Lê Thăng Long (Danlambao) - Tôi ra tù đã gần 1 năm. Vụ án chúng tôi đã tròn 4 năm.
Gần đây, từ cuối năm 2012, trong những lần làm việc với các sĩ quan an ninh, họ thường nói với tôi rằng: "Đảng
và nhà nước cũng đã phần nào nhận ra sai lầm… và cũng đang cố gắng thay
đổi. Các anh cũng không nên làm quá sẽ gây khó xử." Những thành
viên khác của phong trào Con đường Việt Nam khi bị nói chuyện với an
ninh cũng nghe họ thừa nhận những gì anh Thức cảnh báo đã được thực tế
chứng minh. Họ còn nói rằng vụ án của anh Thức sẽ phải xét lại, tuy
nhiên không thể là ngày một ngày hai. Những hành xử của các cơ quan an
ninh và những bản án chính trị của chính quyền mới đây khiến người ta
thật khó tin vào những thiện ý như vậy. Nhưng một điều có thể thấy rõ là
vụ án Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Công Định, NguyễnTiến Trung, Lê Thăng Long đã
tác động sâu sắc đến suy nghĩ của những người cầm nắm quyền lực. Trong
những buổi làm việc với an ninh, vào những lúc mà họ gọi là tâm tình
ngoài nhiệm vụ, họ thường tỏ thái độ khâm phục tầm nhìn của anh Thức,
anh Định và giãi bày rằng chẳng qua họ phải làm vì nhiệm vụ.
Không ai không thấy được thực tế xấu đã và đang xảy ra chính là những gì
các anh đã cảnh báo và không muốn đất nước gặp phải. Chia sẻ những điều
trên với người dân, tôi nhận thấy rằng tất cả họ đều hoài nghi vào
thiện chí của chính quyền nhưng lại tin tưởng rằng lẽ phải sẽ nhanh
chóng được trả về đúng vị trí của nó. Họ tỏ ra rất tiếc nuối cho đất
nước vì đã không có một cơ chế biết lắng nghe hiền tài để tránh được
những thảm họa làm dân chúng khốn khổ. Họ cũng buồn tiếc cho tôi và
những người bạn Thức, Định, Trung. Nhưng tôi nói nếu được lựa chọn lại
thì tôi vẫn sẽ chọn con đường chúng tôi đã đi và không có gì phải ân
hận. Có người nói rằng nếu tôi không cùng anh Thức kinh doanh thì giờ
đây tôi đã là một quan chức đang thăng tiến, chứ không phải một cựu tù
chính trị đang bị chính quyền quản chế. Điều đó có thể đúng. Nhưng nếu
vậy thì tôi chắc chắn rằng lương tâm tôi lúc này đang bị dằn vặt và ân
hận về con đường mình đã chọn khi phải chứng kiến tương lai của đất
nước, của con cháu mình đi vào ngõ cụt. Hậu quả đó có trách nhiệm của
mình. Điều đáng mừng là tôi chứng kiến tâm trạng như vậy đang diễn ra
với hầu hết những người cộng sản. Điều đó cho tôi niềm tin vào một sự
thay đổi tốt đẹp không xa nữa.
Nếu được lựa chọn lại thì tôi vẫn sẽ chọn Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Công
Định, Nguyễn Tiến Trung là những người bạn đồng chí hướng và cùng nhau
dấn thân đấu tranh vì một Việt Nam dân chủ và thịnh vượng cho dù biết
trước sự lựa chọn đó sẽ dẫn đến những gian nguy, thử thách.
Hôm nay 24/5/2013, tròn 4 năm Trần Huỳnh Duy Thức bị tước đoạt tự do một
cách tùy tiện. Có nhiều người nói nếu 4 năm qua anh không bị bắt thì
anh đã làm được rất nhiều việc có ích cho gia đình, cho cộng đồng và
lĩnh vực công nghệ thông tin viễn thông của đất nước. Hẳn là như vậy.
Nhưng tôi lại nghĩ 4 năm tù của anh đã tạo ra những giá trị lớn hơn
nhiều. Làm cho rất nhiều người phải suy nghĩ và thay đổi nhận thức một
cách đúng đắn là điều không hề dễ dàng. Áp đặt một tư tưởng bằng quyền
lực thì dễ, còn thuyết phục để người ta hiểu đúng và tự nguyện chấp nhận
lẽ phải là điều rất khó và có khi phải hy sinh. Đó chính là cuộc CÁCH
MẠNG SUY TƯỞNG mà Thức theo đuổi vì anh tin rằng dân tộc Lạc Hồng chỉ có
thể ngẩng cao đầu khi nào người dân nhận thức đúng về quyền con người
của mình để hành động như những người chủ đích thực của đất nước. Nếu
không thì nhân dân sẽ luôn là những người nô lệ bị trị. Cuộc đấu tranh
để con người hiểu ra chân lý thường rất gian khổ và nguy hiểm. Nhất là
trong một bối cảnh mà sự giáo điều và phản động ngự trị nhiều năm trời
bằng bạo quyền. Nhưng thành công của những cuộc đấu tranh này luôn là
những phần thưởng rất giá trị và vĩ đại cho nhân loại.
Nếu được lựa chọn lại tôi vẫn sẽ đồng hành cùng Trần Huỳnh Duy Thức dù
biết rằng hành trình đó sẽ trải qua tù đày. Gần một năm ra tù và đối
diện với bao nhiêu thử thách nguy nan, tôi nhận ra rằng mình đã bản lĩnh
và vững vàng gấp bội trước khi vào tù. Đó là một khoảng thời gian để tu
thân tuyệt vời nhất mà không phải ai cũng có được cơ duyên ấy. Tôi tự
hào vì là bạn học, đồng nghiệp và bạn tù của Thức. Tôi vẫn sẽ chọn đi
cùng anh vì tôi thấy rõ con đường mà chúng tôi đã chọn sẽ dẫn đến một
tương lai tươi sáng không còn xa nữa. Và vì tôi đã được thấy ngày càng
nhiều người bước vào con đường đó – Con đường Việt Nam – Con đường phát
triển đất nước tốt đẹp trên nền tảng quyền con người.
Tôi khâm phục tầm nhìn chính trị của Thức. Trong kinh doanh anh là người
luôn nhìn ra các đích nhắm chiến lược chỉ đòi hỏi những nguồn lực nhỏ
hơn nhưng giúp đạt được những mục tiêu cuối cùng lớn hơn. Đến giờ anh
lại cho thấy anh không chỉ có khả năng quản trị chiến lược trong kinh
doanh mà cả trong chính trị. Quyền con người vừa là một mục tiêu chung
của tất cả mọi người, vừa là một đích nhắm chiến lược hiệu quả cho cuộc
đấu tranh dân chủ hóa đất nước và làm cho dân giàu nước mạnh. Khi các
mục tiêu đấu tranh hội tụ về đích nhắm này thì sẽ không có sự độc tài,
toàn trị nào có thể tồn tại trên đất nước mãi về sau.
Tôi rất vui khi thấy ngày càng nhiều người nhận ra chiến lược đó. Và
ngày càng có nhiều người thấy được và mong muốn Trần Huỳnh Duy Thức trở
về để đóng góp cho đất nước vượt qua khó khăn và phát triển tốt đẹp. Tôi
tin ngày đó sẽ không lâu nữa.
Tôi cũng tin rằng ngay bây giờ nếu được lựa chọn giữa phải từ bỏ con
đường đã chọn để được trở lại thành doanh nhân thành đạt, hoặc sẽ chấp
nhận gian khổ để tiếp tục con đường đó thì Thức sẽ chọn gian khổ. Anh
không phải là người hy vọng vào ánh sáng cuối đường hầm. Anh hiểu rõ và
biết mình phải làm gì, trải qua những gì để đi về đích.
_______________________________
TB: thể theo yêu cầu của nhiều người muốn biết "họ đã bắt chúng
tôi như thế nào và hành xử trong tù ra sao?", hôm nay tôi xin được kể
phần của anh Thức trước.
HỌ ĐÃ BẮT ANH THỨC NHƯ THẾ NÀO?
Thứ sáu 22/05/2009, ban lãnh đạo công ty One-Connection Internet (OCI)
họp tại TpHCM thông qua quyết định khởi kiện sở Thông tin truyền thông
TpHCM về những quyết định hành chánh sai trái của cơ quan này đối với
OCI. Cũng trong cuộc họp này anh Thức phân công những người kế nhiệm
trong trường hợp mình bị bắt vì anh tin rằng sở Thông tin truyền thông
TpHCM sẽ tìm cách hình sự hóa vấn đề để né tránh trách nhiệm làm sai của
họ. Anh Thức cũng cho biết rằng thời gian đó xuất hiện nhiều người lạ
mặt lảng vảng trước cửa nhà anh. Sau cuộc họp anh Thức nói chuyện tiếp
với tôi trên điện thoại nhận định rằng nếu họ không hình sự hóa được vấn
đề thì họ sẽ chính trị hóa nó. Anh dặn tôi cẩn thận nhưng phải chuẩn bị
tinh thần cho tình huống xấu nhất và kiên định những gì đã chọn. Tôi
cũng bắt đầu linh cảm những chuyện chẳng lành.
Thứ bảy 23/05/2009, anh Thức gặp luật sư Lê Công Định để chia sẻ tất cả
các nội dung trên. Anh Định đảm nhiệm về pháp lý cho vụ kiện sở Thông
tin truyền thông TpHCM của OCI. Anh Thức nhờ anh Định nếu anh bị bắt thì
anh Định tiếp tục hỗ trợ cho các lãnh đạo kế nhiệm của OCI theo tiếp vụ
kiện tới cùng. Tuy nhiên nếu họ chính trị hóa vấn đề thì không loại trừ
anh Định cũng sẽ bị bắt. Trong thời gian này. Thanh tra bộ Thông tin
truyền thông đang tiếp nhận đơn khiếu nại của OCI và bắt đầu xem xét các
trách nhiệm của sở Thông tin truyền thông TpHCM trong việc xử phạt OCI.
Cùng lúc đó đài truyền hình Việt Nam (VTV) liên tục phát đi những phóng
sự cho thấy sự sai trái và vi phạm pháp luật của sở Thông tin truyền
thông TpHCM trong sự việc này. Nhiều tờ báo như Sài Gòn Tiếp thị, Thời
báo kinh tế Việt Nam cũng bắt đầu có những phân tích chỉ ra sự lạm quyền
của sở Thông tin truyền thông TpHCM. Dư luận đã thấy rõ sự đuối lý của
cơ quan này.
Chủ Nhật 24/5/2009, khoảng 8h00 tối, tôi hay tin được đăng trên tờ Công
an nhân dân online là anh Thức bị bắt vì tội “trộm cước viễn thông”. Gọi
cho Trần Huỳnh Duy Tân, em trai anh Thức thì được biết đang có đến cả
trăm người tràn ngập sân, hẻm và nhà anh Thức. Lúc này tôi đang ở Hà Nội
nên không thể đến được với anh. Họ ập vào lúc 4h30 chiều, quần nát
trong nhà đến 10h30 tối thì đưa anh đến văn phòng công ty OCI. Họ lục
soát văn phòng làm việc của anh Thức gần 2 tiếng và thu toàn bộ hồ sơ
OCI khởi kiện sở Thông tin truyền thông TpHCM. Nếu không bị bắt thì hồ
sơ này sẽ được nộp cho tòa án hành chính TpHCM vào ngày hôm sau. 0h30
khuya hôm đó họ rời OCI và chở anh về trại giam B34 (Nguyễn Văn Cừ, Q1,
TpHCM) và hỏi cung anh đến hơn 2h sáng.
Ngay khi họ nhốt anh vào phòng giam thì một cơn mưa trên toàn thành phố
trút xuống. Sài Gòn gần như chưa bao giờ mưa to trên diện rộng đến như
vậy. Mưa như thác đổ liên tục từ khoảng 2h00 đến 7h00 sáng mới ngơi dần,
nhưng mãi đến trưa hôm đó mới tạnh. Kể cũng lạ, ngày chúng tôi ra tòa
sơ thẩm, một cơn mưa kéo dài suốt 2 ngày đêm trên khắp miền Nam. Ngày đó
nhiệt độ ở Sài Gòn theo thông báo của đài phát thanh là xuống thấp kỷ
lục. Điều kỳ lạ hơn đó là cơn mưa rất to nhưng trái mùa. Lúc đó là tháng
Chạp năm Kỷ Sửu (tháng 1/2010). Những cơn mưa phùn tháng Chạp gần như
không thấy, đừng nói là mưa rào và giông liên tục 2 ngày.
Hai ngày sau khi anh Thức bị bắt, tôi bay vào Sài Gòn để lo việc công ty
OCI và an ủi gia đình anh ấy. Tôi được nghe thuật lại lời kể của những
người hàng xóm. Vào tối anh bị bắt, trước cổng, sân, hẻm nhà anh rất
đông công an với nhiều loại lực lượng khác nhau. Theo ý kiến của những
người hàng xóm thì trong số này không phải chỉ toàn những người đến bắt
anh mà có cả những người có mục đích ngược lại. Có những lúc họ tranh
cãi nhau rất căng và phải chờ điện thoại chỉ thị từ cấp trên để phân
định. Người dân ở đây nghe được những lời nói trên điện thoại rằng:
“Không được bắt, không nên bắt”. Họ bao vây kín cả khu vực, có
cả các xe chuyên dụng và xe kỹ thuật. Hàng xóm xung quanh còn nghe thấy
các nhân viên an ninh bàn tán với nhau về việc chưa thống nhất từ các
lãnh đạo cấp cao, chỉ đạo từ trung ương trong việc bắt này (người đồng
ý, người không đồng ý). Cuối cùng có một người nhận điện thoại rồi
truyền đạt lại cho nhóm đại ý rằng quyết định cuối cùng là bắt. Rồi anh
ta cùng với toán người của mình rút khỏi hiện trường. Cùng lúc đó một
người đàn ông khác bước từ trong xe hơi ra và ra lệnh: "bắt đi". Sau khi
ra tù, tôi đọc lại những thông tin về vụ án này thì biết được bộ chính
trị của đảng Cộng sản Việt Nam bị chia rẽ nặng nề đối với vụ án này. Đây
có lẽ là lý do cho những tranh cãi giữa các lực lượng công an nói trên.
Còn những chi tiết về sự ngược đãi, truy bức, nhục hình trong tù thì khá
dài. Những bạn nào quan tâm xin hãy đón đọc quyển sách về anh Thức và
con đường anh chọn sắp ra mắt.
Thân mến,
Copy từ: Dân Làm Báo
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét