CHƯA TỐT NGHIỆP TRƯỜNG ĐỜI.

Thứ Ba, 6 tháng 8, 2013

Bộ Công Thương từ chối trả lời về giá điện

Báo chí đặt vấn đề: Kinh doanh thuận lợi sao EVN vẫn tăng giá điện; vì sao thông tư về giá điện có hiệu lực chỉ sau một ngày Bộ Công Thương ban hành?

Vấn đề giá điện vừa tăng 5% được các phóng viên đặt ra hàng loạt câu hỏi để chất vấn lãnh đạo Bộ Công Thương và Cục Điều tiết Điện lực, tại buổi họp báo thường kỳ tháng 7 vào chiều 5-8.
Bộ làm trái chỉ đạo của Chính phủ?
Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa mở đầu họp báo bằng việc điểm qua một số thông tin liên quan đến hoạt động của ngành trong tháng 7. Sau đó 15 phút, hàng loạt câu hỏi nóng về giá điện đã được báo giới đưa ra.
Báo Sài Gòn Giải Phóng nêu: Trong báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), sáu tháng đầu năm EVN đã cân đối tài chính, tổng doanh thu tăng 23% so với cùng kỳ. Tại sao EVN vẫn xin tăng giá điện?
Tiếp câu hỏi này, Pháp Luật TP.HCM nêu: Tại buổi họp báo ngày 30-7, người phát ngôn Chính phủ là ông Vũ Đức Đam truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, yêu cầu việc tăng giá điện phải lấy ý kiến người dân, doanh nghiệp. Vậy nhưng bất ngờ Bộ Công Thương ban hành Thông tư 19 cho phép tăng giá điện 5% từ ngày 1-8, Bộ đã lấy ý kiến người dân hay chưa?
Người dân cần EVN công khai, minh bạch giá điện khi tăng giá. Trong ảnh: Đóng tiền điện tại Công ty Điện lực Chợ Lớn. Ảnh: HTD
Tuổi Trẻ bổ sung: Chính phủ chỉ đạo Bộ Công Thương, EVN công khai, minh bạch giá điện với nhân dân. Có phải Bộ đã làm trái chỉ đạo của Chính phủ? Giá điện Việt Nam có phải đang cao hơn một số nước trong khu vực như Lào, Myanmar, Indonesia hay không?
Sau đó một loạt báo cũng đã chất vấn thêm về tác động của tăng giá điện, đặc biệt về việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Theo Điều 78 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, “thời điểm có hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật được quy định trong văn bản nhưng không sớm hơn 45 ngày từ ngày ký”, thế nhưng Thông tư 19 về biểu giá điện của Bộ Công Thương ký ngày 31-7, có hiệu lực ngay ngày 1-8, như vậy có phải Bộ Công Thương muốn đẩy nhanh chuyện tăng giá điện?
“Chúng tôi không trả lời nữa!”
Giải đáp các bức xúc, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa chỉ đứng lên nói rằng: “Vừa rồi có rất nhiều câu hỏi liên quan đến giá điện và ảnh hưởng tăng giá điện đến các hộ sản xuất và sinh hoạt. Tôi xin phép tại họp báo chúng tôi không trả lời nữa. Chủ đề này đã được trả lời tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 7; ngày 1-8, cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực đã trả lời trên VTV1, ngày 3 và 4-8, Phó Tổng Giám đốc EVN Đinh Quang Tri và Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cũng đã trả lời trên VTV về giá điện.
Trong khi đó, theo quy định tại Quyết định 25 ngày 4-5-2013 của Thủ tướng về quy chế phát ngôn, người phát ngôn có quyền từ chối, không phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí trong các trường hợp: Những vấn đề thuộc bí mật Nhà nước; những vấn đề bí mật thuộc nguyên tắc và quy định của Đảng; những vấn đề không thuộc quyền hạn phát ngôn; các vụ án đang được điều tra hoặc chưa xét xử, trừ trường hợp các cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan điều tra có yêu cầu cần thông tin trên báo chí.
Điều chỉnh giá điện là vấn đề đã được Chính phủ chỉ đạo công khai, minh bạch, mặt khác các vấn đề được trả lời trên VTV và trong cuộc họp báo Chính phủ vẫn chưa lý giải tận tường các thắc mắc của dư luận. Vì sao Bộ Công Thương vẫn từ chối trả lời?
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, doanh thu bán điện tháng 7 ước đạt tăng 19,22% so với cùng kỳ; bảy tháng đầu năm tăng 22,75% so với cùng kỳ. Với những số liệu kinh doanh thuận lợi như thế, người dân, dư luận và chuyên gia kinh tế đòi hỏi EVN và Bộ Công Thương một sự sòng phẳng, minh bạch! Nhiều phóng viên đổ dồn ánh mắt về phía ông Đinh Thế Phúc, Cục phó Cục Điều tiết Điện lực, đơn vị được giao thẩm định, kiểm soát về giá điện và cung ứng điện, trực tiếp tham mưu cho lãnh đạo Bộ Công Thương. Cuối cùng, báo chí vẫn không có được câu trả lời nào về giá điện!
Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa đã lần lượt để đại diện Cục Quản lý thị trường, Cục Xuất nhập khẩu, Vụ Thị trường trong nước trả lời về thành tích chống hàng giả, khó khăn chống buôn lậu chiếm 2/3 lượng thời gian buổi họp.
Có thể giảm giá xăng dầu
Trả lời câu hỏi của Pháp Luật TP.HCM, giá xăng dầu thế giới đang giảm, liệu giá trong nước có giảm hay không, ông Nguyễn Xuân Chiến - Vụ phó Vụ Thị trường trong nước thừa nhận giá xăng dầu thế giới cuối tháng 7 có giảm nhưng việc điều chỉnh giá trong nước lại phụ thuộc vào giá bình quân thế giới 30 ngày và các yếu tố khác như thuế nhập khẩu, mức trích quỹ bình ổn… Nếu trong thời gian tới, các yếu tố đầu vào này tiếp tục giảm thì tất nhiên doanh nghiệp trong nước phải giảm giá.
Liên quan đến dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 84 về kinh doanh xăng dầu, ông Chiến cho biết dự thảo lần thứ tư đã hoàn thành nhưng do dự thảo mới này có đến 23 điều sửa đổi, bổ sung hai điều trong tổng số 35 điều, trên cơ sở lấy ý kiến Bộ Tư pháp và Tài chính, Bộ Công Thương sẽ không trình nghị định sửa đổi, bổ sung. Thay vào đó, Bộ Công Thương được giao nghiên cứu, đưa ra một nghị định mới và trình Chính phủ vào ngày 30-9.
“Địa phương quản lý rất chặt”
Trả lời báo Dân Trí về vấn đề thương lái thu mua đỉa, Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa cho biết sau những hiện tượng thương nhân nước ngoài (có/không có đại diện ở Việt Nam) thu mua cua ở Cà Mau, dứa ở Vĩnh Long, vải ở Bắc Giang, Bộ Công Thương đã có chương trình rà soát và tuyên truyền phổ biến lại kiểm soát hiện tượng này. “Hiện nay, hiện tượng các thương nhân nước ngoài thu mua ở Việt Nam đã dần được quản lý. Các địa phương quản lý việc này rất chặt”.  
TRÀ PHƯƠNG


Copy từ: Pháp Luật

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét