Bài liên quan:
-- Nhân quyền VN 2012 (1): Quyền chính trị bị triệt tiêu
– Nhân quyền VN 2012 (2): Quyền tự do phát biểu và ngôn luận bị chà đạp
– Nhân quyền VN 2013 (3): Tòa án phục vụ lợi ích của
– Nhân quyền VN 2012 (4): Chính sách bao hành công an trị
– Nhân quyền VN 2012 (5): Không có tự do tôn giáo
VRNs (19.04.2013) – Sài Gòn - Việt
Nam là một nước có nhiều tôn giáo, và tôn giáo nói chung đóng một vai
trò vô cùng quan trọng trong sinh hoạt văn hóa-xã hội VN. Chính nhà nước
VN cũng thừa nhận rằng “hiện nay ở VN có khoảng 80% dân số có đời sống
tín ngưỡng, tôn giáo.”[1]
Từ khi nắm được chính quyền, với chủ trương xóa bỏ tôn giáo để tiến lên
xã hội chủ nghĩa, nhà nước CSVN đã tìm mọi cách để ngăn cấm quyền tự do
tôn giáo của người dân bằng nhiều phương tiện khác nhau:
- Ngăn chặn bằng pháp luật
- Kiểm soát bằng tổ chức
- Đàn áp bằng bạo lực
1. Ngăn Chặn Bằng Pháp Luật
Mặc dù
HPVN1992 quy định rằng “không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng” (Điều
70), nhưng Pháp lệnh Tín ngưỡng Tôn giáo năm 2004 và Nghị định 22 của
Chính phủ ban hành năm 2005 đã quy định rất nhiều điều kiện rất khắc
nghiệt để một tổ chức tôn giáo được nhà nước thừa nhận và cho phép hoạt
động. Năm 2012, với việc áp dụng Nghị định số NĐ 92/2012/NĐ-CP, thay thế cho nghị định số 22 năm 2005, nhà nước xiết chặt hơn nữa việc đăng ký hoạt động, đào tạo cũng như bổ nhiệm các chức sắc, trùng tu các cơ sở tôn giáo vv…
Một
cách vắn tắt, Nghị định 92/2012 với 5 chương 46 điều chi tiết hóa một
cách chặt chẽ hơn những hạn chế sinh hoạt của các tổ chức tôn giáo được
quy định trong các văn bản luật trước đây, đặc biệt là trong phần “Tổ
chức tôn giáo” (Chương III) và “Hoạt động tôn giáo” (Chương IV). Mọi
sinh hoạt của các tổ chức tôn giáo đều phải được thông báo trước đến
chính quyền các cấp liên hệ để được chấp thuận hay không được chấp
thuận. Việc đăng ký cũng hạn chế cho những tổ chức tôn giáo có sinh hoạt
tôn giáo ổn định 20 năm trở lên và “không vi phạm các quy định tại
Khoản 2 Điều 8 và Điều 15 Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo” (Điều 6 của NĐ
92/2012.)
Việc quy
định như thế có nghĩa là nhà nước có thể tùy tiện giải tán và truy tố
bất kỳ tổ chức tôn giáo nào mà họ gán cho là “vi phạm an ninh quốc gia,”
“chia rẽ nhân dân,” “gây rối trật tự công cộng,” “tuyên truyền trái với
pháp luật và chính sách của nhà nước”… như được dự liệu trong bộ luật
hình sự hiện hành.
Trong thời
gian chuẩn bị áp dụng Nghị định 92/2012, nhà nước đã tổ chức nhiều cuộc
hội thảo. Ngày 13-5-2011 đại diện các Giáo Phận thuộc Giáo tỉnh Sài Gòn
đã tổ chức buổi hội thảo đóng góp ý kiến cho chính quyền và đưa ra một bản góp ý, trong đó có đoạn, “Thực
chất, những dự định thay đổi của Nghị định muốn tái lập tình trạng Xin –
Cho trong các sinh hoạt tôn giáo. Cơ chế Xin – Cho biến những quyền tự
do của công dân thành những thứ quyền Nhà Nước nắm trong tay và ban bố
lại cho người dân qua những thủ tục cấp phép. Như thế cơ chế Xin – Cho
vừa xoá đi các quyền tự do của người dân, vừa biến một Nhà Nước của dân,
do dân và vì dân thành một chủ nhân ông nắm trong tay các quyền tự do
của người dân và thi ân cho họ theo cảm tính hoặc ngẫu hứng của mình.” [2]
Ủy Ban Công Lý và Hòa Bình của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam đã nhận xét: “Đây
là văn bản hết sức tụt hậu so với Nghị định 22, vốn có nhiều bất cập,
vì nó đã can thiệp thô bạo, bất công và vô lý vào công việc thuần túy
nội bộ của các tôn giáo, xâm phạm quyền căn bản của công dân, chắc chắn
sẽ gây xáo trộn trong đời sống xã hội, đồng thời khó có thể lường trước
những hệ lụy phức tạp.”[3]
Tổ chức
Đoàn kết Kitô Giáo thế giới (CSW), cũng đã bày tỏ sự lo ngại đối với
Nghị định 92/2012 nầy khi lên tiếng, “Nghị định 92 dường như có xu hướng
giới hạn các hoạt động tôn giáo, đi ngược lại các cam kết của VN khi
tham gia vào Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị , cụ thể
là điều 18 liên quan đến việc bảo đảm quyền tự do tôn giáo hay tín
ngưỡng.”[4]
Ngoài
những luật lệ có tính chuyên biệt nhằm trói buộc các sinh hoạt tôn giáo,
chính quyền còn hình sự hóa các sinh hoạt tôn giáo với các điều khoản
khét tiếng của Bộ Luật Hình Sự 2009 như các điều 79, 87, 88, và 89[5]
để quy tội những người đấu tranh cho quyền tự do tôn giáo. Trong năm
2012, nhà nước đã lạm dụng các điều khoản trên trong các trường hợp điển
hình sau:
- § Ngày 04-02-2013, Tòa sơ thẩm tỉnh Phú Yên xử 22 người thuộc Hội đồng Công luật Công án Bia Sơn, một tổ chức tôn giáo (một giáo phái có tên “Ân đàn Đại đạo”, đã được thành lập từ năm 1969) về tội “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”. Án Chung thân dành cho Ông Phan Văn Thu, người bị coi là cầm đầu tổ chức. hai mươi mốt người còn lại lãnh tổng cộng 295 năm tù, từ 17 năm đến 10 năm. Những người nầy bị bắt vào tháng 2 năm 2012.
- § Ngày 23-01-2013: Tòa án huyện An Phú, tỉnh An Giang đã xử ông Bùi Văn Trung, một tín đồ Phật giáo Hòa Hảo về tội chống người thi hành công vụ. Ông Bùi Văn Trung bị bắt hồi ngày 30 tháng 10 mà nguyên nhân sâu xa do lập đàn niệm Phật tại gia.
- § Ngày 12-12-2012, Tòa án tỉnh Lai Châu xử phạt bốn người H’Mông theo Thiên chúa giáo gồm Tráng A Chớ mức án 7 năm tù; Giàng A Lồng, Lý A Di và Hầu A Giàng mức án 3 năm tù về tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân. Cũng như những người bị xử trong phiên tòa ngày 13-3-2012 bởi Tòa án tỉnh Điện Biên, đây là một số trong chừng 5,000 người H’Mông đã tụ họp tại khu vực gần bản Huổi Khon, xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên để cử hành một nghi thức cầu nguyện và đòi tự do tôn giáo ngày 30 -4 – 2011, và bị chính quyền điều động công an, bộ đội biên phòng, xe tăng và cả trực thăng đến trấn áp và giải tán.
- § Ngày 29-8-2012, Tòa án tỉnh Ninh Thuận tuyên y án 5 năm tù giam đối với ông Phan Ngọc Tuấn. Ông Tuấn là truyền đạo thuộc hệ phái Tin lành Lutheran. Ông bị kết án tuyên truyền, rải truyền đơn chống phá chính quyền cộng sản theo điều 87 Bộ luật hình sự.
- § Ngày 24-5-2012, Tòa án Nhân dân tỉnh Nghệ An xử bốn thanh niên công giáo gồm: Ðậu Văn Dương bị kết án 42 tháng tù, Trần Hữu Ðức 39 tháng tù, Chu Mạnh Sơn 36 tháng tù và riêng Hoàng Phong 24 tháng tù treo với tội danh “tuyên truyền chống nhà nước” theo Ðiều 88 Bộ Luật Hình Sự.
- § Ngày 26-3-2012, Tòa án Gia Lai đã xử Mục sư Tin Lành Nguyễn Công Chính 11 năm tù giam vì tội Phá hoại chính sách đoàn kết dân tộc theo Điều 87 Bộ Luật Hình sự. Mục sư Chính bị bắt từ tháng 4 năm 2011.
- § Ngày 13-3-2012, Tòa án tỉnh Điện Biên xử tù tám người H’Mông Cơ đốc giáo từ 24 đến 30 tháng tù nhân vụ bất ổn liên quan đến hàng ngàn người H’Mông Cơ đốc giáo ở tỉnh Điện Biên năm ngoái.
- § Ngày 2-3-2012, Tòa phúc thẩm tỉnh An Giang đã xử Cư sĩ Phật Giáo Hòa Hảo Nguyễn Văn Lía 4 năm 6 tháng tù giam (6 tháng ít hơn án sơ thẩm ngày 13 tháng 12 năm 2011.)
Ngoài
ra, để hạn chế sinh hoạt và ảnh hưởng của các tổ chức tôn giáo, chính
quyền dùng Luật Đất Đai 2003, để cướp đi hoặc không chịu trả lại những
cơ sở bất động sản như trường học và cơ sở y tế xã hội của các giáo hội. Vụ chính
quyền Hà Nội đã ngang nhiên tiến hành đập phá nhà thờ và tu viện Camelo
nhằm xóa sổ vĩnh viễn Tu viện Dòng Kín Camelo số 72 Nguyễn Thái Học, Hà
Nội,[6] vụ Đại Chủng viện Giáo phận Vĩnh Long bị truất hữu đất đai[7] là những trường hợp nổi bật trong năm 2012.
2. Kiểm Soát Bằng Tổ Chức
Để dễ dàng
kiểm soát các tổ chức tôn giáo, chính quyền CSVN từ nhiều năm nay đã
đặc biệt chú trọng đến việc quản lý tổ chức và nhân sự của các tôn giáo.
Trong năm 2012, để gia tăng mức độ kiểm soát sinh hoạt các tôn giáo Thủ
tướng Nguyyễn Tấn Dũng đã bổ nhiệm Trung tướng công an Phạm Dũng,
nguyên là Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh II, Bộ Công an, giữ chức Thứ
trưởng Bộ Nội vụ kiêm Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ. Với việc bổ nhiệm
nầy rõ ràng chính quyền thể hiện quyết tâm công an hóa việc quản lý các
sinh hoạt tôn giáo của người dân.
CSVN vẫn
tiếp tục thủ tục “đăng ký hoạt động” và cấp “Giấy công nhận” đối với mọi
tôn giáo. Mọi sinh hoạt tôn giáo như các khóa tu tập, cấm phòng, rước
kiệu…đều phải có phép mới được tiến hành. Chính quyền vẫn tiếp tục chính
sách phân hóa để cai trị đối với các tôn giáo. Đối với mỗi tôn giáo,
bao giờ cũng có một ủy ban do nhà nước thúc đẩy thành lập và được Mặt
trận Tổ quốc giám sát thường xuyên, nhằm phối hợp các hoạt động cho phù
hợp với đường lối chính trị của chế độ. Đối với Phật giáo, nhà nước chỉ
công nhận Giáo hội Phật giáo Việt Nam, mà phủ nhận và đàn áp Giáo hội
Phật giáo Việt Nam Thống Nhất. Đối với Phật giáo Hòa Hảo, nhà nước phủ
nhận Phật giáo Hòa Hảo Thuần Túy và lập ra Ban Đại Diện Phật giáo Hòa
Hảo Trung ương. Đối với Cao Đài Giáo, chính quyền dựng lên Hội Thánh Cao
Đài Quốc Doanh tức là Cao Đài thuộc Hội đồng Chuởng Quản theo bản Hiến
Chương năm 2007 để tách ra khỏi Hội Thánh Cao Đài chơn truyền. Đối với
phật tử sắc tộc Khmer, nhà nước giải tán hội Phật giáo tiểu thừa
Theravada và ép buộc sư sãi gia nhập Hội Đoàn Kết Sư Sãi Yêu Nước. Đối
với Công giáo thì họ tìm mọi cách nuôi dưỡng Ủy ban Đoàn kết Công giáo,
để gây sức ép với Hội đồng Giám mục.
Việc
tuyển chọn, đào tạo, phong chức, bổ nhiệm và thuyên chuyển các chức sắc
tôn giáo đều phải xin phép nhà nước; có được nhà nước chấp nhận thì mới
được thi hành. Chương trình đào tạo các tu sĩ hay chức sắc tôn giáo
phải được nhà nước xét duyệt, và phải có những môn học về chủ nghĩa
Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, lịch sử ĐCSVN, và nền pháp chế XHCN do
các cán bộ nhà nước dạy.
Ứng
viên vào các chức vụ cao cấp trong các tôn giáo phải được nhà nước cấp
trung ương xét duyệt và chấp thuận thì tôn giáo mới được phong chức. Ngoài
ra chính quyền cộng sản còn đào tạo riêng những cán bộ công an đội lốt
“tu sĩ” đặc biệt là tu sĩ Phật giáo, để cài vào các chùa, các tu viện ở
trong nước, cũng như tại hải ngoại với mục đích lũng đoạn hàng ngũ các
chức sắc của các giáo hội và tín đồ tôn giáo.
Chính
quyền thường cản trở việc đi lại của các chức sắc tôn giáo và ngăn cấm
các lễ hội tôn giáo mà họ cho là không phù hợp với lợi ích của đảng cầm
quyến. Chẳng hạn, ngày 8-4-2012, hai Đức Giám mục của giáo phận Kontum
là Micae Hoàng Đức Oanh và Phêrô Trần Thanh Chung bị công an xã Đăk Hring huyện Đăk Hà, Kontum ngăn chặn trên đường đi đến địa điểm hành lễ tại làng Turia Yôp.
Ngày 17-3-2012, chính quyền huy động gần 400 công an ngăn chặn tín hữu
Phật giáo Hòa hảo tập họp tại nhà ông Trần Nguyên Hưởn (Hội Trưởng Giáo
Hội Phật Giáo Hòa HảoThuần Túy tỉnh An Giang) tọa lạc tại xã Long Giang,
Chợ Mới, An Giang để tưởng niệm năm thứ 65 ngày Đức Huỳnh Giáo Chủ thọ
nạn. Các chùa thuộc hệ thống Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất ở Thừa Thiên-Huế đến Bình Thuận đã bị nhà cầm quyền các địa phương hăm dọa và ngăn cấm tổ chức đại lễ Phật Ðản trong năm 2012 cũng như những năm trước đó. Từ
12 đến 14 tháng 8, 2012 Chùa Giác Minh ở thành phố Đà Nẵng bị phong tỏa
toàn diện trong dịp lễ Vu Lan. Công an ngăn cấm bất cứ ai đến chùa dự
lễ. Đó là một số trong rất nhiều trường hợp chính quyền ngăn cản các
sinh hoạt tôn giáo không nằm trong vòng kiểm soát của họ.
Ngoài
sinh hoạt thờ phượng, dạy giáo lý, đào tạo chức sắc, những sinh hoạt
tôn giáo khác như mở các cơ sở giáo dục, mở bệnh viện, làm công tác từ
thiện xã hội (như cứu trợ thiên tai) vẫn bị hạn chế. Các tôn giáo chỉ
được quyền mở các trường mẫu giáo, không được thành lập trường tiểu học,
trung học, đại học (như trước năm 1975 tại miền Nam). Hàng ngàn cơ sở
thuộc các loại sinh hoạt bị hạn chế ấy đã bị nhà cầm quyền tịch thu hàng
mấy chục năm nay, rất ít cơ sở được hoàn trả lại.
3. Đàn Áp Bằng Bạo Lực
Ngoài
những biện pháp ngăn chặn, hạn chế và kiểm soát nêu trên, chính quyền
CSVN không ngần ngại dùng bạo lực vũ trang để khống chế các tổ chức tôn
giáo khi cần thiết, hoặc để dằn mặt trước, hoặc khi các biến động vượt
ra ngoài sự kiểm soát của họ. Trong năm 2012, việc sử dụng bạo lực đàn
áp các sinh hoạt tôn giáo vẫn còn tiếp tục với nhiều vụ liên tục suốt
năm. Sau đây là những vụ đàn áp tiêu biểu được dư luận quan tâm:
♦ Vụ công an hành hung linh mục Nguyễn Quang Hoa thuộc Giáo phận Kontum [8]
Vào ngày
23-02-2012, trên đường về nhà sau khi hoàn tất lễ an táng ở làng Kon
Hnong, huyện Đăk Hà, tỉnh Kontum, linh mục Nguyễn Quang Hoa bị 3 tên côn
đồ dùng thanh sắt tấn công. Ông vội chạy vào rừng cao su, nhưng vẫn bị
bọn chúng rượt đuổi theo đánh ngã xuống đất, bị thương nặng ở đầu, cả
thân mình và tứ chi. Sau đó bọn chúng đập phá hỏng xe máy của linh mục
Hoa. Trước đây linh mục Hoa đã bị những phần tử xấu hăm dọa nhiều lần
mỗi khi đi dâng lễ an táng tại làng Kon Hnong này. Sau vụ hành hung đó,
công an huyện Đăk Hà buộc cha Hoa phải làm “đơn yêu cầu không điều tra.”
♦ Vụ Linh mục Nguyễn Văn Bình (Hà Nội) bị hành hung [9]
Ngày
14-4-2012, nhà cầm quyền xã Thủy Xuân Tiên, huyện Chương Mỹ, Hà Nội dùng
một bọn côn đồ và công an giả dạng côn đồ đập phá nhà nuôi trẻ mồ của
linh mục Giuse Nguyễn Văn Bình, chánh xứ Yên Kiện thuộc Tổng giáo phận
Hà nội. Đây là một ngôi nhà do linh mục Bình mua và xây sửa lại để nuôi
các cháu mồ côi. Trước ngày xảy ra vụ bạo hành, linh mục Bình muốn làm
bữa cơm nhỏ để mời những ân nhân của các cháu, nhưng ủy ban nhân dân xã
Thủy Xuân Tiên không cho phép. Sáng hôm sau, chính quyền thuê một nhóm
côn đồ khoảng 200 tên vào phá tan cơ sở trong lúc công an chặn tất cả
các ngả vào. Khi nghe tin linh mục Bình đến, họ xúm lại dùng các loại vũ
khí đặc trưng của họ tấn công linh mục Bình và các giáo dân đến cứu.
Linh mục Bình bị đánh bất tỉnh, nhiều giáo dân bị đánh đập dã man, các
trẻ cô nhi bị đuổi ra khỏi nhà, vật dụng vứt ra sân và ngôi nhà bị đập
phá tan tành.
♦ Vụ đàn áp giáo xứ Con Cuông [10]
Con Cuông,
một giáo xứ nhỏ thuộc tỉnh Nghệ An, vốn đã bị chính quyền địa phương
đàn áp từ lâu. Tháng 11 năm 2011 chính quyền huyện đã huy động lực lượng
trên 500 công an, dân phòng đến Nhà nguyện của Giáo điểm để gây hỗn
loạn đang khi linh mục và giáo dân dâng lễ. Ngày 03-06-2012, khi linh
mục đến dâng lễ, một số cán bộ huyện và xã khoảng 50 người lại sách
nhiễu, gây ồn ào, và cản trở buổi thờ phượng linh thiêng. Ngày
24-6-2012, khoảng 250 người được nhà cầm quyền điều động kéo đến phá
rối, ngăn cản giáo dân và linh mục cử hành phụng vụ ngày Chủ nhật. Công
an và côn đồ đặt loa phóng thanh công suất lớn sát cửa sổ nhà nguyện để
gây ồn và kể “tội” Đức giám mục giáo phận, các linh mục và giáo dân.
Nghiêm trọng nhất là vào ngày 01-07-2012, linh mục Nguyễn Đình Thục đã
bị lực lượng an ninh trang bị súng ống, dùi cui, gậy gộc, đá gạch… ngăn
cản không cho vào nhà nguyện. Họ đánh đập dã man giáo dân và đập phá ảnh
tượng thờ. Một số giáo dân bị thương phải nhập viện cấp cứu.
♦ Vụ đàn áp tín đồ Phật giáo Hòa hảo ở chùa Quang Minh Tự thuộc tỉnh An Giang [11]
Cũng như
hàng năm, nhân kỷ niệm ngày Đức Huỳnh Giáo Chủ Khai Sáng Đạo Phật Giáo
Hoà Hảo, nhiều tín đồ đến cầu nguyện tại chùa Quang Minh Tự tại ấp Long
Hoà 2, xã Long Điền A, quận Chợ Mới, tỉnh An Giang do tu sĩ Võ Văn Thanh
Liêm trụ trì. Vào ngày 5-7-2012 (tức ngày 17 tháng Năm âm lịch – thời
điểm kỷ niệm 73 năm ngày Đức Huỳnh Giáo Chủ Khai Sáng Đạo Phật Giáo Hoà
Hảo) trong lúc nhiều tín đồ tới chùa Quang Minh Tự để làm lễ thì cả
trăm công an xã, huyện, tỉnh không mặc sắc phục đến ngăn cản, đẩy xô,
không cho ai vào chùa. Họ dùng ngôn từ thô lỗ với Đạo, chửi mắng các tín
đồ, và dùng máy bơm nước ở dưới hầm xịt vào đám đông. Ngày hôm sau,
6-7-2012, một số tín đồ trên đường đi viếng Tổ Đình Hoà Hảo về muốn làm
lễ ở Quang Minh Tự nhưng bị lực lượng vừa nói xô đẩy không cho vô, lại
còn hành hung khiến một số người bị thương.
♦ Hai vụ đàn áp đồng bào sắc tộc theo Đạo Công giáo tại Cao nguyên Trung phần
Đồng bào
sắc tộc theo đạo Công giáo và các giáo phái Tin lành sinh sống trên Cao
nguyên Trung phần và các tỉnh thượng du phía Bắc là đối tượng đàn áp
thường xuyên và khốc liệt kể từ sau 1975. Nhiều người, và đôi khi cả
buôn làng, bị đánh đập, tra tấn và nhiều người khác đã bị thảm sát chỉ
vì họ nhất quyết bảo vệ đức tin tôn giáo của họ. Chính quyền đặc biệt
thẳng tay với đồng bào sắc tộc cao nguyên, một mặt vì họ xem những đòi
hỏi cải thiện dân sinh chính đáng của đồng bào sắc tộc như là một mối đe
dọa, mặt khác vì họ nghĩ rằng tội ác của họ có thể được che lấp bởi vị
trí địa lý hẻo lánh của các buôn làng. Trong năm 2012, chính sách đàn áp
bằng bạo lực nhắm vào các đồng bào thiểu số theo Thiên chúa giáo vẫn
tiếp tục; sau đây là 2 vụ điển hình:
- Ngày
21-8-2012 lực lượng an ninh vũ trang đã bất thần tấn công một nhóm đồng
bào sắc tộc theo Công giáo đang họp nhau cầu nguyện tại thôn Bon Kon
H’Drom, xã Dak T’Re, huyện Kon Braih, tỉnh Kontum. Nhiều người trai trẻ
đã nhanh chân chạy thoát, nhưng nhiều người già cả và trẻ em chậm chân
không thoát được và bị bắt và đánh đập bằng gậy. Hơn 30 người bị thương
trong vụ đàn áp nầy. [12]
- Ngày
9-11-2012, chính quyền tỉnh Kontum điều động khoảng một ngàn bộ đội và
nhân viên an ninh có võ trang mở cuộc càn quét, lùng kiếm những đồng bào
sắc tộc theo Công giáo trong xã Dak Krong, và bắt được 6 người. Những
người nầy bị dẫn đến trụ sở xã Dak Krong và bị đánh đập. Một nạn nhân bị
buộc vào một cây thập tự bằng gỗ trong lúc 5 người khác tay chân bị
buộc và đặt nằm chung quanh cây thập tự. Công an triệu tập dân chúng
trong vùng đến và đe dọa những người nào còn giữ đạo sẽ chuốc lấy hình
phạt như thế.[13]
Những vụ
đàn áp điển hình nêu trên cho thấy rõ mặc dù luôn luôn rêu rao rằng VN
có tự do tôn giáo nhưng trong thực tế nhà nước không ngừng đàn áp tôn
giáo, bách hại tín đồ của tất cả mọi tôn giáo. CSVN rất nghi kỵ các tôn
giáo vì ngoài lý do ý thức hệ ra họ luôn nghĩ rằng các tổ chức tôn giáo
là nguy cơ cho sự tồn tại của chế độ.
Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam
[1] Embassy of Vietnam in the US, “Về vấn đề tôn giáo ở Việt Nam,” http://viet.vietnamembassy.us/tintuc/story.php?d=20050803170205 (Truy cập 05-1-2013)
[2] VietCatholic News, “Bản góp ý của TGP Saigòn về xây dựng Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 22/2005 NĐ-CP,” http://vietcatholic.org/News/Html/90073.htm (Truy cập 5-1-2013)
[3] Uỷ Ban Công lý và Hòa bình, “Việt Nam ban hành nghị định mới về tôn giáo,” http://conglyvahoabinh.org/?p=2630 (Truy cập 5-1-2013)
[4] Christian Solidarity Worldwide, “Vietnam: CSW concerned about new decree restricting freedom of religion,” http://dynamic.csw.org.uk/article.asp?t=press&id=1471 (Truy cập 5-1-2013)
[5]
Điều 79: Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân- Điều 87: Tội
phá hoại chính sách đoàn kết; Điều 88: Tội tuyên truyền chống Nhà nước
Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa ViệtNam; và điều 89: Tội phá rối an ninh.
[6] AsiaNews, Hanoi Carmelite monastery under government bulldozers. Appeal of the Catholics,” http://www.asianews.it/news-en/Hanoi-Carmelite-monastery-under-government-bulldozers.-Appeal-of-the-Catholics-26841.html (Truy cập 15-1-2013)
[7]
Giáo Phận Vinh Long, “ Thông Báo Số 2 Về Các Tài Sản Của Giáo Phận cùng
Các Hình Ảnh Của Đại Chủng Viện Vĩnh Long và Tình Trạng Hiện Tại,” http://giaophanvinhlong.net/Thong-Bao-So-2-Ve-Cac-Tai-San-Cua-Giao-Phan-cung-Cac-Hinh-Anh-Cua-Dai-Chung-Vien-Vinh-Long-va-Tinh-Trang-Hien-Tai.html (Truy cập 11-1-2013)
[8] Trang Blog Giáo Phận KonTum, “Đức Giám Mục Micae đã đến thăm và động viên Linh mục Luy Gonzaga Nguyễn Quang Hoa,” http://giaophankontum.com/Tin-Tuc-248_Duc-Giam-Muc-Micae-da-den-tham-va-dong-vien-Linh-muc-Luy-Gonzaga-Nguyen-Quang-Hoa.aspx (Truy cập 11-1-2013)
[9] RFA, “LM Nguyễn Văn Bình bị đánh đến hôn mê,” http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/another-cat-priest-beaten-to-unconscs-gm-04142012132138.html (Truy cập 11-1-2013)
[10] Nữ vương Công lý, “Thông tin và hình ảnh Nghệ An dùng quân đội đàn áp tôn giáo đẫm máu tại Con Cuông,” http://www.nuvuongcongly.net/xa-hoi/binh-luan/quandoi_concuong/ (Truy cập 02-12-2012)
[11] RFA, “Chùa Quang Minh Tự của PGHH bị tấn công” http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/hoa-hao-foll-attk-07112012075649.html (Truy cập 15-1-2013)
[12] Degar Foundation, “Mass Raid Against Degar Christians,” http://www.degarfoundation.org/?p=1326 (Truy cập 2-12-2012)
[13]
Degar Foundation, “Vietnam Continues To Persecute Degar Christians
Regardless Of International Law,” http://www.degarfoundation.org/?p=1344
(Truy cập 2-12-2012)
Copy từ: Truyền Thông Chúa Cứu Thế
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét