CHƯA TỐT NGHIỆP TRƯỜNG ĐỜI.

Thứ Tư, 19 tháng 12, 2012

Không cho đi Mỹ nhận giải nhân quyền?



Huỳnh Thục Vy
Huỳnh Thục Vy từng bị bắt giữ và chất vấn hồi tháng Bảy vì biểu tình chống TQ
Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam lên tiếng về vụ ông Huỳnh Trọng Hiếu không được cho xuất cảnh sang Mỹ để nhận giải thưởng Tổ chức nhân quyền Thế giới trao cho bố - nhà báo tự do Huỳnh Ngọc Tuấn và chị gái - blogger Huỳnh Thục Vy.
Đại sứ quán Mỹ, trong thông cáo gửi cho truyền thông bằng hai tiếng Anh và Việt hôm 18/12 cũng nhấn mạnh các hành động hạn chế tự do ngôn luận như vậy không phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế.
Hoa Kỳ đồng thời thúc giục chính phủ Việt Nam bãi bỏ những hạn chế đi lại với ông Hiếu và thực hiện các bước đi để cho phép gia đình ông và mọi người Việt Nam được bày tỏ quan điểm của mình một các ôn hoà mà không sợ bị trả thù.
Trả lời phỏng vấn BBC ngày 18/12, blogger Huỳnh Thục Vy cho biết từ đầu tháng 9, Tổ chức nhân quyền Thế giới đã liên lạc với gia đình cô qua email, thông báo việc cả cô và bố mình đạt tiêu chuẩn nhận giải thưởng Hellman - Hammet năm 2012 kèm khoản tiền trợ cấp 11 nghìn đôla.

'Vi phạm hành chính'

Gia đình blogger này sau đó đã ủy quyền cho em trai của Huỳnh Thục Vy là Huỳnh Trọng Hiếu thay mặt hai người sang Mỹ nhận giải thưởng này.
"Ông Tuấn và bà Vy đã được trao giải vì đã thực hiện quyền tự do ngôn luận một cách ôn hòa thông qua một loạt các bài báo trực tuyến"
Ngày 3/12, lãnh sự quán Mỹ tại thành phố Hồ Chí Minh đã hoàn tất việc cấp visa thời hạn một năm cho ông Hiếu để hỗ trợ việc xuất cảnh nhận giải.
Tuy nhiên, theo gia đình cho biết, tối 16/12, nhân viên tại sân bay đã tịch thu hộ chiếu và vé máy bay của ông Hiếu.
Hải quan, công an thành phố Hồ Chí Minh và an ninh tỉnh Quảng Nam sau đó đã có mặt để làm việc với ông.
Huỳnh Thục Vy nói lý do bị chặn xuất cảnh, mặc dù không được ghi ra biên bản nhưng được phía an ninh tỉnh Quảng Nam nói miệng là do ông Huỳnh Trọng Hiếu chưa giải quyết khoản phạt 85 triệu do 'vi phạm hành chính'.
Blogger Vy: Phản ứng người dân không có tác dụng
Blogger Huỳnh Thục Vy nói về việc em trai bị ngăn xuất cảnh để thay mặt cô và bố nhận giải từ Human Right Watch
Theo lời của blogger này, năm 2010, ông Hiếu đã bắt đầu viết những bài viết đăng tải trên mạng chỉ trích chế độ cầm quyền.
Đến tháng 11 năm 2011, công an đã thực hiện khám xét nhà nơi gia đình cô Vy và tịch thu nhiều tài sản, phương tiện thông tin liên lạc.
Một tháng sau đó, cả ba bố con cô đều nhận được giấy quyết định xử phạt hành chính về lĩnh vực công nghệ thông tin với lý do "viết bài chống Đảng, chống Nhà nước, phá hoại đoàn kết dân tộc" tổng cộng là 270 triệu đồng, trong đó riêng ông Hiếu là 85 triệu đồng.
Vy cũng nói thêm gia đình cô sau đó đã làm đơn khiếu nại lên ông Lê Phước Thanh, chủ tịch Ủy ban Nhân Dân tỉnh Quảng Nam, người đã cho ra quyết định này. Tuy nhiên đơn khiếu nại này đã bị bác bỏ bởi thanh tra tỉnh Quảng Nam.
Chính quyền Việt Nam bị Tổ chức Theo dõi Nhân quyền lên án vì hoạt động tăng cường đàn áp tiếng nói bất đồng chính kiến những năm gần đây
Vào tháng hai năm nay, tỉnh Quảng Nam đã ra thêm quyết định cưỡng chế tài sản cá nhân đối với gia đình cô Vy để bù vào khoản phạt hành chính nói trên nếu gia đình cô tiếp tục từ chối nộp phạt.
Quan điểm của Hoa Kỳ sau vụ ông Huỳnh Trọng Hiếu bị cấm xuất cảnh được nêu như sau:
"Chúng tôi quan ngại về việc chính quyền Việt Nam can thiệp nhằm ngăn chặn ông Huỳnh Trọng Hiếu đi Hoa Kỳ để nhận giải thưởng Hellman Hammett của Human Rights Watch thay mặt cho cha mình là ông Huỳnh Ngọc Tuấn và chị mình là Huỳnh Thục Vy,"
"Ông Tuấn và bà Vy đã được trao giải vì đã thực hiện quyền tự do ngôn luận một cách ôn hòa thông qua một loạt các bài báo trực tuyến."
Được sáng lập vào năm 1989, giải thưởng Hellman - Hammet của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền có mục đích giúp đỡ những cây bút nằm trong tầm nhắm của chính quyền vì bày tỏ quan điểm bất đồng chính kiến, chỉ trích các quan chức chính phủ hoặc viết về các chủ đề mà chính phủ nước họ không muốn được công bố trước dư luận.
Trong vòng 22 năm qua, hơn 700 cây bút khắp thế giới đã được nhận giải thưởng này.



Copy từ: BBC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét