CHƯA TỐT NGHIỆP TRƯỜNG ĐỜI.

Thứ Tư, 22 tháng 5, 2013

Lương trên 9 tấng giời, lỗ dưới 3 thước đất

VNStrong khi gần 200.000 DN phải trả giá cho sự thua lỗ của mình bằng bi kịch “đi nước ngoài chữa bệnh” hoặc bằng toàn bộ tài sản cả đời tích cóp thì không ít các tác giả của sự thiếu hiệu quả, thua lỗ, nợ nần và bị nợ nần của các DNNN đang được hưởng những mức lương trên trời

Vào buổi chiều ngày thứ 2 của phiên họp Quốc hội, các ĐBQH mắt phải đọc một báo cáo kiểm toán tràn đầy bi thảm về chuyện lỗ, nợ, nguy cơ mất vốn của những “quả đấm thép”, trong khi miệng vẫn phải bàn để giảm từng đồng thuế GTGT, thuế Thu nhập DN hòng cứu vãn các DN chủ yếu thuộc khối phi Nhà nước. Quả là nan giải.
Nan giải ở chỗ 23/27 tổng công ty, tập đoàn kinh tế báo cáo “lãi”, nhưng đồng lãi, so với một gang tay thống kê những lợi thế, nó bèo bọt đến mức tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu chỉ đạt dưới 5%. Mọi sự so sánh đều khập khiễng. Nhưng cho dễ hiểu, chỉ cần biết là mang tiền đi gửi ngân hàng thì lợi nhuận thu về hơn đứt hoạt động kinh doanh của các quả đấm thép.
Nan giải ở chỗ, tuy không phải là ngân hàng, nhưng tổng nợ phải thu của các TĐ, TCT lên đến 54.133 tỷ đồng, tức chiếm 20,56% trên tổng tài sản và 82,97% trên vốn chủ sở hữu. Khoản nợ xấu này được cho là cao. Nguy cơ mất vốn lớn. Và hầu hết đều từ những nguyên nhân chủ quan mà có lẽ, không một DN phi nhà nước nào phạm phải. Chẳng hạn: Ứng trước tiền mua hàng với số lượng lớn nhưng không áp dụng các hình thức bảo lãnh, bảo đảm cho tiền ứng trước dẫn đến nguy cơ mất vốn; chưa phân loại nợ làm cơ sở trích lập dự phòng…Thậm chí, “cho các đơn vị, cá nhân vay vốn trong khi đang (cũng) phải đi vay vốn để sản xuất kinh doanh”…
Không nan giải không xong khi tổng các khoản đầu tư tài chính của các TĐ, TCT trong diện kiểm toán lên tới 25.750 tỷ. Con số đầu tư khổng lồ này nhận lại một “hiệu quả” y như “hậu quả”: Nhẹ thì hiệu quả thấp, nặng thì thua lỗ, mất vốn.
Nhưng hiệu quả thấp, lỗ vốn, nợ và bị nợ, đầu tư ngoài ngành đâu phải có gì là mới. Sự cố hữu đến mức giống như một cái tật, một căn bệnh thâm căn cố đế, không thể thay đổi. Nói nữa, nói mãi, nhưng cứ đụng đâu là phạm đó.
Hôm qua, khi phát biểu về việc giảm thuế, ĐBQH Trần Du Lịch nói không ít ngậm ngùi: “DN hiện còn gì để quan tâm đến thuế thu nhập DN là bao nhiêu!” Chưa kể đến việc “Các công ty kiểm toán mà đoàn ĐBQH Thành phố mời tham gia góp ý cho Luật nói 25% là thuế danh nghĩa, chứ còn nhiều khoản DN thực chi những không được khấu trừ. Thực tế phải 27%”.
1-2% thuế thu nhập đang được các ĐBQH “đấu tranh” để cứu DN, trong một thực tế ở đầu tàu kinh tế của cả nước, chỉ “chưa tới 30% DN còn có khả năng đóng thuế”, trong lời than giời về việc không tiếp cận được vốn. Và một thực tế khác là không ít trong các quả đấm thép một mặt hoạt động chủ yếu bằng nguồn vốn vay và chiếm dụng, một mặt đem vốn ném vào “sòng bạc” có tên là “chứng khoán”.
Phải nói cho hết nhẽ là trong khi gần 200.000 DN phải trả giá cho sự thua lỗ của mình bằng bi kịch “đi nước ngoài chữa bệnh” hoặc bằng toàn bộ tài sản cả đời tích cóp thì không ít các tác giả của sự thiếu hiệu quả, thua lỗ, nợ nần và bị nợ nần của các DNNN đang được hưởng những mức lương trên trời. Lãnh đạo Vinafood2 chẳng hạn: Hưởng mức lương 79,749 triệu đồng/tháng, trong khi nợ phải trả trên tổng nguồn vốn lên tới 65%, trong khi lợi nhuận sau thuế nhờ những mức lương khủng này, là 113 tỷ đồng. 113 tỷ, nhưng là giảm chứ không phải là tăng.
Hình như muốn cứu DN nói chung, cần một lẽ công bằng về nhân-quả, bắt đầu từ DNNN.


Copy từ: Đào Tuấn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét