CHƯA TỐT NGHIỆP TRƯỜNG ĐỜI.

Chủ Nhật, 12 tháng 5, 2013

Tháng Tư không bình yên


Nhà báo Nguyễn Thượng Long
“Khi ông Nguyễn Văn Linh tuyên bố cởi trói cho văn nghệ sĩ (1987), tôi và các đồng nghiệp dạy học ngày đó sững sờ khi thấy nhà văn nổi tiếng Nguyễn Huy Thiệp viết: “Vinh quang nào mà chẳng xây trên những điếm nhục!”. Đến dịp kỷ niệm ngày 30/4 năm đó… lại thấy ông Võ Văn Kiệt, nhà lãnh đạo quốc gia ở bậc thượng thặng gửi đi thông điệp “Ngày 30/4… có triệu người vui, cũng có triệu người buồn!”. Tôi biết Nguyễn Huy Thiệp không hề là kẻ lộng ngôn trong những trang chính luận xuất sắc mang tính dự báo của mình”. (NTL)
NGÀY 30 – 4 VÀ NỖI BUỒN HOA GIẤY
Tháng 4 năm nay, sân trường PTTH Nguyễn Hiền thành phố HCM có trận mưa Hoa Giấy xé từ những tập tài liệu ôn môn Lịch sử khi có tin Bộ Giáo dục không tổ chức thi môn này. Là người cả đời theo đuổi nghề dạy học, nay phải chứng kiến hành vi tự cởi trói của học sinh như thế… thoạt đầu tôi buồn đến se lòng, sau đó là cảm giác bình tĩnh hơn khi ý thức được chân lý “Điều phải đến, nay đã đến!”.
Bằng việc làm rất không bình thường của mình, học sinh của ngôi trường đó đã gửi đi thông điệp: Học đường ngày nay không còn là vùng đất mỡ màu để người ta muốn gieo trồng cái gì lên đó thì gieo. Tâm hồn học trò vốn trắng trong như tờ giấy trắng, không phải là nơi mà thầy cô muốn vẽ gì trên đó thì vẽ.
Không biết ông Nguyễn Thiện Nhân, cựu Bộ trưởng Bộ Giáo dục, người ngày nào phất cờ “Nói không với gian dối…!”, rồi nửa đường đứt gánh… nghĩ gì về chuyện này?
Ông Phạm Vũ Luận đương kim Bộ trưởng Giáo dục có cho rằng truyện đó cũng bình thường như “Hàng vạn bài thi môn Sử bị điểm 0!” nữa không?
Có người cho rằng, học sinh thể hiện sự chối bỏ những áp đặt kiểu như thế… là trạng thái tâm lý bình thường và chẳng liên quan gì đến chuyện thế thái nhân tình mà Nguyễn Huy Thiệp và ông Võ Văn Kiệt đã nói tới. Người từng trải không ai lại nghĩ đơn giản như vậy.
Chủ thể của những xuất ngôn, những hành vi nêu trên là của những con người thuộc nhiều thế hệ. Họ khác xa nhau về địa vị trong xã hội, nhưng đều có mẫu số chung là thông điệp: “Hãy tôn trọng Lịch sử ! Hãy tôn trọng sự thật!”. Xin nhớ! Lịch sử của dân tộc nào cũng thế thôi, có thắng, có thua, có vui, có buồn, có vinh quang, có điếm nhục, có hào hùng, có bi tráng, có hạnh phúc và cũng không thiếu đắng cay cùng bất hạnh!”. Nền giáo dục Việt Nam nhiều thập kỷ nay không nói được điều này. Vậy thì xin đừng tiếp tục nhồi sọ, xin đừng tiếp tục cưỡng bức chúng tôi nữa! Cứ mỗi lần 30/4 là một lần chúng tôi bội thực chuyện ta thắng lớn, địch thua to, bội thực Niềm vui, bội thực Vinh quang rồi… Thưa các đức ông!
THÁNG TƯ… KHÚC XƯƠNG KHÔNG NUỐT ĐƯỢC
Cũng tháng Tư năm nay, gia đình nông dân Đoàn Văn Vươn ra toà với tội danh giết người và chống người thi hành công vụ trong vụ án lôi cuốn sự quan tâm của nhiều người trong và cả ngoài nước.
Những gì đã xảy ra bên trong phiên toà công khai mà như xử kín này… không phải là ai cũng biết. Chỉ biết rằng, theo VTV: “15 năm tù đã dành cho gia đình Đoàn Văn Vươn”. Lại còn: “Đoàn Văn Vươn cám ơn đảng và chính phủ đã xử gia đình mình, Đoàn Văn Quý thì bật khóc xin toà giữ mức án 5 năm cho anh mình” (VTV !?).
Bên ngoài phiên toà, người thì không thể đến Hải Phòng được vì được cơ quan an ninh săn sóc tại nhà. Người đến được thì được đối xử là bọn thù địch, bị đẩy ra xa. Người thì bị đánh đập đến nỗi phải thét lên những tiếng kêu thảm thiết (Trương Văn Dũng, Chí Đức), người thì bị bắt giữ (Bùi Thị Minh Hằng), người thì bị áp giải về Hà Nội như áp giải kẻ tội phạm. Các bloger danh tiếng đến để đưa tin… quá tuyệt vọng đành rút về ngay chiều và tối 2 /4/2013 khi phiên toà vừa khai mạc được 1 ngày. Phiên toà bỏ túi đã khép lại không sai với kịch bản, nhưng vẫn còn nguyên những câu hỏi chưa có lời giải đáp:
- Một là: Tội danh của các bị cáo là tội giết người mà sao chẳng có ai chết? Không những không ai chết mà không một bị hại nào đòi bồi thường từ các bị cáo! Tội danh là giết người có khung hình phạt từ 12 năm đến chung thân hoặc tử hình, vậy mà khi tuyên án lại tuyên mức án của khung khác chỉ có 5 năm tù! Phải chăng người cầm cân nẩy mực đã tùy tiện vống tội danh của bị cáo lên để răn đe những vụ việc tương tự có thể còn xảy ra trong tương lai. Thế thì tính nghiêm túc, tính pháp trị của phiên toà nằm ở đâu?
- Hai là: Khi ông Nguyễn Tấn Dũng nói: “Vụ cưỡng chế đó là sai hoàn toàn!” thì làm sao có thể coi vụ cưỡng chế đó là một công vụ? Không là một công vụ thì làm gì ra có tội danh chống người thi hành công vụ!
- Ba là: Làm sao có thể nói, phiên toà đó là nghiêm minh, xử đúng người, đúng tội khi: Ai nổ súng trước? Không biết. Ai đã nhận hối lộ 20 triệu đồng của gia đình Đoàn Văn Quý theo lời tố cáo của bị cáo? Cũng không biết. Còn việc điều tra lại giao cho chính những kẻ lẽ ra phải ngồi ghế bị cáo như trong tình tiết ủi đổ nhà Đoàn Văn Vươn!
- Bốn là: Không thể nói đó là một phiên toà công khai, khi dự khán chỉ là công an, còn người dân đến dự toà lại bị coi là thù địch, bị xua đuổi, đánh đập, bắt giữ hoàn toàn vô cớ.
Có thể nói tình cảnh của những người nông dân Việt Nam mất đất, mất nhà nói riêng và của cả dân tộc Việt Nam nói chung… trước, trong và ngay sau phiên toà xử gia đình Đoàn Văn Vươn, vẫn chỉ là:
Tất cả chúng ta thật lòng nói dối
Tất cả chúng ta áo đẫm mồ hôi
Tất cả chúng ta căn nhà chật chội
Giữa cõi vô cùng vô tận mà thôi.
Tất cả chúng ta đều bị theo dõi
Tất cả chúng ta sắp bị bắt rồi
Tất cả chúng ta như bầy chó đói
Ngửa mặt lên trời hóng bóng trăng rơi.
Tất cả chúng ta đều không vô tội
Mỗi đêm một tờ giấy trắng mồ côi.
(Thơ Hoàng Nhuận Cầm)
THÁNG TƯ… ĐỐI DIỆN VỚI VÔ CÙNG
Tháng 4/2013 …Không thể không nhắc đến những nỗ lực đòi sửa đổi Hiến pháp 1992.
Khi thấy uy tín của đảng không còn được như trước, để cứu vãn tình thế, các hội nghị Trung ương 4; 5; 6 đã được nhóm họp. Hội nghị nào cũng chỉ ra những biểu hiện suy đồi trong nội bộ đảng và đề ra các biện pháp để chấn chỉnh, trong đó có biện pháp sửa đổi Hiến pháp. Lần này ĐCS Việt Nam vẫn những tưởng, qua sửa đổi Hiến pháp, đảng sẽ lại sống thời vàng son của mình, nên ngay từ cuối 2012 đảng đã chỉ thị cho Quốc hội soạn thảo dự thảo HP 2013, rồi lấy ý kiến của nhân dân một cách hình thức, đến 31 – 3 – 2013 là khoá sổ để phiên họp QH cuối năm đảng sẽ chỉ đạo QH thông qua luôn (!). Ban lãnh đạo đảng đã tính nhầm, việc buộc phải kéo dài thời gian góp ý là điều đảng cộng sản Việt Nam không hề muốn.
Loạt bài phản biện đầu tiên của cựu Đại sứ Nguyễn Trung, Thứ trưởng Trần Nhơn, Nguyễn Thanh Giang - Trần Lâm (!?), Nhà giáo Hoàng Duy Phú và Nguyễn Thượng Long… đã xuất hiện. Tiếp theo là quả bom Kiến nghị 72 nay đã có hơn 14.000 chữ ký ủng hộ. KN72 với 7 nội dung rất cơ bản cùng một bản dự thảo HP dùng để tham khảo đối lập với bản HP 2013 của QH như một bằng chứng về ý thức chịu trách nhiệm, là một điểm son dành cho nhóm KN 72 mà không ai có thể bôi nhọ.
Để đối phó với tình hình, hàng thủ của ĐCS vô cùng hốt hoảng, phản ứng chệch choạc, hoảng loạn theo kiểu “phá bóng” lung tung đốt lưới nhà, điển hình là mấy câu dành cho nhóm KN72 mà ông Nguyễn Phú Trọng đã thốt ra ở Vĩnh Phú:
“Vừa rồi đã có các luồng ý kiến có thể quy vào được là suy thoái chính trị - tư tưởng - đạo đức”… “Cần phải xử lý”.
Ngay tối hôm đó, nhà báo lề đảng Nguyễn Đắc Kiên đã làm tung “lưới” Nguyễn Phú Trọng bằng “Tiếng sét nổ giữa trời quang!”: “Ông Trọng không đủ tư cách để nói với nhân dân Việt Nam những lời như thế!” và anh kiêu hãnh nhận “Thẻ Đỏ” rời sân báo ‘Gia đình và Xã hội” như một bậc “Thánh” tử vì đạo.
Đúng là “Phúc bất trùng lai - Hoạ vô đơn chí”… mấy ngày sau, giới trẻ hưởng ứng bài báo của Nguyễn Đắc Kiên bằng “Tuyên bố của Các công dân Tự do”. Lời Tuyên bố này nhanh chóng nhận được sự ủng hộ của nhiều ngàn chữ ký. Đây thực sự cũng là một “Quả Bom” tấn gây nên những bất ngờ không thể tưởng tượng nổi. Đại đa số chữ ký trong “Tuyên bố của các công dân tự do” là của giới trẻ. Họ không Thư ngỏ, không Kiến nghị. Họ ra Tuyên bố rất đĩnh đạc và đàng hoàng. Một chuyển động rất hiếm thấy trên trường tranh đấu cho một Việt Nam tiến bộ.
Vẫn chưa hết, sửa đổi Hiến pháp thực sự còn nhận được sự ủng hộ tự nguyện của nhiều lão thành cách mạng, các tổ chức xã hội dân sự, Khối 8406, Giáo xứ Thái Hà, Hội đồng Giám mục Thiên Chúa Giáo, Tin Lành, Cao Đài Chính Thống (Hội Thánh Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ Toà Thánh Tây Ninh), Giáo Hội Lutheran USA, Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, Phật Giáo Hoà Hảo Thuần Tuý… Đặc biệt 5 tôn giáo lớn ở Việt Nam đã ra Tuyên bố chung về sửa đổi Hiến pháp với lập trường 8 điểm. Ở nước ngoài, nhiều tiếng nói trong cộng đồng người Việt Nam đã có nhiều ý kiến tâm huyết để có được một bản Hiến pháp thực sự của dân, do dân và vì dân.
Có thể nói những diễn biến này là quá bất ngờ, không thể phủ nhận được, là chưa từng thấy… Hiện thực này đã biến các chương trình bôi nhọ người phản biện và tô vẽ cho những giá trị hư ảo của VTV trở nên lố bịch, nhạt thếch, điển hình là vụ Nguyễn Đình Lộc (Xin đọc: Ghi chép Tháng Ba của Nguyễn Thượng Long). Những hiện thực này đã làm phá sản chiến dịch phát tài liệu đồng ý với “Dự thảo Hiến pháp 2013” của QH đến tận từng nhà, cũng làm đổ nhào luôn con số 44 triệu ý kiến ủng hộ dự thảo Hiến pháp 2013 của QH (!?).
Từ trung tuần tháng 4… cuộc vận động đòi sửa đổi Hiến pháp có vẻ như không rầm rộ như những ngày đầu khởi sự, nhưng lại có những đột biến cũng rất bất ngờ. Điều hết sức lạ là các gương mặt ngày nào rất hung hăng và trơ trẽn trong các chương trình của VTV “tô vẽ cho đảng…” và “bôi nhọ” người phản biện bỗng dưng biến mất sạch. Thay vào đó dư luận đang xôn xao trước những xuất ngôn của ông Trương Tấn Sang và ông Nguyễn Tấn Dũng.
Vậy các nhà lãnh đạo cao cấp nhất đã nói những gì?
Ông Tư Sang trong lần làm việc với Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương nói:
* Về chế độ chính trị: “Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc”.
- Phản biện: Xin hỏi: Vậy thì vấn đề giai cấp, vấn đề dân chủ tập trung, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách chẳng còn có ý nghĩa gì?
* Về Đảng: “ĐCS Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc Việt Nam, là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội”.
- Phản biện: Xin hỏi: Thế ra việc lấy chủ nghĩa Mác Lê làm kim chỉ nam và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng đã bị loại ra khỏi Hiến pháp?
* Về Hội đồng Hiến pháp: “Hội đồng Hiến pháp do Chủ tịch nước đứng đầu. Chủ tịch nước có quyền giải thích Hiến pháp, có quyền đình chỉ các văn bản Quốc hội, có quyền ngưng thi hành các văn bản của cơ quan nhà nước nếu phát hiện ra vi phạm Hiến pháp”.
- Phản biện: Nếu thực sự công nhận có Hội đồng Hiến pháp thì đây chính là những quyền đương nhiên phải có của Hội đồng Bảo hiến, nhưng nếu Hội đồng này không độc lập mà vẫn phải chịu sự lãnh đạo của đảng kể cả khi Chủ tịch nước kiêm lãnh đạo đảng, thì việc có quyền cũng là không.
Ông Nguyễn Tấn Dũng cũng chém gió chẳng thua kém. Trong cuộc họp chuyên đề về Hiến pháp của Chính phủ ông cũng đưa ra những thông điệp:

  • “Quốc Hội không phải là cơ quan lập hiến có quyền biểu quyết về Hiến pháp và các việc trọng đại của quốc gia”.

    - Phản biện: Nói như thế là quá đúng, vì 99% đại biểu Quốc hội là đảng viên. Quốc hội Việt Nam là Đảng cử dân bầu, giao cho Quốc hội quyền lập hiến tức là giao cho đảng quyền lập hiến.

  • Về quyền con người, quyền cơ bản của công dân: “Quyền này chỉ bị giới hạn bằng luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, sức khoẻ cộng đồng”.

    - Phản biện: Vậy thì từ nay trở đi với các cuộc biểu tình yêu nước như phản đối Trung Quốc xâm lược Hoàng Sa, Trường Sa, bắt bớ đánh đập ngư dân, dã ngoại thảo luận nhân quyền… công an không có quyền vin vào lý do vì trật tự xã hội để đàn áp, đánh đập, bắt bớ vô tội vạ?

  • Thu hồi đất và quyền sử dụng đất: “Nhà nước trưng mua, trưng dụng tài sản hay thu hồi đất thì đều phải bồi thường theo giá thị trường”.

- Phản biện: Xin hỏi: Giá thị trường là thị trường nào? Kể cả khi điều này được luật hoá thì vì Lập pháp – Hành pháp – Tư pháp không phân định, tức là tam quyền không phân lập thì giá cả thị trường vẫn sẽ nằm trong tay các băng nhóm lợi ích. Họ sẽ thao túng toàn xã hội qua cơ chế xin cho… Người dân vẫn rất dễ thành trắng tay.
Gửi đi những thông điệp như thế, phải chăng cả 2 ông Trương Tấn Sang và Nguyễn Tấn Dũng đã bắt đầu biết thương nhân dân Việt Nam? Tôi nghĩ rằng không phải, các ông chỉ thương các ông thôi, chém gió vùn vụt như thế chỉ để thu phiếu, để ghi điểm trước cuộc bỏ phiếu tín nhiệm sắp tới mà thôi.
Trong bài viết “Có đôi điều tiến bộ…” đăng trên trang Bauxite Việt Nam, tác giả Nguyễn Trung Chính viết:
“Những tín hiệu này còn rời rạc kiểu chân phải đá chân trái, nhưng cũng đáng được nêu lên ở đây để suy ngẫm vì không biết thực chất ai đang chơi con bài gì, ai đang củng cố cái gì, ai đang cấu kết với ai sau những sự việc nổi cộm như: Cụm từ đồng chí X; Việc đòi kỷ luật ban lãnh đạo Đà Nẵng, trong đó có tân Trưởng ban Nội chính trung ương Nguyễn Bá Thanh; Việc đòi kỷ luật những thất thoát của Hà Nội từ trước đến nay, trong đó có Nguyễn Phú Trọng; Những đánh phá cá nhân được tung lên mạng qua những trang mạng mang tên những vị lãnh đạo cao cấp”.
Trung tuần tháng 4, lại có tin BCT đã quyết định trở về tên nước cũ là Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và thôi khẩu hiệu “Quân đội Nhân dân trung với Đảng CSVN” để trở về trung với Tổ quốc – Nhân dân và Đảng. Tôi mang những thông điệp của ông Trương Tấn Sang và ông Nguyễn Tấn Dũng cùng 2 thay đổi này trao đổi với Đại tá công an, nguyên Chánh văn phòng Bộ Công an, nguyên Ủy viên đảng đoàn Bộ Công an Lê Hồng Hà, người bạn vong niên của tôi trầm ngâm rồi chậm rãi nói:
“Nếu ban lãnh đạo Việt Nam thực lòng nghĩ đến dân, đến nước thì phải chủ động chuyển đổi thể chế theo hướng không gây biến động xã hội, cơ quan nhà nước vẫn hoạt động bình thường, hưu trí, phúc lợi xã hội vẫn đảm bảo… nhưng nhất quyết phải: Hạ bệ độc tài, đảng trị. Thực sự hoà hoà hợp hoà giải dân tộc. Phải xoá bỏ cơ chế song trùng quyền lực Đảng – Chính quyền vì quá tốn kém. Đảng không được sống bằng ngân sách nữa, sống và theo đuổi lý tưởng bằng đảng phí của đảng thôi. Nếu thực sự muốn sửa Hiến pháp thì phải huỷ bỏ điều 4, điều 88, trả lại cho nhân dân các quyền cơ bản đã quy định trong Tuyên ngôn Nhân quyền mà Việt Nam đã cam kết với Liên Hợp Quốc, đồng thời thay tên nước, thôi Mác Lê, thôi định hướng XHCN, quân đội chỉ trung với nước, với nhân dân, đưa đất nước hoà đồng vào trào lưu Dân chủ - Đa nguyên của thế giới văn minh”.
Chia tay người bạn vong niên của mình, hoà vào dòng xe cộ đang cuộn trôi như vô định, vô tình với hết thảy, tôi sực nhớ mình chưa chia sẻ với cụ Hà về nội tình của ngôi làng Dân chủ còn rất khiêm nhường trên mảnh đất đang ngày càng tụt hậu, ngày càng dị thường trong con mắt của các dân tộc văn minh. Vui làm sao được khi nội tình của No U đang bê bối bởi những cuộc thanh trừng, xử lý nội bộ. Mừng rỡ được sao, khi Hoàng Sa FC đang trở thành “đứa con" côi cút giữa đường đời. Lạc quan sao được khi nhà dân chủ này tố nhà dân chủ kia là cộm cán này, cộm cán nọ. Ngay nhóm giáo hữu Hà Đông tưởng là những nhà mô phạm nhất trần gian, trong khi chưa thấy cơ quan an ninh hỏi han gì, thì cũng đang đi vào quá trình tự huỷ sau khi cơ quan an ninh Bộ Công an (A42) bất ngờ bắt giữ và thẩm vấn 2 thành viên của nhóm này.
Sực nhớ phần đầu bài viết, tôi đã nhắc đến Nguyễn Huy Thiệp với thông điệp “Vinh quang” và “Điếm nhục”, Võ Văn Kiệt với “Niềm vui” và “Nỗi buồn”, là người đa nguyên, tôi không quá dị ứng trước những dị biệt, bởi thế gian này: Niềm vui - Nỗi buồn, Vinh quang - Điếm nhục, Sinh sôi và Tự hoại quấn quýt nhau như Âm với Dương, như hình với bóng để Vô cực sinh Thái cực, để Thái cực sinh Lưỡng nghi, để Lưỡng nghi sinh Tứ tượng, để Tứ tượng sinh Bát quái rồi tiến tới vô cùng, vô tận. Kể cả một khi chúng ta đối xử với nhau vẫn chẳng ra gì, sẽ buồn thật đấy, nhưng tôi vẫn tin mọi chuyện cũng không nằm ngoài lộ trình tiến hoá như vậy.
Hà Đông, Ngày Dã Ngoại Nhân Quyền 5 – 5 – 2013.
N.T.L.
Tác giả gửi trực tiếp cho: Bauxite Việt Nam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét