CHƯA TỐT NGHIỆP TRƯỜNG ĐỜI.

Chủ Nhật, 25 tháng 8, 2013

Kính gửi bạn Đức (báo QĐND)

Kính gửi bạn Đức (báo QĐND)


Nguyễn Đại
Tôi đã đọc bài viết rất hay của cô Phương Anh phản hồi Trọng Đức. Bài viết rất hay; tuy nhiên, có vẻ quá hàn lâm mà tôi không chắc Trọng Đức có thể hiểu hết. Đó là nguyên nhân của bài viết này, tác giả của nó ở trình độ thấp hơn nhiều; do vậy, biết đâu lại phù hợp với Trọng Đức hơn.
1.               Tóm tắt nội dung đoạn 1 của Trọng Đức
-      Ông Đằng đang bị bắt vẫn được chính quyền Thừa Thiên - Huế (dưới chế độ cũ) cho ra tù tạm thời để đi thi. Ông Đằng tự hỏi cái chế độ ưu việt hiện nay có trường hợp nào như vậy không.
-      Trọng Đức trả lời hai ý: Thứ nhất, hầu như chẳng có nước nào cho phép tù nhân đang thụ án ra tù để đi thi đại học. Thứ hai, ông nói Việt Nam không cấm người - đã thi hành án xong - dự thi đại học; và cho một ví dụ cụ thể.

Bình luận: Bác Đằng hỏi một…đằng, bạn Đức trả lời một nẻo. Bạn Đức hoặc là không dám trả lời thằng vấn đề, hoặc là kém trong khả năng nhận biết câu hỏi. Nếu được trả công đàng hoàng để phản biện ông Đằng, tôi sẽ viết hai ý: “Một – không nhất thiết phải cho ra tù tạm thời để đi thi mới là ưu việt. Hai – Việt Nam tạo điều kiện cho tù nhân học nghề này nọ để sẵn sàng hòa nhập cuộc sống”. Tuy cũng hơi đuối lý nhưng còn gọi là dám tranh luận sòng phẳng. Chơi kiểu “đánh bài lờ” như bạn Đức không hay.
2.               Ở đoạn 2, bác Đằng nói “cơ sở hạ tầng (CSHT) quyết định kiến trúc thượng tầng (KTT), suy ra đa thành phần kinh tế thì phải đa đảng”. Bạn Đức chơi một lèo tràng giang đại hải. Đặc biệt, bạn Đức nói “CSHT và KTTT gắn bó với nhau theo hình chóp xuôi” nghĩa là “không phải CSHT có cái gì thì KTTT cũng phải có cái ấy”.
Bình luận:
Ngoài cái kiểu “ông hỏi gà, bà (cố tình?) trả lời vịt” ra, bạn Đức đã dùng “ngụy biện pháp” trong việc tranh luận này. Tất nhiên là trong một giai đoạn nhất định, có lúc KTTT chưa  phù hợp với CSHT. Tuy nhiên, một khi đã chấp nhận nguyên lý CSHT quyết định KTTT[i] , mà KTTT chưa phù hợp thì phải điều chỉnh cho nó phù hợp. Bác Đằng đặt vấn đề như thế là hợp quy luật, là biện chứng. Chứ đã thấy nó không phù hợp mà còn kiên quyết “không phải CSHT có cái gì thì KTTT cũng phải có cái ấy” là duy ý chí, là lỳ đòn. Trường hợp này, nếu ai đó thuê tôi viết, tôi sẽ dùng kế hoãn binh “đúng là CSHT quyết định KTTT, nhưng ở thời điểm này đa đảng là chưa phù hợp với tình hình thực tế. Còn chờ đến khi nào thì ai mà biết”. Trả lời thế thì cô Phương Anh dù có bực mình lắm cũng chẳng bắt bẻ được.
3.                Đoạn 3, bạn Đức nêu lên một số quan điểm ngoại giao về chủ quyền lãnh thổ:
-      Đường lối ngoại giao mềm mỏng không có nghĩa là lệ thuộc. Chính xác, nhưng đường lối ngoại giao cương quyết cũng không có nghĩa kích động chiến tranh.[ii]
-      Bất cứ sự kích động chiến tranh nào trong khi vẫn còn những lựa chọn giải pháp ngoại giao đều đi ngược lại truyền thống ngoại giao của cha ông, đi ngược lại lợi ích của đất nước, của dân tộc. Không sai! nhưng bất kỳ sự thể hiện chủ quyền một cách ôn hòa như biểu tình đều là truyền thống ngoại giao của cha ông, phù hợp với lợi ích của đất nước, của dân tộc.
-      Chiến tranh xảy ra, ông quá biết, sẽ đồng nghĩa với việc hy sinh xương máu, mất mát về kinh tế, kéo lùi sự phát triển của đất nước. Điều đó cũng đi ngược với xu thế của thế giới hiện đại. Chính xác, nhưng không kiên quyết thì ngư dân sẽ hy sinh xương máu, mất mát về nguồn lợi biển đảo, kéo lùi sự phát triển của đất nước.
-      Đất nước ta trải qua mấy chục năm chiến tranh, hậu quả tàn phá hết sức nặng nề, chúng ta quá hiểu giá trị của hòa bình. Và chúng ta càng quá hiểu hậu quả của Bắc thuộc.
  1. Bác Đằng cho rằng “để có tự do, dân chủ thì phải thực hiện tam quyền phân lập, tức là quyền lập pháp, quyền hành pháp, quyền tư pháp phải độc lập hoàn toàn với nhau”. Đúng ra bạn Đức nói ngắn gọn thế này là đủ “trên thực tế, mỗi nguyên tắc phân công quyền lực Nhà nước đều có những ưu điểm, nhược điểm riêng. Việt Nam lựa chọn nguyên tắc thể hiện được cao nhất quyền lực của nhân dân, nguyên tắc “tập trung quyền lực”. Nhưng ngược lại, bạn Đức lên gân, diễn giải nào là Quốc hội cao nhất, nào là luật pháp nghiêm minh. Bạn Đức cho rằng lo ngại của bác Đằng là không có cơ sở; thực tế lập luận của bạn Đức cũng không có cơ sở một tẹo nào.
  2. Đoạn cuối, bạn Đức hùng hổ “Con người không thể đòi quyền tự do cắn xé đồng loại như con vật, nói rộng ra, không thể “thích làm gì thì làm” như con vật”. Thật ra bạn Đức đang “cả vú lấp miệng em”. Khái niệm “Tự do” nói chung đã bao gồm “tôn trọng quyền tự do của người khác” rồi. Không thể nào lý luận theo kiểu “tự do để muốn làm gì thì làm được”. Xin xem vài ví dụ
-      Một văn bản chính quy thường bắt đầu bằng “Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam / Độc Lập – Tự Do – Hạnh Phúc”. Tôi hỏi bạn Đức có cần ghi chú “Độc Lập – Tự Do (nhưng không thể thích làm gì thì làm như con vật) – Hạnh Phúc” không?
-      Tôi tìm thấy ít nhất 10 từ “tự do” trong hiến pháp Việt Nam 1992, bạn Đức thấy có cần phải ghi chú đằng sau 10 từ này cụm từ ((nhưng không thể thích làm gì thì làm như con vật” không?
Để mở rộng hơn về “tự do” và “tam quyền phân lập”, mời bạn Đức xem lại một bài viết cũ https://danluan.org/tin-tuc/20100605/nguyen-dai-dan-chu-tu-do-va-phap-quyen
Viết đến đây, tôi lại nhớ lâu rồi có ông bạn nào nói “tự do cái con c.” Lỡ người nào tưởng thật đem cái cụm từ này thế vào 2 chữ “tự do” ở ví dụ trên thì sao nhỉ???
N.Đ.
(Bài do tác giả gởi đến và viết theo quan điểm riêng của tác giả)

[i] Trường hợp không chấp nhận nguyên lý này thì lại trái với Marx.
[ii] In nghiêng là chú thích của tác giả
Nguyễn Đại (tháng 8/2013)

Copy từ: Blog Huỳnh Ngọc Chênh


...............................

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét