Nhà báo Nguyễn Phương Hùng. Ảnh: Xuân Phong.
Kính thưa ông nhà báo Nguyễn Phương Hùng.Tôi không ngạc nhiên với những nội dung của các bài báo trên trang Nhân Dân điện tử về những vấn đề xã hội chính trị nóng bỏng trong giai đoạn hiện nay. Đa phần, bài viết đều mang những tính định hướng, quy chụp, lập luận kém cỏi mà chẳng hề có chút thuyết phục người đọc. Vì thế rất nhiều lần họ dùng những bút danh lạ/mới toanh trong làng báo để đăng bài. Người dân chúng tôi đã từ lâu xem tờ báo này là tiếng nói của đảng cộng sản, không còn là tiếng nói đại diện cho nhân dân lao động và chúng tôi không đọc báo Nhân dân. Thế nhưng hôm nay, nhờ diễn đàn ABS đăng lại [1], tôi khá bất ngờ với bài trả lời phỏng vấn của ông, một người xa quê hương tới 36 năm mới trở về, một nhà báo đã từng là quân dân của chế độ Việt Nam Cộng Hòa với những nhận xét hết sức phiến diện, hời hợt và có nhiều chi tiết sai sự thật, cái điều đáng lẽ không nên có ở một người có tuổi đời và trải nghiệm như ông.
Tôi xin lấy dẫn chứng.
- Thứ nhất: tôi xin nói về câu chữ về một sự vô nghĩa, không liên quan với nhau trong phát ngôn của ông, khó có thể chấp nhận khi ông là một nhà báo chuyên nghiệp.
Trích “Những tuyên truyền về “đàn áp tôn giáo” ở Việt Nam đã hoàn toàn biến mất trong tôi khi về nước, tôi được chứng kiến kiến trúc đồ sộ của Đại Chủng viện (Công giáo) Long Khánh hay chùa Bái Đính ở Ninh Bình được công nhận là lớn nhất ở khu vực Đông Nam Á”. Việc đàn áp tôn giáo nó chẳng có gì liên quan tới việc kiến trúc đồ sộ ở chùa Bái Đính được công nhận lớn nhất khu vực. Ông biết nước ta có bao nhiêu tôn giáo? Đâu phải tất cả các tôn giáo đều bị đàn áp và ông có theo dõi phiên tòa xét xử 18 thanh niên công giáo vừa qua không?
- Thứ hai: trích “Ngay lần trở về đầu tiên đã khiến tôi thay đổi suy nghĩ. Tại sao mình mãi ám ảnh, than vãn về quá khứ để cuối cùng cũng chẳng giải quyết được gì, trong khi đất nước Việt Nam đã và đang có rất nhiều sự thay đổi? Thực sự tôi đã bị bất ngờ trước những hình ảnh thực của đất nước sau 36 năm lưu lạc, không như những gì tôi hình dung và tưởng tượng”. Ở nhận xét này, tôi phải bày tỏ một sự khinh thường một người đáng tuổi cha chú của tôi, đã từng được sống những 36 năm ở đất nước phát triển mà vẫn mang đầu óc ấu trĩ, hời hợt và nông cạn.
Để đánh giá về sự giàu nghèo của một con người, ta đâu chỉ nhìn xem quần áo họ mặc, những thứ phục trang lấp lánh mà họ mang khóac trên người, mà phải xem cái giá trị nền tảng, bền vững nhất như nguồn thu nhập ổn định của họ, những tài sản mà họ sở hữu, những cổ phiếu mà họ nắm giữ cũng như những tiềm năng và tài năng kinh doanh nhằm gia tăng khối tài sản đó.
Tất nhiên, họ có tài, họ giàu có chẳng ai cấm đoán hay giễu cợt họ được. Thế nhưng có những kẻ tìm mọi cách để hóa thành “đại gia”, họ vay mượn, thuê mướn, thậm chí lừa đảo/ăn cắp của người khác những vật dụng, tài sản mà họ tìm cách phô trương. Đó không phải là chuyện hiếm ở Việt Nam, một nơi mà con người được đánh giá qua hình thức bề ngoài, một nơi mà người ta có thể bỏ tiền thậm chí bỏ cả danh dự để sở hữu một tấm bằng có tên gọi là “tiến sĩ” dù đầu óc rỗng tuếch và nhận được sự khinh bỉ của dân chúng.
Ông nói, đất nước Việt Nam đang có sự thay đổi ư? Phải thay đổi chứ, nhưng hãy nhìn xem xung quanh chúng ta các nước láng giềng họ thay đổi ở mức nào để mà so sánh. Chúng ta thua Singapore những 150 năm, thua Nam Hàn 95 năm, thậm chí như Thái Lan thôi, chúng ta cũng thua họ khoảng 50 năm về sự phát triển. Hãy nhớ lại cái xã hội mà ông đã từng phục vụ xem, Lý Quang Diệu mơ mãi về một hòn ngọc viễn đông chắc ông không thể không biết?
Những thứ mà VN đang “khoác lên người” là gì?
- Đường xá, công trình nhà cao tầng ư? Đó là tiền vay mượn từ ngân hàng thế giới/ngân hàng Châu Á, mà hiện nay nhiều khoản vay đã hết hạn phải thanh khoản. Ở một nước mà nhân công rẻ mạt, chi phí làm đường cao gấp 3-3,5 lần Mỹ hay Nhật, xăng dầu đắt hơn họ khoảng 30% tính theo giá ngoại tệ dù chúng ta cũng nhập khẩu như họ, xe hơi đắt gần gấp 3 lần họ vì chịu gần 2 lần chi phí nữa cho mọi khoản thuế,….Điều đó có hợp lý, có đáng vui mừng không thưa ông?
- Thu nhập bình quân đầu người tăng ư? Hãy nhìn tỉ số lạm phát đi, dù son số rất đáng nghi ngờ vì sự “sửa chữa, bôi xoá” của nhà nước nhưng tôi cứ so mức lương của tôi, năm 2000 lương một tháng tôi có thể mua được 1,5 chỉ vàng thì năm 2010, lương một tháng chưa mua được 0,7 chỉ vàng. Nợ nước ngoài mà mỗi người dân, từ ấu thơ nứt mắt vừa ra đời hay phụ lão già nua chống gậy là 860 USD. Có những gia đình 4-5 người cả tài sản của họ chưa nổi 20 triệu đồng. Điều đó có đáng mừng không hả ông? Họ làm gì để phải đeo mang một khoản như thế?
- Đời sống người dân được cải thiện ư? Xin ông hãy đi xuống với nông dân, xem xem họ bị tước đoạt đất đai, họ cùng quẫn ra sao, bao nhiêu cô gái được gả bán là vợ, làm nô lệ cho đàn ông nước ngoài. Hãy đến những khu công nghiệp mà tìm hiểu về đời sống công nhân đi ông Nguyễn Phương Hùng ạ, để cho lời nói của ông có chất lượng, có giá trị, phản ánh đúng đắn những thực trạng đang xảy ra trên đất nước này.
Ngoài ba cái kể trên, theo ông cái nào là cái thay đổi đáng mừng, xin ông hãy cho tôi biết để tôi sẽ hầu chuyện tiếp với ông. Đó là tôi bỏ ra những cái mà nhà nước này không dám khoe như môi trường ô nhiễm nhất Đông Nam Á, Hà nội là thủ đô ô nhiễm nhất châu Á, giáo dục tụt dốc, khoa học giả cầy, đạo đức suy đồi, nhân quyền bị lên án,….
Ông bảo “Ai chưa về Việt Nam hãy về một lần cho biết”, xin thưa, người Việt mình có câu lá rụng về cội, ngay cả những người bị “khoanh vùng” đặc biệt như Nguyễn Cao Kỳ, nhạc sĩ Phạm Duy cũng chỉ mong khi chết thì họ được là nắm đất của quê hương. Người ta về nhiều lắm chứ ông, nhiều người tham gia đầu tư, giảng dạy, hoạt động từ thiện, viết bài nói lên sự thật, phản ánh nổi khổ cực của dân nghèo, đâu phải tới 36 năm mới về như ông. Mà cũng lạ là cái câu “Ai chưa về Việt Nam hãy về một lần cho biết” lại do ông phát ra chứ không phải từ bao nhiêu người con Việt khác, những tấm lòng khắc khoải với sự thụt lùi, nguy cơ bị xâm phạm, cướp đoạt lãnh thổ hải đảo của quê hương mình?
Tôi rất thích câu danh ngôn “hổ chết để da, người chết để tiếng”. Hãy về Việt Nam nhưng về để đi tới tận nơi có máu nông dân đổ xuống đồng ruộng của họ vì họ muốn giữ tài sản, giữ nghề nông bao đời nay, vì họ đeo đuổi cái tuyên ngôn “người cày có ruộng”, đừng về theo kiểu cưỡi ngựa xem hoa, xem báo cáo trong phòng lạnh. Hãy nghe bằng cả hai tai, nhìn bằng hai con mắt nhưng nên nói thật dè xẻn sau khi ông đã cân nhắc, phán xét bằng một cái đầu thì lạnh và một quả tim nóng, tôi tin rằng ông sẽ có một cái nhìn khách quan hơn trong mọi hoàn cảnh.
Nếu đất nước tốt đẹp thế, hãy về VN mà sống nốt quãng đời còn lại ông ạ và hãy cộng tác với tờ báo Nhân Dân điện tử để phục vụ Đảng Cộng Sản Việt Nam, tôi tin là ông sẽ được họ chào đón.
Chúc ông nhiều sức khoẻ.
Và nói thật, những người dân nghèo như chúng tôi, không mong sự trở về của những người như ông.
[1] http://anhbasam04.wordpress.com/2013/04/01/hay-tro-ve-de-thay-va-tin-vao-su-that/
Copy từ: Hai Lúa
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét