CHƯA TỐT NGHIỆP TRƯỜNG ĐỜI.

Thứ Hai, 13 tháng 5, 2013

Viết blog từ trong nước, ai, thế nào?

Cập nhật: 13:56 GMT - chủ nhật, 12 tháng 5, 2013

Internet ở Việt Nam
Việt Nam có hàng chục triệu người sử dụng mạng Internet trên cả nước
Môi trường chính trị trong nước đang ngày càng khá lên thông qua biên độ được cho là tự do hơn, thông thoáng hơn về các chủ đề chính trị, nhạy cảm mà các bloggers và giới báo chí lề dân đang được thể hiện, bày tỏ hiện nay, theo nhà báo tự do Phạm Chí Dũng.
Người được báo Tuổi Trẻ xin lỗi vì đăng tin sai lệch về ông, trong thời gian ông bị Công an TP. Hồ Chí Minh câu lưu 4 tháng mà nay đã được tại ngoại, chấm dứt điều tra, còn bình luận về ai, nguyên nhân nào đứng sau sự xuất hiện các trang blogs gây chú ý như Quan Làm Báo, Vua Làm báo v.v...
Mở đầu trao đổi với BBC về môi trường viết blog và làm báo tự do trong nước, ông Dũng, giải thích quan điểm của mình qua phán đoán về khả năng nhà báo Huy Đức (hay blogger Osin) có thể được chính quyền Việt Nam ứng xử ra sao nếu ông về nước sau khi xuất bản cuốn "Bên Thắng Cuộc."
Ông Phạm Chí Dũng: Tôi đánh giá tình hình hiện nay khả quan hơn, thậm chí khả quan hơn khá nhiều năm 2012, phải nói là như vậy, cho nên trong phân tích và cảm nhận của tôi về không khí ở đây thì Huy Đức có thể trở về Việt Nam trong tháng Tám hoặc năm nay mà sẽ không có một hậu quả lớn đối với anh. Thậm chí có thể không bị những điều gọi là phiền phức đối với anh.
BBC: Thế nhưng sau khi đã về nước, liệu ông ấy có thể được ra nước ngoài như trước hay không ạ?
Cái đó tôi cho rằng tùy thuộc vào thái độ của Huy Đức trong quan hệ với chính quyền Việt Nam. Bởi vì cái đó còn tùy thuộc vào các hoạt động khác của Huy Đức mà tôi không biết được, do đó tôi không dám đánh giá về việc này.
"Có thể nói là viết gần như tự do và kể cả thể hiện quan điểm chính kiến của mình, kể cả đối với các nhóm lợi ích, nhóm này, bè nọ, phái kia"
Ông Phạm Chí Dũng
BBC: Một blogger bút danh là Kami viết blog tự do từ trong nước, gửi bài ra nước ngoài, cộng tác với truyền thông quốc tế, trong khi nhiều bloggers khác cũng ở trong nước thì nói là họ bị chặn, thậm chí họ cáo buộc là bị sách nhiễu, bắt bớ, theo ông, Kami là cá nhân hay một nhóm bloggers và vì sao blogger này vẫn có thể viết lách bình thường?
Cuối năm 2012 tôi cũng ngạc nhiên về chuyện này, tôi rất ngạc nhiên là trong thời gian tôi bị bắt đã xảy ra nhiều chuyện. Bởi vì trước khi tôi bị bắt, tôi nhớ là không có chuyện các bloggers muốn viết gì thì viết. Có thể nói là viết gần như tự do và kể cả thể hiện quan điểm chính kiến của mình, kể cả đối với các nhóm lợi ích, nhóm này, bè nọ, phái kia. Nhưng sau khi tôi ra khỏi trại giam và được đình chỉ điều tra, thì có thể nói tôi thấy tình hình giống như là tự do đến mức chưa từng thấy. Có thể chưa đáp ứng nhu cầu của anh em bloggers thôi, nhưng đối với trước đó là chưa từng thấy. Tôi rất ngạc nhiên.
Cho nên trước đó có những luồng dư luận về blogger này, blogger kia, thuộc phe này, thuộc phái kia, thì tôi cho, có lẽ vào thời buổi này nó phực tạp lắm, cho nên cũng có thể xảy ra những chuyện như thế. Riêng về blogger Kami, tôi quả thật chưa dám đánh giá gì cả.

'Quan làm báo, Tư Sang...?'

BBC: Ông đánh giá như thế nào về sự ra đời và ý nghĩa đằng sau việc ra đời của các trang blogs gần đây và tới nay đã đang gây thu hút sự chú ý của dư luận như các trang Quan Làm Báo (phiên bản khác là Vua Làm Báo), và đặc biệt một trang có tên đặt là Tư Sang (có kèm một tính từ)?
"Tôi chỉ nhận xét ngắn gọn thế này. Dù là vấn đề nội bộ, dù là vấn đề đấu tranh với nhau, thì cũng nên giữ tính văn hóa trong phản biện"
Ông Phạm Chí Dũng
Điều này rất khó trả lời, bởi vì tôi cho là tính nhạy cảm của nó có lẽ cũng liên quan tới một số người nào đó, một số ai đó, và họ không thích nhau. Và có thể thậm chí như là dư luận đồn đoán, là liên quan tới vấn đề nội bộ. Và từ vấn đề nội bộ đó cho nên nó mới quyết định việc có tường lửa hay là không có tường lửa. Tôi chỉ nhận xét ngắn gọn thế này. Dù là vấn đề nội bộ, dù là vấn đề đấu tranh với nhau, thì cũng nên giữ tính văn hóa trong phản biện.
Chúng ta là những người phản biện và hơn nữa lại là những người phản biện có tri thức, chúng ta đều là trí thức, cho nên việc phản biện cũng nên có văn hóa, không nên mượn diễn đàn này, diễn đàn kia để chửi nhau và dùng những ngôn từ nó rất là không hợp. Lúc đó chính trị sẽ trở thành những vấn đề gì đó còn tệ hại hơn là con dao hai lưỡi. Tôi xin góp ý như vậy thôi. Còn những động cơ bên trong thì tình hình bây giờ, bối cảnh bây giờ rất phức tạp và tôi nghĩ bản thân tôi không nên quan tâm quá nhiều vào những chuyện như vậy, không để làm gì cả.
BBC: Gần đây, một tờ báo đã công khai xin lỗi vì đưa tin không đúng về ông trong thời gian ông bị câu lưu, ông đã thỏa mãn về lời xin lỗi này chưa, hay ông còn có dự định theo đuổi một hành động pháp lý nào khác nữa với họ?
Riêng về tờ báo  Tuổi Trẻ mà năm 2012 đã đăng thông tin sai về tôi, đăng sai sự thực về tôi, vừa rồi báo Tuổi Trẻ đã đăng cải chính theo yêu cầu của tôi, mặc dù đáng lẽ ra về mặt nguyên tắc, báo này phải có cải chính trên trang mạng, trang điện tử, nhưng vào ngày cải chính ở trên báo giấy, thì tôi chưa đọc thấy tin cải chính trên báo điện tử. Nhưng theo tôi với nội dung cải chính ngắn gọn của báo tuổi trẻ, tôi và gia đình đã hài lòng. Và theo tôi, có lẽ mọi chuyện cũng chấm dứt ở đây.

'Có kiện hay không?'

"Những người đã, hoặc sẽ bị mang tiếng, bị gán ghép cho những hành vi nào đó, gần gần như tôi hoặc tương tự như tôi, sẽ có điều kiện hoặc tiền lệ để có thể có khiếu nại nào đó đối với những tờ báo mà đã gán ghép hoặc quy chụp cho họ hoặc sẽ quy chụp hành vi cho họ"
Ông Phạm Chí Dũng
Nhưng sự hài lòng hơn của tôi, không phải liên quan tới vấn đề cá nhân tôi, mà tôi đặt ra một vấn đề mới, đó là nếu đã đến lúc có được bầu không khí dân chủ trong việc khiếu kiện chính trị, mặc dù đây chỉ là một tờ báo đăng sai thông tin về chính trị, thì có thể nói là thế này tôi có đọc một số thông tin ví dụ tờ Người Việt ở Mỹ có bình luận về trường hợp của tôi và họ cũng liên hệ những trường hợp khác trước đây, không được như vậy, đã gửi đơn thư khiếu kiện ra tòa, nhưng cũng không được tiếp nhận và cũng không tới đâu cả, đối với báo chí Việt Nam.
Tôi cho đó là một phần sự thật, thậm chí là một phần sự thật cơ bản, nhưng chuyện đó xảy ra vào những năm trước, và tôi nhắc lại là bối cảnh 2013 có thể khác khá nhiều và sắp tới có thể còn khác nữa so với năm 2012 và những năm trước. [Điều đó] có quyền cho chúng ta sự hy vọng, điều đó có nghĩa là trong việc khiếu nại vừa rồi, tôi không phải dựa vào những điều mà dư luận đồn đoán như là liên quan tới Tổng Cục 2, hay tôi là người của ông Trương Tấn Sang tức là Chủ tịch Nước hiện nay.
Mà tôi đi bằng thực chất chính những quyền dân sự của mình đối với báo Tuổi Trẻ. Bởi vì nếu như báo Tuổi Trẻ không đáp ứng yêu cầu đó, thì chắc chắn là tôi sẽ khởi kiện báo Tuổi Trẻ ra tòa. Tôi nghĩ, Tuổi Trẻ đánh giá đúng vấn đề và chấp nhận cải chính. Đó là một bước chừng mực, khôn ngoan của họ. Và vấn đề cuối cùng tức là thông qua đây, tôi rất mong nhiều anh em bloggers, những người đã, hoặc sẽ bị mang tiếng, bị gán ghép cho những hành vi nào đó, gần gần như tôi hoặc tương tự như tôi, sẽ có điều kiện hoặc tiền lệ để có thể có khiếu nại nào đó đối với những tờ báo mà đã gán ghép hoặc quy chụp cho họ hoặc sẽ quy chụp hành vi cho họ.
BBC: Đó là với cơ quan truyền thông, còn với chính quyền và cơ quan điều tra đã câu lưu ông, mà tới nay có ý kiến nói là ông vô tội và đã được thả, ông có dự định khiếu kiện, khiếu nại, hay yêu cầu họ bồi thường về thiệt hại danh dự, thậm chí về tài chính hay không?
Đối với cơ quan an ninh điều tra thì tới thời điểm này tôi chưa có bất kỳ một suy nghĩ nào về việc khiếu nại hoặc kiện cáo.
BBC: Ông có thể cho biết lý do vì sao không?
Tôi cũng xin được giữ vài lý do tế nhị mà chưa tiện công bố.


Copy từ: BBC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét