CHƯA TỐT NGHIỆP TRƯỜNG ĐỜI.

Thứ Năm, 5 tháng 9, 2013

Ủy ban Thượng viện Mỹ đồng ý đánh Syria


Ủy ban Thượng viện Mỹ đồng ý đánh Syria

Cập nhật: 04:03 GMT - thứ năm, 5 tháng 9, 2013

Òng Assad đi thị sát quân đội
Syria nói họ đã sẵn sàng cho chiến tranh với Mỹ và đồng minh
Ủy ban Đối ngoại của Thượng viện Hoa Kỳ đã phê chuẩn hành động vũ lực ở Syria để đáp trả cáo buộc nước này tấn công dân thường bằng vũ khí hóa học.
Kết quả bỏ phiếu cho thấy tỷ lệ ủng hộ là 10/7.
Điều này có nghĩa là giờ đây bản dự thảo Nghị quyết này sẽ được đưa ra bỏ phiếu ở toàn thể Thượng viện – dự kiến sẽ diễn ra trong tuần tới.
Cho tới nay, chỉ có 23 trong tổng số 100 thành viên Thượng viện đã bày tỏ công khai rằng họ ủng hộ hoặc có thể ủng hộ Nghị quyết này, theo số liệu của kênh truyền hình ABC.
Trong khi đó, 16 thượng nghị sỹ nói họ sẽ bỏ phiếu chống hoặc có thể sẽ bỏ phiếu chống còn 61 vị còn lại vẫn chưa quyết định.
Tuy nhiên, tỷ lệ này sẽ còn thay đổi khi từ ngữ trong dự thảo được chỉnh sửa, khi Nhà Trắng và các đồng minh trong Quốc hội của họ gia tăng sức ép và các nghị sỹ lắng nghe ý kiến cử tri của họ.

‘Uy tín bị đe dọa’

Cũng trong hôm thứ Tư ngày 4/9, Quốc hội Pháp, vốn là nước ủng hộ mạnh mẽ hành động can thiệp quân sự – đã có một phiên họp bất thường mặc dù các nghị sỹ ở đây chỉ bàn chứ không bỏ phiếu vì tổng thống nước này có quyền Hiến định được quyết định các hành động quân sự.
Phát biểu tại cuộc họp báo hôm 4/9 ở Stockholm, Thụy Điển, nơi ông đang dừng chân trước khi tới Nga dự hội nghị Thượng đỉnh G20, Tổng thống Mỹ Barack Obama nói: “Uy tín của tôi không bị đe dọa. Uy tín của cộng đồng quốc tế mới bị đe dọa.”
"Uy tín của nước Mỹ và Quốc hội Mỹ đang bị đe dọa bởi vì chúng ta chỉ nói suông rằng những chuẩn mực quốc tế này là quan trọng."
Tổng thống Mỹ Barack Obama
“Uy tín của nước Mỹ và Quốc hội Mỹ đang bị đe dọa bởi vì chúng ta chỉ nói suông rằng những chuẩn mực quốc tế này là quan trọng,” ông nói.
Obama cũng nói rằng ông tin Quốc hội Mỹ sẽ phê chuẩn hành động can thiệp này nhưng ông nhấn mạnh rằng với tư cách là tổng tư lệnh quân đội, dù gì đi nữa ông vẫn có quyền hành động vì lợi ích quốc gia.
Ủy ban Đối ngoại Thượng viện đã phê chuẩn Nghị quyết với một thành viên không bỏ phiếu sau khi chấp nhận chỉnh sửa do Thượng nghị sỹ John McCain đưa ra yêu cầu tăng cường hỗ trợ cho quân nổi dậy Syria.
Biện pháp này cam kết Mỹ sẽ hỗ trợ để tạo ‘những thay đổi quyết định đối với cán cân lực lượng hiện tại’ ở Syria.
Dự thảo Nghị quyết cũng viết rằng chính sách của Mỹ là ‘thay đổi tình thế trên chiến trường Syria để tạo ra môi trường thuận lợi cho một giải pháp đàm phán giúp chấm dứt nội chiến và tiến tới thành lập một chính phủ dân chủ’.
Thượng nghị sỹ Durbin của Đảng Dân chủ, một thành viên cao cấp của Ủy ban, cho biết ông từng bỏ phiếu chống cuộc chiến ở Iraq, nhưng ‘lần này thì khác’.
Ủy ban đối ngoại Thượng viện Mỹ đang bàn bạc
Cuộc bỏ phiếu tại Ủy ban đối ngoại Thượng viện là thắng lợi của chính quyền Obama
“Những gì chúng tôi đã làm hôm nay là một bước đi đúng hướng,” ông nói, “Tôi hy vọng rằng bước đi này sẽ giúp thế giới trở nên tốt đẹp hơn.”

Quốc hội chia rẽ

Tuy nhiên một thượng nghị sỹ Dân chủ khác là ông Tom Udall nói ông đã bỏ phiếu chống vì ông tin rằng nước Mỹ sẽ bị cuốn vào cuộc nội chiến ở Syria.
Udall cùng năm đồng nghiệp khác ở Đảng Cộng hòa đã bỏ phiếu chống, trong đó có các thượng nghị sỹ Rand Paul và Marco Rubio – hai người được xem là ứng viên tiềm năng cho cuộc bầu cử tổng thống vào năm 2016.
Trong lúc này, Ngoại trưởng John Kerry và Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel đang tiếp tục vận động Quốc hội ủng hộ dùng vũ lực chống Syria. Sau Thượng viện, hai ông tiếp tục ra điều trần tại một ủy ban của Hạ viện.
"Bóng đen của cuộc chiến Iraq vẫn còn quá lớn. Đối với những nghị sỹ đã từng nhiệt tình ủng hộ lật đổ Saddam Hussein giờ đây tự động rút lui."
Jonny Dymond, phóng viên BBC ở Michigan
Ông Hagel nói rằng một cuộc tấn công quân sự của Mỹ không phải chỉ ‘gãi ngứa’ mà sẽ làm suy yếu sức mạnh quân sự của Chính phủ Syria.
Ông nói ông nghĩ rằng nếu Mỹ không hành động thì sẽ có ‘khả năng rất cao’ rằng ông Assad sẽ dùng vũ khí hóa học một lần nữa.
Còn ở Syria, Thứ trưởng Ngoại giao nước này Faisal Mekdad cho biết Damascus đang vận động các đồng minh mà ông cho rằng ‘đang hỗ trợ bằng mọi cách’. Ông nêu tên các nước Iran, Nga, Nam Phi và một số nước Ả Rập.
Đài truyền hình nhà nước Syria cũng bác bỏ tin rằng Tướng Ali Habib, một cựu bộ trưởng Quốc phòng, đã đào tẩu sang Thổ Nhĩ Kỳ.
Từ tiểu bang Michigan, phóng viên Jonny Dymond của BBC, nhận định: “Sự nghi ngờ về hành động chiến tranh bắt nguồn từ chia rẽ đảng phái trầm trọng – một số nghị sỹ Cộng hòa không tin vào bất cứ cái gì của chính quyền Obama.”
“Tuy nhiên bóng đen của cuộc chiến Iraq vẫn còn quá lớn. Vài nghị sỹ đã từng nhiệt tình ủng hộ lật đổ Saddam Hussein giờ đây tự động rút lui,” ông nói thêm.

Copy từ: BBC


....................

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét