Võ Văn Tạo
Cựu HTND tòa án TP Nha Trang
Truy tố tội giết người
Theo
lịch xét xử đã công bố, anh em dân oan Đoàn Văn Vươn sẽ bị tòa án Hải
Phòng đưa ra xét xử từ 2-5/4/2013. Cáo trạng số 10/CT-P1A (ngày
4/1/2-2013) do phó viện trưởng VKS Hải Phòng Bùi Đăng Dung ký, truy tố 4
anh em Vươn, Quý, Sịnh, Vệ tội “giết người”, với khung án cao nhất:
12-20 năm, tù chung thân hoặc tử hình. Các bị cáo Phạm Thị Báu, Nguyễn
Thị Thương tội “chống người thi hành công vụ”, với khung án 2-7 năm tù.
Thông
tin này không gây ngạc nhiên cho nhiều người quan tâm, vì trước đó đã
biết công an Hải Phòng đã khởi tố theo tội danh trên.
Như
báo chí từng rầm rộ phản ánh, hành vi chống lại cưỡng chế để giữ thành
quả khai khẩn tạo lập đầm nuôi hải sản bằng mồ hôi, nước mắt và cả tính
mạng của anh em ông Vươn có nguyên do từ hành vi cưỡng chế trái pháp
luật của huyện ủy và UBND huyện Tiên Lãng, được thành ủy và UBND TP Hải
Phòng bảo kê, chỉ đạo. Sau việc làm sai trái trên, bất chấp công luận
lên án, bất chấp nhiều lãnh đạo cấp cao (đương chức và hưu trí) lên
tiếng phê phán, quan chức Hải Phòng và Tiên Lãng liên quan vẫn cố tình
quanh co dối trá, biện bạch lố bịch đến trơ trẽn. Vì vậy, khi vụ án bị
giao cho các cơ quan thực thi pháp luật của Hải Phòng giải quyết, không
khó để công luận lường trước kết quả.
Ai
cũng biết, với cơ chế “Đảng lãnh đạo tuyệt đối, toàn diện” lâu nay (kể
cả duy trì hay cách chức giám đốc công an, viện trưởng VKS, chánh án
TA), trong vụ án “nhạy cảm” này, các cơ quan thực thi pháp luật (công
an, VKS, tòa án) của Hải Phòng làm sao độc lập với “đường lối xử lý”
được hoạch định bởi thành ủy Hải Phòng ngay bắt đầu thụ lý? Không cần
phải thông minh mới hiểu, lãnh đạo Hải Phòng muốn kết tội anh em ông
Vươn thật nặng, hy vọng công luận “thông cảm” cho sai trái của Hải
Phòng.
Hai vụ án cùng bản chất
Thế nhưng, với những người có hiểu biết pháp luật sâu hơn một chút, diễn biến vụ án lại gây nhiều thất vọng.
Ngay
sau khi công an Hải Phòng khởi tố vụ Tiên Lãng, nhiều báo đã đăng tải
lại một vụ án nổi tiếng dưới thời thực dân Pháp – vụ án đầm Nọc Nạn (Bạc
Liêu, 1928).
Xét
về bản chất, 2 vụ án như nhau. Đều cưỡng chế trong bối cảnh chính sách
đất đai bất cập gây bất ổn xã hội, đều có âm mưu quan chức cường hào
cướp đoạt đất đai của nông dân, đều có sự rối rắm của thủ tục đất đai và
mờ ám của tòa án trong xét xử tranh chấp hành chính, dân sự về đất đai
trước đó.
Về
hậu quả, vụ Nọc Nạn có 5 người chết (4 nông dân, 1 lính Pháp), vụ Tiên
Lãng có 7 người trong lực lượng chế bị thương (từ 1-43% thương tật).
Thế
nhưng, vụ Nọc Nạn, tại tòa đại hình Cần Thơ, với chánh án, công tố viên
và luật sư đều người Pháp, chỉ có viên hội thẩm là người Việt, lại cho
kết cục rất nhân hậu và thuyết phục: tha bổng các nông dân từng “chống
đối người nhà nước”.
Trích Vụ án Nọc Nạn (từ điển mở Vikipedi):
Tại tòa, công tố viên Moreau đề nghị tòa thận trọng, nhắc lại vụ án Ninh Thạnh Lợi năm
1927. Ông cho rằng vụ này chứng tỏ bất ổn xã hội về đất đai đang gia
tăng hết sức nghiêm trọng. Ông nói tình cảnh của gia đình nông dân Biện
Toại rất đáng thương: bị những kẻ không có trái tim (hommes sans coeur)
đến cướp đất, rồi bọn có quyền thế tiếp tay với bọn cường hào. Moreau
đề nghị tòa tha bổng Biện Toại, cô Liễu (em Biện Toại) và con là Tia,
giảm nhẹ cho cô Trọng và Miều (em rể Biện Toại, chồng Liễu).
Luật
sư Tricon nhận định nguồn gốc của vụ án là vấn đề điền địa. Ông cho
rằng chính sách ruộng đất thời Nguyễn công bằng và hợp thực tế, còn luật
lệ do người Pháp đặt ra chưa được áp dụng đúng, thiếu thực tế, những
người trong Hội đồng phái viên chỉ ngồi một chỗ, chưa hề bước ra sở đất
mà họ xem xét, chỉ quyết định dựa trên báo cáo. Luật sư ca ngợi tinh
thần lao động khẩn hoang của gia đình nông dân Biện Toại: họ phải đấu
tranh với thiên nhiên, với bọn cường hào, với cả các thủ tục pháp lý,
nói: Chúng ta, những người Pháp, nên xây dựng ở xứ này một chế độ độc tài. Không phải độc tài bằng sức mạnh của súng đạn, nhưng là sự độc tài của trái tim (Non pas de la dictature de la force du mousqueton, mais de la dictature du coeur).
Luật sư Zévaco ca
ngợi lập luận của công tố viên, cho rằng chính sách của nhà nước thì
tốt, nhưng người thừa hành xấu đã làm cho chính sách trở nên xấu đối với
dân chúng. Zévaco nói nên sa thải vài ông phủ, ông huyện bất hảo và
vạch rõ hành động của cặp bài trùng Bang Tắc - tri phủ H. đã dẫn đến tấn
thảm kịch Nọc Nạn. Luật sư xin tòa tha thứ cho các bị can, nói: Lần
này sẽ có một bà lão khóc về cái chết của bốn đứa con. Bốn người này đã
chết, vì họ tưởng rằng có thể tự lực gìn giữ phần đất ruộng mà họ đã
từng rưới mồ hôi và máu của họ lên đó.
(hết trích)
Luật vị luật hay vị Công lý?
Những
người có am hiểu về pháp luật đều biết, khi tuyên án, tòa án ở Mỹ và
các nước có hệ thống pháp luật khá hoàn hảo đều nhân danh Công lý (khác
với ở VN, tòa án nhân danh Nhà nước). Theo các luật gia, sở dĩ tòa án Mỹ
nhân danh Công lý khi tuyên án như vậy là vì ở Mỹ, chỉ có Công lý mới
là tối thượng. Nhà nước đôi khi cũng vi phạm pháp luật, xâm hại Công lý.
Đó là sự khác nhau về bản chất giữa tòa án ở VN và các nước nói trên,
mặc dù trên danh nghĩa đều là những cơ quan thực thi pháp luật và có mục
đích tối thượng là đề cao công lý.
Để
bù đắp khiếm khuyết khó tránh của hệ thống luật pháp và sự máy móc của
nhân sự chuyên trách thực thi pháp luật, hệ thống tòa án ở Mỹ có bồi
thẩm đoàn. Các bồi thẩm viên đều là công dân trong xã hội (không phải
thẩm phán trong hệ thống tòa án, càng không lệ thuộc văn bản pháp luật
càng tốt). Khi xét xử, bồi thẩm đoàn xem xét vụ việc, cân nhắc bằng nhận
thức của con tim và căn cứ tập quán xã hội để ra phán quyết bị cáo có
tội hay không có tội. Chỉ khi bồi thẩm đoàn ra phán quyết có tội, thẩm
phán mới căn cứ các điều luật cụ thể để tuyên mức án.
Hội
thẩm đoàn ở VN cũng đều là công dân trong xã hội (không thuộc biên chế
tòa án), nhưng khi xét xử lại ngồi chung đồng thời với thẩm phán, cấu
thành hội đồng xét xử. Lâu nay, hội thẩm được khuyến khích tìm hiểu pháp
luật. Tuy nhiên, phần lớn hội thẩm đều dạng “tay mơ”. Khi xét xử, thẩm
phán giữ vai trò chủ tọa, điều hành phiên tòa, phát ngôn chiếm hầu hết
thời gian thẩm vấn. Do “tay mơ”, lại không được độc lập với thẩm phán,
hầu hết hội thẩm đều “a dua”, bất kể đúng sai.
Với thực trạng xét xử như vậy ở VN, không khó đoán phiên tòa Hải Phòng xử vụ Tiên lãng sẽ cho kết cục thế nào.
Hy vọng phúc thẩm?
Theo
quy định của luật pháp VN hiện hành, sau phiên sơ thẩm ở Hải Phòng, nếu
không đồng ý, anh em họ Đoàn có thể kháng án lên tòa tối cao để được
xét xử lại theo thủ tục phúc thẩm. Nếu căn cứ tư duy của Tổng Bí thư
Nguyễn Phú Trọng vừa bộc lộ mới đây ở Vĩnh Phúc (khiếu kiện cũng là biểu
hiện của suy thoái tư tưởng, suy thoái chính trị, suy thoái đạo đức;
phải “xử lý”), không khó để lường trước kết quả của phiên phúc thẩm.
Có lẽ, Công lý vẫn ngao du đâu đó, chưa chịu về với VN.
V.V.T.
Xin mời xem vụ án Nọc Nạn: http://vi.wikipedia.org/wiki/V%E1%BB%A5_%C3%A1n_N%E1%BB%8Dc_N%E1%BA%A1nCopy từ: Huỳnh Ngọc Chênh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét