Tiếp theo phần trước
Năm 2009 tàu chiến của Trung Quốc lại bắn chết ngư dân Việt Nam, nhiều thanh niên chúng tôi sục sôi căm phẫn. Nhưng nhà nước Việt Nam chỉ lên tiếng vài câu rồi thôi, nhà nước bảo quan hệ giữa hai Đảng cộng sản lãnh đạo hai nước là thứ rất quy báu mà lãnh tụ sang lập hai Đảng đã để lại, không vì chuyện khác mà làm ảnh hưởng đến quan hệ ruột thịt đó. Một số người phản đối gay gắt chuyện này bằng những hành động căng biểu ngữ phản đối nơi công cộng , hoặc viết bài phê phán trực tiếp thái độ nhu nhược của chính quyền Việt Nam, cũng như hành động tàn bạo của Trung Quốc. Họ đều bị bắt tù vì tội chỉ trích nhà nước.
Chúng tôi gồm vài blogger bàn nhau in áo phông có nội dung khẳng định chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa- Trường Sa là của Việt Nam. Áo in cùng lúc ở miền Nam và miền Bắc. Ở miền Bắc một mình tôi phụ trách in, còn miền Nam tôi không rõ.
Tôi in gần 200 cái áo, phát được vài chục cái. Thì tôi đi vào Nghệ An dự lễ Đức Mẹ Lên Trời của người công giáo thuộc giáo phận Vinh cùng đi với vài giáo dân người Hà Nội. Khi xe đi cách Hà Nội được 60 cây số, tôi bỗng linh tính có chiếc xe nào đó đi theo chúng tôi. Tôi bảo người lái xe táp vào cây xăng vờ hỏi đường, tôi nhìn lại thấy chiếc xe ô tô 4 chỗ mang biển công an cũng táp vào lùm cây ven đường. Lần đầu tiên tôi phát hiện bị theo dõi chỉ nhờ linh tính, từ trước đó chưa bao giờ tôi nghĩ công an sẽ đi theo dõi mọi hành động của mình. Tôi nghĩ đơn giản là việc viết blog thì công khai đó, việc in áo chủ quyền cũng chả có gì sai . Vậy sao họ theo dõi tôi như tội phạm.? Tôi nghĩ và đi đến kết luận rằng việc khẳng định thế nào là tội phạm là quan điểm của công an, mà công an thì họ làm theo quan điểm của Đảng, căn cứ pháp luật họ mơ hồ thì với quyền lực trong tay họ kết ai tội cũng có thể được.
Xe chúng tôi lên đường, tôi bảo người lái xe đi ngoặt vào con đường vắng rồi quay đầu. Chiếc xe theo dõi vừa rẽ vào đoạn ngoặt thì xe tôi lao ngược ra và tăng tốc.Chiếc xe đi theo mất dấu chúng tôi. Để cẩn thận hơn tôi xuống đường khi đã quan sát kỹ không ai theo, và tôi lên xe khách để đi tiếp vào Vinh.
Tòa giám mục Vinh ở Xã Đoài, huyện Nghi Lộc có hàng trăm ngàn người giáo dân đến dự lễ, đây là lễ lớn nhất của giáo phận Vinh vì nơi này chọn Đức Mẹ là thánh bổn mạng. Mới tháng trước đó, giáo phận Tam Tòa, tỉnh Quảng Bình thuộc giáo phận Vinh vừa xảy ra một vụ thương tâm. Nguyên nhân ở đó có ngôi nhà thờ cũ bị bom đạn phá, nhà thờ chỉ còn lại một nửa. Nhà nước nhân đó không cho xây lại với giải thích là để làm bằng chứng tội ác chiến tranh của Mỹ. Người của nhà thờ thì họ nói rằng giờ chiến tranh đã hết, đất và nhà của họ thì họ có quyền xây dựng lại trong khi họ đang thiếu thốn không có đất để làm nhà thờ. Hơn nữa khi chiến tranh, quân đội Bắc Việt đã lấy nhà thờ làm pháo đài để bắn phá tàu Mỹ qua lại . Linh mục, tu sĩ buộc phải rời khỏi đó. Vậy nói nhà thờ bị bắn phá là tội ác chiến tranh của Mỹ cũng không phải. Cãi nhau bao nhiêu năm rồi như vậy, nhưng chả vào đâu, nhà nước vẫn giữ nhà thờ đổ nát đấy để làm di tích chiến tranh. Rồi giáo dân Tam Tòa nghe tin nhà nước định san phẳng cái di tích chiến tranh ấy để làm khu du lịch gì đó, không biết chuyện này có đúng nhà nước định làm thật hay không. Nhưng giáo dân Tam Tòa họ thấy công nhân, máy móc rục rịch đến xây dựng trên khu đất nhà thờ, họ kéo đến cầu nguyện phản đối. Bỗng đâu hàng trăm thanh niên khỏe mạnh ập đến dung gầy gộc đánh đập tàn bạo những người đang cầu nguyện, cha xứ Bính bị đánh gãy tay. Việc đánh đập xảy ra giữa ban ngày, có rất đông công an đứng ở đó nhưng công an chỉ nhìn mà không làm gì. Lúc sau đám thanh niên kia rút đi, công an vào bắt gần mười người giáo dân vì tội gây rối trật tự công cộng, trong số bị bắt có nhiều phụ nữ, sinh viên.
Nhà nước điều nhiều đơn vị bộ đội về đóng quanh tỉnh Quảng Bình, và điều thêm những xe tải chở đầy cảnh sát dã chiến về đóng ở quanh khu vực nhà thờ đổ. Cảnh sát, dân phòng tỉnh lập chốt trạm các đầu, đi tuần thường xuyên. Những giáo dân Tam Tòa bị đe dọa, đánh đập họ sống trong hoảng sợ, tin tức bị cô lập. Người lạ đi qua khu vực nhà thờ đổ, hay đến những con phố chung quanh đó đều bị xét hỏi với câu hỏi có phải dân theo đạo không. Nếu không phải, là khách du lịch thì được lời nhắn ở đây nguy hiểm, phải đi chỗ khác. Nếu là người theo đạo, khẳng định là giáo dân, lập tức sẽ có những thanh niên mặc thường phục như dân thường gây sự và đánh đập.
Lúc đó Tam Tòa gần như bị bao vây bởi trùng điệp cảnh sát, an ninh, dân phòng.
Cách giáo xứ Tam Tòa 180 km về hướng Bắc là tòa giám mục giáo phận. Nhân dịp lễ lớn Đức Mẹ Lên Trời hàng trăm ngàn giáo dân đã kéo về tòa giám mục để bày tỏ tình hiệp thông, chia sẻ với những đồng đạo của mình ở Tam Tòa. Những khẩu hiệu có nội dung “ phản đối công an Quảng Bình đánh đập giáo dân Tam Tòa” được căng hết mọi giáo xứ Vinh và trên đường vào tòa giám mục Vinh. Đức Cha Cao Đình Thuyên, giám mục giáo phận Vinh chủ trì buổi lễ, tuyên bố không chấp nhận hành vi đánh đập giáo dân của chính quyền Quảng Bình. Các giáo dân ca những bài hát kinh về Chúa Jesu chịu khổ nạn.
Tôi xem lễ nửa chừng, ra đường tìm xe vào đến Tam Tòa thăm vài gia đình giáo dân có người bị bắt và đánh đập. Nhờ không phải người theo đạo và những kinh nghiệm những năm sống bụi đời, tôi gặp được những giáo dân và nghe rõ câu chuyện đã xảy ra. Để chắc hơn, tôi giả làm tay chơi gái kết bạn với một gã dân phòng, trong bữa nhậu gã kể tôi nghe cái ngày xảy ra vụ đánh đập giáo dân mà gã cũng tham gia. Theo như gã dân phòng nói thì chính quyền thông báo rằng những người giáo dân là bọn phản động, đã từng vào Nam, từ chối chính quyền hiện nay. Giờ vẫn mang thù hận, và muốn chiếm đất nước, sở dĩ chọn Quảng Bình vì là dải đất hẹp nhất ở Việt Nam. Nếu chiếm được Quảng Bình thì sẽ khống chế được con đường Bắc Nam và tiến tới lật đổ chính quyền. Chúng ta cần tập trung lực lượng để ngăn chặn âm mưu này.
Gã dân phòng còn kể
- Chúng tôi đợi lúc bọn chúng ngồi cầu kinh mới ra tay, vì lúc đó chúng không kịp đối phó.
Tôi hỏi.
- Chúng nó có nhiều đàn bà thì cũng đánh chứ.
Gã dân phòng.
- Đánh hết, gặp đứa nào dung gậy vụt đứa đó, đàn bà cũng đánh.
Tôi có quay phim lại đoạn kể của gã dân phòng. Nhưng sau này viết bài tôi không đưa đoạn phim đó vào. Vì không có đủ thời gian để xác minh là gã có tham gia thực sự hay chỉ kể ba hoa. Tuy rằng chuyện một đám đông thanh niên xông vào đánh những phụ nữ, giáo dân đang cầu nguyện là có thật. Và hơn nữa cách tôi lấy tin là đã nhận kết nghĩa anh em với gã, một chút nào đó trong tôi không muốn gã bị phiền lụy bởi vì tôi gây ra. Đoạn phim giờ tôi vẫn cất giữ.
Tôi trở về Hà Nội, trên đường về tôi được thông báo của cảnh sát khu vực rằng tôi có lệnh triệu tập của cơ quan an ninh thuộc khối bảo vệ chính trị nội bộ. Có nghĩa là của cơ quan an ninh bảo vệ Đảng, một cơ quan an ninh quyền lực nhất trong bộ máy công an.
An ninh rất nhiều người thay nhau hỏi tôi về việc in áo Hoàng Sa- Trường Sa. Tôi nhận đó là áo tôi in, và cho rằng việc đó không vi phạm pháp luật, cho nên tôi vẫn sẽ tiếp tục in để bán. Nếu cần đóng thuế lợi nhuận thì tôi sẽ đóng , nhưng giờ tôi bán hòa vốn để giới thiệu hàng, chưa có lãi để đóng thuế.
Sau vài ngày bị triệu tập, tôi bị bắt giam.
Bữa cơm ban chiều vẫn chỉ có cơm trắng và vài cọng rau muống luộc lơ thơ trong cái bát nước canh, có thể đếm được là 8 hay 9 cọng rau.
Tôi ăn hết phần cơm chiều nay như đã ăn bữa cơm đầu tiên ở đây. Thường thì những người đột ngột vào đây hay bỏ cơm vì nghĩ ngợi nhiều. Tôi thì có nghĩ gì cũng phải ăn hết, nếu không đêm đói bụng rất khó ngủ. Mà cái trò đói khó ngủ hay nghĩ chuyện buồn.
Khoảng 8 giờ tối, cả dãy phòng giam bắt đầu có tiếng nói chuyện lao xao. Có giọng trẻ nói chuyện bóng đá với ông Nguyễn Xuân Nghĩa. Hai người nói về giải bóng đá Anh đang diễn ra. Ông Nghĩa gọi với sang hỏi tôi hôm nay tôi làm việc thế nào? Tôi trả lời không có gì ghê gớm cả.
Ai đó ở phòng cạnh ông Nghĩa nói rằng, có nhiều người ban đầu vào đây hay nghĩ như vậy.
Ông Nghĩa nói chỉ thấy có tôi là vui vẻ không lo nghĩ. Đi cung về vẫn huýt sáo.
Thật ra tôi không vô tâm, vô tư khi bị nhốt vào đây. Đây là nhà tù chứ có phải quán karaoke đâu mà vô tư được. Mới lúc chiều hôm đó còn gọi điện về dặn vợ đừng đi chợ, anh mua con gà để trong tủ. Em luộc nhé, tối anh về ăn cơm. Lúc gọi điện vẫn đang làm việc với an ninh, cứ ngỡ là như mọi khi hết giờ về hay chậm hơn tí là được về. Nào ngờ hôm nay, đến tàn giờ rồi mà bất chợt mặt các anh ý lạnh tanh, nghiêm trọng khác mọi khi. Rồi cái các anh ý bảo đứng dậy, lên ô tô về nhà bà nội. Nhìn quanh thấy chục anh công an đi cạnh đưa lên xe ô tô, bụng bảo dạ thôi quả này bị ‘’tớm‘’ rồi. Về đến nhà có con em dâu và đứa cháu, công an đọc mời tổ trưởng, hộ tịch đến làm chứng. Đọc lệnh khám nhà. Khám xong không có gì hết, biên bản ghi không có gì, các bên đang ký xác nhận biên bản khám nhà. Quay sang gửi đồng hồ, thắt lưng, ví tiền lại cho con em dâu, dặn nó.
- Nếu anh đi lâu lâu, mày nhớ thỉnh thoảng đến chơi với chị và cháu.
Con em dâu mắt rưng rưng, mình nói nó
- Mày đừng khóc, chả giải quyết gì đâu.
Anh công an già nhất nói
- Hiếu, nghe đọc lệnh này.
Anh đọc lệnh bắt khẩn cấp, cũng chả có gì bất ngờ vì tình hình trước đó cho thấy là sẽ vậy, nhìn sang thấy anh công an trẻ loay hoay lôi cái còng số tám mới cứng còn trong hộp ra. Tôi khen:
- Còng mới tinh à, còng mới cạnh sắc lắm, đau tay. Sao không dùng cái còng nào cũ.
Anh công an trẻ lắc đầu
- Không còn còng cũ.
Tôi đưa hai tay ra đằng trước nói
- Ưu tiên cho khóa đằng trước nhé, khóa đằng sau khó đi lắm.
Anh công an già nhìn tôi, rồi lắc đầu nói với anh trẻ
- Thôi, xét thái độ của anh Hiếu thì không cần thiết phải còng đâu.
Ông Nghĩa giờ chuyển sát tiết mục ca nhạc làm tôi bị cắt luồng nhớ lại, ông ngâm nga bài ‘’Chị tôi’’. Đến đoạn có câu ‘’Thế là chị ơi, rụng bông hoa gạo’’ tôi bật cười. Tôi hình dung khi đánh bài, cái ván bài tám đỏ lèo định chờ con Chi Chi để ù, nhưng chưa kịp chờ thì con Chi Chi đã nhảy tót lên khỏi đĩa bài nọc. Lúc ấy tôi cũng hay than ‘’thế là chị ơi, rụng bông hoa gạo”. Tôi hỏi ông Nghĩa bông hoa gạo của ông liệu rụng mấy năm. Ông Nghĩa nói chắc khoảng 2 năm hoặc cùng lắm là 3 năm. Vụ ông Nghĩa và các bạn sắp ra xử, ông Nghĩa băn khoăn là không liên lạc với con trai ông để bảo nó gửi đôi giày, ông muốn lúc ra toà đàng hoàng một chút.
Tôi an ủi rằng ông và các bạn chỉ treo khẩu hiệu, nội dung cũng không có gì nghiêm trọng. Sao bằng vụ anh Định, cậu Trung và ông Kim đang ầm ĩ ngoài kia. Ông Nghĩa cũng có vẻ yên tâm. Híc, số tôi không làm thầy bói được, không ngờ vụ ông Kim to thế mà rút cục sau này án lại nhẹ hơn ông Nghĩa nửa năm. Chả biết mai này lại gặp nhau ở đâu đó, trong tù nữa chẳng hạn thì giải thích thế nào với ông Nghĩa, nhưng lúc ấy tôi và ông đều nghĩ ông cùng lắm lĩnh án 3 năm tù là nhiều.
Thật ra thì pháp luật ở cái xã hội mà chúng ta đang sống nó uốn éo vô cùng. Lúc nghĩ thế này thì nó lại thế khác. Bởi chính vậy mà tôi vô tâm, sự vô tâm của cái chán chường . Đời tôi chứng kiến tận mắt những vụ trái ngược nhau. Có thằng không nghĩ mình phạm tội lại bị đi tù, có thằng phạm tội ngang nhiên lại không bị đi tù. Bọn chúng tôi chỉ biết lý giải tại số phận. Nôm na gọi là ‘’số tù’’.
- Thằng Hải người Mê Linh đi tù nguyên do thế này. Một tối nó đi chơi về qua bờ đê, gặp thằng Dũng đang đứng chân đê hút thuốc. Hai thằng chào hỏi nhau, thằng Dũng nói – tao vừa bắt được con phò ngon lắm, vừa chơi xong, giờ thằng Tiến đang chơi trên đê. Mày muốn thì lên làm một phát.
Thằng Hải trèo lên đê xem, thấy thằng Dũng vừa chơi xong. Con kia nằm tênh hênh rất ngon lành, con đó nhìn thằng Hải như ý nói có chơi không thì chơi luôn đi. Ý trong cái nhìn của đứa con gái nằm trần truồng khiến thằng Hải không thể chối từ được. Chơi xong thằng Hải đi về, xuống chân đê gặp thằng Dũng, nó hỏi ngon không. Hải còn gật đầu khen ‘’ngon’’.
Cái ‘’ngon’’ tối hôm đấy toà xử cho thằng Hải trả bằng 4 năm tù. Thằng Dũng 7 năm, còn Tiến 6 năm. Tội hiếp dâm có tổ chức. Thằng Hải có cãi là nó ko biết bọn kia doạ con bé đó sợ quá phải nằm im, hay là không trả tiền. Cái này không tranh luận, nhưng toà lập luận rằng. Tại sao thằng Hải lúc chuẩn bị chơi con kia, không hỏi ý con đấy một câu. Con đó đồng ý đâu mà đã chơi.
Còn thằng Tiến ‘’choắt’’ đi tù thế này, nó đi xích lô từ Hoà Mã lên Hàng Chai. Đến nơi thằng xích lô đòi 5 nghìn. Tiến ‘’choắt ‘’ kêu đắt, hai thằng chửi nhau. Tiến ’’choắt’’ giật cái mũ cối cứng của thằng xích lô làm vũ khí táng luôn . Thằng xích lô nhảy lên xe đạp cong đít trốn. Tiến ‘’choắt’’ đang cơn hăng còn đứng chửi, công an đi qua tóm về đồn. Về đồn lại lỡ lời thế nào, các chú công an quy mẹ nó vào tội ‘’hành hung, cướp giật tài sản’’ Tang chứng là cái mũ cối Việt Nam giá 12 nghìn. Ở toà người ta không tính đến chuyện cãi nhau đắt rẻ về tiền xe hay giá trị cái mũ. Toà chỉ tính từ đoạn thằng Tiến ’’choắt’’ giật cái mũ đánh, sau đó cầm trên tay không biết đường chạy theo mà trả cho thằng xích lô. Tiến ’’choắt’’ lĩnh án 5 năm tù.
Tôi bảo lúc đó mày đuổi theo, bọn toà nó lại bảo mày côn đồ, hung hãn quyết tâm thực hiện hành vi tội phạm đến cùng. Lại 10 năm cũng chả chơi.
Đắc Thịnh ở ngõ 295 Bạch Mai thì khác. Năm 1996 Đắc Thịnh đã có ô tô Land Cruiser bánh béo. Có lần hiềm khích, Đắc rút súng chỉ đối thủ nói – tao bắn mày xong tao còn báo công an – Nói xong nhắm đùi đối thủ nã một phát đạn. Thằng kia nằm còng queo ôm đùi, máu xối xả. Bắn xong Đắc nghênh ngang leo lên xe có đệ tử lái đi. Đúng là sau chả thấy Đắc bị làm sao. Hay Đắc không có ‘’số tù’’? Nói gì thì nói, lúc đó tiền của Đắc nhiều vô kể, và chuyện làm ăn của Đắc liên quan tới khối lãnh đạo. Cho nên Đắc không sao chả hẳn là do số. Nhưng có vụ hai thằng cùng gây án đánh chết người, một thằng không vì tiền bạc hay gì cả đứng ra nhận hết. Đơn giản nó nghĩ là đằng nào cũng thế, một thằng nhận cho xong, kéo thêm thằng khác làm gì. Nên thằng nhận lĩnh án tử hình, thằng kia không tố giác tội phạm bị án treo. Vụ này thì xin không nêu tên.
Hay như ai mà nghĩ anh “’Điếu Cày’’ bị tù vì tội trốn thuế. Cái việc cho thuê nhà lấy tiền mà không đóng thuế thì thiên hạ này có bao nhiều người trốn thuế. Các bạn cứ hỏi xung quanh thì sẽ thấy.
Nhớ cái hồi mà Việt Nam mới có băng video và đầu video, việc sao băng hình rất nhiều lợi nhuận. Có một tay chỉ học hết lớp 3 làm ông chủ băng hình, các người làm công thực hiện, còn hắn chỉ ngồi thu tiền. Một lần tôi thấy người làm công hỏi hắn đặt tên phim này là gì . Phim xách tay mang từ nước ngoài về có tên, nhưng cả chủ lẫn thợ ở cái cơ sở đó có đứa nào biết ngoại ngữ đâu. Tên chủ bảo tua cho hắn mấy đoạn, nhìn thấy hình nhân vật đang rút súng bắn chết đối thủ, khuôn mặt lạnh tanh. Tên chủ nói – phim này đặt tên là ‘’Sát thủ lạnh lùng’’. Mấy hôm sau ở các hàng băng cho thuê đã xuất hiện tên phim hấp dẫn “Sát thủ lạnh lùng’’.
Cái việc đặt tên cho phim của tên chủ hàng băng học hết lớp 3 ấy ngẫu hứng đầy tính nghệ sĩ.
Y như việc toà hay công an nước ta gọi tội danh của người ta vậy. Thấy nói năng gì thì đặt tên tội là ‘’tuyên truyền, chống phá’’ sau thấy hành động gì thì đặt tên là ‘’âm mưu hoạt động lật đổ’’. Thằng đi xe trên đường công an bảo đi quá tốc độ, cãi nhau, tranh luận thì công an lập hồ sơ đưa ra toà thành tội “cản trở ,chống người thi hành công vụ’’. Bọn tụ tập ngoài vườn hoa, trải chiếu ăn nhậu ca hát tùm lum. Thích thì bỏ qua, không thích thì ‘’tụ tập đông người trái phép, gây mất trật tự công cộng’.
Bởi những gì tôi đã thấy, cho nên tôi vô tâm như kiểu nhà Phật. Sự việc đến đâu thì đến. Cái này nói ngoằn nghèo là ‘’sắc là không, không là sắc, sắc là sắc, không là không, sắc cũng như không, không cũng như sắc’’.
Có người thắc mắc nói sao đầu năm tôi không viết cái gì lại viết về chuyện ‘’số tù’ này.
Mỗi người có ý khác nhau. Năm nay là năm đại hội đảng cầm quyền nước ta, cứ cái đà bên cầm quyền kiên định con đường đã chọn, còn bên góp ý cứ ngày càng nhiều. Chuyện nhà tù là vấn đề phải nói chứ không nên né tránh. Mở màn cho năm 2010 sẽ là vụ xử những người như Định, Trung. Thức cũng như cuối năm trước khép lại bằng vụ ông Kim. Một năm kết thúc như vậy và một năm mới mở đầu như vậy. Nói chuyện về nhà tù cũng hợp lý chứ có xa vời gì đâu.
Ngày thứ tư.
Trong căn phòng giam kiên cố mỗi phòng chỉ có hai người tù. Tôi ngồi đánh cờ với anh bạn tù cùng phòng. Anh còn trẻ, chưa vợ. Hình như anh ta tội bán hoá đơn gì đó, án tù bao lâu tôi cũng không rõ lắm. Vì không nên hỏi chuyện của anh ta, nếu không anh ta nghĩ tôi là người được công an cài vào khai thác gì. Ở trong tù người ta hay nghi hoặc như vâỵ. Anh ta nhìn tôi nghi ngờ khi thấy thái độ của tôi những ngày vào đây. Anh ta nửa đùa nửa thật nhìn tôi nói ‘’thành phần này đáng ngại đây’
- Cháu in Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam. Tôi trả lời câu hỏi của ông nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa ở buồng bên canh.
Ông Nghĩa thờ dài đến thượt một cái não nề, ông cũng treo băng rôn Hoàng Sa, Trường Sa ở cầu vượt mà vào đây. Tôi an ủi:
- Đúng là ‘’chị ơi rụng bông hoa gạo nhỉ‘’ chú nhỉ?
Anh bạn cùng phòng nhìn tôi cười mỉa mai.
- Hóa ra đồng bọn với ông Nghĩa à, mà lạ nhỉ sao lại bắt bọn các ông, Hoàng Sa, Trường Sa đúng là của Việt Nam mà. Tôi làm bộ bí mật nhìn quanh rồi thì thào vào tai anh ta.
- Tí nữa hỏi cán bộ hộ tôi như thế nhé!
Chúng tôi đánh cờ vào giờ rảnh, anh ta thường thua, may lắm hôm nào cuộc hỏi cung của tôi diễn ra căng thẳng mới có ván hoà. Anh ấy bảo anh đã ở tù gần 2 năm, nói chưa gặp ai thắng anh ấy.
Khi bị bắt, tôi chỉ có bộ quần áo trên người, bởi vậy hai hôm tôi lại giặt vào ban tối.Để ngoài cửa sổ cho kịp khô. Khi nào vắt nước ở quần áo tôi nhờ anh ta cùng vắt. Vắt thật kiệt để chóng khô ngày mai đi cung kịp mặc.
Vì đi cung liên tục, cán bộ trại giam mở cửa nhiều lần quá. Cô cán bộ bảo tôi – có gì thì thành khẩn khai với cán bộ điều tra để mau về – Cô ta nói đùa thế nào chứ. Cán bộ ta giỏi lắm, khai hay không khai họ cũng biết hết. Có khối vụ bị can có khai nhận gì đâu, nhưng kết luận hồ sơ vẫn có tràng giang đại hải bằng chứng, rồi căn cứ để kết luận là cho dù bị cáo ngoan cố nhưng qua quá trình thu thập này nọ, có cơ sở kết luận là bị can phạm vào điều a, khoản b, tiết c…gì gì đó. Tính tôi hay đơn giản hoá vấn đề. Cho nên tôi nghĩ các cán bộ biết hết rồi, mình khai nhiều thì lại phải nói nhiều, cán bộ lại ghi chép nhiều, mệt cho cả hai. Mà thực sự thì việc tôi làm có gì phải kể nhiều đâu, tôi in mấy cái áo để bán kiếm tiền. Nội dung mấy cái áo đó chả có gì vi phạm pháp luật, hoặc ai đó thấy vi phạm điều gì thì việc của họ. Tôi chỉ mua áo ngoài chợ mang về làm khuôn tự gò lưng in lấy. Tính bán kiếm tiền lời nuôi con. Các cán bộ cười nhạt nói rằng nếu đơn giản thế thì họ đã không bắt tôi. Tôi bảo đời tôi chứng kiến khối cái đơn giản chả có gì còn đi tù, nên việc tôi bị bắt chả có gì ngạc nhiên. Có thể tôi nhầm phạm tội mà không biết hay có thể cơ quan hành pháp nhầm mà họ không biết. Cái này là số phận.
Cán bộ đưa tôi tờ lệnh bắt, bảo có ý kiến gì ký vào. Tờ lệnh này tôi đã nghe đọc và xem từ mấy hôm trước. Hôm đó không hỏi gì, hôm nay lại hỏi mới lại. Chắc hôm đó cập rập quá. Tôi hỏi nếu tôi ý kiến không đồng ý có được thả về không. Cán bộ cười lắc đầu, tôi cũng cười nói – vậy thì tôi chả ý kiến gì hết, tóm lại các anh muốn bắt thì bắt, thế thôi. Anh cán bộ điều tra lại cười. Anh bảo tôi nói buồn cười lắm, cứ như là công an thích bắt ai thì bắt ý. Công an đã bắt là có cơ sở, không bắt bừa bãi bao giờ. Tôi bảo thế các anh có cơ sở rồi hỏi ý kiến tôi làm gì, lỡ tôi ghi không đồng ý lại bảo tôi ngoan cố. Thôi cứ để trắng như vậy đi.
(Còn nữa)
© Đàn Chim Việt
Copy từ: Đàn Chim Việt
.............................
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét