CHƯA TỐT NGHIỆP TRƯỜNG ĐỜI.

Chủ Nhật, 4 tháng 8, 2013

Loạn nhịp với thông tin

 Loạn nhịp với thông tin Những thông tin công bố sai lệch, hay - nhiều thông tin trước - sau bất nhất, gây hoang mang cho nhà đầu tư.

Giới đầu tư chứng khoán trong tuần qua đã phải trải qua nhiều cơn giật bắn người vì những thông tin công bố sai lệch, hay - nhiều thông tin trước - sau bất nhất, gây nhiễu loạn tâm lý cho nhà đầu tư (NĐT).
Giới đầu tư trên TTCK trong những ngày gần đây nháo nhào với thông tin về giá tham chiếu của mã FLC trong phiên giao dịch đầu tiên trên sàn HoSE. Tuy nhiên, trong khi cổ đông và NĐT đang lâng lâng vì khoản lợi nhuận bất thường, DN này lại bất ngờ thay đổi giá tham chiếu trong sự ngỡ ngàng của nhiều NĐT. Theo kế hoạch, ngày 5.8 là phiên giao dịch đầu tiên của CTCP Tập đoàn FLC trên HoSE sau khi chính thức hủy niêm yết tại sàn HNX kể từ ngày 30.7. Điều đáng nói là mức giá tham chiếu trong ngày giao dịch chào sàn HoSE của FLC là 10.000đ/CP, trong khi kết thúc phiên giao dịch cuối cùng trên sàn HNX, FLC chỉ chốt ở mức 5.500đ/CP.

Ngay khi mức giá chào sàn được công bố, cổ đông và NĐT đang nắm giữ CP FLC vui như hội bởi mức chênh lệch quá lớn này. Trong khi giới đầu tư vẫn đang bàn tán xôn xao về những khoản lợi nhuận lớn mà mình sắp có thì trong một thông báo mới nhất được HoSE công bố cuối giờ chiều ngày 30.7, mức giá tham chiếu của hơn 77,1 triệu CP FLC trong ngày giao dịch đầu tiên được điều chỉnh xuống chỉ còn 5.500đ/CP thay vì 10.000đ/CP và ngày giao dịch chính thức 6.8 thay vì ngày 5.8. Tuy nhiên, thông báo mới nhất này không hề lý giải về sự thay đổi bất ngờ này và cũng chính vì lý do này mà giới đầu tư bắt đầu đoán già, đoán non về sự kiện này.

Trong khi đó, cũng không ít NĐT phải điếng người khi hai lần công bố cách nhau chỉ khoảng một tuần, nhưng con số lãi ròng 6 tháng đầu năm của TCty Khí Việt Nam - CTCP (GAS) đã có sự chênh lệch lên tới hàng trăm tỉ đồng. Theo bản tin ngày 18.7 về hoạt động của GAS 6 tháng đầu năm được đăng tải trên website công ty, GAS công bố lợi nhuận sau thuế Cty mẹ đạt 6.205 tỉ đồng. Theo công bố này, với lãi ròng 6 tháng đạt 6.205 tỉ đồng, trong khi quý I đã ghi nhận 4.160 tỉ đồng, tức lợi nhuận quý II chỉ tầm 2.045 tỉ đồng.

Chính vì lợi nhuận thấp hơi nhiều so với mức lợi nhuận khoảng 2.300 - 2.500 tỉ đồng trong các quý trước và giảm hơn 50% lợi nhuận so với quý trước đó đã góp phần tạo một đợt bán khá mạnh, giá CP GAS rớt từ 66.000đ/CP về 63.000đ/CP. Tuy nhiên, theo BCTC quý II/2013 của Cty mẹ GAS vừa công bố trên HoSE ngày 25.6, lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm của Cty mẹ lên tới 7.040 tỉ đồng, riêng quý II ghi nhận 2.883 tỉ đồng.

Có thể thấy, cũng là lãi ròng Cty mẹ nhưng qua hai lần công bố cách nhau chỉ khoảng một tuần đã có sự chênh lệch lên tới hàng trăm tỉ đồng. Mà cụ thể, con số hụt đi là 835 tỉ đồng. Với giới đầu tư thì việc công bố thông tin sai lệch hoàn toàn với khác biệt quá lớn này có thể gây sốc cho nhà đầu tư dài hạn, gây thiệt hại bởi các quyết định mua bán trong khoảng thời gian qua khi tiếp cận thông tin công bố sai.

Hay như việc CTCP đầu tư thương mại SMC (SMC) công bố lỗ gần 27 tỉ đồng trong quý II đã khiến không ít NĐT đang phải gặm nhấm với những ảo tưởng lợi nhuận được xây dựng trước đó, cụ thể là vào những ngày đầu tháng 6 vừa qua, việc cung cấp khoảng 100.000 tấn thép cho Dự án Formosa Hà Tĩnh mà lãnh đạo SMC đã chính thức chia sẻ cũng đã làm cho không ít NĐT nở nụ cười. Nhưng điều khiến giới đầu tư cảm thấy bất an đó chính là độ tin cậy về thông tin công bố của Cty này. Đáng chú ý là trong quý II, chi phí tài chính của SMC (gần 31 tỉ đồng) đã tăng gấp đôi so với quý I (hơn 15 tỉ đồng), trong đó chi phí lãi vay hơn 21 tỉ đồng (quý I chỉ gần 12 tỉ đồng).

Câu hỏi đặt ra là tại sao một DN quản lý chi phí tốt như SMC, đặc biệt là chi phí lãi vay luôn ở mức thấp, lại để xảy ra tình trạng chi phí tài chính tăng vọt như vậy? Thông thường, khi DN thua lỗ, các NH có thể cân nhắc gia tăng lãi suất để cân bằng rủi ro, nhưng đến đầu quý III thì SMC mới báo lỗ quý II. Hơn nữa, trong quý II, SMC cũng đã công bố về việc cung cấp thép cho dự án Formosa (Hà Tĩnh) và được các NH hỗ trợ gia tăng hạn mức tín dụng và lãi suất hấp dẫn. Theo như giải trình trên thì SMC cũng không hề có bất kỳ sự kiện đột biến nào không lường trước được trong tháng 6 vừa qua, để có thể xoay chuyển hoàn toàn kết quả kinh doanh như vậy.

Sau hơn một thập kỷ hình thành và phát triển, TTCK không chỉ đóng vai trò là một kênh huy động vốn, mà còn là một môi trường giúp minh bạch hóa thông tin của các DN. Tuy nhiên, cũng sau gần một thập kỷ ấy, điều được mong chờ nhất vẫn chưa thể làm được. Việc công bố thông tin vẫn đi thụt lùi, với giới đầu tư bây giờ luôn phải sống trong sự ngờ vực!

 


Copy từ: Lao Động

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét