|
Chỉ còn 1 tháng nữa là thông tư 08/2013/TT-BTC do Bộ Công Thương ban
hành có hiệu lực. Theo đó, “doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã
được cấp phép quyền xuất khẩu chỉ được trực tiếp mua hàng hóa của thương
nhân Việt Nam…; không được tổ chức mạng lưới mua gom hàng hóa tại Việt
Nam để xuất khẩu…”.
Như vậy, từ 7-6-2013, các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài thuộc lãnh vực
thu mua, chế biến và xuất khẩu cà phê đành phải co cụm tại nhà máy, hớt
bỏ nhân sự, bộ máy tại các địa bàn (nếu có), chỉ giữ lại một vài nhân
viên giao dịch với các doanh nghiệp trong nước là đủ cho công tác kinh
doanh của mình.
Đã đành thông tư, quyết định, ngày thi hành ra rồi, nói cũng bằng thừa.
Nhưng nếu không nói, lại áy náy, như thiếu cái gì. Biết đâu khi thông
tư thực hiện được một thời gian, xuất khẩu cà phê gặp khó, lại quay lại
“mở trói” cho món hàng hóa “khó nuốt” này thì sao!
Ở trong thế phải chia sẻ sân chơi
Trong nghề kinh doanh cà phê, vào những năm 1990-1992, có khi mua
bán cả mấy ngàn tấn, giá trong ngoài nước không mấy khi phải lo, ít chộn
rộn, cứ thế mà giao hàng, cứ thế mà đợi nhận hàng.
Từ khi giá cà phê “liên thông” với sàn giao dịch hàng hóa, giá nội địa
chưa bao giờ thoát khỏi ảnh hưởng của các sàn kỳ hạn (futures market).
Liên thông bao nhiêu, giá bấp bênh bấy nhiêu. Cứ tưởng mất mùa, hết tồn
kho rồi, giá tăng. Không, giá phụ thuộc vào quá nhiều yếu tố, đôi khi
chỉ cần nghe tin nhảm nói bom nổ đâu đó, là giá rớt oành oạch.
Các nhà kinh doanh trong nước ít dám sử dụng công cụ chống và hạn chế
rủi ro. Nên, lỗ cứ hoàn lỗ. Rồi, đưa tới vỡ hợp đồng, vỡ nợ, mất cả hàng
chục đến hàng trăm tỉ đồng. Trong vài ba mùa vụ qua, các doanh nghiệp
cà phê trong nước có thể gây thiệt hại gộp lại đến nhiều ngàn tỉ đồng.
Nhiều doanh nghiệp đã xù hàng không giao, “tẩu vi thượng sách”. Có doanh
nghiệp vin cớ thua lỗ, quay ra đổ thừa cho nông dân không giao hàng,
không giữ đúng cam kết, hay bảo nước ngoài chơi “khăm”.
Ngân hàng trong và ngoài nước trước đây hồ hởi cung cấp tín dụng cho
kinh doanh cà phê bao nhiêu, thì do thua lỗ, mất uy tín, nay họ càng kỹ
lưỡng, thắt chặt bấy nhiêu, chỉ trừ một vài trường hợp còn tồn tại nhờ
biết sử dụng công cụ chống rủi ro. Nên, sự giành giật trên thị trường
nội địa thực sự xảy ra hết sức tự nhiên. Ai có tiền, còn uy tín, cứ
chơi.
Mấy năm nay, mình ở trong thế như vậy. Sân chơi phải nhường. May mà có
các công ty FDI phụ bán sản lượng khổng lồ hàng năm, nếu như không có
họ, thử hỏi ai làm? Nếu như mai rày, các doanh nghiệp trong nước có đủ
tài chính, lấy lại uy tín, thì tự nhiên lấy lại thị trường nội địa về
tay mình nhanh thôi. Hiện nay, các doanh nghiệp FDI đang kẹt tín dụng do
khủng hoảng nợ và suy thoái tại các nước Âu-Mỹ, nên lượng xuất khẩu của
FDI giảm đi nhiều.
Hãy nghĩ đến bàn cờ lớn
Cấm cửa mua cà phê trực tiếp của nông dân, cũng có nghĩa là làm tắc
luôn cả mấy trăm ngàn tấn cà phê sản xuất có giấy chứng nhận bền vững mà
nhiều công ty FDI đã bỏ tiền tỉ để xây dựng mạng lưới cho chuyện xuất
khẩu của họ. Không cần nói chi phí bỏ ra, nhưng lợi thưởng thu hồi của
nông dân nhờ sản xuất cà phê bền vững sẽ chững lại.
Với hàng cà phê, nhờ giá cao trong mấy năm gần đây, đâu đâu cũng tăng
diện tích, tăng sản lượng. Sản phẩm thay thế nay đang sẵn sàng, như
robusta sẽ có Indonesia, Uganda. Chỉ cần một thời gian nữa, Ecuador sẽ
không nhập robusta nữa vì họ đang trồng đủ lượng và…có thể xuất khẩu
đấy. Ngoài ra, chớ quên Trung quốc, Nepal…họ đang đẩy mạnh phát triển
trồng mới arabica và biết đâu cả robusta.
Nên, cái ta cần hiện nay, chính là làm sao giữ vững được các thị trường xuất khẩu hiện có.
Báo cáo của Tổ chức Cà phê thế giới (ICO) tháng 3-2013 cho rằng tổng
sản lượng thế giới niên vụ 2012-13 đạt ít nhất 144,6 triệu bao (60
ki-lô-gam/bao), trong đó cà phê robusta chiếm gần 56 triệu bao. Cung
đang lớn hơn cầu vì theo ICO, tiêu thụ cà phê thế giới trong vụ cũng chỉ
đạt 142 triệu bao. Tuy nhiên, sản lượng thế giới có thể lớn hơn vì ICO
chỉ nhận thụ động con số báo cáo do các nước sản xuất đưa lên - thường
hay nói nhỏ đi để thị trường khỏi “ngợp”.
Trong 7 tháng đầu niên vụ bắt đầu từ 1-10-2012, xuất khẩu cà phê từ
nước ta ước tính đạt gần 1 triệu tấn, tức chừng 16,7 triệu bao. Với mức
giá này, nếu theo tiến độ bình thường, trong 5 tháng còn lại đến
30-9-2013, mỗi tháng có thể xuất khẩu chừng 100.000 tấn nữa. Như vậy,
niên vụ này ước nước ta sẽ xuất khẩu chừng 1,5 triệu tấn hay 25 triệu
bao, giảm so với vụ cũ là 1,76 triệu tấn.
Với diện tích trên 600.000 ha, sản lượng cà phê khó dưới 1,5 triệu
tấn/năm từ nay về sau vì chưa có nơi nào trình độ thâm canh cao, nông
dân lao động chăm chỉ như nước ta.
Nếu không tìm mọi biện pháp, mọi phương tiện, huy động mọi lực lượng để
đẩy mạnh xuất khẩu cà phê, thì chỉ cần một “cơn nghẹn”, cà phê tồn kho
phía sau sẽ không biết làm gì cho hết, vì tiêu thụ cà phê nội địa của ta
hiện quá nhỏ, dưới 5% tổng sản lượng.
Có cơ sở để lo lắng như nói trên khi nhìn động thái của
Brazil. Nước này đang thực sự đẩy mạnh xuất khẩu, bằng mọi giá bằng
mọi con đường. Dù giá arabica trên sàn kỳ hạn và nội địa xuống liên tục,
xuất khẩu tháng 4-2013 của Brazil ước đạt 2,46 triệu bao, tăng 40% so
với cùng kỳ.
Cà phê robusta (conillon) của nước này đã bắt đầu ra chợ từ giữa tháng
4-2013, và arabica cũng sẽ ra hàng vào khoảng đầu tháng 6-2013. Nếu như
nhu cầu xuất khẩu và rang xay nội địa của Brazil mỗi tháng ngốn chừng 4
triệu bao, thì tính tháng 4 và 5 tiêu thụ mất 8 triệu bao.
Nếu như sản lượng vụ mới 2013-14 của Brazil là 52 triệu bao, thì từ
tháng 6-2013 đến tháng 5-2014, lượng cà phê “trong tay” của Brazil sẽ là
62 triệu bao.
Cà phê đâu lắm thế, đáng ngại thật. Ai nói mối lo này là nhỏ?
Trở lại việc cấm công ty FDI mua cà phê trực tiếp từ nông dân, ta
còn biết bao biện pháp quản lý thay vì cấm đoán, như đặt một mức thuế
xuất khẩu hợp lý để hạn chế tranh mua tranh bán nội địa chẳng hạn.
Nên, xin đề nghị phải tính toán thật kỹ để khỏi theo vết xe đổ của
Brazil: tìm cách bán tháo, bán rẻ, để giành lại thị phần xuất khẩu khi
đi lạc nước cờ. Với một nền kinh doanh cà phê dựa trên một nền nông
nghiệp cà phê nhỏ lẻ, manh mún…khi có trục trặc về thị trường xuất khẩu,
giá thấp…thì hậu họa khôn lường. Bấy giờ, nông dân chán nản mà bỏ vườn,
bỏ cây…nguy lắm thay.
Nếu như cách đây ba bốn năm, thông tư này ra đời, thì thật đúng lúc vì
bấy giờ đầu cơ tài chính chỉ mới tạo bất ổn trong thị trường nội địa để
loại bớt “địch thủ” mua hàng. Nhiều nhà kinh doanh nội địa phải bán sống
bán chết và bán luôn cả nhà vì dám đối đầu với đầu cơ trong các trận
ấy.
Nay thì quá vội vì các nước xuất khẩu cạnh tranh với ta đang chờ cơ hội từ người “anh lớn”, bắt “con chốt” hay chạy “con xe”.
____________________________________________________
(*) Tư vấn kinh doanh HTX Cà phê Lâm Viên, Di Linh, Lâm Đồng |
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét