(Dân Việt) - Đã hơn 1 tuần sau vụ vỡ đập Thủy điện Ia Krel 2 (rạng sáng 12.6), người dân xã Ia Dom (huyện Đức Cơ) chưa hết bàng hoàng vì chết hụt; họ đang đối mặt với sự thiếu đói đã cận kề từng nhà...
“Đói là chắc”
Ngày
18.6, những dấu vết của cơn lũ quét kinh hoàng vẫn còn nguyên dọc theo
chân đập Ia Krel 2 đến khu vực suối Đôi. Hàng trăm ha hoa màu bị thiệt
hại khó khắc phục được do thời vụ đã quá gần 2 tháng. Việc chờ đền bù có
lẽ sẽ còn lâu mới xong, trong khi cuộc sống của người dân vẫn phải tiếp
diễn...
Gương mặt chưa hết bần thần, ông
Puih Ơnh (làng Ó) cho biết: Dù ngôi nhà canh rẫy bị sập, chiếc xe ô tô
bị hư hại nhưng điều lo lắng nhất của ông vẫn là rẫy mì (sắn) của gia
đình bị lũ phá nát, không thể phục hồi được, sắp tới chẳng biết lấy gì
ăn. Đau nhất là mấy trăm gốc tiêu trồng ở Đội 20 đã bị lũ cuốn sạch, chỉ
còn trơ lại vài chiếc cọc gỗ xiêu vẹo. Khi được hỏi tới đây sẽ dựa vào
nguồn nào để sống, Puih Ơnh trả lời bằng một cái lắc đầu...
Lũ từ vụ vỡ đập thủy điện đã cuốn trôi 200ha hoa màu, cái đói đang cận kề từng nhà.
|
Cũng
như Puih Ơnh, già Rơ Châm Chek vẫn đang lo lắng không biết gia đình
mình sắp tới sẽ sống bằng gì khi 25 bao lúa bị ngập nước lên mầm; mì,
lúa mới trồng bị lũ quét sạch. “Làng mình năm nay chắc là bị đói to rồi.
Xưa rẫy mất còn có rừng mà kiếm củ mài, bây giờ thì chỉ còn biết trông
mặt nhau thôi” - già nói.
Chúng tôi đến Đội
thi công của Công ty 711 (Binh đoàn 15), ngôi nhà tạm của đội đã bị lũ
cuốn mất tích, chỉ còn sót lại vài tấm tôn vương vãi trên những lùm cây
dại ven suối. Đại úy Nguyễn Văn Thành - Đội phó Đội thi công vẫn còn nhớ
như in cái buổi sáng kinh hoàng đó, 16 cán bộ, chiến sĩ đang ở trong
nhà thì nước tràn về. 14 người nhanh chân chạy thoát lên đồi, 2 người
phải leo lên mái nhà.
Họ vừa đặt chân lên mái
nhà thì bị cô lập ngay tức thì vì nước lên quá nhanh, lại không biết
bơi. Tư trang, quần áo, 8 triệu đồng tiền mặt để lo hậu cần cho đội cùng
với giấy tờ tùy thân của anh em đã chìm theo lũ... Anh Thành cũng cho
biết, nhiều vật tư, phương tiện máy móc cái thì trôi, cái thì ngâm nước.
Hơn 5 ngày nay, cả đội đang cố gắng khắc phục nhưng vẫn chưa xong. Cũng
như những anh em trong đội khác, anh Thành chỉ còn độc bộ đồ trên
người...
Đại tá Phạm Văn Giang - Giám đốc
Công ty 72 cho biết: Có 34ha cao su của Đội 20 bị ngập lụt, trong đó gần
14ha cao su 3 năm tuổi bị thiệt hại hoàn toàn không thể khắc phục, gần
600 cây bị gãy ngang. Một chiếc cầu sắt đã bị lũ cuốn phăng vài chục
mét. Nhiều ngôi nhà của công nhân bị sập. Thiệt hại của Công ty 72 ước
tính khoảng 1,5 tỷ đồng.
Đền bù chậm chạp
Một
vấn đề không kém thời sự sau vụ vỡ đập đang được đặt ra là có nên khắc
phục sự cố để “trái bom” thủy điện với con đập đất này tiếp tục tồn tại
hay không? Theo ông Lê Vinh - Giám đốc Sở Xây dựng Gia Lai thì công
trình được xây dựng quá ẩu, kém chất lượng. Việc tồn tại công trình với
gần 10 triệu m3 nước vẫn là mối nguy và sự cố có thể xảy ra bất cứ lúc
nào...
UBND huyện Đức Cơ đã tiến hành thống
kê sơ bộ thiệt hại của người dân do vỡ đập Thủy điện Ia Krel 2: Khoảng
122 hộ dân bị thiệt hại, 200ha hoa màu bị lũ cuốn trôi, ngập úng... Tổng
số tiền thiệt hại ước tính khoảng 3 tỷ đồng...
Thiệt
hại dù đã thống kê nhưng phương án bồi thường cho dân thì vẫn chưa được
xác lập. Mùa vụ gieo trồng đã qua từ lâu nên những diện tích hoa màu bị
thiệt hại sẽ không thể gieo trồng lại. Việc tính toán đền bù cho người
dân do đó phải trên cơ sở nhu cầu một chu kỳ sản xuất chứ không chỉ căn
cứ những thiệt hại thực chứng đo đếm được...
Về
phía chủ đầu tư, ngày 17.6 vừa qua, đại diện Công ty cổ phần Thủy điện
Bảo Long Gia Lai - chủ đầu tư Thủy điện Ia Krel 2 cũng chỉ mới tiến hành
những động thái mang tính chất xã giao như thăm hỏi, động viên, tặng
quà những gia đình bị thiệt hại chứ chưa có phương án đền bù cụ thể.
Quốc Dinh
Copy từ: Dân Việt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét