Công việc của tôi gắn với việc đọc báo hàng ngày. Rất rất nhiều tháng trước, tôi đã đọc thấy trên tờ báo những mẩu tin rời rạc về đám trẻ con chết vì vacxin. Hôm nay 1 bé chết. Ngày mai 2 bé chết. Vài ngày nào đó 2-3-4 bé chết. Mỗi khi ấy, tôi lại nhớ lại tháng năm của mình, những tháng năm đắng nghét trong cổ họng. Có 2 chuyện về vacxin khiến tôi chú ý ngồi đếm những đứa trẻ chết, chúng chết hoài, đứa này chết, đứa kia chết, đây đó chết, kia đó sốc thuốc.
Chuyện thứ 1: là về tôi
Lúc tôi chưa đầy 1 tuổi, tôi được đưa đi tiêm ngừa bại liệt. Nhà tôi lúc ấy ở trong một xã vùng sâu vùng xa, không có điện. Bố tôi có thói quen mỗi chiều sau khi làm thợ mộc xong lại bế tôi lên, tôi nhảy nhót trên tay bố, dù lúc đó cũng chẳng biết đi. Bố tôi kể, tôi cứ nhún nhún.
Sau khi tiêm ngừa bại liệt, một thời gian ngắn sau đó, bố tôi nhớ lại ông giật mình khi bế tôi mà tôi chỉ nhún 1 chân. Chân kia của tôi teo lại.
Xóm tôi lúc ấy có đến 3 đứa khác cũng bị hệt như tôi.
Nhà tôi là “dân thủy điện” – tức là công nhân về Trị An – xây thủy điện Trị An – xa xôi Sài Gòn và rất khổ. Nhưng bố mẹ tôi không hiểu vì lẽ gì, đã quyết đưa tôi lên Sài Gòn khám. Cùng lúc ấy, 3 đứa kia xóm tôi lên bệnh viện Nhi Đồng ở Đồng Nai khám.
Tôi đã nằm 1 tháng ở bệnh viện Nhi Đồng II, với cái quyết định phải mổ ngay của bác sĩ, với nỗi sợ hãi bơ vơ và không xu dính túi của mẹ, với cả những buổi chiều cha tôi kể chạy lên bờ đập, đứng chờ dân đi gỗ qua cửa bảo vệ “hối lộ” cho vài đồng để có tiền gửi lên Sài Gòn chuẩn bị cho ca mổ của tôi. Người ta nói phải cho tiền bác sĩ mới được chăm sóc tốt. Nhưng khi mẹ tôi nhét phong bì tiền vào túi bác sĩ (ông kể với mẹ tôi ông là cán bộ ngụy), ông đã lôi chiếc phong bì ra, nói với mẹ tôi: “Thôi, mua sữa cho cháu, dân thủy điện nghèo lắm.” – Tôi đã phải phẫu thuật và có 1 vết sẹo 13 mũi kim, đến giờ vẫn là vết sẹo dài đáng chú ý trên đầu gối tôi. Và sau đó là 1 năm dài đằng đẵng mẹ tôi phải gập chân, tập cử động cho tôi. Mẹ kể rằng, cứ 1 lần gập chân là máu lại rỉ ra. Mẹ đau nhưng mẹ luôn luôn phải làm, vì bác sĩ bảo không tập thì chân sẽ hỏng. Mỗi lần tập chân, ba tôi bịt tai chạy lên những nhà hàng xóm khác, ba không chịu được khi thấy chân tôi rỉ máu và tôi gào khóc.
1 năm sau, cái chân bị teo đi của tôi đã to lại, tôi lớn lên bình thường, đã đi rất nhiều và chưa bao giờ cảm thấy vết đau ấy tái phát. Nhưng 3 đứa nhỏ kia thì không đứa nào đi lại được như tôi, chúng lên Sài Gòn quá trễ, sau nhiều lần chữa trị thất bại ở Đồng Nai. Chẳng ai có thể kết tội đó là vì vacxin, nhưng năm ấy, cả 4 đứa như tôi đã cùng đi chích ngừa bại liệt và sau đó là… xém bại liệt. Tôi may mắn hơn 3 người còn lại…. 1 sự may mắn mà đến giờ mỗi khi nhìn vào dáng mẹ, tôi biết bà đã phải mãnh liệt đến mức nào để trải qua hết những thời gian đau khổ đó để chữa lành cho tôi. Hẳn mẹ đã già đi gấp 10 lần trong suốt 1 năm dài bẻ chân tôi và nhìn máu chảy ra giường của tôi.
Tôi không biết vacxin liệu có liên quan gì đến 4 đứa trẻ như chúng tôi….? Không biết.
Chuyện thứ 2: Ở Campuchia
Năm tôi mới bước vào nghề báo, tôi sang Campuchia để viết về bác sĩ Beat Richner, người đã xây dựng lên 5 bệnh viện nhi miễn phí ở Campuchia. Khi tôi đến, ở tất cả các hàng lang bệnh viện đều ngập đầy những đứa trẻ có đầu rất to và ngực gầy trơ xương, mắt vàng và da màu tối om. Ông nói: bệnh lao. Tôi đã nghe ông kể về mầm lao, bệnh lao và loại vacxin oan nghiệt đã được đưa đến nơi này (vacxin ngừa lao loại cũ, loại các nước Phương Tây khuyến cáo không sử dụng nữa, nhưng vẫn được vận chuyển cứu trợ tràn lan đến Campuchia. Loại vacxin đó có thể tạo ra lao kháng thuốc, không chữa được – ông giải thích cho tôi như vậy).
Ở đó, hàng nghìn đứa trẻ nhập viện mỗi ngày, và bệnh viện thậm chí phải cho cha mẹ các em tiền xe khách để cho các em quay lại khám đúng hạn, uống thuốc đúng liều, không thì vô phương cứu chữa.
Ông đã cho tôi 1 quyển sách, viết về những năm tháng ở Campuchia của ông và bệnh lao. Trong đó có những đoạn vô cùng cay đắng, khi ông viết ông có hàng nghìn ca sốt xuất huyết để có thể công bố dịch, như bộ y tế Campuchia nhất định không công bố, vì “ảnh hưởng thể diện” quốc gia. Loại vacxin ngừa lao lỗi thời vẫn được các tổ chức phi chính phủ đổ vào Campuchia để có số báo cáo với các nhà tài trợ, còn bệnh viện của ông thì phải đón nhận những ca em bé chết vô phương vì dùng vacxin nhưng lại bị lao kháng thuốc.
Ông viết về những năm tháng đó trong tuyệt vọng và sự cô đơn.
Khi đi giữa những hành lang bệnh viện với ông ấy, tôi thấy những ánh mắt trẻ nhỏ lồi lên vì đói khổ, bệnh tật.
Trớ trêu thay, ông phải gồng lên, để đỡ cho cả “dịch sốt xuất huyết” và bệnh lao đã được thanh toán như cách các nhà chức trách Campuchia công bố một cách hùng hồn.
Thật là đau xót….
Vậy đó, ai biết đó là đâu ấy mà…
Khải Đơn
Copy từ: Khải Đơn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét