Thanh Quang, phóng viên RFA
2013-09-30
2013-09-30
Trong phạm vi gia đình và học đường, tác giả Nguyễn Quang Thân của bài tựa đề "Ai dạy trẻ nói dối" báo động về "kết quả sững sờ" liên quan tình trạng học sinh, sinh viên tại VN ngày nay nói dối với cha mẹ, mà theo cuộc khảo sát của Trung tâm xã hội học VN, tỷ lệ nói dối cha mẹ của học sinh cấp I là 22%, cấp II 50%, cấp III 64% và ở sinh viên đại học lên tới 80% !
Tác giả lưu ý, "tỷ lệ này tăng phi mã, càng học lên cao càng thạo nói dối", nói dối ngay trong giai đoạn còn "tuổi ngọc, mới rời nôi 'nhân chi sơ' chưa được mấy năm mà các em đánh mất 'tính bản thiện' ! ". Và trong "nỗi ngạc nhiên đến xót xa ấy", tác giả cho biết tiếp, "mọi người vẫn muốn tự vấn" dù câu trả lời "đã có sẵn", đó là: cái thói giới trẻ nói dối này từ đâu ra ? Tác giả Nguyễn Quang Thân phân tích:
Chúng ta không dạy con nói dối,( mà) dạy con sống lương thiện bằng sức lao động của mình, đối xử tử tế với đồng loại, thương yêu người nghèo khổ. Bằng khen, huân chương ta khuân về treo chật tường. Nhưng con cái biết ta xài bằng giả vì chúng chưa bao giờ thấy ta đi học. Ta nói với con rằng ta là người lương thiện với lương tháng mươi triệu đồng.
Vậy mà ta có ba bốn ngôi nhà, sắm ôtô siêu hạng, mỗi năm bỏ hàng trăm triệu chơi gôn và khi nổi nóng có thể đánh ngất một người giúp việc trên sân “để trêu đùa”. Nhà trường không dạy học sinh nói dối nhưng dùng mọi cách để có tỉ lệ tốt nghiệp cao ngất đến mức chính học sinh của trường cũng biết là chuyện khôi hài... Con cái và ngay cả chúng ta vẫn được nghe những lời hứa hẹn chung chung, hoa mỹ nhưng ngay người nói ra cũng biết chắc là sẽ không được thực hiện. Hệ lụy là cuộc sống thiếu minh bạch, thật và giả lẫn lộn không biết đâu mà lần...Điều tệ hại nhất của thói dối trá xảy ra khi nó bị đẩy đi xa tới mức phá vỡ niềm tin, gây ra nỗi hoài nghi thường trực...
Blogger Hạ Đình Nguyên đi xa hơn phạm vi gia đình và học đường để bao trùm cả xã hội, lưu ý rằng "Trẻ em nói dối thì bị quở mắng, có khi bị trừng phạt. Người lớn – với tư cách là người dân bình thường – nói dối thì hàng xóm, bạn bè tránh xa không muốn chơi, người thân thì không thể tin cậy. Người có cương vị xã hội mà nói dối thì bị nhiều người coi khinh; cương vị xã hội càng lớn, thì sự coi khinh càng nhiều, càng báo hiệu sự nguy hiểm".
Qua bài "Sự nói dối cưỡng bức ?", tác giả Hạ Đình Nguyên trước hết định nghĩa rằng bản chất của sự nói dối là biết sự thật nhưng cố ý nói khác đi để che giấu hay tránh né sự thật; còn trong trường hợp vì bị cưỡng bức mà không thể nói lên sự thật, phải "gượng lòng" mà nói dối, trường hợp như vậy, tác giả tạm gọi là "nói dối cưỡng bức".
Buộc phải nói dối?
Theo phân tích của tác giả thì " Sự nói dối cưỡng bức được lặp lại nhiều lần, rồi quen đi, nó trở thành tính, thành nết, thành tật xấu, cuối cùng là hình thành sự ngụy tín cho chính mình. Sự nói dối bấy giờ trở nên trơn tru, hồn nhiên, giống y như nói thật, mà người nghe thì thấy nó trần trụi, nó gợi lên một cảm nhận trơ trẽn".
Tác giả Hạ Đình Nguyên lưu ý rằng ở VN hiện nay, tình trạng các quan chức cao cấp nói dối về dân chủ, nhân quyền ngày càng trở thành đề tài thời sự "nóng hổi" trên các diễn đàn, kể cả diễn đàn quốc tế; và cứ mỗi lần như vậy, họ đã "thảy một mồi lửa vào đống rơm khô", tức gây bất bình rộng khắp. Nhưng, theo tác giả, " Người ta không tin rằng những con người ấy có tính nói dối bẩm sinh, cũng không thể tin rằng họ không biết sự thật, một sự thật mà người dân thường cũng hiểu được, với nhan nhản sự kiện đầy ắp trên trang báo, trang mạng mỗi ngày, mỗi tuần, mỗi năm và năm này qua năm khác. Chỉ có thể lý giải rằng đây là sự nói dối cưỡng bức, tức là bị bắt buộc phải nói dối". Và tác giả dẫn chứng:
Cách đây không lâu, bà Phó Chủ tịch nước nói: Dân chủ của Việt Nam là "cao hơn gấp vạn lần so với dân chủ tư sản". Câu nói ấy đã gây nhiều phản ứng, nhưng không phải là nói dối nếu so với giáo trình Mác-Lênin...Còn so với thực tế, nó rất vô nghĩa, một so sánh định lượng “quá mức tình cảm”, hoặc do quán tính thuần túy… Nhưng câu nói ấy không gây nên sự phẫn nộ từ dân chúng, mà chỉ gây nên một nỗi buồn đến kinh hoàng về sự tụt hậu của trình độ “suy thoái tư tưởng” mang tính biểu trưng của tầng lớp lãnh đạo. Nếu hiểu về mặt đạo đức của sự “trung thành” hay “kiên định” với ý thức hệ, thì cái đạo đức ấy cũng gây kinh hoàng không kém.
Tới phiên ông Chủ tịch nước, tác giả Hạ Đình Nguyên cho biết, " Người ta hỏi rằng bây giờ ông có đang đói bụng không, ông trả lời một cách biện chứng rằng, vì hôm qua ông có ăn nên hôm nay không thể đói được!", hay " Vì rằng nước ông (Việt Nam) đã từng chống ngoại xâm giành độc lập dân tộc cả trăm năm qua, nên đương nhiên có ý chí – thậm chí rất mãnh liệt – về khát vọng dân chủ và nhân quyền. Và vì 'có' khát vọng đó, nên đương nhiên dân chủ, nhân quyền phải 'có' thôi!", hoặc ông " Phải mượn tạm lịch sử", như khi sang Mỹ, ông " mượn tạm cái bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh cách đây 2/3 thế kỷ để gởi cho ngài Obama", hay ông chỉ dám nói " đồng chí X" nào đó mà thôi. Theo tác giả Hạ Đình Nguyên, thì những trường hợp đó là ông Chủ tịch mới "nói tránh/né", "nói khéo". Nhưng ông đã "nói dối 100%" khi công bố tại Đan Mạch rằng:
Chúng tôi có 86 triệu dân, trong đó trên 30 triệu người sử dụng internet hằng ngày, tỷ lệ đó biến đổi hàng giờ, không có bất cứ sự ngăn cấm nào cả… Ngoài ra, Việt Nam có khoảng trên bốn triệu blogger, rất tự do.
- Chủ tịch Trương Tấn Sang
Chúng tôi có 86 triệu dân, trong đó trên 30 triệu người sử dụng internet hằng ngày, tỷ lệ đó biến đổi hàng giờ, không có bất cứ sự ngăn cấm nào cả… Ngoài ra, Việt Nam có khoảng trên bốn triệu blogger, rất tự do. Do vậy, ở ngoài thì đồn đại rất nhiều nhưng để hiểu Việt Nam nhiều hơn, hiểu về đời sống chính trị của Việt Nam thì xin mời các bạn hãy đến Việt Nam. Mặc dù chúng tôi còn nghèo nhưng cũng có trên dưới 200 kênh truyền hình, 700 tờ báo và không dưới 17.000 phóng viên...
Ai bắt họ nói dối?
Tác giả Hạ Đình Nguyên nêu lên câu hỏi rằng 4 triệu blogger "rất tự do" sao lại như cơn gió độc quất vào mặt các blogger dù họ đang ở trong nhà tù kín gió; 17.000 phóng viên, 700 tờ báo, 200 kênh truyền hình thì quả đúng là chơi sang khi đất nước còn nghèo; Riêng 17.000 phóng viên ư ? Nhưng trong đó, biết bao nhiêu tiếng thở dài ? bao nhiêu tiếng hò reo cùng với kèn trống ? Tác giả khẳng định:
Ông Chủ tịch và các ông lãnh đạo khác không thể không biết chính những điều mà các ông đã và đang làm, về dân chủ và nhân quyền bao nhiêu năm qua, ở cái xứ sở khốn khổ này. Một đất nước tràn trề tham nhũng mà lại có dân chủ và nhân quyền được sao, lạ thật! Thế nhưng không thể nói thật. Là “nói dối cưỡng bức” hay đã trở thành ngụy tín? Hầu hết trong bộ máy nhà nước, từ cao đến thấp, đều như thế! Nghĩa là cùng trong tình thế cưỡng bức. Và sự ngụy tín đã trở nên toàn diện, bao trùm. Nhưng ai có thể cưỡng bức họ? Câu trả lời là cơ chế của bộ máy này đã cưỡng bức họ, buộc họ không thể nói thật. Vì cơ chế đó được đặt trên một tiền đề không có thật nốt: “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Dân làm chủ”. Quả là bi hài! Bị kẹp chặt và bẹp dí như con mắm, mà Dân còn làm chủ được sao?
Tác giả Hạ Đình Nguyên nêu thêm một câu hỏi nữa, rằng vì sao trong tình trạng "nói dối cưỡng bức" như vậy mà các quan chức có thể chịu đựng lâu dài, bền bỉ đến thế ? Câu trả lời, theo tác giả, rất dễ nhưng vấn đề lại rất gay go, đó là " quá trình hy sinh và gắn bó với nhiều ràng buộc của quyền và lợi. Sự hy sinh của những ai đó có thể chưa nhiều lắm, mà sự gắn bó thì nhiều hơn, nhất là những cái chức đã mua bằng tiền, hoặc bằng sự thân quen nâng đỡ... Đang làm quan mà nói thật, thì mất hết, thân có thể vào nhà lao, tinh thần có thể bị giày xéo, nhục mạ, đã và đang có bao nhiêu là điển hình! Vì thế mà không thể nói thật. Nói dối cưỡng bức, lâu ngày thành nói dối hồn nhiên, bạo dạn, trơn tru…"
Nhưng ai có thể cưỡng bức họ? Câu trả lời là cơ chế của bộ máy này đã cưỡng bức họ, buộc họ không thể nói thật.Bài "Lầm đường lạc lối" của blogger Nguyễn Bình có đoạn nhận xét rằng "Cả một bộ máy tuyên huấn, tuyên giáo, truyền thông đồ sộ được nuôi dưỡng, trả lương chuyên suy nghĩ, nói năng, viết lách dưới danh nghĩa 'tiếng nói của nhân dân', nhưng khi nhân dân nghe được hoặc đọc thấy thì nổi quạu, cho đó là giả danh, nói lấy được. Nhân dân nào lại xuẩn tới mức đồng tình với những chủ trương, đường lối, luật pháp bóp nghẹt sự sống tự do dân chủ của mình, biến đất đai được tạo lập bởi chính công sức bao năm của mình thành 'tài sản thuộc sở hữu toàn dân' do một nhóm phe đảng đại diện quản lý và tùy nghi quyết định ?". Tác giả nhận xét:
- Hạ Đình Nguyên
Người ta cứ cố gán ghép bằng được “yêu nước là yêu chủ nghĩa xã hội”, trong khi trong thực tế tuy kiến thức cao thấp khác nhau, nhưng số đông người dân hễ nghe thấy bốn chữ “chủ nghĩa xã hội” hoặc “xã hội chủ nghĩa” đều hiểu đó là “đấu tranh giai cấp”, đó là “cải cách ruộng đất”, đó là “cải tạo tư sản”, đó là “đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” – nhưng thực tế không hề được làm chủ gì cả. Toàn những từ ngữ rùng rợn, nhắc nhớ bao sự việc khó tin nhưng có thật, đã diễn ra. Nói chung bốn chữ “chủ nghĩa xã hội” có giá trị, hay ho ở đâu không biết, nhưng chắc chắn và dứt khoát nó không phải là mong muốn của người dân Việt Nam – trừ những người bị mắc chứng hoang tưởng...
Copy từ: RFA
............................
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét