Quê Mẹ - Genève, 13.9.2013 - Khóa họp lần thứ 24 của Hội đồng Nhân quyền LHQ đang diễn ra tại Genève từ ngày 9 đến ngày 27.9.2013.
Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam và Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền,
với sự bảo trợ của 4 tổ chức Human Rights Watch, IFEX (Bảo vệ và Thăng
tiến Tự do Ngôn luận), Article 19 (Bảo vệ Tự do Ngôn luận), và PEN
International (Văn Bút Quốc tế), đã tổ chức vào chiều ngày thứ tư
11.9.2013, tại Phòng hội XXII của LHQ một cuộc Hội thảo về “Ngôn luận hợp pháp trên Internet bị quy tội : Nhân chứng từ Việt Nam, Thái Lan, và Cam Bốt” (Criminalisation of Legitimate Expression on the Internet : Testimonies from Viet Nam, Thailand and Cambodge).
Các nhân chứng từ Việt Nam có hai ông Võ Văn Ái và Nguyễn Bắc Truyển, bà Sukanya Joop Prueksakasemsuk đến từ Thái Lan và cô Ramana Sorn đến từ Cam Bốt.
Hội thảo tại LHQ về “Ngôn luận hợp pháo trên Internet bị quy tội:
Nhân chứng từ Việt Nam, Thái Lan, Cam Bốt” .
Mở đầu cuộc hội thảo ông Võ Văn Ái phát biểu như sau:
“Về vấn đề tự do ngôn luận trên Internet, Việt Nam mới thông qua Nghị
định 72 hôm 15.7 và có hiệu lực kể từ ngày 1.9, là hành xử cuối cùng của
Việt Nam chống lại tự do ngôn luận trực tuyến. Nghị định này tóm lược
sự chọn lựa hai đường của Việt Nam : Làm vui lòng cộng đồng quốc tế quan
tâm tới nhân quyền, song song với việc đàn áp nhân dân.
“Kể từ chính sách Đổi mới kinh tế ra đời năm 1986, mục tiêu của nhà cầm
quyền tập trung thu hút giới đầu tư quốc tế, nhưng đồng thời kiểm soát
chặt chẽ chế độ chính trị. Nghị định 72 quản lý việc sử dụng Internet để
khuyến khích các công ty quốc tế vào Việt Nam làm ăn. Trước khi Nghị
định ban hành, nhà cầm quyền Việt Nam tham khảo cộng đồng quốc tế về bản
dự thảo nghị định. Nhưng chỉ sửa đổi theo các lời phê phán những chi
gây bất mãn giới đầu tư quốc tế. Trái lại, gạt bỏ mọi điều mang lại tự
do ngôn luận cho nhân dân.
“Việt Nam vốn đặt nặng việc mở rộng Internet để phát triển kinh tế, nhờ
vậy chỉ trong vài năm, Việt Nam trở thành quốc gia sử dụng Internet rộng
rãi nhất ở Đông Nam Á. Kết quả là : kể từ năm 2000 số người sử dụng
Internet tăng 15 lần hơn, đạt con số 31 triệu người sử dụng, tức một
phần ba dân số.
“Vài năm trước đây phải vào các quán Cà phê Internet để nối mạng. Nay
việc ấy có thể thực hiện trực tiếp tại nhà để truy cập các Trang Web.
“95% giới trẻ từ 15 đến 22 tuổi ở những thành phố lớn như Saigon, Hà
Nội, sử dụng Internet, 80% giới trẻ liên kết với các Mạng xã hội.
“Việc nối mạng hiện nay còn thông qua điện thoại cầm tay mà con số người
sử dụng lên tới 130 triệu, nơi dân số có 90 triệu, và 20 triệu sử dụng
smartphones. Nhà cầm quyền dự báo sang năm 2014 một nửa số các trang Web
có thể truy cập trên điện thoại.
“Sự cất cánh vĩ đại của Internet làm thức dậy trong lòng dân chúng mối
khát khao thông tin, trao đổi, đối thoại và tham dự vào hiện tình đất
nước. Các blogs và tiểu blogs được nẩy sinh hàng triệu để lẩn tránh các
nguồn thông tin một chiều và bè phái của nền báo chí nhà nước theo lệnh
đảng Cộng sản. Thực tế là mầm mống của nền báo chí độc lập và tự do ra
đời thông qua các blogs. Những blogs tiêu biểu có thể kể như Bauxite
Việt Nam hay Dân Làm Báo…
“Thông qua Internet, các nhà bất đồng chính kiến có thể trao đổi thông
tin giữa họ với nhau hay tuồng ra ngoại quốc, nhất là trong khối nhân
dân thầm lặng, đặc biệt trong giới trẻ, để vận động các vấn nạn họ quan
tâm : chẳng hạn vấn đề cưỡng chế đất đai nông dân, tham nhũng trong hàng
lãnh đạo Cộng sản cao cấp, hay những hiểm nguy Trung quốc khai thác
bô-xít ở Tây nguyên.
“Nhất là sự bất mãn của nhân dân trước sự nhu nhược của chính quyền Việt
Nam đối với việc Trung quốc xâm lấn vào biển đảo trên Biển Đông. Giữa
tháng 6 đến tháng 8 năm 2011, nhờ hệ thống SMS và Facebook, các cuộc
biểu tình đã tổ chức tại Hà Nội và Saigon mỗi ngày chủ nhật để chống xâm
lăng Trung quốc. Nhưng các cuộc biểu tình này đã bị nhà cầm quyền đàn
áp.
“Xem như thế, Việt Nam là nước sử dụng Internet phổ biến nhất tại Đông
Nam Á. Nhưng cũng là quốc gia vi phạm tự do ngôn luận kinh khủng nhất.
“Ấy là vì nhà cầm quyền Việt Nam không thích sự phê phán, tranh luận. Từ
khởi nguyên họ luôn xem Internet như mối đe dọa, nên tìm cách ngăn
chống “những tác dụng xấu”, tức tự do Internet mà nhân dân có thể sử
dụng. Cách đây mấy tuần, báo chí nhà nước nhận định “Với sự bùng nổ
Internet, tự do ngôn luận và tự do báo chí trở thành vấn nạn toàn bộ”.
Ông Võ Văn Ái trình bày hiện trạng đàn áp các bloggers tại Việt Nam
và Nghị định 72 về Internet khóa miệng tự do ngôn luận.
“Tuy nhiên, sự bùng nổ kỳ diệu của những lời phát biểu trên Internet gây
bất ngờ cho nhà cầm quyền Việt Nam, nên họ đã trả đũa bằng một loạt đàn
áp bạo động chống các bloggers và các nhà bất đồng chính kiến sử dụng
Internet, như sách nhiễu, công an dùng bọn côn đồ tấn công, bắt giam vào
nhà thương tâm thần, hành hung, kể cả xâm phạm thô bạo thân thể phụ nữ,
bắt giam tùy tiện, hay tổ chức các phiên tòa giả trá mà chìa khóa giải
quyết là những án tù nặng nề.
“Tất cả đó đã được chính quyền thoa lên vết sơn bóng loáng của cái gọi
là pháp luật với một kho điều luật gian ác, mà ta có thể thấy qua Nghị
định 72 như ví dụ cuối cùng.
“Trong quá khứ, Việt Nam đã kiểm soát chặt chẽ các chủ quán Cà phê
Internet cũng như cài đặt những phần mềm gián điệp trên các máy vi tính.
Đồng thời thiết lập bộ phận Công An Mạng để truy kích “những thông tin
nhạy cảm” và triệt phá hằng trăm blogs hay trang nhà tại Việt Nam. Nhà
cầm quyền còn áp đặt lên công dân mạng trách nhiệm hình sự những chi họ
đưa lên blog hay trang nhà, kể cả những chi họ nhận được. Đồng thời chế
độ tấn công các trang nhà đối lập ở nước ngoài và sử dụng phần mềm gián
điệp phá hỏng hàng nghìn máy vi tính.
“Việt Nam cũng thiết lập những Facebook hay Twitter cạnh tranh, nhằm
kiểm soát công dân mạng. Việc đăng ký các trang nhà bó buộc phải trưng
đủ chứng minh thư.
“Bên cạnh những biện pháp đặc biệt cho việc sử dụng Internet, Việt Nam
có cả một kho điều luật chống lại tự do ngôn luận, tiêu biểu nhất trong
bộ Luật Hình sự nằm dưới định nghĩa mơ hồ của cái gọi là “an ninh quốc
gia”:
“Ví dụ, điều 79 của bộ Luật Hình đối với “những hành vi nhằm lật đổ
chính quyền nhân dân” bị xử từ chung thân đến tử hình nhằm trấn áp giới
bất đồng chính kiến. Đã nhiều năm LHQ tố cáo điều luật này, vì không
phân biệt giữa những hành vi bạo động với sự ứng xử nhân quyền chính
đáng và ôn hòa.
“Những ai trao đổi tin tức với người nước ngoài sẽ bị truy tố tội “gián điệp” theo điều luật 80 trong bộ Luật Hình sự.
“Điều 88 của bộ Luật Hình sự về “tuyên truyền chống phá nhà nước XHCN”,
bị án 3 năm đến 20 năm tù giam, được nhà cầm quyền sử dụng thường xuyên
để ngăn cản mọi phê phán nhà nước. Đúng một năm trước đây, blogger Điều
Cày và thành viên “Câu lạc bộ nhà báo tự do” Tạ Phong Tần và Phan Thanh
Hải bị xử án lên tới 12 năm tù giam.
“Một trong những điều luật ngột ngạt kiểu Kafka là điều 258 của bộ Luật
Hình sự về “lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm quyền lợi nhà nước” có
thể bị án 7 năm tù giam.
“Trở lại với Nghị định 72 về Internet, cũng như đa số các điều luật và
chỉ thị của Việt Nam, mọi hành xử đều bị cấm đoán, khiến người ta không
biết đều gì họ có quyền làm, hiển nhiên ngoài sự câm mồm. Nghị định 72
thiết lập sự kiểm duyệt tùy theo những hành động bị cấm đoán, và bó buộc
các nhà cung cấp dịch vụ Internet ngoại quốc phải cung cấp thông tin
của khách hàng người Việt khi nhà cầm quyền đòi hỏi.
“Hơn nữa, theo Nghị định 72 mọi trao đổi thông tin trên Facebook là một
tội phạm. Cấm mọi công dân mạng đề cập chuyện thời sự trên blog, trang
nhà hay mạng xã hội của họ như Facebook hay Twitter. Chỉ được lưu hành
các tin tức “cá nhân” mà thôi. Mới hai ngày trước đây, Hãng Thông tấn
Việt Nam, tức cơ quan thông tấn nhà nước nhắc nhở rằng:
“Các blogs do tư nhân thiết lập với mục đích cung cấp, trao đổi những
thông tin cá nhân, chứ không được trình bày về các tổ chức hay những cá
nhân khác mình, và cấm cung cấp các tin tức liên quan tới tổ chức hay
của người khác”.
“Nếu các tư nhân muốn đăng tải những tin tức thời sự thì phải “xin
phép”, nghĩa là chịu khép mình dưới sự kiểm duyệt của báo chí nhà nước.
“Trước sự phản đối dữ dội của cộng đồng quốc tế chống các điều luật của
Nghị định 72, nhà cầm quyền Việt Nam tìm cách bào chữa rằng nghị định
nhắm bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và ngăn cản việc tái bản trái phép
những bài vở được bảo vệ trên các trang nhà. Thế nhưng luận điệu này
chẳng thuyết phục ai, ngoài sự ác ý của nhà cầm quyền.
“Cứ như thế, từ đầu tháng này chính quyền Việt Nam truy kích các công
dân mạng đề cập tới chuyện thời sự. Dùng những điều luật mơ hồ để biến
thành tội phạm cho bất cứ cách hành xử nào hoặc đàn áp tùy tiện. Nhà cầm
quyền thiết lập sự tự kiểm duyệt, là hình thức kiểm duyệt tối hậu.
“Trong lĩnh vực tự do báo chí, nhà cầm quyền áp đặt những biện pháp
khiến các ký giả tự mình kiểm duyệt lấy mình. Ví dụ như luật báo chí
Việt Nam đòi hỏi các nhà báo phải trả tiền bồi thường cho những cá nhân
nêu tên trong bài viết, dù sự kiện nói về cá nhân ấy được xác nhận. Nếu
điều ấy chưa đủ, nhà báo nào quá thóc mách sẽ bị bắt giam, như trường
hợp vừa xảy ra cho ông Võ Thanh Tùng cùng với các người phụ tá ông hồi
tháng 8 vừa qua, hoặc ông Nguyễn Văn Khương bị bắt giam năm 2012. Những
người này viết bài tố cáo công an tham nhũng, rốt cuộc lại bị truy tố
tham nhũng.
“Nhà báo, bloggers, những nhà bất đồng chính kiến sử dụng Internet, nhà
bảo vệ nhân quyền, nhà dân chủ đều bị nhà cầm quyền xem như “thù địch”
hay “thế lực thù địch” theo thành ngữ nhà nước sử dụng. Lạ thay, những
người này không chống đối chế độ hiện hữu hay chống đối đảng Cộng sản,
họ cũng không hề chống lại quê hương Việt Nam của họ. Trái lại, họ chỉ
góp ý khi có ai hỏi họ, như trong trường hợp được tham khảo trong việc
cải tổ Hiến chương ; họ nhìn ra những vấn nạn đất nước vấp phải để tìm
cách đối thoại hay tham gia giải quyết.
“Giống như nhận định gần đây của ông Johathan London, Giáo sư Đại học
Hồng Kông : “Trong mọi tầng lớp xã hội Việt Nam đang có sự khao khát
thay đổi. Nỗi khát vọng này không đến từ các thế lực thù địch, mà đến từ
mọi giới người Việt yêu thương xứ sở họ và mong cầu một tương lai tốt
đẹp sớm xảy ra”.
“Chính giới người Việt này đang bị Hà Nội truy kích, đàn áp một cách
lạnh lùng, không đoái hoài đến các công ước quốc tế bảo vệ nhân quyền mà
nhà cầm quyền đã ký kết.
“Ngoại trừ vạch ra chút sai trái, cộng đồng quốc tế vẫn tỏ ra chìu lòng
giới cầm quyền Hà Nội : Đãi bôi trên đầu lưỡi rồi chúi đầu vào làm ăn…
“Business as usual”.
“Trớ trêu của số mệnh khiến cho Việt Nam chỉ biết những cuộc đàn áp hung
tàn chống sự tự do, và rồi đây Việt Nam sẽ bước vào làm thành viên Hội
đồng Nhân quyền LHQ năm tới đây, mà sự quyết định có thể sẽ xảy ra trong
tháng này tại Đại hội đồng LHQ ở Nữu Ước.
“Thật vô cùng cốt yếu sự kiện các xã hội dân sự quốc tế kề vai đứng bên
cạnh các bloggers và những nhà đấu tranh cho nhân quyền, dân chủ Việt
Nam, vọng lên tiếng nói họ, và tố cáo những trấn áp mà họ đang chịu
đựng.
“Xin cám ơn quý liệt vị”.
(Quê Mẹ dịch sang tiếng Việt)
*
Lời phát biểu của Luật gia Nguyễn Bắc Truyển qua băng thu âm gửi từ Saigon sang Genève
Kính thưa quý vị,
Tôi là Nguyễn Bắc Truyển hiện đang sinh sống tại Saigon, Việt Nam, tôi xin tường thuật tình hình của tôi trong thời gian qua.
Ngày 10.8.2013, sau khi gặp đại diện của Ủy ban Đối ngoại của Hạ viện
Hoa kỳ tại Saigon. Khi chấm dứt cuộc họp, tôi bước ra phòng họp thì gặp
rất nhiều công an, mật vụ đã đứng sẵn ở đó rát đông, và tôi nghĩ rằng họ
có thể bắt tôi. Tôi báo ngay cho phái đoàn Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Hoa
Kỳ và họ yêu cầu tôi không được bước ra khỏi khách sạn và chờ người của
họ đến. Khoảng 10 phút sau hai nhân viên của Đại sứ quán Hoa Kỳ đã đến
và họ yêu cầu tôi giữ vị trí đó. Họ bước ra ngoài quan sát. Sau khi quan
sát xong họ điện thoại đi một vài nơi và sau đó họ nói với tôi có thể
bước lên xe taxi về nhà an toàn, không có vấn đề gì xảy ra cho tôi.
Băng thu lời Luật gia Nguyễn Bắc Truyển phát biểu đã được dịch sang Anh ngữ
Khi tôi trở về nhà mẹ tôi tại quận Tư Saigon, rất đông mật vụ bám theo
xe của tôi. Khi tôi về tới nhà, tôi thấy có rất nhiều mật vụ bám ở đó,
và trong suốt những ngày sau đó mật vụ đã bao vây nhà mẹ tôi 24 trên 24
với số lượng rất là đông. Mỗi ca trung bình khoảng 10 người mật vụ.
Sau khi cái ngày Phương Uyên được án treo, và thả ngay sau khi phiên tòa
chấm dứt, thì chị Bùi Hằng, anh Trương Minh Đức và một anh nữa là anh
Quang Dũng tới đón tôi tại nhà để đưa tôi qua Dòng Chúa Cứu Thế dự buổi
tiệc nhẹ mừng em Phương Uyên, công an, mật vụ đã đi theo nhóm chúng tôi
tới Dòng Chúa Cứu Thế. Tối hôm đó, sau khi dự buổi tiệc chúng tôi đến
một khách sạn nghỉ qua đêm. Sáng ra tôi và anh Trương Minh Đức đi mua
thức ăn sáng cho nhóm thì chúng tôi đã bị nhóm mật vụ này gây hấn. Khi
đó chị Hằng và chị Thúy Nga cũng đã có mặt dưới sảnh khách sạn và quay
lại tất cả những hành động côn đồ của họ thì bắt đầu họ tấn công lên.
Đầu tiên họ đánh tôi, sau đó họ đánh chị Thúy Nga, họ áp sát anh Trương
Minh Đức và chị Hằng để giựt máy quây phim và điện thoại. Nhưng họ không
thực hiện được vì lúc đó bảo vệ của khách sạn đã can thiệp mời họ ra
khỏi khách sạn.
Chiều hôm đó chúng tôi gồm có anh Nguyễn Tường Thụy, chị Bùi Hằng, chị
Thúy Nga lên xe để về Vũng Tàu, thì tại nhà xe Hoa Mai, công an mật vụ
đã dùng một hòn đá đập thẳng vào đầu chị Hằng.
Trong suốt chặng đường từ Saigon về Vũng Tàu thì nhóm công an mật vụ đó
đã theo về tới đây. Và hiện nay mỗi ngày trung bình họ có khoảng 10
người một ca để canh gác chung quanh nhà chị Hằng. Họ còn gây hấn cả gia
đình, những người thân như người con, em của chị Hằng đều bị họ gây
hấn, theo dõi, giám sát. Thậm chí con trai của chị Hằng là em Trung cũng
bị họ dùng một hòn đá ném thẳng vào đầu, khi em đang di chuyển bằng xe
gắn máy trên đường thành phố Vũng Tàu. Anh Lê Quốc Quyết là em ruột anh
Lê Quốc Quân đã đến thăm chị Hằng và trên đường về cũng bị cảnh sát giao
thông chận xe cho bọn mật vụ đánh anh tại cổng chào của thành phố Vũng
Tàu. Và sau đó chị Hằng và các anh em khác đã tổ chức một cuộc biểu tình
ngay tại đồn công an thành phố Bà Rịa để lên án hành động côn đồ cũng
như buộc họ phải xác nhận vào biên bản hành động chận xe hay đánh người
là hoàn toàn sai trái.
Ở tại Hà Nội, tình hình của các bloggers cũng bị tấn công. Các bloggers
tổ chức những lớp học Anh văn cũng bị đảng Cộng sản Việt Nam đi vào nhà
khám xét và bắt giữ trong một thời gian ngắn. Hiện nay Dũng Aduku là một
nhà hoạt động tại Việt Nam đã bị họ bắt ngày hôm qua, 21.8, và cho đến
nay chúng ta không biết tin tức gì về nhà blogger Dũng Aduku. Còn những
bloggers khác thì bị chiếm đoạt tài sản, giữ tài sản cho đến nay không
trả lại và khi những bloggers này tổ chức đến đồn công an đòi tài sản
thì bị đánh đập tại đó, như anh Thắng một blogger tại Hà Nội.
Thưa quý vị, trong những ngày qua khi ông Trương Tấn Sang đi gặp Tổng
Thống Obama Hoa Kỳ trở về thì tình hình nhân quyền có vẻ như là bước
sang một giai đoạn mới là khủng bố trực tiếp vào các nhà hoạt động một
cách rất là nặng. Họ đánh đập, không từ bất cứ hành động côn đồ nào để
có thể đàn áp, khủng bố tinh thần của các nhà bất đồng chính kiến cũng
như các nhà hoạt động. Nặng nề hơn hết là họ ra những thông báo về Nghị
định 72 hạn chế quyền thông tin trên Internet. Đây là Nghị định đi ngược
lại những lời cam kết tự do Internet của nhà cầm quyền Việt Nam đối với
quốc tế.
Chúng tôi xin được thông báo tình hình như thế đến các quý vị. Mong quý
vị quan tâm về tình hình Việt Nam để mà ngăn chận những cái sự vi phạm
nhân quyền của nhà cầm quyền Việt Nam. Buộc họ phải thực thi những cam
kết với các tổ chức quốc tế về nhân quyền.
Thưa quý vị và cám ơn quý vị rất nhiều.
Quê Mẹ : Hành động cho Dân chủ Việt Nam
& Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam
B.P. 60063 - 94472 Boissy Saint Léger cedex (France)
Tel.: (Paris) (331) 45 98 30 85
Fax : Paris (331) 45 98 32 61
E-mail : queme.democracy@gmail.com
Web : http://www.queme.net
Facebook: https://www.facebook.com/queme.net
Copy từ: Dân Làm Báo
.............................
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét