Quả là một tuần có lắm chuyện khôi hài.
Thưa các bạn, các bạn có nhận thấy điểm gì chung giữa những câu chuyện không ít thú vị trong tuần?
Chẳng cần phải suy nghĩ nhiều đâu. Chỉ cần hiểu giản dị là quan chức của chúng ta thật là vui tính.
Câu chuyện cái “trát khẩn” ở Kon Tum, về chuyện huy động “các bộ ban ngành, UBND các huyện, thành phố, các đơn vị lực lượng vũ trang, các doanh nghiệp, trường học trên địa bàn” đi xem đá bóng khiến người ta nhớ lại “tinh thần thể dục” từ thế kỷ trước của cụ Nguyễn Công Hoan.
“Vậy sức các thầy phải thông báo cho dân làng biết và phải thân dẫn đủ một trăm người, đúng 12 giờ trưa đến xem, không được khiếm diện.Những người đã cắt đi dự cuộc khánh thành sân thể dục tháng trước, thì lần này được miễn. Ai có mặt tại sân vận động cũng phải ăn mặc tử tế, đi đứng nghiêm chỉnh, và phải vỗ tay luôn luôn, vì hôm ấy có nhiều quan khách. Làng Ngũ Vọng lại phải có năm lá cờ, sẵn sàng từ 10 giờ sáng. Việc này tuy là việc thể dục, nhưng các thầy không được coi thường, nếu không tuân lệnh sẽ bị cữu”.
Nhưng điều đáng nói là câu chuyện này, rút cục, đã có một cái kết “như phim hài”: Do “sơ suất” và đương nhiên “sơ suất” này là “của anh em”. Chắc là một cô cậu đánh máy nào đó.
Ở vườn quốc gia Kẻ Bàng, khu “di sản thế giới”, không có cô cậu đánh máy nào để đổ lỗi, GĐ Vườn gãi đầu gãi tai thú nhận đã đưa sổ đỏ cho một doanh nghiệp để “xin” được chạy dự án từ nguồn vốn của nước ngoài. Trên Tiền phong, ông Giám đốc vui tính này cho biết DN đã cầm sổ đỏ từ 2 năm này ở Hà Nội, nhưng địa chỉ ở đâu thì ông “không nhớ”.
Một sự đãng trí hài hước. Nó chỉ không hài hước ở chỗ “sổ đỏ di sản thế giới” không phải là cái sổ đỏ tư gia. Bởi nếu là sổ đỏ tư gia, có lẽ, ít nhất vợ ông Giám đốc chẳng bao giờ đưa không cho ai đó, ở đâu đó, từ suốt 2 năm nay mà lại chẳng nhớ.
Chuyện cần phí “bôi trơn”, nói đi nói lại mãi rồi, nhưng trường hợp Kẻ Bàng đang cho thấy là cái lệ “bôi trơn” đã ngấm vào máu và khi ngay cả cơ quan quản lý cũng phải “chạy”, phải “xin”, phải “bôi trơn” thì cái tệ này nên coi là quốc nạn.
Ở Thủ đô, cũng là phí bôi trơn, đã có một phát ngôn vô cùng thẳng thắn: “Doanh nghiệp nói họ đi làm dự án ở đâu cũng có chi phí tiêu cực nhiều hay ít, những nơi khác có bôi thì trơn còn Hà Nội bôi cũng không trơn”.
Người phát ngôn là Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị.
Chuyện phí bôi trơn ở Hà Nội dường như cũng được phản ánh chính xác trong khảo sát của Ban Tuyên giáo Thành ủy. Ở hàng loạt các sở trực tiếp giải quyết các công việc hành chính, với dân, các chỉ số như tính quyết liệt giải quyết công việc chỉ đạt 28%; mức độ hài lòng đối với đội ngũ công chức tại các sở này đạt 26%.
Bôi mà cũng không trơn thì rõ ràng, tỷ lệ 26-28% vẫn còn là rất đáng mừng.
Cũng là chuyện “nói thẳng”, Bộ trưởng Thăng đã chất vấn chuyện TGĐ Vinalines Nguyễn Cảnh Việt đi công tác nước ngoài, rằng: “Đi Campuchia thì có cứu được Vinalines không?”.
Ông Việt quả là vui tính, ông đi công tác nước ngoài để vắng mặt trong một hội nghị họp bàn về tái cơ cấu doanh nghiệp.
Trong khi đó, cũng là chuyện vui, một “cái ghế to” cho chức “Chủ tịch LĐBĐ VN” thì lại không ai chịu ngồi.
Có lẽ không có gì khó giải thích lắm: Từ lâu, tòa trụ sở này đã biến thành sàn nhảy. Mới những cái “trát khẩn” xem “cuộc thi đá bóng” đã một lần nữa tái khẳng định “cò bóng đá” đã tiệt chủng.
Copy từ:Đào Tuấn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét