CHƯA TỐT NGHIỆP TRƯỜNG ĐỜI.

Thứ Bảy, 3 tháng 8, 2013

Mạng lưới blogger Việt Nam và điều 258 BLHS

Mẹ Nấm (Danlambao) - Tôi tin chắc một điều rằng chỉ cần có một người không từ bỏ quyền tự do ngôn luận, tự do bày tỏ quan điểm của mình thì chắc chắn rằng giấc mơ tự do ấy sẽ trở thành hiện thực... Mạng lưới blogger Việt Nam - sự liên kết đầu tiên của những người dám nói và quyết tâm bảo vệ quyền cơ bản của mình đến cùng trước điều 258 BLHS. Một chiếc đũa có thể bị bẻ gãy, nhưng người ta không thể bẻ cả bó đũa. Tương tự như việc nhà nước Việt Nam có thể bắt giữ một blogger trong im lặng, nhưng rõ ràng chuyện đó không thể tiếp diễn nếu các bloggers đoàn kết lại và đem tiếng nói cùng khao khát quyền tự do bày tỏ của mình ra với thế giới.

*

Quyền tự do ngôn luận và bày tỏ quan điểm có thể được xem là một trong những quyền cơ bản bị liệt vào hàng nhạy cảm tại Việt Nam. Trên thực tế, tự do ngôn luận luôn được định hướng là phải có khuôn khổ, và bày tỏ quan điểm là phải đúng kiểu, đúng cách.

Nếu ai đã từng “được” mời làm việc với cơ quan an ninh sẽ hiểu rõ hơn các khái niệm này, bởi những gì bạn viết, bạn bày tỏ trên mạng Internet luôn được các nhân viên công vụ hỏi đi hỏi lại rằng có phải bạn viết vì có người xúi dục, có người đặt hàng hay không. Với lực lượng “còn đảng còn mình”, họ không bao giờ chịu hiểu rằng, việc bày tỏ suy nghĩ, thái độ qua con chữ là sự tự do trong suy nghĩ tối thiểu của mỗi con người.

Trước tình trạng các bloggers Trương Duy Nhất, Phạm Viết Đào và người sử dụng facebook bày tỏ quan điểm của mình là Đinh Nhật Uy bị bắt giam một cách tùy tiện bởi điều 258 Bộ luật Hình sự, lần đầu tiên, những người viết blog cùng ngồi lại với nhau để mạng lưới blogger Việt Nam ra đời với Tuyên bố: Việt Nam phải sửa đổi pháp luật để chứng minh cam kết tranh cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (được gọi tắt là Tuyên bố 258) vào ngày 18/07/2013.

Điều 258 Bộ luật hình sự của nhà nước Việt Nam được ví von như một cái bẫy mơ hồ và thường được sử dụng tùy tiện để bắt giam những người công khai bày tỏ thái độ và chính kiến của mình trước chủ trương và đường lối của đảng Cộng sản.

Với kinh nghiệm cá nhân của một người đã từng bị bắt khẩn cấp vì điều 258, tôi hiểu rõ hơn ai hết việc một công dân không được cơ chế luật pháp bảo vệ những quyền lợi cơ bản và chính đáng trước pháp luật như thế nào, nên việc ra đời của mạng lưới blogger Việt Nam ở thời điểm này hoàn toàn là một sự khởi đầu của những người dám CÔNG KHAI nói, dám CÔNG KHAI đứng cùng nhau để bảo vệ quyền được nói của mình là hoàn toàn hợp lý và chính đáng.

Có thể nhìn vào hơn 100 người ký tên hiện tại so với dân số Việt Nam, nhiều người sẽ nghĩ rằng chỉ là muối bỏ bể, rồi sẽ chẳng vào đâu bởi cách hành xử “luật là tao, tao là luật” của nhà nước. Nhưng tôi tin chắc một điều rằng chỉ cần có một người không từ bỏ quyền tự do ngôn luận, tự do bày tỏ quan điểm của mình thì chắc chắn rằng giấc mơ tự do ấy sẽ trở thành hiện thực.

Mạng lưới blogger Việt Nam – sự liên kết đầu tiên của những người dám nói và quyết tâm bảo vệ quyền cơ bản của mình đến cùng trước điều 258 BLHS. Một chiếc đũa có thể bị bẻ gãy, nhưng người ta không thể bẻ cả bó đũa. Tương tự như việc nhà nước Việt Nam có thể bắt giữ một blogger trong im lặng, nhưng rõ ràng chuyện đó không thể tiếp diễn nếu các bloggers đoàn kết lại và đem tiếng nói cùng khao khát quyền tự do bày tỏ của mình ra với thế giới.

Khi Tuyên bố 258 được các thành viên của mạng lưới blogger Việt Nam trao tận tay Cao ủy Liên Hiệp Quốc về Nhân quyền (OHCHR), chúng tôi đã được khuyến khích là “hãy lên tiếng”.

Vâng, nếu chính chúng ta không lên tiếng vì quyền lợi của mình thì sẽ chẳng ai có thể giúp ta có được nó.

Freedom is not free!




Copy từ Dân Làm Báo

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét