Thật đáng trao nửa giải Nobel cho Thống đốc neu ông có thể kéo giá vàng trong và ngoài nước vào 2 bên của một dấu bằng khi họ vẫn sắm hai vai, vừa là viên cảnh sát, vừa là gã con buôn.
24.000 tấn vàng “ế chỏng gọng” sau phụ áp phe vàng miếng vô tiền khoáng hậu do ngân hàng tổ chức. Không ế mới lạ, khi giá khởi điểm, ở đâu đó trên mây, đã làm ối người mắt tròn mắt dẹp không hiểu ra sao.
Câu hỏi “vì sao” giá khởi điểm còn cao hơn giá thị trường thì đến giờ, các chuyên gia kinh tế, và cả những người tham dự phiên đấu còn đang cố tìm hiểu những thông điệp bên trong.
Còn câu hỏi “để làm gì” thì chịu chết, không ai trả lời được. Chỉ thấy rõ qua phản ứng của thị trường, giá nhảy lên, thay vì đi xuống. Thê là ngay trong mục đích ổn định thị trường, NHNN đã nhận ngay thất bại đầu tiên với vũ điệu loạn xạ của giá.
Ngay cả 2.000 tấn vàng với giá trên trời được đăng ký mua, dư luận vẫn mơ mơ màng màng rằng nó giống một “thương vụ quân xanh”, chỉ để thỏa mãn mấy chữ “vẫn có mua” của những nhà buôn mang danh ngân hàng nhà nước.
Cuối tuần qua, dư luận lại “té ghế” khi trong phát ngôn chính thức, đại diện NHNN cho biết trên Thời báo kinh tế Việt Nam, là họ chỉ “quan tâm đến việc bình ổn thị trường vàng” mà không quan tâm đến “bình ổn giá”.
Ô hay, có tình hình thị trường nào không bắt đầu và đương nhiên phải bắt đầu từ giá. Và có loại bình ổn nào tách rời được yếu tố giá?
Chuyện đưa ra một chính sách để SJC lên ngôi độc quyền, là chuyện chỉ có ở Việt Nam.
Chuyện vừa đưa ra chính sách, vừa bán đấu giá vàng, không thể gọi khác hơn: NHNN đang đóng vai viên cảnh sát, để kiểm soát cái vai thứ hai “gã con buôn” mà họ cũng đang đóng.
Có một người đã nói thật về câu chuyện độc quyền SJC. Đó là Tướng Nguyễn Tiến Lực, Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm, Bộ Công an. Viên tướng cảnh sát khẳng định: “việc quy định SJC là thương hiệu vàng quốc gia đã đem lại lợi ích cho Công ty SJC, làm phương hại đến lợi ích của các thương hiệu vàng miếng khác”.
Chi tiết bối cảnh rất đáng chú ý: Đây là phát biểu chính thức của ngành CA trong cuộc giao ban Công tác chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại của Ban chỉ đạo 127/TW.
Dân gian, vì thế mới nói vui: Độc quyền SJC là một hành vi gian lận. Độc quyền gian lận.
Dân gian chẳng bao giờ sai, bởi câu chuyện độc quyền SJC đã đẩy họ vào thế dùng “vàng nhái” khi “ngã ngửa người” phát hiện vàng của mình, ừ cũng là bốn số 9, nhưng “phi SJC” hoặc bị nhái SJC.
Cũng dân gian đã sử dụng 2 chữ “bắt ép” khi bản chất câu chuyện là với chính sách “độc quyền SJC”, ngân hàng đã tổ chức thu mua vàng của bà con với giá thấp, sau đó, triện một cái dấu SJC để bán với cái giá trên trời.
Cũng chính tướng Lực đã nói về một thực tế “do cơ chế Nhà nước giao Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) được dập và kinh doanh vàng miếng là thương hiệu vàng quốc gia nên năm 2012 đến nay xuất hiện độ chênh lệch giá lớn giữa giá vàng trong nước và nước ngoài”. Ngoài sự chênh lệch giá giữa vàng thế giới/vàng Việt Nam, giữa vàng SJC và phi SJC, việc độc quyền còn làm xuất hiện “vàng giả SJC, vàng kém chất lượng đưa vào các doanh nghiệp kinh doanh bán cho dân”.
Có người nói ước mơ giá vàng trong nước bằng giá vàng thế giới còn xa vời. Nhưng đây không phải chuyện xa vời. Đây là chuyện không thể xảy ra. Bởi thật đáng trao nửa giải Nobel cho Thống đốc khi NHNN có thể kéo giá vàng trong và ngoài nước vào 2 bên của một dấu bằng khi họ vẫn sắm hai vai, vừa là viên cảnh sát, vừa là gã con buôn.
Copy từ: Đào Tuấn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét