VRNs (13.09.2013)
– California, USA – Trong cuộc sống, thi thoảng ai cũng có lúc
không-muốn-làm-gì-cả hay không-có-gì-để-làm-cả, thậm chí còn mang tâm
trạng không-thể-làm-được-gì-cả, … trước một nghịch cảnh hay một thách đố
quá to lớn đối với mình. Thường thì người ta sẽ tìm quên trong giấc
ngủ, trong cơn say hoặc miệt mài với những cuộc vui chợt đến … Nhưng,
khi tỉnh giấc thì mọi việc lại càng trở nên trầm trọng và thúc bách hơn.
Cũng có một số ít người chọn thái độ
khác: giữ sự tĩnh tâm để đối diện với chính mình, quán sát cái tâm trí
hỗn loạn của mình, và lắng nghe tiếng trò chuyện thông tuệ của phần tâm
thức sâu thẳm nhất… Tiếng thì thầm của Nhận Biết, rất ngạc nhiên, sẽ cho
các câu trả lời về những vấn đề hoàn toàn khác, mang tính cốt lõi hơn,
chẳng hạn như: ta là ai? tại sao ta hiện hữu? ở đây? đang làm gì? nguồn
cội của hạnh phúc và khổ đau? ý nghĩa đích thực của sự Sống – sự Chết? …
Tôi tin rằng nhạc sĩ Văn Cao đã trải qua những giờ phút tĩnh tâm ấy khi sáng tác bài thơ Chọn: “Giữa sự Sống và sự Chết, tôi chọn sự Sống – Để bảo vệ sự Sống, tôi chọn sự Chết”. Và có lẽ cũng như thế, viên sĩ quan trẻ tuổi Hoàng Cơ Minh đã từng nghĩ về những người đang chiến đấu cho lý tưởng “Chỉ người lính mới không sợ chết. Và cũng chỉ người lính thôi mới biết sự sống đáng quí đến dường nào.”
Riêng luật sư Lê Quốc Quân, trong điều
kiện khắc nghiệt của lao tù cộng sản, anh đã
dùng-ghim-đục-chữ-trên-bìa-cứng để ghi tâm tư mình trong bốn bài thơ:
Hoả Lò vọng sóng Biển Đông, Tặng người Bạn Tù, An Thái Việt, Chí người
Ngục Sỹ.
Nhân ngày sinh nhật của anh Lê Quốc Quân
– 13 tháng 9 – vừa tròn 42 tuổi, tôi muốn tặng một món quà nào đó đến
anh để một lần nữa bày tỏ lòng trân quí những kỷ niệm và những suy tưởng
về anh.
***
Lần đầu tiên, nhìn thấy luật sư Lê Quốc Quân
qua một cuốn sách tường trình về các chương trình “xoá đói giảm nghèo”
của một tổ chức phi chính phủ (NGO) mà anh đã bỏ nhiều công sức thực
hiện tại các vùng cao nguyên Việt Nam. Tuy chỉ biết anh qua vài tấm ảnh
của một thanh niên rất trẻ, khuôn mặt lạc quan, phục sức giản dị, với nụ
cười rạng rỡ bên cạnh những khung nhà đơn sơ minh hoạ trong các trang
báo cáo đơn giản mà xúc tích; tôi cảm nhận ngay một lòng thương yêu
thiết tha và tràn đầy ước mơ nơi anh Quân cho những người nghèo khó. Có
lẽ do quá lãng mạn chăng, tôi còn nhớ mình đã tưởng tượng đang được đứng
cùng anh với lòng hãnh diện trong niềm vui phụng sự.
Bẵng đi nhiều năm sau, khoảng đầu năm
2007, vợ chồng tôi được gặp vợ chồng anh cùng cháu An Hà đang vãn cảnh
chùa ở California. Với duyên hạnh ngộ này, biết thêm anh là một luật sư
nhiều tài năng với giọng nói nhiệt tình lúc thâm trầm lúc sôi nổi. Trò
chuyện rất ngắn, nhiều lúc anh bỏ quên người bạn mới quen – anh dành khá
nhiều thì giờ mê mải chơi với con. Trông thật cảm động!
Tháng 3 năm ấy, sau khoá tu nghiệp tại
tại Hoa Kỳ do Quỹ Quốc Gia Phát Triển Dân Chủ (NED) tặng học bổng, anh
Quân cùng vợ con trở về quê hương. Bốn ngày sau, anh bị nhà nước Việt
Nam giam giữ điều tra liên tục với tội danh “hoạt động nhằm lật đổ chính
quyền”. Đối với tội chính trị – mà thời gian gần đây trong trại tạm
giam các bạn tù thường gọi lóng là “tội cầm cờ” hoặc “tội yêu nước”, cán
bộ quản giáo thường xuyên ngược đãi và tra tấn bằng nhiều cách khác
nhau theo lệnh của công an điều tra nhằm ép buộc tù nhân ký các bản nhận
tội và khai báo về các nhân sự khác. Sau này tôi được nghe đã có lúc
anh đã phải tự đập đầu mình vào tường đến toé máu để phản đối an ninh
điều tra. Và anh đã vượt qua nhiều giờ căng thẳng như vậy suốt 100 ngày
bị giam giữ. Sau khi tìm đủ cách ép cung mà vẫn không thành công, và với
sức ép của Hoa Kỳ, công an đành thả anh vào ngày 16/6/2007.
Nhờ kinh nghiệm của anh Lê Quốc Quân mà
tôi quan tâm hơn và hiểu thêm về những điều luật căn bản cần nắm vững,
thái độ ứng xử và cách thức đấu tranh trước những thủ thuật nham hiểm
của trại giam cộng sản, … Tôi thực sự biết ơn những kinh nghiệm toé máu
qua những câu chuyện nho nhỏ rất đơn giản và hóm hỉnh của anh, khi mà 5
tháng sau đó chính tôi bị sa cơ tại Tây Ninh.
Suốt 6 tháng trải nghiệm những thử thách
chưa từng gặp trong cuộc đời mình, vào những giờ khắc gian nan nhất,
tôi đã có thể lạc quan mỉm cười vịn vào tinh thần của anh và những người
ở tù trước tôi để đứng dậy và bước tới. Cảm ơn anh.
***
Năm 2008 rời trại giam về xum họp với
gia đình thương yêu của mình, tôi vẫn dõi theo từng bước chân anh. Chưa
bao giờ tôi thấy anh ngưng nghỉ. Khi hơi thở là cuộc sống, thì có ai vì
muốn sống lại chịu chấp nhận ngưng hơi thở của mình? Không phải tự dưng
mà Paulus Lê Sơn tự nhắc nhở “Hãy sống cho đến chết, đừng chết khi còn đang sống”. Từ đó, tôi cũng đã mạnh dạn tiếp bước sát cánh cùng những gian nan chung của dân tộc.
Anh và tôi tuy chỉ là những người quen
sơ với nhau với đôi lần tình cờ có dịp trò chuyện thăm hỏi sức khoẻ nhau
qua mạng Internet, nhưng câu chuyện với anh luôn để nơi tôi một ấn
tượng rất đậm nét. Có lần tôi đọc anh nghe trọn bài thơ “Lời Mẹ Dặn” của
Phùng Quán và nói lai lịch của bài thơ mà tôi thuộc lòng từ thập niên
1960. Anh đã rúng động khi nghe hết đoạn cuối:
“Đường mật công danh không làm ngọt được lưỡi tôi
Sét nổ ngang đầu không xô tôi ngã
Giấy bút tôi ai cướp giật đi
Tôi sẽ dùng dao viết văn trên đá”.
Anh phấn khích về nội dung bài thơ và tự
trách tại sao anh không biết chút gì về nó cho đến tận thế kỷ 21; trong
khi tôi, tôi ở một miền khác của đất nước lại có thể được ấp ủ và sống
với nó suốt một phần tư thế kỷ 20 !? (Sau này vào năm 2012 tại trại giam
B34, để đáp trả Bài Hát Tự Do mà anh Điếu Cày hát tặng nguyên dãy các
phòng giam, tôi cũng đã đọc vang bài thơ này qua lỗ thông hơi của phòng
giam để tặng anh Điếu Cày. Rồi cũng nhận được sự phấn khích tương tự. Và
nhớ tới anh, và nhớ người bạn tù kiên cường Nguyễn Đặng Minh Mẫn. Lòng
tôi rắn lại).
Một kỷ niệm khó quên khác là lần tham dự
biểu tình chống Trung Quốc vào Chủ nhật 3/7/2011, mà anh Nguyễn Văn
Phương đã dõng dạc đọc Tuyên Cáo vào khoảng 10 giờ sáng trước Nhà Hát
Lớn Hà Nội. Khi đoàn biểu tình đang tuần hành vòng quanh bờ hồ Hoàn
Kiếm, nhìn lên hàng đầu tôi chợt thoáng thấy anh Lê Quốc Quân cách tôi
khoảng 4 mét khi vừa lúc anh quay xuống và dường như anh đã nhận ra tôi.
Sau đó, anh cứ ngẩng mặt nhìn lên trời cười một mình hoài, quên cả hô
khẩu hiệu. Còn tôi sau cái ngạc nhiên sung sướng bất ngờ ấy, vẫn giữ
khoảng cách đó suốt đoạn đường để gậm nhấm cái hạnh phúc đã hoàn thành
một ước mơ nhỏ ngày xưa “được cùng đứng bên anh sát cánh với đồng bào”.
Chính cái hạnh phúc và niềm hãnh diện ấy
đã khiến tôi quyết định không rút lui ngay sau khi chúng tôi đòi được
những người biểu tình khác bị giữ ở đồn công an Phường Tràng Tiền; mặc
dù biết rất rõ lúc ấy là thời điểm thuận tiện nhất để thoát thân. Trước
đó, tôi được các bạn có mặt tại hiện trường phân công cấp kỳ để cái anh
“Việt kiều có lòng” này đi cùng với hai nữ kiện tướng của các cuộc biểu
tình chống Trung quốc xâm lược, để tiếp sức và “bảo vệ” cho họ. Hơi khôi
hài ở chỗ cái thân trói gà không chặt như tôi thì sẽ thực hiện công tác
bảo vệ thế nào? Thế mà hai chị cũng có vẻ tin cậy tôi lắm!? Thế mới
biết giá trị của “đám đông” trong đấu tranh bất bạo động có tác dụng rất
lạ lùng. Ba người chúng tôi đã khởi hành từ 6 giờ sáng và rồi cùng về
đến tận nơi chia tay an toàn vào khoảng 1 giờ trưa. Thú thật, mười lăm
phút cuối trên chuyến tắc xi với hai chị, tôi vô cùng hồi hộp. Cảm ơn
hai chị và bạn hữu đã cho tôi một trải nghiệm tuyệt vời, giúp tôi gia
tăng lòng thương yêu và dám ước mơ nhiều hơn cho đất nước của chúng ta.
Khởi đi từ ước mơ “có một ngày những
luật sư bất đồng chính kiến, bị tước đoạt bằng hành nghề một cách tùy
tiện, sẽ được đứng trước toà để bảo vệ cho Công Lý và Sự Thật. Họ sẽ
dõng dạc bào chữa cho bị cáo như bào chữa cho chính mình”. Khi tôi bị
giam lần thứ hai vào tháng 4/2012, tôi lại nhờ đến anh Quân và anh Đài
giúp trong vai trò bào chữa viên nhân dân. Đây là một cuộc đấu tranh dai
dẳng, căng thẳng, và tiêu hao nhiều sức lực đối với tôi trong trại
giam! Sức mạnh tôi có được chính là nhờ lòng thương yêu công lý của các
anh.
***
Lan man kể chuyện về anh, tôi không hề
quên Món Quà Sinh Nhật vừa hứa. Cũng đúng vào ngày sinh nhật thứ 59 của
mình, tôi đã dùng trọn thời gian trong cuộc tuyệt thực “không ăn-không
uống” để bắt đầu lắng nghe tâm thức trò chuyện với chính mình… Năm hôm
sau, đến giữa khuya tự nhiên tôi hệ thống hoá được cho riêng mình “Chìa
khoá sống hạnh phúc – sống hết mình” (The key to live happily, to live
to the max). Ba ngày còn lại tôi đã hiểu vì sao trong hoàn cảnh khắc
nghiệt này mà tôi vẫn cảm thấy thanh thản và hạnh phúc. Tôi quyết định
chấm dứt cuộc tuyệt thực vào buổi chiều ngày thứ tám. Hôm nay, tôi muốn
trao tặng đến anh Lê Quốc Quân “chiếc chìa khoá” ấy, không chắc lắm nó
có lợi ích thiết thực cụ thể gì hay không, xin anh nhận như một món quà
rất thô sơ, riêng tư và chân thành.
Chiếc chìa khoá này gồm ba từ kép, vừa
là danh từ vừa là động từ, hợp lại thành một chu kỳ hình xoắn ốc đi lên
đến vô giới hạn, giống như một lò xo dựng đứng. Ba từ kép đó là “Thương
Yêu – Ước Mơ – Trải Nghiệm”
Nếu nhìn như danh từ thì Thương Yêu là
điểm khởi đầu, Ước Mơ là đích đến, và Trải Nghiệm là đường đi. Và chìa
khoá này thực sự gồm ba hành động: Thương Yêu để xây nền cho hạnh phúc
bền vững – Ước Mơ để tin cậy vào tương lai tốt đẹp – Trải Nghiệm để tận
hưởng và nâng tầm hạnh phúc cuộc sống.
Chỉ khi biết chọn thương yêu cái Đúng,
cái Lành, cái Đẹp, … thì mới dễ nảy sinh ước mơ; còn nếu yêu quí cái
Danh, cái Ác, cái Sắc, … thì niềm vui chóng tàn và sẽ tự hủy diệt. Chỉ
khi dám ước mơ thì cuộc sống mới có ý nghĩa, vì điểm khởi đầu và đích
đến có một khoảng cách nhất định như chiều dài của cuộc sống. Và chỉ có
trải nghiệm thì mới thực sống và cảm nhận được hạnh phúc. Và rồi, sẽ
thương yêu nhiều hơn, dám ước mơ lớn hơn, và trải nghiệm thêm những khía
cạnh diệu kỳ khác của cuộc sống. Đó mới chính là sống hết mình, không
những cho bản thân mình mà còn cho cả tha nhân nữa.
Thật khó trao gửi đến anh, dù chỉ là món
quà tinh thần, khi chúng tôi cách xa nửa vòng trái đất! Tôi biết chính
vợ con anh ở ngay tại Hà Nội, cũng chưa từng được gặp mặt anh trong suốt
thời gian giam giữ từ ngày 27 tháng 12 năm ngoái. Nhưng trộm nghĩ tất
cả các chất liệu của món quà này tôi nhận được từ việc quan sát và quí
trọng anh Lê Quốc Quân. Do đó, đây lại chính là món quà mà anh đã gián
tiếp trao tặng cho tôi.
Nếu ai đó chưa tin, xin vui lòng đọc kỹ lại bốn bài thơ
: Hoả Lò vọng sóng Biển Đông, Tặng người Bạn Tù, An Thái Việt, Chí
người Ngục Sỹ mà anh đã dùng-ghim-đục-chữ-trên-bìa-cứng để ghi tâm tư
mình và nhờ bạn tù chuyển ra ngoài.
Nhân ngày sinh nhật thứ 42 của anh Quân,
tôi xin phép gói giúp anh món quà và chân thành gửi đến những người
thương yêu nhất của anh. Đó là chị Hiền và các cháu An Hà, Thái Hà, Việt
Hà cùng tất cả những người quí mến anh với lời chúc an lành và lạc quan
nhất.
Người cùng tên khác họ với anh – Nguyễn Quốc QuânCopy từ: Truyền Thông Chúa Cứu Thế
..........................
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét