TT - Đập thủy điện Ia Krêl (Gia Lai) vỡ
toang, nhấn chìm biết bao hoa màu và gieo rắc hoảng loạn, gây thêm khó
khăn cho người dân vùng hạ lưu. Chưa có thống kê thiệt hại chính thức
nhưng hậu quả, hệ lụy xấu để lại không hề nhỏ.
Tin bài liên quan
>> Đập thủy điện vỡ toang, dân hạ lưu "tưởng chết rồi"
>> Khẩn cấp điều tra nguyên nhân vỡ đập Ia Krêl
>> Vỡ 40m đập thủy điện ở Gia Lai, hoa màu chìm trong nước
>> Khẩn cấp điều tra nguyên nhân vỡ đập Ia Krêl
>> Vỡ 40m đập thủy điện ở Gia Lai, hoa màu chìm trong nước
Giữa năm 2012, liên tiếp đập thủy điện Đắk Rông 3
(Quảng Trị) rồi thủy điện Đắk Mek 3 (Kon Tum) bị vỡ, cuốn trôi sự bình
yên của người dân sống quanh khu vực thủy điện. Điều đáng lưu tâm là hầu
hết những vụ vỡ đập đều rơi vào những công trình thủy điện vừa và nhỏ,
công suất vài megawatt. Phong trào nhà nhà, người người đua nhau làm
thủy điện cũng như việc phê duyệt một số dự án quá dễ dàng đã để lại hậu
quả là nhiều công trình thủy điện vừa và nhỏ được thi công cẩu thả,
không đạt chuẩn, chất lượng kém.
Báo cáo của Sở Công thương tỉnh Lâm Đồng cho biết trong
đợt kiểm tra 29/37 công trình thủy điện vừa và nhỏ vào cuối năm 2011 đã
phát hiện 26 dự án có sai phạm, thiếu sót như: việc thẩm tra, thẩm
định, phê duyệt dự án đầu tư, thiết kế kỹ thuật, bản vẽ thi công... chưa
được đóng dấu, phê duyệt nhưng vẫn được thi công. Hồ sơ năng lực của
nhà thầu tư vấn thiết kế kỹ thuật, tư vấn giám sát không cập nhật theo
quy định và lưu trữ hồ sơ không đầy đủ...
Trong nhiều công trình thủy điện vừa và nhỏ tại Lâm
Đồng có vấn đề như thay đổi thiết kế, nâng công suất, thi công không đảm
bảo kỹ thuật thì dự án thủy điện Đăk Mé 1 có nhiều sai phạm điển hình
nhất. Dự án này do Công ty cổ phần Thủy điện Đăk Mê làm chủ đầu tư, đã
hoàn thành nhưng tại thời điểm kiểm tra đoàn đã phát hiện mái taluy
dương, taluy âm của kênh dẫn nước có nguy cơ sạt lở trong mùa mưa. Đập
dâng và đập tràn được chủ đầu tư tự thay đổi so với thiết kế ban đầu đã
được phê duyệt.
Trong báo cáo giám sát bước đầu tình hình thực hiện
chính sách, pháp luật về phát triển thủy điện mà Ủy ban Khoa học - công
nghệ và môi trường của Quốc hội vừa gửi các đại biểu trong những ngày
vừa qua cũng đã chỉ ra: chất lượng quy hoạch, phát triển thủy điện, nhất
là thủy điện nhỏ, còn nhiều bất cập. Ở một vài thủy điện vừa và nhỏ -
chất lượng thiết kế, giám sát quản lý chất lượng còn hạn chế, chưa thật
sự tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về giám sát thi công. Theo Ủy ban
Khoa học - công nghệ và môi trường Quốc hội, hiện cả nước có khoảng
1.108 dự án thủy điện vừa và nhỏ nhưng tổng công suất lắp máy chỉ đạt
trên dưới 30% tổng sản lượng điện quy hoạch. Trong đó có khoảng 40% số
dự án này phải loại bỏ ra khỏi quy hoạch hoặc chưa có nhà đầu tư quan
tâm.
Theo TS Đào Trọng Tứ - thành viên Hội Đập lớn thế giới,
cố vấn Mạng lưới sông ngòi Việt Nam, đa số chủ đầu tư thủy điện vừa và
nhỏ là doanh nghiệp không có kinh nghiệm, năng lực quản lý kém, không
hiểu biết về xây dựng công trình thủy điện nhưng cũng được phê duyệt,
giao cho đầu tư. Trong khi việc xây dựng công trình thủy điện đòi hỏi
phải cực kỳ khắt khe về mọi mặt. TS Tứ cảnh báo việc buông lỏng trong
phê duyệt thiết kế, không theo dõi giám sát chặt chẽ trong thi công
chẳng khác nào “lỗ thủng to” có thể gây tai họa cho những thủy điện nhỏ.
Tính mạng, đời sống của người dân là quan trọng nhất, nên đừng để xảy
ra vỡ đập mới bàn cách khắc phục thì đã muộn.
ĐỨC TUYÊN
Copy từ: Tuổi Trẻ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét