Tám công dân bị giam oan cùng với thời điểm diễn ra việc điều tra, truy tố và xét xử ông Nguyễn Thanh Chấn (năm 2003-2004). Một người trong số đó đã chết trước khi được tuyên vô tội
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động ngày
8-11, luật sư Hà Đăng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, cho biết đó là vụ trộm
cắp tượng, cổ vật ở nhiều đình, chùa trên địa bàn tỉnh Bắc Giang trong
khoảng thời gian từ tháng 6-2001 đến tháng 7-2003. Cơ quan tố tụng tỉnh
Bắc Giang cáo buộc 8 người gây ra hàng loạt vụ trộm cắp này.
Những ngày ngồi tù oan vẫn ám ảnh ông Dương Phúc Thịnh đến bây giờ
Tiếp xúc với chúng tôi, ông Dương Phúc Thịnh (ngụ quận Đống Đa, Hà Nội; 1 trong 8 người bị cáo buộc) cho biết việc bị tạm giam gần 1.000 ngày ở trại giam Kế (tỉnh Bắc Giang) và liên tục phải dự các phiên tòa vẫn ám ảnh ông đến bây giờ. Đang là một nghệ nhân cây cảnh “đắt khách”, ông Thịnh bỗng dưng bị bắt tạm giam. “Có lẽ chưa có vụ án nào mà lúc ra tòa, cả 8 “đồng phạm” đều không hề quen biết nhau như thế. Tôi bị đánh đập đủ kiểu, bị ép ký vào lời khai soạn sẵn” - ông Thịnh nhớ lại.
Trải qua 3 phiên tòa, các HĐXX vẫn không thể buộc tội ông Thịnh cùng những “đồng phạm” vì thiếu chứng cứ. Tại phiên tòa lần thứ 4 diễn ra vào tháng 6-2006, TAND tỉnh Bắc Giang đã phải tuyên cả 8 bị cáo vô tội và trả tự do ngay tại tòa. Nhưng trước đó, ông Phan Hữu Hường đã chết bất thường trong trại tạm giam Kế với kết luận bị bệnh (?!).
Gian nan đòi xin lỗi, bồi thường
Sau khi được tạm tha năm 2006, suốt 2 năm, 7 công dân bị truy tố oan phải gõ cửa các cơ quan công quyền tỉnh Bắc Giang và cấp trung ương để yêu cầu xin lỗi, bồi thường theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, phải đến tháng 7-2008, VKSND tỉnh Bắc Giang mới tiến hành xin lỗi các công dân trên ở nơi cư trú và thỏa thuận mức bồi thường.
“Khi ký nhận tiền ở VKSND tỉnh Bắc Giang, tôi được biết mọi người được bồi thường theo Nghị quyết 388 lúc bấy giờ, lấy mức lương tối thiểu là 600.000 đồng/tháng. Mỗi người chỉ được nhận mấy chục triệu đồng bồi thường cho hơn 2 năm bị giam oan. Tôi kiện ra TAND quận Long Biên (Hà Nội) thì mức bồi thường mới được thỏa thuận là 300.000 đồng/ngày. Tổng số tiền tôi được bồi thường là 300 triệu đồng, cao nhất trong 7 người” - ông Thịnh nhớ lại.
Tuy nhiên, số tiền ấy không đủ bù đắp cho uy tín đã mất, vốn liếng
gầy dựng trước đây không còn, sức khỏe giảm sút nghiêm trọng sau những
trận đòn đau và nhất là sau khi trở về, vợ chồng ông đã ly hôn vì những
nghi kỵ, thiếu cảm thông. “Mình là người đàng hoàng (ông Thịnh từng
nhiều năm phục vụ trong quân đội - PV) nhưng giờ đi làm ở đâu người ta
cũng rỉ tai bảo nhau: “Thằng này đi tù về” nên làm việc gì cũng khó. Tòa
án đã tuyên vô tội, viện kiểm sát cũng tổ chức xin lỗi rồi nhưng cái
“án” bị giam 1.000 ngày không sao gột rửa được” - ông Thịnh nói và cho
biết những công dân khác “dính” tới vụ việc đó cũng khốn khổ như ông.
Đều “tố” bị ép cung
Có một điểm rất trùng hợp giữa vụ án ông
Nguyễn Thanh Chấn (thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc
Giang) bị kết tội “Giết người” và 8 công dân bị truy tố oan trong vụ
trộm cắp cổ vật là trong các phiên tòa do TAND tỉnh Bắc Giang xét xử, họ
đều nói bị ép cung, dùng nhục hình trong quá trình giam giữ, lấy lời
khai. Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động bên lề Quốc hội ngày
8-11, một chuyên gia tư pháp cho rằng việc điều tra, truy tố, xét xử ông
Nguyễn Thanh Chấn và truy tố oan 8 công dân trong vụ trộm cắp cổ vật
diễn ra trong cùng khoảng thời gian từ năm 2003- 2004. “Có thể cùng một
ê-kíp điều tra, truy tố, xét xử. Điều đó cho thấy năng lực của nhiều cán
bộ cơ quan tố tụng, xét xử tỉnh Bắc Giang thời gian đó có vấn đề. Tôi
cho rằng ngoài xem xét trách nhiệm của những người liên quan, còn phải
xem xét lại các vụ án đã được những người này xét xử, tuyên án và đang
bị người dân khiếu kiện, kêu oan” - chuyên gia này nói.
|
Bài và ảnh: THẾ KHA
Copy từ: Người Lao Động
.........................
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét