới về tôn giáo này.
Trước hết,
đây là cuốn chuyên luận được nhìn dưới lăng kính triết học. Tác giả không hề
dùng khái niệm “ biện chứng triết học”
nhưng cách xem xét biện chứng, phương pháp biện chứng hiển thị rõ ràng trong từng
trang sách. Ngay tên cuốn sách đã cho thấy tác giả muốn mổ xẻ sự tương tác biện
chứng giữa hai đối tượng: đạo Công giáo và văn hóa Việt Nam. Một vài tác giả
khi trình bày vấn đề này thường chỉ thấy một chiều, nghĩa là chỉ thấy được mặt
tích cực hoặc tiêu cực nhằm minh giáo, hộ giáo hoặc phủ nhận đạo Công giáo. Cuốn
“ Ảnh hưởng qua lại” đã vượt qua được
những thái cực đó để có cái nhìn khách quan trung thực hơn và cũng rất “triết học”
khi nhận xét: “Rõ ràng, khi đạo Công giáo
đóng dấu ấn của mình lên văn hóa Việt thì văn hóa Việt Nam cũng choàng trang phục
dân tộc lên đạo Công giáo. Đây là sự tương tác biện chứng hai chiều và kết quả
là làm phong phú cả hai” ( tr.18). Như vậy, không chỉ văn hóa Việt có lợi
được làm giàu mà đạo Công giáo cũng được đổi mới mình để trở thành “đạo Công giáo Việt Nam chứ không phải là đạo
Công giáo ở Việt Nam” (tr.124).
Những
ai dã học triết học biện chứng đều biết rõ, chẳng có sự vật nào đơn độc một
mình. Nó luôn bị chi phối, tác động của nhiều yếu tố. Cũng chẳng có sự vật nào
tác động đơn phương, một chiều. Bởi vậy, đạo Công giáo ảnh hưởng đến văn hóa Việt
Nam, đóng dấu ấn lên văn hóa Việt thì văn hóa Việt cũng ảnh hưởng trở lại, biến
đổi đạo Công giáo đến từ phương Tây xa lạ, trở thành một tôn giáo gần gũi với
văn hóa dân tộc. Hơn nữa, ảnh hưởng của đạo Công giáo với văn hóa Việt cũng
không hẳn hoàn toàn chỉ có mặt tích cực. Dân gian vẫn thường nói: hoa hồng nào
chẳng có gai và huân chương nào cũng có hai mặt. Đạo Công giáo cũng thế. Nó có
nhiều đóng góp tích cực với văn hóa Việt Nam như tác giả đã trình bày khá thuyết
phục từ trang 21 đến trang 98, khó có thể bác bỏ, thì mặt tiêu cực của nó cũng
được tác giả chỉ ra từ trang 98 đến trang 120, cũng rất thuyết phục người đọc.
Nội
dung của cuốn “ Ảnh hưởng qua lại”
cũng đem lại nhiều tri thức mới cho độc giả.
Cuốn
sách ngoài phần mở đầu và kết luận, được chia làm 3 chương. Chương 1 có tên gọi:
“ Dấu ấn của đạo Công giáo trong văn hóa
Việt Nam”. Chương này chủ yếu trình bày những đóng góp của đạo Công giáo với
văn hóa Việt. Về vấn đề này, rải rác đây đó cũng có tác giả, tác phẩm đề cập tới
nhưng cuốn “ Ảnh hưởng qua lại”, có lẽ
là tác phẩm lý giải hệ thống đầy đủ nhất. Có 4 nhóm đóng góp của đạo Công giáo
được ghi nhận: là cầu nối giao lưu văn hóa Việt Nam và thế giới; sáng tạo ra chữ
Quốc ngữ; làm phong phú văn hóa Việt qua lễ hội, văn học, nghệ thuật, báo chí
Công giáo và giáo lý Công giáo góp phần xây dựng lối sống lành mạnh trong xã hội.
Có vấn
đề không mới, đã được nghe nói nhiều lần như việc sáng tạo ra chữ Quốc ngữ
nhưng tác giả cuốn “ Ảnh hưởng qua lại”
vẫn đưa ra những thông tin mới hấp dẫn. Chẳng hạn, mặc dù xây dựng và truyền bá
chữ Quốc ngữ, nhưng đạo Công giáo vẫn là nơi lưu truyền các ấn phẩm Hán- Nôm,
các trường Công giáo vẫn buộc chủng sinh phải học Hán tự. Hay bàn về danh nhân
văn hóa Công giáo Nguyễn Trường Tộ (1830-1871), tác giả không chỉ nói đến lòng
yêu nước, tư tưởng canh tân mà còn đưa
ra nhận xét táo bạo: “Nguyễn Trường Tộ
không chỉ là nhà cải cách có lòng yêu nước, ông còn là một triết gia lớn ở Việt
Nam thế kỷ XIX” ( tr.69). Một vài học giả cả trong và ngoài nước vẫn cho rằng
ở Việt Nam không có triết học nên cũng không có triết gia mà chỉ có nhà tư tưởng.
Điều này không đúng. Phương Tây cũng không tự nhiên có hệ thống triết học đồ sộ
như ngày hôm nay. Họ cũng phải xây đắp, nhặt nhạnh những tư tưởng triết học của
từng cá nhân. Một câu nói “ Người ta
không thể tắm hai lần ở một dòng sông” của Heraclit ( 544-483 tr CN) chưa
thể xây dựng thành trường phái biện chứng triết học nhưng từ những tư tưởng đó nó
đã hình thành. Vậy tại sao phát hiện của Nguyễn Trường Tộ từ cuối thé kỷ XIX: “
Ánh sáng cũng là vật chất trong vũ trụ”
(tr.71) lại không thể coi ông là một triết gia?
Chương
2: “Ảnh hưởng của văn hóa Việt Nam với đạo
Công giáo ở nước ta” là khám phá có ý nghĩa nhất của cuốn sách. Đây đó đã
có tác giả nói đến quá trình Việt hóa đạo, hội nhập văn hóa dân tộc nhưng cho
đó là kết quả của “ sự nhập gia tùy tục” hay là để đạo Công giáo tồn tại chứ
không phải là do sự ảnh hưởng của văn hóa Việt. Tác giả, không phủ nhận sự canh
tân, đổi mới của Vtican II đối với sự thay đổi của giáo hội Công giáo Việt Nam nhưng
rõ ràng sự tác động của văn hóa Việt đã trực tiếp làm biến đổi đạo Công giáo cả
trên hai phương diện là hội nhập văn hóa dân tộc và đồng hành cùng dân tộc. Những
bài học đau xót trong lịch sử dưới triều Nguyễn về sự phản ứng của xã hội, văn
hóa Việt với đạo Công giáo khi tôn giáo này bác bỏ việc thờ cúng tổ tiên đã buộc
các nhà truyền giáo ở Việt Nam phải thay đổi thái độ về vấn đề này trước cả khi
Vatican ban hành Huấn dụ Plane compertum est ngày 8-12-1939 cho
phép người Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên được thờ cúng tổ tiên bằng hương
hoa (tr.144).
Chương
3, tác giả vạch ra xu hướng của mối quan hệ giữa đạo Công giáo và văn hóa dân tộc
trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế hiện nay. Vẫn còn có những khác biệt
trong một số điểm giữa giáo lý và chính sách, thậm chí có cả chống đối ở nơi
này, chỗ kia nhưng cái tương đồng đã hiện hữu nhiều hơn và đang được vun đắp bằng
sự chung tay của cả cộng đồng trong nước, bà con người Việt ở nước ngoài và cả
thiện chí của Tòa thánh Vatican nên tác giả đã đủ cơ sở để khẳng định: “ Sống Phúc âm giữa lòng dân tộc” là xu hướng
tất yếu của mối quan hệ qua lại giữa đạo Công giáo và văn hóa Việt Nam”
(tr.263).
Do tham
khảo được nhiều tài liệu nhất là từ phía giáo hội và được cập nhật suốt lịch sử
đạo Công giáo từ khi nó có mặt ở Việt Nam đến nay, nên cuốn “ Ảnh hưởng qua lại” đem lại cho người đọc
nhiều thông tin mới. Đạo Công giáo ở Việt Nam có hàng chục tên gọi , tác giả đã
giành hẳn 4 trang (21-24) để làm rõ nguồn gốc từng tên gọi và đề nghị nên gọi
là đạo Công giáo mặc dù trong nhiều sách báo và cả trên chứng minh thư mục tôn
giáo vẫn ghi “ Thiên Chúa giáo”,
nhưng tác giả cho rằng ghi như thế là không chính xác cả về khoa học cũng như
thực tế vì ở Việt Nam không có “ Thiên
Chúa giáo” mà chỉ có “ Công giáo”
mới được Nhà nước công nhận tư cách pháp nhân năm 1980 mà thôi (tr.25). Có khái
niệm nghe rất quen : “ làng xôi đỗ”
nhưng tác giả đưa ra cách giải thích lý thú: “ Gạo nếp xôi không thể ngon bằng khi có đỗ. Nó vừa có hương thơm của nếp,
vị bùi của đỗ xanh. Một món ẩm thực rất Việt. Khái niệm này đã nói lên sự gắn kết,
hòa quyện từ bao đời tuy không cùng tôn giáo nhưng cùng chung một giếng nước đầu
làng, một mái đình rêu phủ”. Chính cái tình “ làng xôi đỗ” đã tạo ra bầu khí an bình ở Việt Nam dù cũng có rất
nhiều tôn giáo nhưng không có máu đổ vì lý do khác tôn giáo thậm chí cùng tôn
giáo như ở đó đây trên trên thế giới.
Mặc dù
là chuyên luận nhưng người đọc không cảm thấy khô khan khi đọc hết 320 trang
sách. Với cách tiếp cận triết học- văn hóa, cuốn “ Ảnh hưởng qua lại” đã chỉ ra những đóng góp của đạo Công giáo “với đất nước, với dân tộc trong suốt chặng
đường lịch sử dựng nước và giữ nước” (tr.299) đồng thời cũng “ chỉ ra rằng, chỉ có đi với dân tộc, tôn giáo
này mới có sức sống và có nhiều đóng góp cho quê hương” (tr.286). Đó cũng
là cái nhìn mới về tôn giáo này và cuốn “ Ảnh
hưởng qua lại” sẽ là cuốn sách công cụ cho tất cả những ai muốn tìm hiểu,
nghiên cứu về đạo Công giáo. Đúng như lời Giám mục Nguyễn Văn Sang- nguyên Phó
Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội đồng GMVN đã viết trong lời giới thiệu: “ Cuốn sách của TS. Phạm Huy Thông hẳn sẽ là
chuyên luận thích thú không chỉ với giới nghiên cứu mà cả độc giả trong và
ngoài Công giáo” (tr.8).
Ước
mong sẽ có nhiều cuốn sách như thế của chính tác giả và các nhà nghiên cứu
trong tương lai.
PGS TS Đỗ Lan Hiền
Học viện CT-HC Quốc gia HCM Copy từ: Huỳnh Ngọc Chênh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét