CHƯA TỐT NGHIỆP TRƯỜNG ĐỜI.

Thứ Ba, 27 tháng 8, 2013

NHÌN LẠI VỤ TAI NẠN GIAO THÔNG CƯỚP MẤT NHÀ THƠ LÊ ĐÌNH TY, VÀ NHỮNG BỨC XÚC TRONG DƯ LUẬN

NHÌN LẠI VỤ TAI NẠN GIAO THÔNG CƯỚP MẤT NHÀ THƠ LÊ ĐÌNH TY, VÀ NHỮNG BỨC XÚC TRONG DƯ LUẬN

Nhà văn HỮU PHƯƠNG

QTXM- Bạn đọc thân mến. Cách đây 2 tháng QTXM đã đưa lên mạng nhiều bài viết, nhiều ý kiến comments về vụ tai nạn thương tâm cướp đi mạng sống của nhà thơ Lê Đình Ty, một nhà thơ đang thời kỳ sáng tác sung sức. Đã có hàng vạn lượt độc giả truy cấp, hàng trăm ý kiến comment ( góp ý) đồng tình với những bài viết mà Quà tặng xứ mưa đã đăng tải. Nhưng đã 2 tháng 10 ngày trôi qua, Công an Đồng Hới vẫn chưa giải quyết xong nội dung hòa giải của vụ án. Có nhiều dấu hiệu công an điều tra Đồng Hới đang đứng về phía kẻ gây tại nạn, làm sai lệch hồ sơ vụ án . Vì vậy, chúng tôi sẽ lần lượt giới thiệu bài viết của nhà văn Hữu Phương, nguyên Chủ tịch Hội VHNT Quảng Bình và nhà báo, nhà thơ Cảnh Giang viết tiếp về vụ án này để bạn độc gần xa, nhất là những người trong hệ thông tư pháp Quảng Bình (như công an, Viện kiểm sát, tòa án) rộng đường phán xét. Chúng ta hãy cùng nhau lên tiếng một cách trung thực, nhằm chặn đứng mưu toan trục lợi của một số it người qua vụ án tang thương này.
                                                                                     Nhà thơ Ngô Minh

1. Vụ tai nạn thương tâm cướp mất mạng sống nhà thơ Lê Đình TY


Ngày 13 tháng 6 năm 2013, tại thành phố Đồng Hới, lúc 15 giờ, nhà thơ Lê Đình Ty đi xe máy từ đường Nguyễn Trãi ra, vượt qua đường Quách Xuân Kỳ (đường một chiều), đã bị chiếc ô tô 04 chỗ ngồi hiệu honda, biển số 29A-341-04 đâm ngang. Trên xe lúc đó có hai thanh niên: Khổng Đình Doanh và Lê Văn Thành (người Phú Thọ). Biên bản lập tại hiện trường, người cầm lái là Khổng Đình Doanh. Nhà thơ Lê Đình Ty được xe Công an đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Việt Nam – Cu Ba – Đồng Hới, nhưng do vết thương quá nặng, đã từ trần lúc 18 giờ hôm đó. Vụ việc xảy ra ngay lập tức đã được cảnh sát giao thông Công an Đồng Hới cùng cán bộ Viện Kiểm sát Đồng Hới lập biên bản, vẽ lại hiện trường. Và may mắn được Đài Truyền Thanh Truyền Hình Đồng Hới kịp thời quay được hiện trường vụ án khi cảnh sát giao thông và cán bộ Kiểm sát đang đo đạc vẽ hiện trường nơi xảy ra tai nạn. Vụ việc ngỡ đã quá rõ, nhưng đã gần 2 tháng rưỡi nay, vẫn trong tình trạng u u minh minh: Kết luận hình sự vẫn chưa được đưa ra; Đền bù dân sự vẫn bế tắc; Và nhiều dấu hiệu không bình thường đã được bộc lộ. Gây bức xúc trong nhân dân, nhiều ý nghĩ không tốt về một số công an Đồng Hới liên quan vụ việc này, đã xuất hiện trong công chúng…

 

2. Trong vụ tai nạn thương tâm ấy, nhà thơ Lê Đình Ty đi đúng luật.


Căn cứ vào hiện trường do công an đo vẽ trên mặt đất bằng phấn trắng, căn cứ vết tích để lại trên đầu xe ô tô và trên thân xe máy, căn cứ ý kiến của người bán vé số ngồi ở góc đường Nguyễn Trãi-Quách Xuân Kỳ ngay chỗ gây tai nạn và ý kiến những người đi đường chứng kiến vụ việc, căn cứ vết thương trên người nhà thơ Lê Đình TY, đặc biệt căn cứ băng ghi hình do Đài Truyền Thanh Truyền Hình TP Đồng Hới ghi lại hiện trường ngay sau khi tại nạn vừa xảy ra, đã cho thấy nhà thơ Lê Đình Ty đã đi đúng luật giao thông. Anh hoàn toàn chủ động trước khi đi qua đường. Đèn xi nhan xin đường đã bật (Băng ghi hình đã cho thấy điều đó, đèn xi nhan vẫn còn chớp đỏ liên tục). Thông thường, khi đã bật đèn xi nhan xin đường, là người qua đường đã quan sát kỹ hai phía xuôi ngược, và chủ động tốc độ xe mình. Vả lại, chỗ anh đi qua là quãng trống giữa hai đoạn của dải phân cách, là một cua ngắn, nên không thể phóng nhanh được. Tức là anh cũng đã bảo đảm tốc độ. Mặt khác, con đường chỉ rộng 6 mét, mà xe anh đã qua 5m40. Nghĩa là, anh đã qua gần hết đường. Vậy, tại sao tai nạn lại xảy ra? Câu trả lời dễ dàng tìm được từ người cầm lái chiếc ô tô. Quả vậy, người cầm lái đã phạm hai lỗi lớn: Thứ nhất, chạy quá tốc độ quy định.( 16 giờ ngày 27/6/2013), ông Mai Xuân Thọ , giám đốc Công an TP Đồng Hới đã điện thoại cho nhà thơ Ngô Minh, chủ nhân blog Quà tặng xứ mưa. Ông Thọ khẳng định:” Trên đường Quách Xuân Kỳ (đường một chiều) sát bờ sông Nhật Lệ ấy, chiếc xe gây tai nạn từ Hà Nội vào đi rất nhanh với tốc độ 90 cây số /giờ, không làm chủ tốc độ, đâm phải anh Lê Đình Ty đã xi- nhan qua đường”


Căn cứ tại hiện trường và các vết va đập trên kính xe ô tô và thân thể nạn nhân, ta thấy: Khi va chạm, nạn nhân đã bị đầu xe ô tô xúc tung người lên không và đâm đầu vuông góc vào kính trước xe, chiếc mũ bảo hiểm đã hằn lõm một vệt sâu tròn như quả bóng trên kính xe; tiếp theo, nạn nhân bị hất tung lên không trung lần nữa và đâm đầu theo phương thẳng đứng xuống nền đường nhựa, cách mũi xe khoảng 5 mét. (Khi vào cấp cứu tại bệnh viện, anh Lê Đình Ty không còn mặc áo. Trên cơ thể không một vết xây xát, chỉ sung một chỗ bằng nửa quả cam phía trên trán sát tóc, bầm máu bên trong. Khi mổ cấp cứu, phần sọ não ở đỉnh đầu gần trước trán giập nát. Đấy chính là hậu quả của hai lần nạn nhân bị trồng cây chuối). Với định luật phản lực, cho phép ta ước lượng, xe ô tô chạy không dưới 90 km/giờ (trong khi quy định không vượt quá 50 km/giờ. Nếu bảo đảm tốc độ xe không quá 50 km/giờ, khi gặp sự cố, xe phanh kịp thời, nạn nhân chỉ bị đổ xuống trước mũi xe, hoặc bị kéo lê trên mặt đất một quãng ngắn, chứ không bị hai lần tung lên không trung như vậy. Thứ hai, người cầm lái xe ô tô đã không làm chủ tay lái. Quả vậy, khi xe đang chạy với tốc độ lớn, thấy trước mặt có bóng người, người lái đã mất bình tĩnh, luống cuống đánh tay lái né tránh. Nhưng thay vì đánh tay lái sang phải, lái xe đã hốt hoảng đánh tay lái sang trái. Thế là đâm vuông góc vào thân xe máy, khi anh Lê Đình Ty vừa cua đến đó.


Vì sao lái xe không làm chủ tốc độ và không làm chủ tay lái, để xảy ra tai nạn thương tâm này? Một số người dân có mặt hôm đó chắp nối sự việc, và cho rằng, chiếc xe ô tô này khi lưu hành trên đường Quốc lộ 1A (đoạn qua trung tâm Đồng Hới đã vi phạm tốc độ, và đang bị công an bám theo, nên đã rẽ vào đường Quách Xuân Kỳ nhằm lẩn trốn. Và vì chạy trốn vội vàng nên đã không làm chủ được tốc độ và không làm chủ được tay lái.

 

3. Những dấu hiệu đáng ngờ từ điều tra viên công an Đồng Hới – trung tá Nguyễn Thanh Hải.


Trong chiều mở cửa mả nhà thơ Lê Đình Ty, có sự xuất hiện hai người nhà bên phía xe ô tô gây tai nạn: Người lớn tuổi là ông Khổng Đình Nhất, chủ xe, cha đẻ của Khổng Đình Doanh. Người thứ hai là Lê Văn Thành (tự nhận lái xe). Chi Lê Thị Thêm, vợ nhà thơ Lê Đình Ty, cho biết gia đình bên xe ô tô đã gửi 10 triệu đồng (đưa phong bì dán kín, con gái nạn nhân Lê Đình Ty mở ra đếm thì chỉ có 8 triệu, nên, cháu bảo thiếu 2 triệu như số tiền ghi ngoài bị, nên ông Khổng Đình Nhất phải bổ sưng thêm hai triệu) và hẹn hai hôm sau, lúc buổi chiều, sẽ vào gặp gia đình, hai bên bàn bạc thỏa thuận đền bù vụ tai nạn. Tôi và anh Cảnh Giang ( nhà báo, nhà thơ) được chị Thêm mời tham gia bàn bạc theo diện người nhà. Nhưng hai hôm sau, đúng giờ hẹn, gia đình ông Khổng Đình Nhất không vào. Mấy ngày sau ông Khổng Đình Nhất vẫn không có mặt tại nhà nạn nhân để bàn giải quyết vụ việc như đã hứa.


Ông Khổng Đình Nhất không xuất hiện, nhưng có một người bất ngờ xuất hiện. Ấy là trung tá Nguyễn Thanh Hải, người được phân công điều tra hình sự vụ tai nạn. Trung tá Hải mặc thường phục, đến nhà gặp chị Thêm nói: Ông Lê Đình Ty sai hoàn toàn, ông đi từ đường hẻm ra, còn ô tô đi trên đường ưu tiên. Vì thế, gia đình không được đòi hỏi đền bù, người ta cho bao nhiêu nhận bấy nhiêu, không được khiếu nại. Trung tá Hải còn nói luật mới, ai sai thì đền bù cho người đi đúng. Ông còn đưa ra một số ví dụ để dẫn chứng. Chị Thêm nói: Nhưng xe ô tô chạy quá tốc độ cho phép, nên mới gây ra tai nạn. Trung tá Hải nói: Xe ô tô đi trong thành phố, làm chi có chuyện vượt quá tốc độ cho phép?


Vì sao trung tá Hải tìm đến gia đình nạn nhân nói mang tính chất dọa nạt như vậy? Việc này có đúng quy trình điều tra không? Khi chưa tiến hành điều tra, chưa có kết luận điều tra, sao trung tá Hải tìm đến nhà nạn nhân nói những điều quyết đoán ấy? Và nhằm mục đích gì? Hành vi đáng ngờ này của trung tá Hải, có liên quan sự chây ì đền bù của bên ô tô gây tai nạn không? 10 ngày sau khi xảy ra tai nạn, chiều ngày 23/6/2013, Công an Đồng Hới điện mời hai gia đình đến làm việc. Tôi và anh Cảnh Giang được chị Thêm mời đi theo diện gia đình. Khi gia đình chị THêm và chúng tôi có mặt, trung tá Hải đang có mặt tại cơ quan, nhưng nhắn lại là hôm nay không làm việc. Đã mời dân đến sao không tiếp ? Chị Thêm uất bảo, nếu không tiếp thì lần sau mời tôi không đến nữa. Ông Khổng Đình Nhất rút điện thoại nói gì đó với trung tá Hải, thế là Hải xuống, đứng phía bên gia đình kẻ gây tại nạn. Tại đây, trung tá Hải đặt vấn đề: Hôm nay tôi chỉ làm việc 5 phút, chỉ bàn về thỏa thuận dân sự giữa hai bên, còn hình sự lúc khác. Lúc đó, anh Cảnh Giang đưa máy lên chụp khung cảnh buổi làm việc, trung tá Hải giẫy lên như đĩa phải vôi, bảo không được chụp ảnh. Và trung tá tuyên bố giải tán buổi làm việc. Phòng làm việc không ghi “cấm quay phim chụp ảnh, sao trung tá Hải lại cuống quýt nổi giận thế ?


Sau đó, ông Khổng Đình Nhất cùng lái xe Lê Văn Thành mời chúng tôi bàn bạc tại nhà anh Lê Đình Ty. Nhưng tại đây, hai bên cũng không thỏa thuận được. Ông Nhất vẫn nêu tổng số ông sẽ nộp là 50 triệu. Chị Thêm không đồng ý, yêu cầu bên ô tô gây tai nạn phải bồi thường 200 triệu đồng, vì riêng tiền chụp cắt lớp, mổ cấp cứu và mai táng phí đã hơn 91 triệu. Chưa kể các thiệt hại tinh thần và vật chất khác.


Ngày 03/7/2013, Công an Đồng Hới lại mời hai bên họp bàn thỏa thuận đền bù dân sự vụ tai nạn. Đây được coi là lần thỏa thuận thứ nhất (vì lần trước bị hủy). Tai đây, gương mặt ông Khổng Đình Nhất vẫn nguội lạnh. Và ông nói ông chỉ bồi thường 50 triệu đồng. Hôm trước đã đưa 10 triệu, sẽ đưa thêm 40 triệu nữa cho đủ 50 triệu. Tất nhiên vợ và các con anh Lê Đình Ty không thể chấp nhận mức đó. Bởi rõ ràng, chiếc xe gây tai nạn của ông đã được Bảo hiểm đền bù, và chỉ vài hôm, nó lại nguyên như mới. Còn thân xác anh Lê Đình Ty ai làm lại được như cũ không? Mất mát về vật chất và mất mát về tinh thần này, ai bù đắp chút đỉnh để an ủi người dưới mộ?


Sáng 21/8/2013, Công an Đồng Hới lại mời hai bên đến bàn bạc thỏa thuận đền bù dân sự lần hai. Chị Thêm ốm nằm viện tại Huế không về được. Tôi cùng 3 đứa con anh Lê Đình Ty đến dự. Sau khi trung tá Nguyễn Thanh Hải đặt vấn đề, ông Khổng Đình Nhất xin phát biểu trước. Ông nhắc lại mức bồi thường của mình như cũ, nghĩa là tổng số 50 triệu đồng. Ông lập luận bằng cách kể câu chuyện về một sinh viên có giấy báo đỗ đại học, liền mời vài người bạn đi chơi và cùng ngồi ăn hoa quả bên đường. Bỗng có ba thanh niên phóng xe máy đến gây gỗ, rồi đuổi đánh. Hai người bạn của cậu sinh viên chạy thoát, còn cậu bị dồn vào đường cùng, buộc phải chống cự lại, bằng cách vung con dao gọt hoa quả chống đỡ loạn xạ. Và vô tình lưỡi dao trúng phải ngực một trong ba cậu thanh niên đang truy sát kia, dẫn đến chết người. Nhưng cậu sinh viên được tòa xử chỉ 9 tháng tù treo. Trường hợp của ông cũng thế, lái xe của ông không cố ý đâm người.


Hai sự việc, hai hoàn cảnh, hai lĩnh vực hoàn toàn trái ngược nhau. Một bên là cậu sinh viên bị truy sát, buộc phải tự vệ. Còn lái xe của ông chạy quá tốc độ và không làm chủ tay lái, gây tai nạn chết người, thì đâu có thuộc phạm trù tự vệ? Có ai truy sát lái xe ông đâu? Hay ông muốn nói rằng, do bị công an truy đuổi (như lời đồn đại của dân chúng Đồng Hới), nên xe ông phải chạy trốn vội vàng? Có phải ông kể câu chuyện nhằm để thanh minh chuyện này không? Nếu không có chuyện xe bị truy đuổi, thì ông, một cán bộ Trường Đại học kỹ thuật thực phẩm, cố ý kể ra làm gì? Không ngẫu nhiên chút nào!


Và, nếu điều này là sự thật, thì Cảnh sát giao thông Đồng Hới cũng chịu trách nhiệm liên đới vụ tai nạn này. Có phải vì vậy mà vụ việc “dàn xếp” kéo dài đến nay chưa dứt điểm được? Việc trung tá Hải tìm đến nhà nạn nhân nói những điều mang tính chất hăm dọa (đã đề cập ở trên), có liên quan chuyện này không?


Cuối cuộc họp sáng 21/7, cậu Hoàng con trai thứ của Lê Đình Ty nêu câu hỏi: Tại sao biên bản tại hiện trường vụ tai nạn ghi Khổng Đình Doanh là người cầm lái, nhưng về sau các văn bản khác của công an ghi Lê Văn Thành là người cầm lái? Trung tá Hải trả lời: “Biên bản tại hiện trường xảy ra vụ tai nạn ghi Khổng Đình Doanh là người cầm lái. Chúng tôi đã điều tra lại, mặc dù Khổng Đình Doanh có đủ giấy tờ hợp pháp để cầm lái, nhưng chúng tôi đã điều tra, đúng là Lê Văn Thành cầm lái. Vì vậy chúng tôi cho mời anh Lê Văn Thành vào họp đây”. Người cầm lái bị lập biên bản tại chỗ, biên bản đã lưu ( Đại tá Luân, cháu gọi nhà thơ Lê Đình Ty là cậu ruột, từ Sài Gòn ra) đã được một cán bộ Công an Đồng Hới cho đọc tận mắt tờ biên bản này. Sao lại có chuyện “điều tra lại’ và thay tên người cầm lái” ? Phải chăng ông Khổng Đình Nhất muốn Công an Đồng Hới đưa Lê Văn Thành thay thế Khổng Đình Doanh là người cầm lái gây tai nạn, để Thành đi tù thay ? Và trung tá Hải đã đồng ý với kế hoạch đó ? Và phải chăng vì lẽ đó mà bên gây tại nạn cương quyết không đền bù thỏa đáng ? Sau khi chúng tôi đứng dậy ra về, trung tá Hải mời ông Nhất và anh Thành ở lại, nói là để làm việc thêm. Nhưng chưa đầy nửa phút sau họ cũng bước ra kịp chúng tôi. Có lẽ họ đã được thông báo kết luận điều tra. Cứ thế nhé?


Từ đây ta có quyền nêu mấy câu hỏi: 1) Tại sao phải điều tra lại người cầm lái? 2) Sao Công an điều tra Đồng Hới không tôn trọng biên bản được cảnh sát giao thông lập tại chỗ ban đầu? Có điều gì mờ ám trong việc thay tên người cầm lái ? 3) Liệu biên bản tại hiện trường vụ tai nạn, có ghi chỉ số nồng độ cồn của Khổng Đình Doanh và Lê Văn Thành không? (Vì trong lần ngồi ở nhà nạn nhân, ông Khổng Đình Nhất có kể, trước khi gây tai nạn, hai cậu Khổng Đình Doanh và Lê Văn Thành đã ăn uống với một cậu bạn người Lệ Thủy đang mở đại lý điện thoại di động tại Đồng Phú). 4) Việc thay đổi người cầm lái, có phải là một sự “dàn xếp” nữa của công an, nhằm có lợi cho cha con ông Khổng Đình Nhất không? Vì ở đây có mấy khả năng xảy ra: Một, nếu để Khổng Đình Doanh cầm lái, nhưng nồng độ cồn trong người anh ta cao vượt mức quy định. Hai, để Lê Văn Thành cầm lái, nếu xảy ra tù tội, thì con trai ông Nhất không phải ngồi tù. Hoặc nữa, Lê Văn Thành nhà nghèo, việc đền bù tai nạn chỉ đến mức đó, vì đã hết khả năng. Còn Khổng Đình Doanh cầm lái, ông Khổng Đình Nhất phải chi ra số tiền lớn hơn, tương xứng với mặt bằng đền bù thiệt hại hiện tại.


Vì sao công an Đồng Hới thay đổi người cầm lái theo hướng có lợi cho cha con nhà ông Khổng Đình Nhất? Phải chăng câu chuyện ông Nhất kể về cậu sinh viên giết người mà chỉ bị 9 tháng tù treo, một lần nữa, lý giải cho việc liên đới chịu trách nhiệm của CSGT Đồng Hới trong vụ tai nạn thương tâm này? Còn nữa, trung ta Hải đã gọi cháu Lê Thị Hằng, con gái nhà thơ Lê Đình Ty đến cơ quan, bảo cháu lấy chiếc xe mà nhà thơ Lê Đình Ty đi, bị ô tô tông về “kẻo để lâu hỏng”. Nhưng cháu Hằng đã không nghe lời của trung tá Hải vì đây là tang vật vụ án. Phải chăng trung tá Hải muốn xóa tang vật vụ án ? Vì sự nhập nhèm của bên chủ xe ô tô gây tai nạn và trung tá công an Hải, chúng tôi buộc phải tường trình lại toàn bộ vụ tai nạn thương tâm để dư luận phán xét. Chúng tôi có đầy đủ chứng cớ để chứng minh cho những nhận định của mình. Chúng tôi đề nghị lãnh đạo Công an Đồng Hới trả lời minh bạch trước dư luận !

Chao ôi, một khi quyền lực và đồng tiền liên kết với nhau, thì nó tác oai tác quái biết chừng nào! Đồng Hới, ngày 23/8/2013 H.P



Copy từ: Blog Ngô Minh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét