CHƯA TỐT NGHIỆP TRƯỜNG ĐỜI.

Thứ Hai, 8 tháng 7, 2013

Cộng Sản và sự tha hóa về Đạo đức



VRNs (08.07.2013) – Việt Luận – Vợ tôi sinh năm 1973. Hai năm sau thì miền Nam thua cuộc.  
Từ đó dưới sự lãnh đạo của đảng Cộng sản, cả một dân tộc “điên cuồng” lao vào cuộc chiến tẩy rửa những tàn tích của phong kiến, thực dân, tư bản… để xây dựng thiên đường xã hội chủ nghĩa.
Vợ tôi lớn lên cho tới ngày bỏ nước ra đi vào năm 1991 chưa bao giờ nghe được một bản tình ca, chưa bao giờ đọc được một tác phẩm văn chương ngọt ngào tình tự dân tộc, chưa bao giờ được chiêm ngưỡng những bức danh họa của những họa sĩ Việt Nam tài hoa.
Thay vào đó, cũng như những thanh niên thiếu nữ cùng độ tuổi vợ tôi chỉ được nghe những bài hát cách mạng khát máu, gào thét tranh đấu; đọc toàn những thứ văn chương nồng nặc chủ nghĩa dối trá và chỉ nhìn thấy những tấm pano tuyên truyền với gươm dao, búa liềm, súng ống…
Trong một môi trường như thế, người ta kỳ vọng gì ở một thế hệ thanh niên như thế hệ của vợ tôi? Chính vì thế tôi phải cám ơn ông anh vợ tôi hết sức vì đã mang vợ tôi từ bỏ quê hương trước khi những chấn thương về tinh thần mãi mãi ghi dấu trong tâm hồn người vợ yêu quý của tôi.
Khi có điều kiện đọc và hiểu nhiều hơn về những giai đoạn vừa đau thương vừa huy hoàng của dân tộc, vợ tôi ngỡ ngàng nhận ra rằng đã có một nước Việt Nam hoàn toàn khác với cái nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Cái đất nước mà có thời vợ tôi cả tin rằng nó chính là “đỉnh cao của lương tri và trí tuệ của loài người”.
Có lần vợ tôi bảo với tôi “Em không hiểu tại sao trong những hoàn cảnh đất nước chiến tranh đau thương như thế, đất nước mình lại có thể có những nhà văn, nhà thơ, họa sĩ cho ra đời những tác phẩm nghệ thuật bất hủ. Khi đọc những tác phẩm đó hay khi lắng nghe những bản tình ca trước năm 1975, em có thể thấy rằng tâm hồn con người lúc đó mượt mà, nhân hậu, lãng mạn và cuộc sống lúc đó sao vẫn tràn đầy hy vọng mặc dù chiến tranh khốc liệt. Mà sao bây giờ không thể tìm thấy những điều đó trong xã hội Việt Nam ngày hôm nay?”
Tôi không biết phải trả lời vợ tôi làm sao. Nhưng tôi tin rằng khi vợ tôi đặt câu hỏi là cô nàng đã có câu trả lời. Ít ra vợ tôi cũng biết rằng đã có một nước Việt Nam hoàn toàn khác…
Một trong những yếu tố đóng góp vào sự sụp đổ của chế độ cộng sản ở Liên Xô và Đông Âu đó là sự thoái hóa về nhân tính và quan hệ giữa người với người. Các đảng Cộng sản tin rằng chính quyền phải giám sát và kiểm soát nhằm uốn nắn đạo đức của con người.
Điều này được thực hiện bằng cách siết chặt việc kiểm duyệt báo chí, can thiệp vào đời sống riêng tư của công dân và dùng biện pháp phê bình trước tập thể để “đập nát” những biểu hiện mà chính quyền cho là tha hóa hay thiếu đạo đức. Sự thể hiện nhân cách có một không hai của từng cá nhân bị chính quyền cho là chủ nghĩa cá nhân và là một biểu hiện của thiếu đạo đức dưới chế độ cộng sản. Chủ nghĩa cá nhân vì thế phải bị chủ nghĩa tập thể tiêu diệt.
Tuy nhiên khi chủ nghĩa cá nhân bị tiêu diệt thì con người cũng cùng lúc chấm dứt khả năng tư duy độc lập và sáng tạo. Chủ nghĩa tập thể tập trung quyền lực quản lý và kiểm soát vào một thiểu số quyền lực. Do bản chất tự tôn của con người, thiểu số quyền lực này áp đặt suy nghĩ, ý muốn, tư tưởng của mình lên xã hội, tự cho rằng cách hành xử và suy nghỉ của họ là chuẩn mực đạo đức cho tất cả mọi người khác.
Chủ nghĩa tập thể hướng “tình yêu” của con người trong xã hội vào tập thể. Chính vì thế con người sống dưới chế độ xã hội chủ nghĩa không hướng cảm xúc của mình vào những cá nhân chung quanh, cuối cùng dẫn đến sự lạnh lùng, vô cảm trước nỗi đau của đồng loại. Cái chết của một cá nhân, hay số phận bi thảm của một con người không có ý nghĩa gì đối với vận mệnh và tương lai chung của số đông. Sự hy sinh của một cá nhân cho lợi ích chung là vấn đề có tính đạo đức căn bản của xã hội xã hội chủ nghĩa. Vấn đề là không phải bao giờ cá nhân cũng bị hy sinh cho lợi ích chung của toàn xã hội.
Đời sống tinh thần của một xã hội chỉ có thể phong phú, đa dạng nếu sự khác biệt của từng cá nhân được công nhận, được trân trọng và sự sáng tạo của từng cá nhân được khuyến khích. Bên cạnh chủ nghĩa tập thể, chủ nghĩa thực dụng của những người cộng sản đã nhìn đạo đức dưới khía cạnh đạo đức phải phục vụ một mục đích cụ thể của xã hội trong từng giai đoạn nhất định.
Một phụ nữ Trung Quốc tên là Su Xiuwen, trong cơn giận dữ vì chiếc xe của mình bị đụng trầy sơn, đã lái chiếc xe lao thẳng vào một đám đông, giết chết một người và làm bị thương 12 người. Ông chồng của bà này, một đảng viên có máu mặt, tuyên bố ngay rằng: “Chuyện nhỏ, vứt ra đó 1 triệu đồng là êm hết”. Cha chồng của bà Su, một đảng viên cao cấp đứng hàng thứ 3 trong hệ thống đảng tại địa phương đã làm hết sức mình để bà Su không bị kêu án sát nhân.
Tại Việt Nam, một nạn nhân bị tai nạn giao thông chưa biết chết sống thế nào không có ai đến giúp đỡ. Trong khi đó những kẻ khác tìm cách cướp tài sản của nạn nhân đang nằm trên vũng máu. Giới tài xế tại Việt Nam kháo với nhau rằng nếu đã đụng ai thì đụng cho chết hẳn đi chứ đừng để nạn nhân sống để khai trình bằng chứng và đòi bồi thường!
Sống trong những xã hội như tại Trung Quốc và Việt Nam người ta có thể chứng kiến sự tha hóa của đạo đức ngày càng trở nên trầm trọng.
Sự vô cảm của con người dưới chế độ cộng sản đã đến mức cực đoan khi chỉ cần một câu nói, một nụ cười, một cái đụng chạm trong giao thông cũng có thể làm cho người ta đâm chém nhau đến chết. Người ta cũng thấy rõ đây là những biểu hiện của một xã hội “bức xúc” không có chỗ để trút đi những uất ức, nặng nề của một đời sống bị kiềm kẹp.
Tình trạng tẩm hóa chất độc vào thực phẩm tiêu thụ trên thị trường, quan chức đảng viên vi phạm nhân quyền, đất đai của nông dân bị cướp trắng trợn, những vụ sát nhân tàn bạo vượt mức tưởng tượng của con người, đều phản ảnh trình trạng coi tính mạng và phúc lợi của cá nhân người khác không có tí giá trị gì. Khi đảng bất ngờ phát động khẩu hiệu “làm giàu là vinh quang”, mọi người hiểu rằng có thể làm bất cứ điều gì để kiếm tiền, kiếm thật nhiều tiền để được xã hội tôn vinh.
Li Qiming một sinh viên 22 tuổi của đại học Hebei, Trung Quốc lái xe khi đang say rượu và tông chết 1 sinh viên, làm bị thương một sinh viên khác. Li chẳng hề nhìn hai nạn nhân một lần và tỉnh bơ lái xe đến cư xá thăm người yêu.
Khi cảnh sát và mọi người đến lập biên bản Li hăm dọa: “Bố thằng nào dám bắt tao. Bố tao là Li Gang đó chúng mày có biết không?” Li Gang là một cán bộ công an cao cấp tại địa phương. Li Qiming hiểu rằng cái thẻ đảng của bố hắn chính là giấy bảo chứng cho hắn có thể làm bất cứ điều gì mà không phải bị trừng phạt.
Ở Việt Nam không hề thiếu những Li Qiming và Li Gang. Những đứa trẻ lớn lên được giáo dục về sự ưu tú của các đảng viên, tận mắt chứng kiến bố mẹ lợi dụng chức quyền để ăn hối lộ, để tham nhũng, để nói dối; tin rằng những chuyện như thế là bình thường, là “đạo đức xã hội chủ nghĩa”, là mọi việc đều có thể mua được bằng quyền lực, bằng tiền bạc, là chỉ có mình mới quan trọng còn tất cả mọi người khác đều không có giá trị gì!
Sự tha hóa đạo đức của con người dưới chế độ cộng sản một mặt dẫn đến tình trạng trì trệ về sáng tạo trên các phương diện tri thức, nghệ thuật đã đành, mà còn là động lực chính đáng sau những tội ác kinh hoàng như pha bột hóa chất độc vào sữa trẻ em, dùng hóa chất độc để “sáng tạo” thịt heo thối thành thịt bò nhập từ Úc, Nhật, Hoa Kỳ.
Sự đề cao chủ nghĩa tập thể, càn quét chủ nghĩa cá nhân đã để lại hậu quả là con người sống dưới chế độ xã hội chủ nghĩa tin rằng chính tập thể, chính xã hội là người phải chịu trách nhiệm chứ mỗi cá nhân không phải chịu bất cứ trách nhiệm nào về hành vi của mình.
Sự tha hóa đạo đức tại những quốc gia theo Khổng Giáo như Trung Quốc đã lên đến cực điểm khi mọi người không cười nhạo nếu một cô gái làm điếm, nhưng sẽ cười vào mặt cô ta nếu cô ta không làm ra tiền.
Dưới chế độ xã hội chủ nghĩa hay cộng sản, tư cách đạo dức của đảng viên được coi là chuẩn mực, hình mẫu để dân chúng theo gương. Cho nên không lấy gì làm lạ về sự vô cảm của dân chúng tại Trung Quốc và Việt Nam, coi tham ô hối lộ là cách kiếm tiền đương nhiên, coi sự lừa trên gạt dưới là tiêu chuẩn giao tiếp, coi pháp luật chỉ là đồ trang sức cho chế độ, coi các bản án hình sự như món hàng mua bán.
Chính những đảng viên mà đảng Cộng sản kêu gọi mọi người trong xã hội noi gương chính là nguồn gốc của sự tha hóa nhân cách và trí tuệ của con người dưới các chế độ này.
Cựu chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã từng nói rằng sở dĩ chế độ Quốc Dân Đảng của Tưởng Giới Thạch sụp đổ vì các quan chức của chế độ này tha hóa quá sức. Người dân Trung Quốc vì thế đã quay sang ủng hộ Cộng sản. Ông Hồ Cẩm Đào kêu gọi tiêu diệt tham nhũng, cũng cố tư cách đạo đức đảng viên, để chấm dứt sự tha hóa về đạo đức của xã hội và giữ vững vị trí lãnh đạo của đảng Cộng sản.
Các vị lãnh đạo đảng Cộng sản tại Việt Nam cũng đang kêu gào với những lời lẽ tương tự. Tuy nhiên lời kêu gọi của những quý vị này không khác gì những con chó sủa trăng.
Ls Lê Đức Minh

 _______________________
Tài liệu tham khảo
- BBC Online, Power, corruption and the Communists
- The Secret Writers, Corruption of Moral in China Communist
- Rogue Goverrnment, Collectivism is Moral Decay, 11/11/2010
- RT Question More,Communists urge revival of moral values in Russia, 25/01/20113
- Pope Pointedly Blames Castro’s Communism For Cuba’s Moral Decay, Chicago Tribune, 23/01/1998


Copy từ: Truyền Thông Chúa Cứu Thế

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét