CHƯA TỐT NGHIỆP TRƯỜNG ĐỜI.

Thứ Năm, 5 tháng 9, 2013

COMMENT QUA ĐIỆN THOẠI VỀ BÀI KHÔNG TRUNG THỰC TRONG ĐIỀU 4 HIẾN PHÁP

 
Tối 03. 09. 2013, hồi 20 giờ 36 phút, tôi nhận được một cuộc gọi. Nhìn số máy gọi thì lạ nhưng khi người gọi xưng tên thì không lạ lắm vì ông đã một lần xưng tên với tôi khi gặp tôi ở hội Nhà Văn Việt Nam, số 9 phố Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội,. Ông không phải hội viên của cái hội ở tòa nhà đó nhưng hình như ông thường đến đó ngồi luận bàn thế sự với mấy ông nhà văn. Ông giải thích rằng ông phải hỏi xin số điện thoại của tôi từ một ông nhà báo để ông nói với tôi một số điều tôi viết chưa đúng trong bài Không Trung Thực Trong Điều 4 Hiến Pháp mới đăng trên trang basam.info và một số trang mạng khác.

Ông bảo: Số người miền Bắc di cư vào Nam năm 1954 theo số liệu ông có được từ Ủy ban Liên hiệp Đình chiến của cả hai phía, phía Pháp và phía Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, chỉ có chín mươi nhăm vạn (950 000), chưa đến một triệu người, không thể là hai triệu người như tôi viết. Ông xác quyết: Ông sinh năm 1937, năm 1954 ông đã 17 tuổi rồi, lại sống ở Hà Nội, ông biết rõ chuyện này. Việc đưa dân miền Bắc di cư vào Nam được phía Pháp tổ chức rất chu đáo, chặt chẽ nên số liệu của họ là rất chính xác.

Ông bảo: Kí hiệp định Geneve là do ta, không ai ép ta cả.
Ông bảo: Cả Liên Xô và Trung Quốc đều không chấp nhận ta tiến hành chiến tranh ở miền Nam. Họ không chấp nhận thì họ không cho súng đạn mà đánh. Mãi đến năm 1964, họ mới ủng hộ cuộc kháng chiến của ta. Đó là thắng lợi ngoại giao của ta. Lúc đó Liên Xô mới nhận người của ta sang học các trường quân sự, sang học lái máy bay chiến đấu. Những người quyết tâm phát động chiến tranh ở miền Nam là Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp. Đang còn sống, ông Hồ Chí Minh đã cho lấy tên ông đặt cho con đường đưa vũ khí vào miền Nam thể hiện rõ quyết tâm đó.

Ông bảo: Sau trận Điện Biên Phủ, ta không còn sức để tiếp tục chiến tranh. Lúc đó chỉ còn lương đủ ăn trong 7 ngày. Cũng như năm 1972, sau khi Mĩ đánh bom Hà Nội, ta cũng chỉ còn đủ lương ăn 7 ngày thôi. Liên Xô và Trung Quốc viện trợ cho ta lớn hơn nhiều lần Mĩ viện trợ cho chính quyền Sài Gòn.

Lạ! Ý kiến của ông rất lạ! Không hiểu ông căn cứ vào đâu mà nói chắc như đinh đóng cột rằng sau trận Điện Biên Phủ ở thung lũng Mường Thanh và sau trận Điện Biên Phủ trên không ở Hà Nội, ta chỉ còn đủ lương ăn trong bảy ngày! 

Cảm ơn ông đã đọc, đã dành cho bài viết của tôi sự quan tâm và ý kiến đóng góp, tôi cũng xin thưa lại về những ý kiến của ông. 

Dù thực sự ông có con số người miền Bắc di cư vào miền Nam năm 1954 do Ủy ban Liên hiệp Đình chiến Việt Pháp cung cấp thì đó cũng chỉ là con số trên giấy, con số họ kiểm soát được, không phải là con số thực. Từ năm 1954, ở dải đất ven biển từ Quảng Nam, Đà Nẵng trở vào đến Hà Tiên, Phú Quốc, xuất hiện nhiều làng đánh cá mới là dân đánh cá ở các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình dời cả làng vào đó lập làng mới trong làn sóng dân miền Bắc di cư vào Nam. Những người dân đánh cá không thể chỉ khăn gói quả mướp, gồng gánh thêm mấy cái nồi niêu soong chảo tìm đường xuống Hải Phòng rồi chui vào con tàu há mồm của Pháp chạy vào Nam như dân làm ruộng mà họ phải mang theo con thuyền là ngôi nhà của họ, là phương tiện đi biển kiếm sống của họ. Cả nhà lên thuyền. Cả làng lên thuyền đi vào Nam nên họ không cần xuống Hải Phòng đăng kí với Pháp rồi sống vạ vật ở vỉa hè, chen chúc chật kín sân Nhà Kèn rộng lớn phía trước Nhà Hát Lớn chầu chực đợi đến lượt xuống tàu há mồm. Dân đánh cá thường đông con. Số dân đánh cá cả dải đất ven biển chạy dài từ Thanh Hóa vào đến Quảng Bình di cư vào Nam năm 1954 – 1955 có lẽ phải bằng số dân cả một tỉnh. Cả làng đánh cá từ miền Bắc chạy vào Nam nên họ mang theo cả tên làng ra đi. Làng đánh cá Ba Làng An ở Đồng Đế Nha Trang ngày nay là dân có gốc gác từ làng chài Ba Làng An, Thanh Hóa. 

Dân đánh cá tự đi bằng thuyền lớn thuyền nhỏ. Nhà giầu ở các thành phố, thị xã tự đi bằng ô tô nhà. Những công chức, những gia đình trung lưu ung dung đi bằng đường hàng không, họ đâu cần xuống Hải Phòng đăng kí để chờ ngày chui vào tàu há mồm. Tóm lại số dân miền Bắc di cư vào Nam năm 1954 phải lớn hơn rất nhiều con số chín mươi nhăm vạn người.

Nói rằng không ai ép ta dự hội nghị Geneve là không đúng. Trung Quốc thao túng hội nghị Geneve rất rõ. Phải có Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tham dự mới có hội nghị Geneve. Có hội nghị Geneve, Trung Quốc mới có cơ hội lần đầu tiên được bước lên vũ đài chính trị thế giới, điều mà Trung Quốc mong đợi suốt từ năm 1949. Trung Quốc ép Việt Nam Dân chủ Cộng hòa dự hội nghị Geneve để phải đình chiến, để phải chia cắt đất nước thành hai nửa đối kháng. Trung Quốc ép Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phải chấp nhận giới tuyến phân chia rất bất lợi, đấy là điều rõ ràng. Chia cắt đất nước Việt Nam rồi, Trung Quốc lại ra sức cổ vũ cho bạo lực cách mạng, cổ vũ cho nội chiến ở Việt Nam cứ kéo dài mãi mãi cũng là điều rất rõ ràng.

Tôi mới nói đến đó, ông đã cắt ngang và lại thao thao những điều đã nói. Khác biệt như vậy không thể ngã ngũ trên điện thoại được, tôi đành đợi khi tiết tấu âm thanh của ông thưa ra mới nói xen vào lời cảm ơn nhiệt tình của ông.

Ông là Nhật Hoa Khanh, người đã có hai bài ghi chép dài về cuộc gặp gỡ, hỏi chuyện trong nhiều ngày với Tố Hữu, với Nguyễn Đình Thi. Điều đặc biệt là ông công bố hai bài ghi chép này khi cả Tố Hữu và Nguyễn Đình Thi đều đã khuất nên không ai biết thực hư ra sao.

Copy từ: FB Phạm Đình Trọng


....................

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét