CHƯA TỐT NGHIỆP TRƯỜNG ĐỜI.

Thứ Hai, 1 tháng 7, 2013

Trì trệ sức mua


(TBKTSG Online) - Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ 6 tháng đầu năm được ghi nhận tăng 4,9% (đã loại trừ yếu tố tăng giá) so với cùng kỳ.

>> CPI tháng 6 tăng 0,05%
>> Sức mua thấp, doanh nghiệp lao đao

Nói như lãnh đạo Tổng cục Thống kê trên VOV Online, điều đó cho thấy sức mua thấp của thị trường. Thực tế này đang đè nặng lên vai người kinh doanh và doanh nghiệp sản xuất.
Cách đây gần 2 tháng, vợ chồng chị Huyền (32 tuổi) quyết định thuê một cửa hàng nhỏ nằm gần chợ Vườn Lài (phường An Phú Đông, quận 12, TPHCM) để kinh doanh các mặt hàng tiêu dùng như nón bảo hiểm, ba lô, túi xách... Lúc đó, chị Huyền tràn trề hy vọng công việc kinh doanh sẽ thuận lợi vì cửa hàng nằm sát bên mấy công ty may, công nhân đông đúc.
Vậy nhưng, sau tháng thứ nhất tàm tạm thì nay, mọi thứ gần như đứng im. Theo chị Huyền, cả ngày chỉ được một vài người khách ghé qua nhưng hầu hết xem hàng, hỏi giá xong thì đi. “Tháng đầu tiên, người quen đến mua ủng hộ tinh thần. Bây giờ là khách thật. Nhìn cảnh bán buôn mà nản. Chắc tháng này không kiếm đủ tiền thuê cửa hàng”, chị Huyền lo lắng.
Nhìn sang xung quanh, các cửa hàng cùng dãy nhà với chị Huyền, bán các mặt hàng khác, từ quần áo cho đến vật dụng gia đình, đồ chơi đều chung tình trạng.
Cách đó vài cây số là con đường Nguyễn Oanh, quận Gò Vấp với san sát các cửa hàng, trung tâm mua sắm, siêu thị lớn nhỏ, kinh doanh đủ các loại mặt hàng, từ quần áo, giày dép, hàng điện máy đến đồ gỗ nội thất, sách báo, xe máy…, tình hình cũng không khả quan hơn. Lượng khách đến mua sắm thưa thớt, nhân viên bán hàng rảnh rỗi ngồi không, tám chuyện. Biển khuyến mại, đại hạ giá giăng mắc khắp nơi.
Báo cáo tình hình ở thị trường hàng tiêu dùng nhanh do Công ty nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel công bố hôm 26-6 cho biết hầu hết các các kênh mua sắm chính ở thành thị đều có mức tăng trưởng khiêm tốn. Trong đó, riêng kênh siêu thị, mức tăng trưởng gần như bằng 0.
Thực tế này phản ánh rõ qua những số liệu bán hàng của doanh nghiệp sản xuất, phân phối. Ông Vũ Tiến Thập, Giám đốc Công ty cổ phần Nội thất Ánh Sáng cho biết, doanh số bán hàng với các khách hàng truyền thống (là các đại lý, cửa hàng bán lẻ) trong năm 2012 của công ty giảm 40% so với năm 2011. “Từ đầu năm đến nay, tình hình còn tệ hơn”, ông Thập nói.
Trong khi đó, ở nhóm mặt hàng thực phẩm chế biến, bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Sài Gòn Food tính toán, số lượng hàng bán ra của công ty với từng đại lý, cửa hàng, siêu thị… trong 6 tháng đầu năm giảm từ 10-15% so với cùng kỳ. Thậm chí, có hệ thống siêu thị giảm đến gần 50% so với những thời điểm cao điểm.
Anh Lại Đức Nam, quản đốc của một công ty chuyên in nhãn điện tử tại quận 12, TPHCM, chia sẻ, hiện công ty anh chỉ khai thác được 60% công suất máy do đơn hàng giảm sút.
“Tất cả các khách hàng “ruột” của chúng tôi đều giảm số lượng lẫn tần suất đặt in nhãn. Mọi năm, mỗi tháng công ty về sản xuất cân tôi không tiện nêu tên đặt 200.000 nhãn thì nay chỉ còn 30.000, tức bằng 1/7. Hay công ty sản xuất hàng điện tử M. thì từ đầu năm đến nay chỉ đặt hàng 2 lần, mỗi lần vài chục ngàn trong khi năm ngoái, tổng đơn hàng là 2 triệu nhãn”, anh Nam dẫn chứng.
Cũng theo anh Nam, chính vì vậy mà lương công nhân nhiều tháng nay chỉ quanh quẩn ở mức 3,5 triệu đồng/người/tháng, không thể được 5 triệu đồng/tháng như thời điểm tăng ca. “Nhiêu đó không đủ trả tiền nhà trọ, tiền ăn thì lấy đâu mà mua sắm”, anh Nam nói.
Ông Trần Quốc Tuấn, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Sản xuất Nhựa Duy Tân chia sẻ, ngoài lý do thu nhập bị ảnh hưởng, người tiêu dùng hiện nay còn có tâm lý tiết kiệm, ngừng mua sắm những thứ không thiết yếu bởi còn bi quan về tình hình chung. Theo quan điểm của ông Tuấn, phải đến 2015, kinh tế mới có thể khởi sắc.



Copy từ: TBKTSG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét