CHƯA TỐT NGHIỆP TRƯỜNG ĐỜI.

Thứ Bảy, 29 tháng 6, 2013

THOÁT TRUNG LUẬN

Bài đọc liên quan:
Nhìn lại lịch sử cận đại của thế giới và Việt Nam, cũng như khu vực Đông Nam châu Á, địa chính trị, và cơ hội chúng ta thấy gì? Hãy điểm nó lại một cách khách quan để nhìn nước Việt đến vài thế kỷ tới xem sao? Đó là mục đích của bái viết này.
Địa chính trị và lịch sử
Các quốc gia Đông Nam Á khác, như Nam Dương(Indonesia) và Mã Lai Á nhờ địa lý tách ra khỏi bán đảo Đông Dương, nên bị thực dân Âu châu nhảy vào sớm hơn, từ đầu thế kỷ XVI. Cụ thể là Mã Lai Á thì Hà Lan bước chân vào năm 1511. Nam Dương cũng được Bồ Đào Nha đặt chân đầu tiên vào năm 1512. 
Miến Điện, một quốc gia có đường biên giới với Trung Hoa, nhưng gần với Ấn Độ và tiếp giáp giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương cũng phải đến đầu thế kỷ XIX mới bị người Anh xâm chiếm ra khỏi sự quan tâm của Trung Hoa.
Ngay cả Ấn Độ có cùng đường biên giới hiểm trở với Trung Hoa, mà Ấn Độ là một nước lớn, nhưng cũng mãi đến khi Trung Hoa suy yếu vào cuối đời nhà Thanh thì các cường quốc châu Âu gồm: Bồ Đào Nha, Hà Lan, Anh và Pháp mới có thể xâu xé Ấn Độ vào cuối thế kỷ XVIII.
Cũng có địa chính trị cùng đường biên giới với Trung Hoa là bán đảo Đông Dương, nên cũng chịu dưới sự quan tâm đặc biệt của Trung Hoa từ ngàn năm trước.
Lịch sử Việt Nam đúng chỉ có khoảng 2.600 trăm năm, trong đó hơn ngàn năm bị đô hộ giặc Trung Hoa. Trong những khoảng trống không bị đô hộ đó, Việt Nam chưa bao giờ độc lập với Trung Hoa, mà phải quan hệ kiểu thiên triều và chư hầu, theo dạng triều cống và lãnh ấn chỉ chủ dụ từ Trung Hoa. 
Chỉ có một giai đoạn duy nhất từ giữa thế kỷ thứ XIX, khi cuối triều nhà Thanh suy yếu, Trung Hoa bị chia năm xẻ bảy bỡi các cường quốc châu Âu: Hà Lan, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Anh Quốc và kể cả Nhật Bản, lúc ấy Việt Nam mới bị sự dòm ngó của Pháp và xâm lược Đông Dương.
Khi Trung Hoa có nền Cộng Hòa xuất hiện do Tôn Trung Sơn lãnh đạo vào năm 1912, cũng là lúc suy thoái kinh tế toàn cầu 1929 - 1933 ập đến. Ba thập kỷ người Trung Hoa có nhiều nội loạn, vả lại chịu dưới sự xâm lược của người Nhật. Nên Trung Hoa không đủ sức dòm ngó đến Đông Dương và Miến Điện.
Sau chiến tranh thế giới II, người Pháp thất trận, Trung Hoa thành lập 1949, cũng là lúc họ bắt đầu quan tâm đến Đông Dương. Dù họ còn rất yếu do nhiều lý do khách quan và chủ quan của cách cai trị của Mao, nhưng Trung Hoa đủ mạnh để tranh đoạt bá vương và cùng với Hoa Kỳ để đi đến Thông Cáo Thượng Hải 1972 ăn chia Đông Dương và khu vực, cũng như toàn cầu.
Sau 30/4/1975, có một giai đoạn ngắn đến 1990, Việt Nam không bang giao với Trung Hoa nhờ vào sức mạnh của Liên Xô. Nhưng khi Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, thì Hội Nghị Thành Đô lại làm cho Việt Nam trở lại thời kỳ bằng mặt, nhưng không bằng lòng với Trung Hoa. Hiện nay thì ai cũng thấy rõ ràng chính sách ngoại giao đa phương - dĩ bất biến ứng vạn biến của Tôn Tử - đang là cách mà nước Việt đang đương đầu với Trung Hoa.
Cơ hội
Qua những điều đã điểm ra ở trên, cho ta thấy các nước nhỏ quanh Trung Hoa có cùng biên giới rộng lớn với họ đều được họ xem là vùng đệm và chư hầu trong quan hệ ngoại giao.
Điều đáng lo lắng nhất với các quốc gia cùng biên giới với Trung Hoa là, không bao giờ Trung Hoa muốn các quốc gia này hùng mạnh để dễ bề thao túng và cai trị. Hãy điểm lại mà xem, Việt, Miên, Lào, Bắc Hàn, Mông Cổ, Bắc Hàn, Hồi Quốc Pakistan. 
Và kể cả Miến Điện, một quốc gia hùng cường vào 2 thập niên 1960s và 1970s nhưng cũng bị Trung Hoa chi phối làm cho kiệt quệ, và chỉ mới đổi mới xoay chuyển chính trị bằng cách chuyển dời, xây dựng thủ đô mới để tránh những bí mật quốc gia bị tiết lộ với Trung Hoa mới từ chối được cái dự án 2,5 tỷ đô la làm đường ống dẫn dầu từ Yangon đến Vân Nam, và thay đổi thể chế chính trị triệt để tách khỏi Trung Hoa như hôm nay. Một sự thay đổi Miến Điện mà thế giới kinh ngạc, nhưng là bài học Thoát Trung Luận cho Đông Dương nói chung và Việt Nam nói riêng.
Báo cáo kinh tế thế giới của Ngân Hàng Thế Giới vào ngày 13/6/2013 cho thấy nợ tư trong nước của Trung Hoa cao nhất thế giới, lên đến 160% GDP. Việt Nam cũng không khá hơn với 110% GDP của nợ tư trong nước. Nhiều chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước đang dự đoán một Trung Hoa hạ cánh nặng nề, và một tia hy vọng sáng sủa cho các quốc gia quanh khu vực có thể làm cuộc Thoát Trung Luận với Trung Hoa mà, lâu nay theo kiểu ngoại giao họ luôn tự cho mình là thiên triều.
Sự suy yếu của Trung Hoa trong những năm tới là có thực, không mơ hồ, do nền kinh tế định hướng xã hội chủ nghĩa mang màu sắc Trung Hoa gây ra không chỉ ở Trung Hoa mà ngay cả ở Việt Nam sau khi sao chép 23 năm qua. Dù khó khăn, nhưng đó là cơ hội cho Việt Nam rất lớn để làm cuộc Thoát Trung Luận.
Bài học và phương án Thoát Trung Luận
Từ thế kỷ XIX ở Nhật Bản, có ông thầy giáo Fukuzawa Yukichi đã viết và đưa ra chiến lược Thoát Á Luận. Các vị minh quân của nước Nhật đã đi theo và họ đã thành công như hôm nay, một phần nhờ địa chính trị. Nhưng có một quốc gia khác có địa chính trị giống Việt Nam - Miến Điện - họ đã và đang làm cuộc Thoát Trung Luận đến nay rất tốt.
Có thông tin cho rằng sở dĩ Miến Điện thoát được Trung Hoa là nhờ họ dời trung tâm hành chính quốc gia từ thủ đô cũ là thành phố Yangon đến Naypyidaw là do những trung tâm hành chính quốc gia Miến Điện dưới thời Thein Shwe là do Trung Hoa viện trợ và xây cất. Họ phải dời đô vào nơi an toàn, để bảo mật quốc gia, sau đó mới tính chuyện chuyển đổi thể chế chính trị, thì mới an toàn cho đất nước họ và Thoát Trung Luận mới thành công. 
Liệu rằng, những cơ sở hành chính quốc gia Việt được Trung Hoa giúp xây dựng thời chiến tranh có đảm bảo bí mật quốc gia?
Năm 2010, ở Việt Nam rộ lên việc di dời trung tâm hành chính quốc gia ra khỏi Ba Đình, nhưng một số thành phần ưu tú và trí thức Việt Nam lại cho là sai lầm. Rồi mọi chuyện rơi vào quên lãng.
Hôm nay, tình hình nước Việt như ngàn cân treo sợi tóc - kinh tế xem như đang trên đà sụp đổ hoàn toàn, chính trị rối ren vì nạn bè phái tranh ngôi đoạt vị - mà chuyện quốc sự quan trọng nhất là làm sao Thoát Trung Luận, thì đất nước mới mong thái bình, dân tộc mới mong thịnh vượng và độc lập tự chủ.
Trong lúc kinh tế khó khăn, chuyện xây dựng trung tâm hành chính quốc gia mới là điều nên làm, để vực nền kinh tế và tạo công ăn việc làm cho xã hội. Một công đôi việc vừa vực nền kinh tế quốc gia, vừa giúp cho tiến trình Thoát Trung Luận đẹp cả đôi bề.
Lý thuyết nhị nguyên luận trong triết học đã được người Mỹ áp dụng trong việc tạo ra hình thái chính trị xã hội cho một hời kỳ mới mà họ gọi là trật tự mới cho những thời đại tiếp theo rất thành công. Âm dương, nước lửa, trời đất, phá và xây, v.v... Cộng hòa và Dân chủ là 2 trường phái để xây dựng Hoa Kỳ ngày nay theo Nhị Nguyên Luận rất triết học và rất thành công. 
Người dân Việt hiếu hòa, không ai muốn và cũng chưa có lực lượng nào đủ sức để giành quyền lãnh đạo với đảng cầm quyền hiện nay. Đừng nên xem dân mình là thù địch vì quyền lợi cá nhân. Đã đến lúc cần phải tách đôi đảng cộng sản ra làm 2 đảng và cần một hành động cụ thể như Miến Điện để làm cuộc Thoát Trung Luận hoàn hảo, khi cơ hội bắt đầu hé mở ở chân trời - đó là một Trung Hoa đang và sẽ suy yếu. Thiên thời, nhân hòa lòng dân muốn và chỉ còn việc tạo ra địa lợi để biết chớp lấy thời cơ. Nếu không, 300 năm hay 1.000 năm nữa quan hệ Trung - Việt vẫn theo kiểu mà ngàn năm trước không thay đổi.
Asia Clinic, 18h38' ngày thứ Sáu, 28/6/2013


Copy từ: BS Hồ Hải

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét