Tranh luận gay gắt với đại biểu Hoàng Hữu Phước về luật Biểu tình
(Dân trí) – Trong khi đại biểu Hoàng Hữu Phước ra sức “can gián” về sự cần kíp phải xây dựng luật Biểu tình thì các đại biểu khác lại cho rằng đã đến lúc phải “trả nợ” nhân dân quyền hiến định đã 68 năm mà chưa có luật để thực hiện.
Phiên thảo luận về chương trình xây dựng luật pháp lệnh năm 2014, điều chỉnh chương trình năm 2013 tại Quốc hội ngày 5/6, vấn đề luật Biểu tình lại một lần nữa làm nóng phiên thảo luận.
Sau lần tranh luận về việc làm luật Biểu tình tại kỳ họp trước mà
đại biểu Hoàng Hữu Phước (TPHCM) nêu quan điểm phản đối, ngày 5/6 đại
biểu này lại phát biểu tiếp với những lập luận mới hơn. Thay đổi hướng
nhận định “bác” hoàn toàn luật Biểu tình lần trước, ông Phước khẳng
định: “Trong một đất nước dân chủ, tự do, hiện đại, cần có những đạo
luật để điều chỉnh những sinh hoạt dân chủ tự do của người dân. Do đó
Luật biểu tình là không thể không có”.
Ông
Hoàng Hữu Phước: "Gấp gáp đề nghị làm luật Biểu tình là cướp đi quyền
được tham khảo, nghiên cứu về vấn đề này của người dân" (?!).
Tuy nhiên, ông Hoàng Hữu Phước cho rằng, chương trình xây dựng luật,
pháp lệnh trong khóa này đã xác định, nên theo thứ tự ưu tiên, “không có
lý do gì để nôn nóng, để đưa ra những yêu cầu nói về Luật biểu tình”.
Lý do ông Phước viện dẫn là vì xây dựng luật Biểu tình đòi hỏi rất nhiều
công phu. Đại biểu phân tích, từ “biểu tình” trong tiếng Việt không dính dáng, không giống quan điểm như từ này được sử dụng ở nước ngoài. Qua tham chiếu luật pháp nước ngoài, ông Phước quả quyết, từ năm 1958 thế giới có luật Phòng chống tụ tập đông người bất hợp pháp, được sử dụng như một công cụ để Chính phủ ngăn chặn những hành động liên quan đến chính trị. Trong đó, luật đưa ra 9 tội liên quan đến biểu tình với các nội dung như xâm phạm vào vùng cấm, phá hoại tài sản…
Ông Phước dẫn chứng thực tế ở nước Nga năm 2012, Tổng thống Putin đã ký ban hành pháp lệnh về chống biểu tình. Cùng năm này, Tổng thống Mỹ Obama đã ký ban hành Luật HR 347 cũng được báo chí nước này gọi là “Luật Chống biểu tình”.
“Như vậy đã có sự cẩn trọng đã được đặt ra ở nhiều cường quốc” – ông Phước cảnh báo.
Cũng theo ông Phước, thời hiện tại này người dân đã có thể góp ý qua email, qua thư tín và qua tiếp xúc với ĐBQH, các chức sắc cao cấp từ trung ương đến địa phương. Đại biểu lý luận, so với nội hàm ý nghĩa của từ biểu tình, ngoài các hình thức này, chỉ thiếu một khía cạnh là việc tụ tập đông người. Còn tất cả những yếu tố khác về khái niệm biểu tình đã được thể hiện đầy đủ, văn minh như liệt kê ở trên.
“Cho nên nếu nói rằng phải cấp bách, sớm đưa Luật Biểu tình vào chương trình xây dựng luật pháp luật, thay vì đợi sau năm 2015-2016 thì phải chăng là những buổi tiếp xúc cử tri, tiếp xúc nhân dân, nghe góp ý của người dân đã được thực hiện không hiệu quả” – ông Phước đặt câu hỏi.
Theo đó, đại biểu cho rằng, việc gấp gáp đề nghị có luật Biểu tình là “cướp đi quyền của người dân trong việc tham khảo, tham chiếu, nghiên cứu, tìm hiểu thấu đáo và trao đổi tranh luận về sự cần thiết của luật này”.
Ngoài ra, để xây dựng luật Biểu tình, đại biểu TPHCM cho rằng phải sửa Bộ luật Hình sự, hỏi ý kiến các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, phi nhân thọ, bảo hiểm y tế để các đơn vị này khẳng định thực hiện bảo hiểm trong các trường hợp người dân tham gia biểu tình thì mới… yên tâm.
Những lý lẽ này không thuyết phục được đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội). Bà Khánh cho rằng cần bổ sung ngay luật Biểu tình vào chương trình xây dựng luật năm 2014, cùng với các luật Trưng cầu ý dân, luật Chính quyền địa phương… Bà Khánh dự liệu, nếu dự thảo Hiến pháp được thông qua với những quy định về những chế định này thì đây sẽ là những luật có ý nghĩa, vai trò đặc biệt quan trọng để đảm bảo bộ máy nhà nước hoạt động đồng bộ, thống nhất, có hiệu lực, hiệu quả, phát huy quyền dân chủ của nhân dân.
Tán thành quan điểm này, một đại biểu khác của TPHCM, luật sư Trương Trọng Nghĩa nêu vấn đề, Chính phủ đã đề nghị đưa luật Biểu tình vào chương trình lập pháp năm 2014 của Quốc hội nhưng UB Pháp luật lo ngại không kịp nên tạm gác lại. Ông Nghĩa vẫn đề nghị làm luật Biểu tình ngay trong năm tới.
Gạt bỏ băn khoăn về những hành vi lợi dụng quyền biểu tình làm mất an ninh trật tự xã hội, vận động chống nhà nước, chống Đảng… đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng, đặt bên cạnh quyền hiến định của nhân dân và nhu cầu của người dân trong một xã hội ngày càng phát triển, một xã hội dân chủ, chính luật Biểu tình sẽ giúp ngăn chặn, đề phòng và chống lại việc lợi dụng này.
Phải làm luật Biểu tình để đáp ứng quyền hiến định của người dân là quan điểm của vị đại biểu là luật sư có tiếng của TPHCM.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa nhấn mạnh, luật Biểu tình do chính Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề xuất xây dựng (ảnh: Việt Hưng).
Nhắc lại ý luật Biểu tình do chính Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề xuất
xây dựng, ông Nghĩa lập luận: “Không nên nói dài hơn về việc cần hay
không cần thiết làm luật này vì không phải Thủ tướng và Chính phủ không
nghiên cứu kỹ khi đưa ra đề xuất này, cũng không phải ngẫu nhiên đa số
đại biểu Quốc hội đã biểu quyết đưa luật này vào chương trình lập pháp
khóa XIII”. “Bật” lại ý kiến của ông Phước, ông Nghĩa nêu rõ: “Từ “biểu tình” không phải chúng ta mới nghĩ ra mà từ ngày 13/9/1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ban hành sắc lệnh trong đó nói, quyền tự do hội họp là một trong những nguyên tắc của chế độ dân chủ cộng hoà”. Ông Nghĩa nhấn mạnh, ở Việt Nam, ngay từ năm 1945 và nhiều nước trên thế giới hiện nay vẫn dùng khái niệm “biểu tình” này.
Đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa) chỉ nói một câu ngắn gọn: “Luật Biểu tình là hiến định mà chúng ta nợ nhân dân 68 năm rồi, từ năm 1946. Thời điểm này đã đủ các điều kiện để ban hành luật Biểu tình để phục vụ, đáp ứng các yêu cầu hiện tại mà cuộc sống đang đặt ra”.
Đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) – người nêu quan điểm phản bác lập luận của đại biểu Hoàng Hữu Phước về sự cần thiết làm luật Biểu tình trong kỳ họp trước, cũng là đối tượng bị ông Phước nặng lời chỉ trích về việc này trong bài viết “Tứ đại ngu” (Dương Trung quốc – Bốn điều sai năm cũ) hồi đầu năm, không phát biểu trong phiên thảo luận hôm nay.
P.Thảo
Copy từ: Dân Trí
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét