Cùng thời gian Quốc
hội Mỹ thông qua Dự luật Nhân quyền Việt Nam HR 1897, Đảng Cộng
sản Việt Nam nhấn mạnh chủ đề ‘phát triển quyền con người’ và
xác nhận công dân Việt Nam có mọi quyền tự do tôn giáo.
Tiến sỹ Vũ Quang Vinh, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Lịch sử Đảng có bài trên Bấm
Tạp chí Cộng sản (25/6/2013) cho rằng Việt Nam đang
”tiếp tục kiện toàn tổ chức, nâng cao vai trò của các cơ quan lập pháp,
hành pháp trong việc bảo đảm quyền con người”.
Bài viết cũng nói chính quyền sẽ “xử lý nghiêm minh những trường hợp cố tình vi phạm quyền con người của người dân” ở Việt Nam.
Nhà nước cũng đang thực hiện chính sách “ưu tiên hơn nữa cho những nhóm đối tượng đặc biệt, thu hẹp dần khoảng cách phân hóa giàu nghèo, tạo cơ sở để thực hiện quyền bình đẳng và tự do dân chủ của con người,” theo tiến sỹ Vũ Quang Vinh.
Nhận rõ các âm mưu
Tư tưởng chỉ đạo cho hoạt động phát triển quyền con người là Chủ nghĩa Marx-Lenin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, và quan điểm của Đảng và Nhà nước Việt Nam về quyền con người, tiến sỹ Vũ Quang Vinh nêu.Theo ông, công tác giáo dục về nhân quyền cũng cần được làm “để mọi cán bộ và người dân có thể nhận thức rõ được âm mưu của các thế lực thù địch chống phá” Nhà nước Việt Nam trên lĩnh vực nhân quyền.
Bài viết cũng bác bỏ những chỉ trích rằng Việt Nam còn nhiều vấn đề về tự do tôn giáo và dẫn chứng rằng hiện “cả nước có gần 20 triệu tín đồ với 56.125 chức sắc và nhà tu hành, chưa kể hàng vạn người hoạt động bán chuyên nghiệp trong các tôn giáo”.
"Công tác giáo dục về nhân quyền cũng cần được làm để mọi cán bộ và người dân có thể nhận thức rõ được âm mưu của các thế lực thù địch chống phá"
Sự bùng nổ về hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng, cầu chúng ở Việt Nam những năm qua đã được quốc tế ghi nhận.
Nhưng trang Catholic World News hôm 27/6 trích lời tân Giám mục Vinh, Phê-rô Nguyễn Văn Viên nói Giáo hội Công giáo Việt Nam “cần có sự hiện diện trên truyền thông” và đóng vai trò chính yếu chứ không thể “sống bên lề xã hội”.
Bản tin của trang Công giáo này cũng nói, “hiện nay chưa hề có các báo chí, cơ quan phát thanh, nhà xuất bản của Công giáo ở Việt Nam”.
Cách đánh giá rằng hoạt động tôn giáo ở Việt Nam dù sôi nổi nhưng vẫn nằm ngoài lề không gian công cộng do Đảng Cộng sản kiểm soát có vẻ cũng được chính giới châu Âu chia sẻ khi nói về nhân quyền và tự do tôn giáo ở Việt Nam.
Bà Catherine Ashton, Trưởng Đại diện Ngoại giao của Khối EU, trong thư trả lời Nghị viện EU hôm 25/4/2013 viết rằng “các vụ vi phạm tự do tôn giáo và tự do tín ngưỡng vẫn đang là một quan ngại [của EU] ở Việt Nam và Liên hiệp châu Âu tiếp tục theo dõi tình hình trong bối cảnh cuộc tranh luận về sửa đổi hiến pháp tại đó”.
EU cho hay họ vẫn đang đối thoại với chính phủ Việt Nam nhằm cải thiện tình hình nhân quyền kể từ , và nhắc đến vụ quan chức EU và Úc phát hiện ra trong cuộc gặp năm ngoái sau khi gặp Hòa thường Thích Quảng Độ rằng vị tu sỹ Phật giáo này “không được tự do rời nơi tu hành”.
Bà Catherine Ashton cam kết với Nghị viện châu Âu rằng các vấn đề về tự do tôn giáo và nhân quyền và nội dung Nghị định 92 mới ra của Việt Nam sẽ được nêu trong cuộc đối thoại tới, dự kiến vào tháng 10/2013.
Hiện có sự khác biệt khá rõ trong đánh giá về nhân quyền và tự do tôn giáo ở Việt Nam trong bối cảnh chuyển đổi kinh tế xã hội và hội nhập của nước này vào cộng đồng quốc tế.
'Tư bản lỗi thời'
Tiến sỹ Vũ Quang Tạo, từ Học viện Chính trị, Bộ Quốc Phòng Việt Nam viết:
“Thách thức...đối với hoạt động nghiên cứu lý luận là sự thắng thế tạm thời của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực phản cách mạng, cùng sự bùng nổ các phương tiện thông tin và các mạng xã hội.”
Trong bài cũng trên Tạp chí Cộng sản hôm 10/6/2013, ông xác nhận có sự thắng thế tạm thời của “quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa, mặc dù nó đã lỗi thời lạc hậu”.
Nhà lý luận của Quân đội Nhân dân Việt Nam kêu gọi tìm ra “hình thức tuyên truyền giáo dục mới có hiệu quả, thật sự hấp dẫn, lôi cuốn” nhằm thúc đẩy công tác dân vận của Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam.
Copy từ: BBC
.......................
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét