CHƯA TỐT NGHIỆP TRƯỜNG ĐỜI.

Thứ Hai, 1 tháng 4, 2013

HẢI PHÒNG ĐÊM TRƯỚC PHIÊN TÒA XÉT XỬ GĐ ĐOÀN VĂN VƯƠN




21h00 ngày 1.4.2013: Bên ngoài Tòa án Nhân dân Tp Hải Phòng - đường Lê Hồng Phong - Phường Đằng Lâm - Quận Hải An - TP HP.
Ảnh: CTV gửi từ Tp Cảng. 

Cách đây vài phút, công an đang đập cửa nhà cô Phạm Thanh Nghiên đòi kiểm tra hộ khẩu - tin được P.T.Nghiên loan trên FB.

Được biết, ngay từ những ngày 20 - 22. 3 các khách sạn, nhà nghỉ quanh khu vực Tòa án, đã được các lực lượng an ninh đến viếng thăm, gây áp lực đề nghị hợp tác nhằm kiểm soát lượng người từ các nơi đổ về dự phiên tòa.

Từ ngày 22, an ninh toàn thành phố đã được xiết chặt, các tụ điểm sinh hoạt công cộng bị hạn chế hơn so với ngày thường. 

Tại Tiên Lãng, bộ máy chính quyền địa phương đã gặp gỡ người dân để khuyên không nên đến dự phiên tòa. Nhưng người dân Tiên Lãng nói sẽ thuê xe đến dự phiên tòa. 
Dư luận cho rằng Vụ án Tiên Lãng là một vụ rất lớn vì nó liên quan đến:  NÔNG DÂN - BIỂN ĐẢO - CÔNG GIÁO - TRÍ THỨC
NÔNG DÂN: Vì liên quan đến Luật Đất đai, đến Sở hữu, đến Cưỡng chế - Khiếu kiện. đến DÂN OAN

BIỂN ĐẢO: Vì nó quai đê lấn biển, mở mang bờ cõi. Riêng ở Cống Rộc, đoạn đê đó nhà nước chịu, mà Vươn làm được.

CÔNG GIÁO: Vì cả nhà anh Vươn là theo đạo Thiên chúa - cộng đồng có 8 triệu dân ở Việt Nam.

TRÍ THỨC: Vì ngay từ đầu giới trí thức, luật sư, nhân sĩ trong và ngoài nước đã vào cuộc: Viết bài, Lên tiếng, Thảo thư, Quyên góp, Bào chữa, Bênh vực, ra tuyên bố.
Tính chất của vụ việc giống với vụ Nọc Nạng, cách đây 80 năm nên sẽ là một tham chiếu, so sánh để thấy rõ sự minh bạch và thượng tôn pháp luật giữa hai chế độ. Đồng thời, vụ án cũng là thách thức lớn đối với Đảng bộ Hải Phòng nói riêng và TW Đảng CSVN nói chung khi mà Nghị quyết TW về chỉnh đốn đảng đã được dấy lên rầm rộ cách đây ít lâu.  
Theo tin rò rỉ trong giới quan chức Hải Phòng từ cách đây khoảng 1 tuần, dự kiến nghị án đối với anh Đoàn Văn Vươn là 07 năm tù, Đoàn Văn Quý là 3 năm rưỡi, ông Nguyễn Văn Khanh là 2 năm rưỡi. 
22h52: Trước tòa án có 1 xe phá sóng điện thoại và một vài công an đang đứng. 
TÓM LƯỢC VỤ ĐOÀN VĂN VƯƠN
Ngày mai (2/4), TAND thành phố Hải Phòng sẽ tiến hành xét xử sơ thẩm vụ án Đoàn Văn Vươn và người thân với tội danh "giết người, chống người thi hành công vụ". Dự kiến, phiên tòa diễn ra trong vòng 4 ngày. 

Bối cảnh
 
Đoàn Văn Vươn (1963) sinh sống tại Cống Rộc, xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng, từng phục vụ trong quân đội nhân dân Việt Nam, là kĩ sư nông nghiệp tốt nghiệp Đại học Nông nghiệp Hà Nội. Từ năm 1993, ông Vươn thực hiện việc quai đê lấn biển để nuôi trồng thủy sản. Ông khởi nghiệp bằng việc bán tài sản, vay mượn bạn bè, người thân và ngân hàng, chịu nhiều thiệt hại mất mát trong quá trình lấn biển, bao gồm cái chết của con gái đầu 8 tuổi bị rơi xuống cống chết đuối trong một lần theo bố mẹ ra đầm. 

Cụ thể, năm 1993, huyện Tiên Lãng ban hành quyết định giao cho Đoàn Văn Vươn diện tích 21ha đất bãi biển khu vực nam cống Rộc thuộc xã Vinh Quang để sử dụng vào mục đích nuôi trồng thủy sản, thời hạn sử dụng là 14 năm. Trong quá trình sử dụng ông đã tự ý đắp bờ bao để sử dụng vượt quá diện tích được giao.

Từ năm 1995, ông đã xây được một con đê cao tạo thành bờ bao cho một vùng đầm rộng lớn hàng chục ha cùng hàng ngàn cây sú, vẹt mọc lên tạo thành cánh rừng chắn sóng.Gia đình ông đã có đầm nuôi tôm, cá để sinh sống. 
Người thân gia đình ông Đoàn Văn Vươn
Người thân gia đình ông Đoàn Văn Vươn

Tháng 3 năm 1997, ông Vươn làm đơn xin giao đất bổ sung phần diện tích lấn biển ngoài diện tích được giao. Tháng 4 năm 1997, huyện Tiên Lãng ra quyết định giao bổ sung cho ông Vươn 19,3ha giáp với diện tích đã giao, thời hạn 14 năm. Tổng cộng ông Vươn được sử dụng 40,3ha đất để nuôi trồng thủy sản. 

Đê lấn biển của ông còn được cho rằng đã góp phần giúp nhân dân trong vùng không phải lo vỡ đê mỗi khi bão lũ. Ông Vươn đã đắp được một số đoạn đê để bảo vệ đầm thủy sản của mình, ví dụ như đoạn đê công vụ. Chính quyền huyện sau này cũng đắp thêm được một số đoạn nhỏ của đê công vụ, nhưng lại nhận rằng chính quyền đã có công đắp đê chứ không phải ông Vươn. Việc này đã bị người dân địa phương phản đối. 

Diễn biến
 
Đến thời điểm hết hạn giao đất, năm 2009, huyện Tiên Lãng đã làm thủ tục thu hồi toàn bộ 40,3 ha của ông Đoàn Văn Vươn. Tuy nhiên, ông Vươn đã khiếu nại việc thu hồi 19,3ha đất lên huyện, sau đó không đồng tình quyết định của huyện, ông khởi kiện lên Tòa án. 

Ngày 27 tháng 1 năm 2010, Tòa án huyện Tiên Lãng đã xét xử sơ thẩm và bác đơn khởi kiện của ông Vươn; giữ nguyên quyết định thu hồi. Đoàn Văn Vươn tiếp tục kháng cáo bản án sơ thẩm. Tóa án Nhân dân thành phố Hải Phòng đã thụ lý hồ sơ và tiến hành “hòa giải” bằng “Biên bản thỏa thuận”: nếu ông rút đơn thì UBND huyện Tiên Lãng sẽ tiếp tục cho thuê đất. 

Sau khi có Quyết định đưa vụ án ra xét xử ngày 19 tháng 4 năm 2010, ông Vươn rút toàn bộ yêu cầu kháng cáo. Ba ngày sau, Tòa án Nhân dân thành phố Hải Phòng quyết định đình chỉ việc xét xử phúc thẩm vụ án hành chính này. Sau đó, huyện Tiên Lãng đã nhiều lần gửi thông báo làm việc với ông Vươn về việc thu hồi đất đã hết thời hạn sử dụng. Ông Vươn vẫn yêu cầu huyện tiếp tục cho ông thuê đất để nuôi trồng thủy sản. 

Sáng 5 tháng 1 năm 2012, huyện Tiên Lãng đã tiến hành cưỡng chế với lực lượng đông đảo hơn 100 người bao gồm cả lực lượng công an và quân đội do phó chủ tịch huyện Nguyễn Văn Khanh làm trưởng ban cưỡng chế nhưng đã bị gia đình ông Đoàn Văn Vươn chống trả. Đoàn Văn Vươn vắng mặt vì lúc đó bận lên Viện Kiểm sát nhân dân Hải Phòng kháng cáo nhưng gia đình đã dùng mìn tự chế và đạn hoa cải bắn trả nhằm vào lực lưỡng cưỡng chế, hậu quả là 4 công an và 2 người thuộc ngành quân đội bị thương. 

Kết quả
 
Sau vụ cưỡng chế bất thành ngày 5 tháng 1, quyết định thu hồi đất bị tạm hoãn, 4 người thuộc ngành công an và 2 thuộc ngành quân đội nhân dân bị thương. Cơ quan công an Hải Phòng ra quyết định khởi tố vụ án giết người và chống người thi hành công vụ đối với Đoàn Văn Vươn và các đối tượng tham gia liên quan, các ông Đoàn Văn Quý (sinh năm 1966); Đoàn Văn Vươn (sinh năm 1963); Đoàn Văn Sinh (sinh năm 1957) và Đoàn Văn Vệ (sinh năm 1974) , ngôi nhà 2 tầng của Đoàn Văn Vươn dùng cố thủ bị phá hủy, mà Phó chủ tịch UBND Hải Phòng Đỗ Trung Thoại cho là do "nhân dân bất bình nên vào phá" và người dân rất đồng tình với việc cưỡng chế này.[18] Cơ quan công an cũng khởi tố Phạm Thị Báu (sinh năm 1982) và Nguyễn Thị Thương (sinh năm 1970, vợ ông Vươn) và đang truy tìm hai người khác là Đoàn Văn Thoại (sinh năm 1970) và Phạm Văn Thái (sinh năm 1977). 

Tuy nhiên việc thu hồi đất đã bị hủy bỏ, chủ tịch UBND và Bí thư Đảng ủy xã Vinh Quang cũng bị đình chỉ chức vụ. Ngày 10 tháng 2, thủ tướng chính phủ đã yêu cầu chính quyền địa phương thi hành các thủ tục cho phép gia đình ông Vươn tiếp tục được sử dụng đất đã giao. Chiều ngày 23 tháng 2 năm 2012, Chủ tịch và Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng bị cách chức. 

Phản ứng Chính quyền địa phương
 
Đại diện chính quyền huyện Tiên Lãng, việc thu hồi đất của Tiên Lãng là căn cứ theo quyết định của huyện.

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Phòng cho rằng :"Quyết định giao đất và thu hồi đất là đúng và phù hợp. Hơn nữa, theo quy định, đất chỉ được giao cho người địa phương, trong khi ông Vươn không phải người ở xã Vinh Quang". 

Ngày 7 tháng 2 năm 2012, Thường vụ Thành ủy thành phố Hải Phòng đã tổ chức họp báo thông báo quyết định kiểm điểm và ra quyết định kiểm điểm tập thể Ban thường vụ huyện ủy Tiên Lãng; đình chỉ công tác ông Lê Văn Hiền, Phó bí thư, chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng, và Phó chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng Nguyễn Văn Khanh, là người trực tiếp chỉ đạo cưỡng chế thu hồi đất để kiểm điểm trách nhiệm cá nhân. 

Hàng loạt quan chức trong vụ việc này có liên quan cũng bị truy cứu trách nhiệm. 

Các chính khách
 
Các báo đã dẫn lời nhiều chính khách của Việt Nam bàn về vấn đề này. Các ý kiến cho rằng Đoàn Văn Vươn và các đối tượng đã vi phạm pháp luật tội chống người thi hành công vụ, nhưng huyện Tiên Lãng cũng có thể sai về mặt pháp luật khi tiến hành cưỡng chế ở vụ án này. 

Nguyên Chủ tịch nước Việt Nam, Lê Đức Anh nói, trong vụ cưỡng chế này, chính quyền huyện, xã đều sai và đây là bài học mà chính quyền cả nước phải rút kinh nghiệm. Ông cũng cho rằng "Thành ủy Hải Phòng và UBND TP Hải Phòng phải có trách nhiệm xử lý, làm sai chỗ nào thì phải nhận sai ở chỗ đó, không được trả lời loanh quanh và không được che giấu sai phạm. Trả lời tiền hậu bất nhất là không thể được" và "sử dụng bộ đội để cưỡng chế với dân là tuyệt đối sai". 
2 anh em ông Đoàn Văn Vươn, Đoàn Văn Quý

Quan điểm của GS Đặng Hùng Võ là: Một mặt, chính quyền huyện Tiên Lãng đã giao đất cho ông Vươn là sai luật. Mặt khác, chính quyền huyện không có đủ thẩm quyền để quyết định thời gian giao đất là bao nhiêu năm và đất giao cho ông Vươn phải gọi là đất nông nghiệp. Bài báo cũng coi đây là đỉnh điểm về xung đột đất đai. 

Theo Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, đây có thể coi là một tổn thất chính trị lớn. 

Ngày 2/2/2012, văn phòng Chính phủ cho biết thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng quyết định sẽ chủ trì họp chỉ đạo giải quyết vụ việc. 

Ngày 10/2, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kết luận chính quyền đã sai toàn diện trong vụ Tiên Lãng.

Luật sư Trần Vũ Hải, gửi đơn lên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (cũng là đại biểu Quốc hội Việt Nam khu vực 3 Hải Phòng, trong đó có huyện Tiên Lãng) kiến nghị xem xét khởi tố hình sự vụ chính quyền Hải Phòng phá sập nhà ông Vươn và em trai ông. Theo ông Hải, nguyên thủy việc cưỡng chế đầm tôm của ông Vươn cũng sai vì "xuất phát từ quyết định thu hồi sai" và "Phải xác định xem chính quyền (Tiên Lãng) sai thế nào mới dẫn đến ông Vươn quá bức xúc và có hành động quá khích". 

Dư luận xã hội
 
Theo bà Trần Thị Mịn, em dâu ông Đoàn Văn Vươn: "Họ dồn đến đường cùng, nên anh tôi bảo là phải giữ, chứ cũng không dám nổ súng đâu... Bây giờ nợ hơn chục tỷ thì gọi là lên bờ chỉ có chết thôi, không thể sống bằng cái gì được, nhà cửa không có. Nên phải giữ lấy đất, chứ không phải chống trả đâu". 

Sau khi một số cán bộ địa phương bị đình chỉ công tác hay bị cách chức, nhiều người dân đã bày tỏ ý kiến đồng tình với việc cách chức này. 

Cáo trạng thể hiện điều gì?
 
Cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân TP Hải Phòng nêu rõ: Ngày 24/11/2011, UBND huyện Tiên Lãng ban hành Quyết định số 307/QĐ-UBND áp dụng biện pháp cưỡng chế thu hồi 19,3 ha đất giao nuôi trồng thủy sản đã hết thời hạn sử dụng đối với gia đình ông Đoàn Văn Vươn, đồng thời UBND huyện có Kế hoạch số 104/KH-UBND ngày 24/11/2011 về việc tổ chức cưỡng chế để thi hành quyết định hành chính thu hồi đất đối với gia đình ông Vươn. Trong Kế hoạch 104/KH-UBND nêu rõ nội dung cưỡng chế bàn giao toàn bộ diện tích đất và công trình gắn liền với đất đã thu hồi cho UBND xã Vinh Quang (Tiên Lãng - TP Hải Phòng).
 
Tuy nhiên, bị can Nguyễn Văn Khanh - Nguyên Phó chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng được giao nhiệm vụ là Trưởng ban chỉ đạo cưỡng chế thu hồi đất đã trực tiếp chỉnh sửa, ký ban hành Thông báo số 225 ngày 28/12/2011 phân công nhiệm vụ cho các tổ công tác để tháo dỡ tài sản ở khu vực có quyết định cưỡng chế.  
.
Ông Nguyễn Văn Khanh, nguyên Phó chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng trong các lời khai của mình một mực cho rằng nhiệm vụ của mình đã bị
Ông Nguyễn Văn Khanh, nguyên Phó chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng trong các lời khai của mình một mực cho rằng nhiệm vụ của mình đã bị "triệt tiêu" từ khi tham gia cưỡng chế

Tại hiện trường trong buổi cưỡng chế ngày 05/01/2012, Nguyễn Văn Khanh là người trực tiếp ra lệnh cho Phạm Xuân Hoa, Lê Thanh Liêm, Phạm Đăng Hoan để đôn đốc những người được trưng dụng thuộc Tổ 2 trực tiếp tháo dỡ lều trong đầm của gia đình ông Vươn, ông Quý. Việc tháo dỡ được thực hiện trong 2 ngày 05 và 06/01/2012 gây thiệt hại về tài sản trị giá 295 triệu đồng. 

Trong khi đó, Phạm Xuân Hoa, Lê Thanh Liêm, Phạm Đăng Hoan mặc dù biết ông Khanh chỉ đạo phá dỡ tài sản là không đúng với Kế hoạch 104/KH-UBND nhưng vẫn giúp sức cho ông Khanh thực hiện việc phá dỡ làm hư hỏng tài sản của gia đình ông Vươn, ông Quý. 

Cáo trạng kết luận các bị can Nguyễn Văn Khanh - Nguyên Phó chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng; Phạm Xuân Hoa - Nguyên Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường; Lê Thanh Liêm - nguyên Chủ tịch UBND xã Vinh Quang phải chịu trách nhiệm về việc hủy hoại tài sản có giá trị 295 triệu đồng, trong đó ông Hoan giúp sức cho ông Khanh hủy hoại tài sản của gia đình ông Quý có giá trị 191 triệu đồng. 

Bị can Lê Văn Hiền - nguyên Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng, với trách nhiệm là người đứng đầu cơ quan hành chính ở địa phương đã không thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ theo quy chế làm việc và không có biện pháp đôn đốc, kiểm tra, giám sát trong quá trình chuẩn bị cưỡng chế và tổ chức thực hiện cưỡng chế nên đã không phát hiện, ngăn chặn kịp thời, để ông Khanh cùng đồng phạm thực hiện việc tháo dỡ tài sản, không thực hiện đúng Kế hoạch số 104/KH-UBND ngày 24/11/2012 của UBND huyện, gây hậu quả nghiêm trọng. 

Căn cứ vào tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, Viện KSND TP Hải Phòng đã ban hành Cáo trạng số 12/CT-P1A ngày 07/01/2013 truy tố các bị can Nguyễn Văn Khanh, Phạm Xuân Hoa, Lê Thanh Liêm về tội “hủy hoại tài sản” theo khoản 3, điểm a, Điều 143 BLHS; truy tố Phạm Đăng Hoan về tội “hủy hoại tài sản” theo khoản 2, điểm g, Điều 143 BLHS; truy tố Lê Văn Hiền về tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo khoản 1 Điều 285 BLHS. 

Đối với một số cán bộ thuộc các phòng, ban của UBND huyện Tiên Lãng và những đối tượng được trưng dụng tháo dỡ tài sản của gia đình ông Vươn, ông Quý, tài liệu điều tra có trong hồ sơ vụ án không đủ cơ sở kết luận hành vi của những đối tượng này đủ yếu tố cấu thành tội phạm hình sự nên cơ quan điều tra không khởi tố. 

Trước đó, ngày 04/01/2013, Viện Kiểm sát nhân dân TP Hải Phòng cũng đã ban hành Cáo trạng số 10/CT-P1A truy tố các bị can Đoàn Văn Vươn, Đoàn Văn Sịnh, Đoàn Văn Quý, Đoàn Văn Vệ về tội giết người quy định tại điểm d, khoản 1, Điều 93 BLHS; các bị can Phạm Thị Báu, Nguyễn Thị Thương về tội chống người thi hành công vụ quy định tại điểm d, khoản 2, Điều 257 BLHS. 

Cáo trạng nêu rõ, ngày 05/01/2012 UBND huyện Tiên Lãng đã tổ chức cưỡng chế thu hồi 19,3 ha đất bãi bồi ngoài đê biển quốc gia thuộc địa bàn xã Vinh Quang - Tiên Lãng - Hải Phòng thì bị Đoàn Văn Vươn và các đồng phạm dựng hàng rào dùng mìn tự tạo, bình gas, súng hoa cải tấn công tổ công tác số 3 làm nhiệm vụ bảo vệ và rà phá bom mìn. Hậu quả là một số thành viên của tổ công tác bị thương, tổn hại từ 01 - 43% sức lao động.  

Ngày 09/01/2012, cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP Hải Phòng đã quyết định khởi tố vụ án, khởi tố các bị can để điều tra. Kết quả điều tra đã xác định: Với mục đích chống đối, để không phải giao lại đất, chuyển từ vụ việc dân sự hành chính sang vụ án hình sự, Đoàn Văn Vươn, Đoàn Văn Quý, Đoàn Văn Sịnh, Đoàn Văn Thoại, Đoàn Văn Vệ, Phạm Thái đã bàn bạc làm hàng rào, trải rơm, làm mìn tự tạo, chuẩn bị súng bắn đạn hoa cải và đã sử dụng mìn, súng bắn vào những người làm nhiệm vụ bảo vệ và rà phá bom mìn theo sự phân công của UBND huyện Tiên Lãng, hậu quả làm 7 người trong đoàn cưỡng chế bị thương. 
Người thân gia đình ông Đoàn Văn Vươn đọc cáo trạng
Người thân gia đình ông Đoàn Văn Vươn đọc kết luận điều tra vụ án từ Công an Hải Phòng

Các bị can nhận thức rõ việc sử dụng súng, mìn, vật liệu nổ là gây nguy hiểm đến tính mạng và sức khỏe của người khác. Nhưng để đạt được mục đích, các bị can đã cố ý thực hiện hành vi “giết người”. 

Vì thế, ngay từ khi bàn bạc, Đoàn Văn Quý đã thể hiện mong muốn giết người qua lời nói và được Vươn, Sịnh tán thành, góp tiền mua thêm súng, chuẩn bị kỹ lưỡng việc sử dụng mìn tự tạo, súng để bắn vào bất kỳ người nào thi hành lệnh cưỡng chế. Ý chí quyết tâm thực hiện tội phạm đến cùng được thể hiện rõ thông qua hành vi: kích mìn nổ nhưng không đạt hiệu quả thì tiếp tục sử dụng súng bắn, thấy có người trong tổ công tác bị trúng đạn, vẫn tiếp tục bắn nhiều phát nữa. Hậu quả chết người chưa xảy ra nằm ngoài ý muốn của các bị can. Như vậy có đủ cơ sở xác định các bị can đã có hành vi đồng phạm tội giết người theo quy định tại Điều 93 BLHS. 

Đối với Nguyễn Thị Thương và Phạm Thị Báu, đã tiếp nhận ý chí của Vươn, Quý, Sịnh về việc chống lại những người thi hành công vụ và có hành vi trực tiếp tham gia làm hàng rào, trải rơm, mua xăng, mua mũ len để tạo điều kiện cho các bị can khác thực hiện hành vi chống đối những người thi hành công vụ. Do vậy có đủ cơ sở xác định các bị can có hành vi chống người thi hành công vụ theo quy định tại Điều 257 BLHS. Hành vi của các bị can gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến trật tự, an toàn xã hội tại địa phương. 

Ngoài hành vi giết người, các bị can Vươn, Quý, Sịnh, Thoại, Vệ, Thái còn có hành vi chống người thi hành công vụ. Nhưng xét thấy các bị can đã bị truy tố về tội giết người nên không khởi tố xử lý về tội chống người thi hành công vụ nữa. 

Đối với Thoại và Thái, sau khi thực hiện hành vi  phạm tội đã bỏ trốn, cơ quan điều tra quyết định truy nã, khi nào bắt được sẽ xử lý sau. Đối với Đoàn Xuân Quỳnh, Đoàn Văn Việt, Phạm Thị Tươi, Đoàn Thị Máp và Trần Thị Mịn có hành vi tham gia làm hàng rào, trải rơm nhằm mục đích cản trở lực lượng cưỡng chế, xét thấy hành vi vi phạm có mức độ, nhân thân chưa có tiền án tiền sự nên cơ quan điều tra không xử lý về hình sự. 

Từ ngày 8-10/4, TAND thành phố Hải Phòng cũng sẽ đưa vụ án “Hủy hoại tài sản” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nguyên trọng” ra xét xử. Bị cáo trong vụ án này nguyên là các cán bộ UBND huyện Tiên Lãng và xã Quang Vinh.

Theo cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hải Phòng, ngày 5/1/2012, do không chấp thuận với quyết thu hồi đất của UBND huyện Tiên Lãng, ông Đoàn Văn Vươn cùng người nhà đã dùng súng tự chế bắn vào lực lượng cưỡng chế khu đầm của ông Đoàn Văn Quý, khiến 7 cán bộ chiến sĩ công an, quân đội bị thương.
 
Trong vụ án "giết người, chống người thi hành công vụ": Các bị cáo bị truy tố về tội danh “giết người”, gồm: Đoàn Văn Vươn (50 tuổi); Đoàn Văn Quý (47 tuổi, em trai ông Vươn); Đoàn Văn Sịnh (55 tuổi, anh trai ông Vươn) và Đoàn Văn Vệ (39 tuổi, cháu ruột ông Vươn).
 
Bị truy tố về tội danh “Chống người thi hành công vụ” có hai bị cáo, gồm: Bà Phạm Thị Báu (31 tuổi, tức Hiền, vợ Đoàn Văn Quý) và Nguyễn Thị Thương (43 tuổi, vợ Đoàn Văn Vươn).
 
Riêng hai đối tượng Đoàn Văn Thoại (em trai Đoàn Văn Vươn) và Phạm Thái (anh vợ Đoàn Văn Quý), sau khi gây án đã bỏ trốn và có lệnh truy nã, khi nào bắt được sẽ xử lý sau.
 
Trong vụ án “Hủy hoại tài sản” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”: Các bị cáo Nguyễn Văn Khanh (Nguyên Phó chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng); Phạm Xuân Hoa (Nguyên Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường); Lê Thanh Liêm (Nguyên Chủ tịch UBND xã Vinh Quang); Phạm Đăng Hoan (Nguyên Bí thư xã Vinh Quang) bị truy tố về tội danh “Hủy hoại tài sản”. Lê Văn Hiền (Nguyên Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng) bị truy tố về tội danh “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
 


Copy từ: TS Nguyễn Xuân Diện

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét