CHƯA TỐT NGHIỆP TRƯỜNG ĐỜI.

Thứ Bảy, 29 tháng 6, 2013

Rước giặc về nhà

Nhiều năm nay, việc hàng lậu hàng giả hàng độc hại Trung Quốc (TQ) tràn ngập nước ta đã gần như thành chuyện thường ngày. Lộng hành đến mức không còn chỗ nào, lĩnh vực nào vắng cái bóng ma của nó. Có người ví những thứ hàng ấy như cái đầu giặc Phạm Nhan, chém đầu này thì ngay lập tức mọc ra đầu khác. Kiểm soát ngăn chặn hàng lậu, hàng giả, hàng độc hại TQ vất vả không khác gì đánh giặc.

Chỉ trong hơn tháng qua, các nhà sản xuất trong nước và cơ quan chức năng đã phải dàn quân ngăn chặn quyết liệt hai thứ hàng từ TQ tràn sang: cá tầm và khoai tây. Nuôi cá tầm là ngành sản xuất mới mẻ ở nước ta, đang làm quen và dần chinh phục thị trường, tạo dựng hình ảnh, thương hiệu cá tầm VN, thì bất chợt cá TQ ào ạt tràn qua biên giới, vào tới tận cả các tỉnh phía nam. Cá rẻ, chất lượng kém của TQ đánh bật cá tầm VN ra khỏi nhà hàng, chợ búa, siêu thị, đồng nghĩa với việc phá hoại kinh tế, giết chết ngành nuôi cá tầm trong nước đang đà phát triển. Tương tự như vậy, củ khoai tây VN xưa nay đâu có thiếu, nhà nông xứ ta thừa khả năng cung cấp cho thị trường nội địa. Khoai tây miền Bắc, khoai tây Đà Lạt không chỉ ngon, vừa miệng mà điều quan trọng là đảm bảo chất lượng, tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Việc cơ quan chức năng vừa qua kiên quyết xử lý tiêu hủy lô hàng mấy chục tấn khoai tây TQ nhập lậu không chỉ vì nó sẽ phá rối thị trường mà nghiêm trọng hơn, nó đã bị nhiễm độc, nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng người tiêu dùng.
Suốt bao năm, mối nguy độc hại từ hàng TQ luôn chực chờ đe dọa. Chẳng mấy ai quên chính báo chí TQ đã phanh phui những vụ động trời như sữa bột Sanlu (tỉnh Hà Bắc) có hàm lượng melamine cao làm tử vong hàng loạt trẻ em dạo năm 2008 hoặc vụ trứng bắc thảo ở tỉnh Giang Tây chứa độc tố sulfat đồng mới đây. Nói chi xa, hàng TQ nhập vào VN tiềm ẩn chất độc do khâu sản xuất hoặc bảo quản như trái cây (táo, lê…), đồ chơi trẻ em, đồ sứ, hàng nhựa, quần áo, tỏi, gừng… khiến người tiêu dùng ngày càng e ngại, xa lánh. Vậy cớ chi chúng vẫn tràn ngập thị trường nước ta?

Không thể loại trừ chuyện hàng TQ ào sang VN theo một chủ trương nào đó từ TQ nhưng điều dễ thấy nhất là chính không ít doanh nghiệp, thương nhân xứ ta sang tận đất họ lôi của độc về. Nói nôm na là “quân ta đánh quân mình”. Chẳng hạn nhiều doanh nghiệp nuôi cá tầm trong nước đã tố một công ty thủy điện ở tỉnh Lai Châu nhập lậu cá tầm TQ về nuôi và bán phá giá thị trường, cá không qua kiểm dịch, có nguy cơ lây lan dịch bệnh thủy sản, không đảm bảo an toàn thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Chuyện khoai tây độc hại cũng tương tự, người ta còn cố ý nhập hẳn cả máy móc về để tân trang khoai TQ thành khoai Đà Lạt, biến củ khoai lậu, độc hại thành khoai VN. Chuyện khoai TQ chứa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt 16 lần ngưỡng cho phép họ chả thèm quan tâm, bởi đã có người tiêu dùng gánh chịu.

Cứ nghĩ đến đám chất độc đang hoành hành giết dần giết mòn lương dân, đe dọa giống nòi xứ Việt này, tôi bất chợt hình dung ra sự lo lắng trong bài thơ được học hồi phổ thông, bài Á tế á ca (hay còn gọi là Đề tỉnh quốc dân ca, tương truyền của cụ Phan Bội Châu):

Nỗi diệt chủng vừa thương vừa sợ
Nòi giống ta biết có còn không?

Thật khó giả nhời.
24.6.2013
Nguyễn Thông


Copy từ: Nguyễn Thông

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét