CHƯA TỐT NGHIỆP TRƯỜNG ĐỜI.

Thứ Năm, 27 tháng 6, 2013

"Tôi đi hối lộ..."

"Tôi đi hối lộ..."

(Kienthuc.net.vn) - "Việc Thanh tra Chính phủ và Ngân hàng Thế giới chọn đề án toidihoilo.com là một trong những sáng kiến phòng chống tham nhũng tốt để đầu tư là bước khởi sự đáng vui mừng."
KS Hà Phúc Hoàn, Công ty Cổ phần Dịch vụ Dữ liệu trực tuyến Việt Nam, người giành giải sáng kiến phòng chống tham nhũng nói trên, chia sẻ với Kiến Thức.

Biết các chiêu trò hối lộ 

Mục đích làm trang web này là gì?

Thực ra thì chúng tôi bắt chước một trang web ở Ấn Độ thôi. Năm 2011, chúng tôi làm trang này để mọi người chia sẻ thông tin. Là nơi thu thập thông tin giúp các tổ chức phi chính phủ hoặc cho các ban ngành xem hàng năm tổng số tiền hối lộ là bao nhiêu, địa phương nào nhiều nhất, ngành nào nhiều nhất... Từ đó giúp nhà hoạch định chính sách có thể chỉnh sửa về luật, về chính sách cho phù hợp với thực tiễn.

Làm thế nào để người đưa hối lộ biết đến trang này để chia sẻ?

Ban đầu thì chúng tôi quảng bá trên các mạng xã hội thôi. Đến khi Thanh tra Chính phủ và Ngân hàng thế giới quyết định tài trợ cho dự án này thì mọi người mới biết đến nhiều hơn. Lúc đầu thì mỗi ngày chỉ có khoảng 20 người, giờ thì mỗi ngày có khoảng hơn 2.000 lượt truy cập.

Nghĩa là bất cứ ai vào trang web này đều có thể kể những câu chuyện về hối lộ của mình hoặc bạn bè, người quen?

Đúng thế! Đó là nơi để người đưa hối lộ bày tỏ bức xúc, giống như câu chuyện kể giữa những người quen biết với nhau để mong nhận được sự chia sẻ thôi. Quan trọng là chia sẻ đó sẽ có thể đóng góp một phần vào việc thay đổi chính sách cho những năm tiếp theo. Qua đó người ta biết được các mánh lới luồn lách, các lỗ hổng pháp luật để từ đó tìm cách lấp lại.

Nhưng làm thế nào để biết tính xác thực của những chia sẻ đó?

Thực ra không ai biết chính xác những chia sẻ đó là đúng hay sai. Tuy nhiên, trang web mở ra hoàn toàn không có lợi nhuận. Người chia sẻ cũng không được lợi lộc gì cả. Họ chia sẻ việc họ phải đưa hối lộ bao nhiêu, cho ai, vì sao phải đưa, đơn giản là những bức xúc mong muốn được chia sẻ của họ thôi. Không ai vụ lợi từ trang web đó cả. Bởi thế, thông tin sẽ thật hơn.

Giả sử tôi ghét một người nào đó, tôi bịa ra chuyện ông ấy nhận hối lộ rồi đưa lên trang web thì sao?

Tên tuổi địa chỉ của bất cứ người nào, công ty nào, khi đưa lên trang web sẽ bị xoá đi. Kể cả tên của người chia sẻ điều đó. Chỉ có thông tin vị trí địa lý và thời gian. Tuy nhiên, vị trí gần nhất cũng chỉ là tên đường, thành phố. Ngoài ra có phân chia theo ngành, lĩnh vực với gần 20 ô mục. Người chia sẻ có thể chọn bất cứ lĩnh vực nào để kể câu chuyện của mình.

KS Hà Phúc Hoàn, một trong những người giành giải sáng kiến phòng chống tham nhũng. 

Chẳng ai đi hối lộ mà công khai danh tính

Vì sao trên trang web lại không lưu trữ danh tính người đưa và nhận hối lộ, đó sẽ là một dữ liệu tốt cho các cơ quan chức năng?

Chúng tôi không làm thế là bởi người dân đi hối lộ là họ rất bức xúc, rất muốn chia sẻ nhưng lại không thể chỉ mặt rõ ai đã nhận hối lộ. Là bởi việc đi hối lộ đó vẫn đáp ứng được yêu cầu là hai bên cùng có lợi. Người nhận hối lộ có quyền lợi là tiền, người đi hối lộ giải quyết được việc của mình. Nếu kể câu chuyện đó một cách thoải mái thì rất nhiều người có nhu cầu.

Tôi nghĩ nếu công khai danh tính thì sự quan tâm của dư luận sẽ rất lớn?

Ở Ấn Độ, Chính phủ nước họ cũng có một trang web để người dân tố cáo tham nhũng, trong đó phải nêu rõ ai nhận hối lộ, ai đưa hối lộ, thời gian địa điểm thế nào. Nhưng trang đó không thành công. Vì rõ ràng nếu phải cung cấp tên tuổi như thế thì họ sẽ thấy bất an, sợ bị trù dập. Làm sao biết người tiếp nhận thông tin không có quan hệ với người mình tố cáo? Thứ nữa họ cũng không muốn lằng nhằng, vì đưa hối lộ cũng có tội. Mà khi ra toà, người nhận hối lộ thường là quan chức, có quyền cao, trong khi người đưa hối lộ đa phần là người dân. Thế thì khó.

Vậy là không ai đưa hối lộ mà thích thú công khai danh tính?

Đúng thế. Ngoài bàn nhậu có thể chửi bới ầm ĩ, nhưng liệu có mấy ai dám công bố đích danh mình đưa hối lộ cho ai, bao nhiêu tiền? Theo luật thì nếu đưa hối lộ xong mới tố cáo thì người đưa hối lộ cũng bị tội như người nhận. Cái ranh giới giữa đúng và sai, có tội hay không có tội trong việc này khá là mong manh. Bởi thế mà không ai đi hối lộ mà công khai danh tính cả.

Những câu chuyện đưa hối lộ trên trang web của ông nhiều nhất là lĩnh vực nào?

Những chia sẻ trên trang này có rất nhiều vụ việc liên quan đến đưa hối lộ cho cảnh sát giao thông. Quên giấy tờ, vượt đèn đo, đi sai làn, rẽ không xi nhan... tất cả đều phải đưa tiền cho cảnh sát giao thông cho nhanh gọn, được việc. Dù số tiền không nhiều, nhưng lại phổ biến.

Giả sử khi chia sẻ mà tôi gửi kèm đoạn phim hình ảnh, ghi âm, bằng chứng của việc đưa hối lộ, ban quản trị sẽ xử lý thế nào?

Chúng tôi có làm việc cùng Thanh tra Chính phủ về điều này thì kết luận là với những bằng chứng này, chúng tôi sẽ chuyển cho thanh tra của ngành, địa phương đó để xử lý. Tuy nhiên, cái này cũng sẽ ít, vì nếu đã có những bằng chứng này là người đưa hối lộ đã có mục tiêu rõ ràng rồi. Và họ có thể gửi đến nhiều cơ quan chức năng khác nhau để xử lý.

Tới đây, người dân sẽ có một kênh chính thống để chia sẻ những câu chuyện đưa hối lộ mà không lo lắng bị ảnh hưởng đến bản thân. (Ảnh minh họa)

Cảnh sát giao thông - y tế - giáo dục

Tôi có vào trang web này xem và thấy có nhiều chia sẻ về việc mua suất vào ngân hàng, vào công chức với giá hàng trăm triệu đồng. Vậy thì theo thống kê, lĩnh vực nào nhận hối lộ với số tiền nhiều nhất?

Đầu bảng vẫn là các lĩnh vực cảnh sát giao thông, giáo dục, y tế. Nhiều người chia sẻ về lĩnh vực giao thông nhưng là những hối lộ nhỏ nhỏ. Chứ khủng khiếp nhất có lẽ phải là việc chạy công chức giáo viên. Có người chia sẻ rằng phải bỏ 40 triệu đồng chạy công chức giáo viên mà không được, tiền cũng mất. Thì các chia sẻ nói rằng có 40 triệu đồng thì làm sao vào công chức giáo viên được. 100% chia sẻ trong lĩnh vực giáo dục là chạy công chức, với giá trung bình là 150 - 200 triệu đồng mỗi suất. Ở Hà Nội thì phải 300 triệu đồng trở lên. Trong y tế thì từ việc tiêm, thay băng gạc, lấy máu... đều phải đưa tiền cho y tá.

Còn ít chia sẻ nhất là lĩnh vực nào?

Lĩnh vực hành chính xã phường là ít chia sẻ nhất và cũng với số tiền ít nhất. Tuy nhiên, nó cũng có vấn đề là những người vào trang web chia sẻ là những người ở thành phố lớn, mà những người này lại ít liên quan đến hoạt động hành chính phường xã. Còn ở các vùng khác thì người dân lại chưa có điều kiện tiếp cận đến trang web để chia sẻ.

Theo khu vực thì tỉnh nào có nhiều hối lộ nhất theo thống kê từ các chia sẻ của trang web?

Đó là Hà Nội, Nghệ An, Thanh Hoá, TP.HCM... Nó có thể chỉ là những hối lộ ở mức một vài chục ngàn cho những thủ tục hành chính đơn giản, nhưng người ta vẫn cảm thấy bức xúc. Và đa số việc nhận hối lộ của các tỉnh là từ công chức. Công chức là đối tượng nhận hối lộ nhiều.

Dự định sắp tới của ông là gì?

Chúng tôi muốn sau khi có tiền tài trợ thì sẽ tiến hành nâng cấp hệ thống, có thêm tên miền đuôi .vn để người dân có thể tin tưởng các câu chuyện hối lộ của mình.

Xin cảm ơn ông!

Thực tế, ngay cả các điều tra xã hội học cũng chỉ phát ra các phiếu điều tra để hỏi, chứ khó có thể kiểm chứng thông tin đó có thực hay không. Còn những trường hợp có ghi âm, hình ảnh, tài liệu thì là do người ta đã chủ động ghi lại. Khi đó thì các cơ quan chức năng hoàn toàn có thể xử lý được.


Copy từ: Kiến Thức

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét