Ý NIỆM VỀ KHÍ
Đối với người Tây phương, "Khí"
được hiểu bằng những danh từ như: Energy, Vital Energy, Life Force, Bio-Force,
Electromagnetism... Cũng như "Animal Magnetism" ở Úc châu do Mesmer, "Odic
Force" ở Đức do Baronvon Reichenbach, "Orgone Energy" ở Mỹ do Wilhelm Reich, "Bioplamsm"
ở Nga Sô do Inyushin.
"Khí" (Energy) tức là năng lực,
năng lượng. Khí thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau như: Nhiệt năng, cơ năng,
quang năng, điện năng, hóa năng, năng lực tinh thần,...
Khí và vật có sự liên hệ mật
thiết với nhau. Khí cấu tạo ra vật, và cùng kết hợp với vật. Vật hoạt động sinh
ra khí. Cũng như, cơ quan có sự liên hệ mật thiết với cơ năng. Cơ năng quyết
định sự hình thành và phát triển cơ quan. Cơ quan sinh hoạt biến thành cơ năng.
Nhà khoa học Einstein đã giải thích sự liên hệ giữa khí và vật bằng phương trình
E = mc2. Năng lượng khí bằng khối lượng nhân với bình phương tốc độ ánh sáng.
Năng lượng khí và khối lượng vật chỉ là một, nhưng hai hình thức khác nhau. Khi
khối lượng vật chất bị phá hủy, kết quả sẽ sinh ra năng lượng khí được tỏa ra.
Về phương diện sinh lý, cơ thể
con người là một thể chất hóa hợp của những tế bào, phân tử, nguyên tử khác nhau.
Tùy theo những yếu tố và điều kiện sống chung quanh (như: thực phẩm, nước uống,
không khí, thời tiết, xã hội...), nguồn năng lực (khí) trong cơ thể được gia
tăng, hay bị suy giảm. Trong đời sống hàng ngày, nguồn năng lực (Khí) đóng một
vai trò rất quan trọng, trong sự liên quan mật thiết giữa cơ thể và tâm trí con
người. Cũng như, hơi thở qua việc hô hấp không khí là một yếu tố quan trọng nhất,
trong tiến trình phát sinh năng lực (Khí) con người. Qua tiến trình hô hấp không
khí, dưỡng khí (oxygen) trong không khí được gạn lọc như một nhiên liệu căn bản,
dùng đốt cháy thực phẩm, để sinh ra năng lực (khí), thán khí (carbon dioxide),
và nước, theo phương trình hoá học như sau:
Food + Oxygen ® Energy + Carbon
Dioxide + Water
(Đồ ăn) + (Dưỡng khí) ® (Năng lực)
+ (Thán khí) + (Nước)
Năng lực (khí) được sinh ra từ
phản ứng hóa học của dưỡng khí và đồ ăn, được dùng bồi dưỡng, điều hòa nhiệm vụ
não bộ, và các bộ phận trong cơ thể, cũng như, tạo nên một sức mạnh chịu đựng,
dẻo dai về thể chất lẫn tinh thần. Để có nguồn năng lực (khí) sung mãn, trong
đời sống khỏe mạnh, ngoài hai yếu tố cần thiết phải có như dưỡng khí (Oxygen) (không
khí trong lành), và thức ăn tươi tốt (đầy đủ chất dinh dưỡng), người ta cần phải
có thêm những yếu tố hỗ trợ khác, không kém phần quan trọng như: nước uống tinh
khiết, ánh sáng mặt trời, nghỉ ngơi tịnh dưỡng, tâm trí quân bình, và vận động
thể dục...
HÔ HẤP VÀ SỰ SỐNG
Hô hấp (hít thở) không khí đóng
một vai trò quan trọng nhất, trong sự sống con người. Do đó, hô hấp là để sống,
sống cần phải hô hấp, vì hô hấp tạo nên hơi thở, và nguồn sinh lực (khí) trong
con người. Nếu hơi thở chấm dứt, tiếp theo, sự chết đến ngay với con người.
Sau một công việc mệt nhọc, hay
một ngày lao tâm, lao lực, người ta áp dụng một số phương pháp hô hấp (hít thở)
không khí đúng cách. Kết quả nhận thấy cơ thể khỏe mạnh, tinh thần tươi tỉnh.
Sinh lực được phục hồi, nhờ vào sự biến năng của dưỡng khí (oxygen), được không
khí mang vào cơ thể.
Hơi thở của một người khỏe mạnh
bình thường được gọi là hơi thở tự nhiên, cần phải hội đủ bốn đặc tính: yên lặng,
thanh thản, nhẹ nhàng, và điều hòa. Hơi thở của họ biểu lộ một cách dễ dàng, nhẹ
nhàng, liên tục, không cảm thấy mệt mỏi, không bị ràng buộc bởi bất cứ điều kiện
nào, kể cả việc ý thức về hơi thở. Nói một cách khác, hơi thở khỏe mạnh tự nhiên
là hơi thở không dài, không ngắn, êm đềm, và đều đặn. Khi đạt được hơi thở như
thế, người ta cảm thấy nhận được sự khỏe khoắn, nhẹ nhàng trong cơ thể, tình cảm
an hòa, tinh thần bình tĩnh, trong một linh hồn minh mẫn.
Tuy nhiên, đối với người bệnh
hoạn, sức khỏe yếu kém, hơi thở của học thường có vẻ mệt nhọc, do sức cố gắng mà
ra. Hơi hít vào vô cùng ngắn, thở ra thường kéo dài, đôi khi, ngược lại. Những
người có hơi thở mất bình thường như thế, thể chất và tinh thần của họ trở nên
yếu đuối, đời sống tình cảm bất an, để đưa đến những nỗi lo âu, buồn nản, thiếu
ý chí kiên nhẫn, trong công việc hàng ngày. Tiếp tục như thế, trong một thời
gian lâu dài. Điều kiện sức khỏe thể chất lẫn tinh thần của họ sẽ gặp nhiều khó
khăn. Do đó, hơi thở của những người này cần được chăm sóc cẩn thận, trong lúc
tập luyện khí công. Dần dần, với thời gian, khí công có thể giúp họ phục hồi
được hơi thở tự nhiên, khỏe mạnh bình thường.
Nhịp độ thở trung bình của một
người khỏe mạnh bình thường là mười tám hơi thở (ra vào) trong một phút. Trong
tiến trình tập luyện khí công, thời gian cho mỗi hơi thở (ra vào) càng lúc cần
được kéo dài thêm. Vì vậy, khi đến giai đoan tiến bộ, học viên nên tập để nhịp
độ thở trung bình giảm xuống, nghĩa là giảm dần số lần của hơi thở (ra vào)
trong một phút.
Các nhà thiền sư, đạo sĩ thường
tập giữ cho nhịp độ thở (ra vào) từ 5 xuống tới 2 hơi thở (ra vào) trong một
phút. Với tư thế ngồi thiền tịnh tâm, họ có thể tập kéo dài trong 30 phút. Có
hai cách thông thường để giữ cho nhịp độ thở giảm xuống như: tạo nên hơi thở nhẹ
nhàng, hay đưa hơi thở sâu xuống bụng dưới (đan điền).
BỘ MÁY HÔ HẤP TRONG KHÍ CÔNG
Đối với học viên mới nhập môn khí
công, điều quan trong nhất là việc hiểu biết về sinh lý căn bản của các bộ phận
liên quan đế tiến trình hô hấp của con người như sau:
Nhiệm vụ của phổi
Bộ máy hô hấp của con người gồm
có hai lá phổi, và những bộ phận trung gian, để dẫn không khí ra vào hai lá phổi
như: mũi, miệng, yết hầu, thanh quản, khí quản và cuống phổi. Hai lá phổi được
nằm ở hai bên đường trung tuyến trong lồng ngực, và ngăn cách bởi quả tim. Lá
phổi bên phải gồm có ba thùy. Lá phổi bên trái có hai thùy.
Nơi tận cùng của ống khí quản
được tiếp nối với hai cuống phổi lớn, và các động mạch, để dẫn vào bên trong hai
lá phổi trái phải. Từ đó, hai cuống phổi lớn và các động mạch, càng vào bên
trong phổi, càng được phân chia thành nhiều chùm nhánh nhỏ dần, để dẫn đến tận
cùng những túi nhỏ chứa không khí (gọi là Khí bào).
Bên trong mỗi lá phổi, được cấu
tạo bởi vô số, khoảng 600 triệu túi nhỏ chứa không khí (Khí bào), chia thành
hiều chùm khí bào, đi song song với nhiều chùm mạch máu lớn nhỏ chằng chịt. Phổi
được cấu tạo bởi những mô mềm xốp, co dãn và có nhiều lỗ hình thức như một tổ
ong. Mỗi túi nhờ khí bào chứa đựng một phần không khí được hít vào. Từ đó, dưỡng
khí (oxygen) được thấm xuyên qua thành của các phế mao quản. Sau đó, máu hữu
dụng hóa dưỡng khí (oxygen) và thải trừ thán khí (carbon dioxide) của các phế
mao quản. Sau đó, máu hữu dụng hóa dưỡng khí (oxygen) và thải trừ thán khí
(carbon dioxide) cùng những chất cặn bã, do máu góp nhặt được trong hệ thống.
Nếu thiếu sự hiện diện của máu, những túi nhỏ khí bào sẽ bị thất thoát nguồn
dưỡng khí (oxygen), và được thay vào bằng thán khí (carbon dioxide).
Thể tích của hai lá phổi ở người
trưởng thành, trung bình chứa từ 4 đến 6 lít không khí, hoặc tương đương với số
lượng không khí được chứa trong quả bóng rổ (basketball). Nếu những mô tầng của
hai lá phổi được tráng mỏng ra trên mặt phẳng, diện tích của nó có thể phủ lên
một nửa sân chơi quần vợt.
Bên ngoài mỗi lá phổi được bao
phủ bởi mặt trong của màng phổi vững chắc. Mặt ngoài của màng phổi này được dính
vào thành trong lồng ngực. Vùng ở giữa màng phổi là một chất nước nhờn, để cho
hai lá phổi di chuyển linh động, trong lúc hít thở không khí.
Vai trò hoành cách mô
Thân người được chia làm hai phần:
phần trên là lồng ngực, phần dưới là bụng. Hai phần này được ngăn cách bởi một "Hoành
Cách Mô" (một màng thịt gân có hình nón chóp bầu). Sự co dãn của lồng ngực và
hoành cách mô đã đóng một vai trò chủ yếu trong tiến trình hít thở không khí.
Lồng ngực chứa đựng hai lá phổi
và tim, được bao phủ bởi bộ xương sườn và xương ức. Khi hít hơi vào, hai lá phổi
bắt đầu nở lớn dần dần và gây nên sự kích thích các bắp thịt liên tiếp giữa các
xương sườn. Chính các bắp thịt này tác dụng tạo nên sự di động của bộ xương sườn,
để cho lồng ngực được căng phồng lên. Do đó, bên trong lồng ngực có thêm một
khoảng trống đủ sức chứa thể tích gia tăng của hai lá phổi. Đây là loại thở bằng
ngực (hay thở trung bình), không có sự ảnh hưởng của hoành cách mô. Phần chủ yếu
là sự dãn nở lớn tối đa của lồng ngực, để đạt được một số lượng dưỡng khí
(oxygen) lớn nhất, trong một thể tích không khí tối đa ở vào vùng giữa của hai
lá phổi.
Đối với loại thở sâu (hay thở
thấp, Đan Điền), khi hít hơi vào, không khí không bị dừng lại ở vùng giữa của
hai lá phổi như nói trên, nhưng không khí được đưa sâu xuống phần dưới của hai
lá phổi. Đồng thời tạo nên một sức ép trên mặt chóp bầu của hoành cách mô, khiến
cho hoành cách mô bị đẩy thấp xuống phía bụng dưới, khoảng 4 phân (centimeters).
Động tác này tạo nên một khoảng trống, giữa mặt trên hoành cách mô và phía dưới
của hai lá phổi. Do đó, không khí gia tăng làm cho phần đáy của hai lá phổi, dãn
nở thêm xuống phía dưới. Trong khi đó, tất cả những túi nhỏ khí bào, ở vùng dưới
hai lá phổi, phải hoạt động tích cực, để có một sự dãn nở lớn gia tăng tối đa.
Được như thế, các túi nhỏ khí bào mới đạt được một thể tích tồn trữ không khí
tối đa. Điều này rất quan trọng, vì cần phải có một số lượng dưỡng khí (oxygen)
tối đa, để thay vào chỗ của số thán khí (carbon dioxide) cần được loại bỏ ra
ngoài, cũng như cần một số dưỡng khí (oxygen) để dùng vào việc tác dụng phản ứng
biến thể trong phổi.
Ngoài ra, sức ép của hoành cách
mô hướng xuống bụng dưới, đã khiến cho một số máu dư đang ứ đọng trong các nội
tạng, và màng ruột được ép dồn vào bên trong các tĩnh mạch. Cũng như, tạo nên sự
kích thích cho đôi dây thần kinh thái dương, giúp cho tâm trí trở nên thanh tịnh.
Không khí được thổ ra là buớc sau
cùng cần thiết, trong tiến trình hô hấp. Song song với không khí được thở ra,
hai lá phổi co thắt nhỏ lại dần dần, cùng lúc với lồng ngực hạ thấp xuống, vì
các bắp thịt giữa bộ xương sườn giảm dần tính kích thích, rồi trở lại bình
thường. Do đó, sức ép của hoành cách mô bị mất ảnh hưởng, rồi hoành cách mô bật
hướng lên, theo sức đàn hồi tự nhiên. Đồng thời tạo nên một sức đẩy hướng thượng,
tác động vào phần đáy của hai lá phổi, giúp gia tăng sức ép từ dưới đáy phổi,
tống mạnh không khí dơ bẩn, còn ứ đọng lại từ đáy phổi ra ngoài.
Suu
tầm từ "Khí Công Dưỡng Sinh" của Vũ Đức Hiền Âu-26/12/2007
Bài đọc thêm
Sự mầu nhiệm của phép thở bằng cơ hoành (thở bụng)
12 BÀI LUYỆN TẬP THÂN THỂ:KHÍ CÔNG - THỂ DỤC - ÐẠO DẪNCopy từ: Cao Niên Toàn Cầu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét