CHƯA TỐT NGHIỆP TRƯỜNG ĐỜI.

Thứ Sáu, 18 tháng 1, 2013

Sửa đổi hiến pháp và vấn đề luật đất đai


2013-01-17
Việc sửa đổi hiến pháp đang được phổ biến rộng khắp để lấy ý kiến người dân, trong đó hai điều được chú ý hầu hết là điều 4 hiến pháp và luật đất đai.
AFP
Ảnh chụp tại tỉnh Ninh Bình, Việt Nam ngày 13-06-2010.

Mặc Lâm phỏng vấn ông Nguyễn Minh Nhị, nguyên Chủ tịch Ủy Ban Nhân dân tỉnh An Giang để tìm hiểu thêm ý kiến của một cán bộ cao cấp đối với việc sửa đổi hiến pháp.

Nên mở rộng quyền dân chủ

Mặc Lâm: Thưa ông, Quốc hội và chính phủ đang kêu gọi người dân đóng góp ý kiến trong việc sửa đổi Hiến pháp năm 92. Ông là người đã từng tham gia chính quyền với vai trò Chủ tịch Ủy Ban Nhân dân tỉnh An Giang và nay đã về hưu. Với kinh nghiệm của một cán bộ lẫn một người dân bình thường, vấn đề ông quan tâm nhất trong việc thay đổi hiến pháp lần này là gì?
Nguyễn Minh Nhị: Theo tôi thì cái hiến pháp sắp tới nên theo hướng mở rộng quyền dân chủ cho người dân. Hai nữa là xác định cho được cái quyền sở hữu của người dân về mặt tài sản, về mặt trí tuệ. Đó là những điều phải mở rộng hơn. Còn một điều nữa là hạn chế việc chính phủ ban hành nghị định để cụ thể hóa luật của Quốc hội. Vừa qua có tình trạng đó nên luật pháp vô cùng chậm, vì nó thiên về điều thuận lợi cho phía cầm quyền, cho chính phủ nên người dân gặp rất nhiều khó khăn.

Hiến pháp sắp tới nên theo hướng mở rộng quyền dân chủ cho người dân. Hai nữa là xác định cho được cái quyền sở hữu của người dân về mặt tài sản, về mặt trí tuệ.
Nguyễn Minh Nhị
Luật thì làm sao để mà sắp tới có hai điều, một là ràng buộc bảo đảm quyền lập pháp của quốc hội, làm luật trở thành luật luôn chớ không còn phải chờ nghị định nữa nó kéo dài và có khi tạo thuận lợi về phía chính quyền chớ không lợi cho người dân. Đứng về phương diện chính quyền thì phải nên làm điều đó. Còn về phía người dân thì phải bảo đảm hoạt động tự do dân chủ nhiều hơn cho người dân. Tôi nghĩ cũng chỉ vậy thôi chứ một lần một mà tham vọng làm hết thì cũng không được đâu.
Mặc Lâm: Thưa ông, mối bận tâm nhất của người nông dân hiện nay vẫn là sở hữu mảnh đất của họ một cách thực sự để họ có thể thực hiện bất cứ điều gì họ muốn, trong đó có việc trồng trọt, kể cả bán hay là sang nhượng. Theo ông, mấu chốt giữa sở hữu và sử dụng hiện nay có gì bất cập theo hiến pháp cũ hay không?

Nguyễn Minh Nhị: Bà con người ta lấn cấn cũng lâu lắm rồi, tức là vấn đề sở hữu với sử dụng, quan điểm của người này thì như thế này, quan điểm người kia như thế khác. Từ cái chỗ quyền sở hữu không được công nhận và do đó quyền sử dụng cũng không được công nhận luôn. Đó là những điều sau năm 1976, 1980, 1990 thì nó sinh ra tình trạng đó.
HP19929999-200.jpg
Bìa sách Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam 1992. Photo courtesy of chinhphu.vn
Nhưng sau đổi mới khi có khái niệm mở rộng quyền sử dụng thì có nhiều quyền hơn cho người sử dụng. Hiện nay nếu nói về nội hàm của nó thì có năm điểm hay mười điểm gì đó coi như đó là quyền sở hữu nhưng trong đó nó còn những điều mắc mứu làm người dân không được yên tâm đó là giá trị của quyền sử dụng nó có 20 năm, hay là 10 năm, hay là bao nhiêu năm thì đó còn là điểm mắc mứu. Nếu không có cái thời hạn đó thì quyền sở hữu cũng giống như quyền sử dụng vậy thôi. Khái niệm coi như đổi nhau vậy thôi.

Chênh lệch bất hợp lý

Mặc Lâm: Riêng về vấn đề trưng thu thì người dân nhiều tỉnh đã tỏ ra rất bức xúc khi đất của họ bị lấy để giao lại cho doanh nghiệp với lý do là phát triển kinh tế, đây là điều luật bổ xung đối với quyền trưng thu trong hiến pháp năm 92. Ông nghĩ sao về việc người dân kêu ca là bồi thường không đủ hay không hợp lý khi đất của họ bị trưng thu, thưa ông?

Nguyễn Minh Nhị: Điều đó thì còn mấy việc cần phải phân biệt cho rõ. Bồi thường thấp thì thấp thế nào? Thấp ở đây là nó thấp ở cái giá mà mảnh đất đó đã thu hồi rồi thì sau khi đầu tư một số cơ sở hạ tầng cái giá sau đó coi như giá sản phẩm của đất mới, nó quá cao so với giá cũ, thì việc đó gọi là thấp. Đây cũng là một việc rất là khó cho nên người ta cũng dễ tham nhũng ở chỗ này. Tất nhiên anh đầu tư vô thì giá sẽ lên, nhưng mà anh dùng thủ đoạn để đẩy giá lên trời thì một là cái đó không ai rớ tới, vì nếu nhà đầu tư nào vô lãnh cái giá đó thì cũng chết với nó tại vì quá cao. Hai nữa là người nghèo hay người dân thì không thể nào mó tới rồi. Cái đó là chênh lệch bất hợp lý.

Người ta sợ mất đất là mất cái chỗ để mà sản xuất, để có hạt cơm, chớ còn nói mà sợ mất đất vì giá thấp thì không phải đâu.
Nguyễn Minh Nhị
Nếu dứt khoát đầu tư vô thì đất phải lên giá, nhưng mà ở đây mình chưa có cách để loại trừ những phù phép của nhà đầu tư với một số chính quyền là đẩy giá lên trời mà hệ quả như hiện nay cho thấy có biết bao nhiêu là đất mà có ai đâu mà mua, mà ở! Còn đầu tư vô mà giá thành nó cao thì cạnh tranh với ai? Điều đó hết sức nguy hiểm.
Hai nữa theo tôi biết là ở An Giang của tôi bồi thường thì hầu hết là bằng với giá mặt bằng của thị trường hay hơn chớ không thấp. Nhưng ở đây nó có một vấn đề hết sức rắc rối mà nó tiềm ẩn có người không thấy. Đó là người nông dân được bồi thường với số tiền cao hơn với giá của thị trường, có khi nó gấp rưỡi gấp đôi, nhưng cầm cái số tiền đó để làm gì? Trong khi đó thì họ chưa có chuẩn bị để chuyển qua một nghề nghiệp mới, cầm số tiền đó thấy nhiều nên chi tiêu đâu có kế hoạch gì rồi thành ra trắng tay. Cho nên bây giờ việc người ta sợ mất đất là mất cái chỗ để mà sản xuất, để có hạt cơm, chớ còn nói mà sợ mất đất vì giá thấp thì không phải đâu. Đó là vào cái thời đã qua rồi. Bây giờ chính quyền bồi thường giá cao lắm.
Còn vấn đề cho nhà đầu tư họ thuê lại đất đó thì tôi cũng có phát biểu rồi, cũng có đề xuất rồi, là nếu nhà nước có cho thu hồi thì nhà nước đứng ra đấu giá và cái chênh lệch giá đó phải có một cái phần trả lại cho nông dân bị mất đất. Còn nếu không thì mâu thuẫn này dân sẽ thấy và như vậy nó cứ phát sinh hoài, phức tạp lắm.
Chỉ có cách đó thôi, hoặc là để cho nhà đầu tư tự thỏa thuận với dân, nhưng mà thường nếu nhà đầu tư tự thỏa thuận với dân đối với diện tích nhỏ thì dễ chớ với diện tích lớn thì khó lắm nên có khi nhà nước phải ra tay. Nhưng mà ra tay với cái giá nhà nước thu hồi làm công trình công cộng đặng cho nó có cái mặt bằng cho dễ, nhưng khi đưa ra đấu giá thì cái phần chênh lệch đó phải chia lại bớt cho người chủ đất cũ. Có làm như vậy nó mới yên, còn không thì nó không yên đâu. Cái này thì tôi có đề xuất rồi.

Mặc Lâm: Xin cám ơn ông Nguyễn Minh Nhị đã trả lời những câu hỏi của chúng tôi trong cuộc phỏng vấn ngày hôm nay.

Theo dòng thời sự:



Copy từ: RFA


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét