Phạm Chí Dũng
Hồi sinh xác chết
Từ
tháng Giêng năm 2014, một chiến dịch “đánh lên” bất động sản lại được
khởi động đồng loạt ở ba thủ phủ lớn trên phạm vi quốc gia là Hà Nội, Đà
Nẵng và Sài Gòn, sau vài lần phải nhận lấy thất bại chua chát trong hai
năm 2012 và 2013.
Một trong những phương cách
hết sức cổ điển mà các nhóm đầu cơ bất động sản và ngân hàng sử dụng lần
này vẫn là truyền thông. Không quá khó khăn để công luận nhận ra số
lượng bài viết theo cách “thị trường bất động sản có nhiều dấu hiệu phục
hồi”, “giá nhà đất bắt đầu tăng”… xuất hiện tràn lan và không cần giấu
vẻ trơ trẽn trên nhiều tờ báo in và trang mạng.
Hà
Nội – một trung tâm không chỉ về kinh tế mà ngày càng dồn dập biến động
về xã hội và chính trị – trở nên sôi động và trơ trẽn hơn cả. Chiếm gần
phân nửa số hàng tồn kho của cả nước về căn hộ cao cấp và trung cấp,
thủ đô này có thể cảm nhận tâm trạng của các đại gia nơi đây đang bén
ngọt đến thế nào nếu năm con Ngựa không thể phi mã tống táng hàng tồn và
do vậy không thể thanh lý nợ xấu cho giới chủ ngân hàng luôn cầm dao
đằng chuôi.
Như một đặc trưng thời thượng của
làng báo chí Việt Nam, một đội ngũ viết thuê đã hình thành từ Bắc vào
Nam. Nếu trước đây giới PR bất động sản này sinh sống chủ yếu trên các
tờ báo thương mại, kinh tế, thì nay đã chen chân vào cả những tờ báo
đảng loại 1 nhưng rất khó bán như Nhân Dân, Hà Nội Mới, Đại Đoàn Kết…
Thây ma biết đi
Tình
thế nền tài chính và tín dụng quốc gia đang trở nên xấu chưa từng thấy
vào đầu năm 2014, đặc biệt khi Moody’s – một hãng xếp hạng tín nhiệm có
uy tín trên thế giới – lần đầu tiên tung ra số liệu đến 15% nợ xấu trên
tổng tài sản của nền kinh tế Việt Nam. Bất chấp hành động của Ngân hàng
nhà nước cải chính “báo cáo của Moody’s chỉ có ý nghĩa tham khảo”, một
tỷ lệ mới vể nợ xấu cũng lần đầu tiên phải được thừa nhận bởi cơ quan
Việt Nam quá nhiều tai tiếng này: 9%.
Quy luật
biện chứng lịch sử cực kỳ thời thượng là không thể giải quyết được nợ và
nợ xấu nếu không xử lý được núi tồn kho khổng lồ bất động sản, và ngược
lại như một định lý đảo. Cặp bài trùng này đã hiện hình từ giữa năm
2011, khi một hãng xếp hạng tín nhiệm lớn trên thế giới là Fitch Ratings
tuyên bố tỷ lệ nợ xấu trong các ngân hàng thương mại Việt Nam là 13%,
tức gấp đến 4 lần con số chỉ hơn 3% do Ngân hàng nhà nước công bố vào
cùng thời điểm.
Đến kỳ họp quốc hội gần giữa
năm 2012, Ngân hàng nhà nước bất ngờ thừa nhận tỷ lệ nợ xấu lên đến 10%,
tức chỉ số này đã tăng đến 3 lần chỉ trong vòng chưa đầy một năm. Ngay
vào lúc đó, thị trường bất động sản đã trở nên nguy ngập với độ trơ lì
đầy kiên định của nó là vô phương cứu chữa.
Không
ai có thể hiểu được cơ quan điều hành tài chính - tín dụng và tiền tệ
cao nhất quốc gia, nếu bản thân họ cũng không ý thức được những gì đã và
đang làm. Trong tâm thế luẩn quẩn đối phó với sức ép của công luận, chỉ
một thời gian ngắn sau tỷ lệ nợ xấu lại được Ngân hàng nhà nước kéo
xuống 8%, rồi còn 6%. Nhưng với tất cả các đại biểu Quốc hội nặng thói
quen đọc báo cáo do người khác cung cấp, vẫn không có gì đáng ngạc nhiên
khi toàn bộ số liệu của Ngân hàng nhà nước đã không cần kèm thuyết minh
hoặc một cơ sở tối thiểu nào cho hai chiều lên - xuống về tỷ lệ nợ xấu.
Hiểu ẩn ý hơn, có lẽ đây là một trong những cơ quan có biệt tài giấu
diếm đến tận cùng hoạt động số liệu, cùng lúc đẩy Việt Nam vào một trong
những vị trí tồi tệ nhất trong bảng xếp hạng của Tổ chức Minh bạch quốc
tế.
Ngay cả con số đầy bất ngờ về tỷ lệ nợ xấu
lên đến 35-37% do Ủy ban giám sát tài chính quốc gia – một trong những
cơ quan tư vấn của Chính phủ – đột ngột công bố vào giữa năm 2013, cũng
không thể làm tình trạng minh bạch sáng sủa hơn. Nhưng đến lúc này, hiện
thực nguy hiểm đã tỏ rõ thế nan nguy cận kề của nó: với độ chênh đến 6
lần giữa báo cáo của hai cơ quan cùng hệ thống nhà nước, người ta có thể
mường tượng một cuộc khủng hoảng tài chính - tín dụng và cả mối xung
đột phe nhóm có thể nổ ra ở Việt Nam trong những ngày tháng không quá xa
xôi, tái hiện hình ảnh cuộc khủng hoảng tương tự ở Thái Lan vào năm
1997.
Cần nhắc lại, nếu trước cuộc khủng hoảng
tài chính 1997, tỷ lệ nợ xấu chỉ được người Thái báo cáo có 5%, thì sau
khi khủng hoảng bùng phát, giới quan sát đã kinh ngạc trước tỷ lệ nợ xấu
thực ở quốc gia này lên đến 50%, tức gấp chẵn 10 lần!
Với
trường hợp Việt Nam, mặc dù vẫn còn trong giai đoạn cố gắng che giấu sự
thật, nhưng một sự thật khác không thể phủ nhận là trong suốt ba năm
qua đã không thể giải quyết khúc xương lớn nhất thuộc về thị trường nhà
đất. Gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng là một ví dụ rất tiêu biểu, khi qua 9
tháng khuyến dụ mới giải ngân được vỏn vẹn 3%.
Trong
khi đó, dấu hiệu sức mua cạn kiệt vào tết nguyên đán 2014 lại như một
điềm báo rất xấu đối với sức tiêu thụ nhà đất. Giảm đến 40-50% so với
tết năm ngoái, lực cầu thị trường tiêu dùng đang làm nên một cơn chấn
động về thiểu phát và có thể cả giảm phát. Tình hình đó chắc chắn đang
phản ánh trạng thái “trơ” của không chỉ thị trường hàng hóa nói chung mà
còn với cả thị trường bất động sản đang quá thiểu năng trí tuệ này.
Làm
thế nào có thể tiêu thụ ít nhất 100.000 căn hộ trung cấp và cao cấp
đang oằn mình trong nắng gió ở Hà Nội và Sài Gòn? Làm thế nào để vào
giữa năm 2014 hoặc cùng lắm đến đầu năm 2015, các con nợ đại gia bất
động sản có thể đẩy được hàng, dù chỉ một phần, để trả nợ cho các ngân
hàng chủ nợ, để các ngân hàng mới có thể “phân loại nợ xấu và trích lập
dự phòng rủi ro” như một đòi hỏi theo tinh thần “sống chết mặc bay” của
Ngân hàng nhà nước?
Tầng cuối địa ngục
Trong
thế tuyệt vọng, nhóm lợi ích ngân hàng ôm tài sản thế chấp bất động sản
đang cố tung ra con bài cuối cùng vào năm nay. Chiến dịch “đánh lên”
bất động sản thậm chí còn được khoa trương bởi một thông tin sốt dẻo úp
mở mới được tung ra vào những ngày gần đây: sẽ có gói kích cầu lên đến
100.000 tỷ đồng dành cho thị trường này!
100.000
tỷ nào? Và tiền ở đâu ra? Hẳn giới đầu tư luôn bị thất vọng ở Việt Nam
vẫn không quên sự kiện là vào cuối năm 2012 và sang nửa đầu năm 2013,
những quan chức có tầm cỡ của Bộ Xây dựng như Thứ trưởng Nguyễn Trần
Nam, cùng một dàn “chuyên gia lợi ích” đã liên tục “tiết lộ” về gói kích
cầu lên đến 180.000 - 200.000 tỷ đồng cho bất động sản. Tuy thế cuối
cùng thị trường khốn quẫn này vẫn không nhận ra bóng dáng của bất kỳ gói
kích thích nào. Thậm chí, ngay cả vốn lưu động mà Ngân hàng nhà nước
thường rót cho các ngân hàng thương mại vào dịp tết cũng gần như biến
mất vào tết nguyên đán năm 2014.
Cô kiệt về
nguồn vốn mới đang là tình thế thảm thương mà nhóm lợi ích ngân hàng
không làm cách nào lay động được độ trơ của thị trường bất động sản. Núi
tiền mặt vẫn dày ngộn trong két sắt Ngân hàng nhà nước và một số ngân
hàng thương mại cổ phần, nhưng dấu chấm bi đát cùng tắc biến là nó lại
không thể biến hóa vào thị trường lưu thông theo bất kỳ ý nghĩa sinh lợi
nào. Tình hình đó càng lộ rõ triển vọng tắc nghẹn khi một chuyên gia PR
tiết lộ một cách trần trụi: toàn bộ con số 100.000 tỷ đồng của “gói
kích cầu” bất động sản không hề là “tiền tươi thóc thật” như giới đầu tư
và tiêu dùng mong ngóng, mà chỉ là tiền được tạo ra bởi trái phiếu đặc
biệt của Chính phủ.
Sẽ không có gì để bàn cãi về
tính tác dụng của trào lưu phát hành trái phiếu, nếu tự thân nó không
hàm chứa những thất bại hiển nhiên đã được thực chứng. Vào giữa năm
2013, kế hoạch phát hành 600 triệu USD trái phiếu chính phủ để cứu tập
đoàn Vinashin đã không thể chứng nhận được bất cứ một nguồn tiêu thụ
nào. Vậy với một thị trường bất động sản và cả hệ thống ngân hàng đã quá
suy mòn niềm tin chính sách và cả niềm tin chính thể, làm sao có thể
tống táng trái phiếu để lấy tiền cứu giới tồn kho?
2014.
Kịch bản “phục hồi kinh tế” đang cố gắng được lặp lại những gì của năm
2009, tức cho thị trường chứng khoán sôi trào và kích thích tâm lý phục
hồi giả dối đối với người dân và các nhà đầu tư. Tuy nhiên, khác hẳn với
năm 2009 là lúc mà ngân sách nhà nước còn đủ 8,5 tỷ USD đổ ra cho một
gói kích thích, trong hai năm 2012 và 2013 đã hoàn toàn chẳng có một
định dạng nào cho gói kích cầu. Cũng bởi thế và cùng với độ trơ hiện hữu
của thị trường bất động sản, cho dù chỉ số chứng khoán Việt Nam đang cố
tình được đẩy lên gấp đôi độ tăng của thị trường chứng khoán Mỹ, vẫn
quá khó có hy vọng là thị trường này sẽ tạo ra được hiệu ứng “bình thông
nhau” với lực cầu trên thị trường bất động sản.
Thậm
chí với thị trường chứng khoán Việt Nam, đặc tính vô cùng không minh
bạch của nó cộng với thói quen “cờ bạc quen tay” của không ít kẻ chỉ
muốn móc tiền từ túi người khác càng biến thị trường này thành một cơn
chao đảo nóng lạnh cực kỳ bất thường. Không còn là tâm điểm để giải
quyết hàng tồn kho, chứng khoán và cổ phiếu chỉ là liệu pháp cuối cùng
để các nhóm lợi ích ngân hàng và bất động sản dùng để kích động tâm lý
và sức mua đối với thị trường nhà đất. Bởi vậy nhiều khả năng là nếu độ
trơ của thị trường bất động sản vẫn hoàn toàn lì lợm trong nửa đầu năm
2014, người ta sẽ chứng kiến một cú bổ nhào cay đắng của các chỉ số
chứng khoán.
Dùng thị trường đầu cơ để tạo ra
những ảo ảnh về phục hồi nền kinh tế – đó là cơn bĩ cực khôn nguôi của
một nền kinh tế bị nạn cờ bạc và tham nhũng ăn vào tận xương tủy trong
suốt hơn hai chục năm qua.
Toàn thể cơn bĩ cực
như thế thuộc về “thành tích điều hành” của Chính phủ. Nhưng đáng phẫn
nộ hơn, nó đổ lên đầu người dân toàn bộ đống rác thải của một thứ chủ
nghĩa tư bản dã man trong nền kinh tế thị trường độc quyền “định hướng
xã hội chủ nghĩa” theo ngôn ngữ và sở thích độc trị của Đảng.
P. C. D.
Tác giả gửi trực tiếp cho: Bauxite Việt Nam..................
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét