Thủ tướng yêu cầu xử lý nghiêm sai phạm về quản lý đất đai ở Đà Nẵng
SGTT.VN - Theo công bố của Thanh tra Chính phủ ngày
17.1, Thủ tướng đã giao Bộ Công an xác minh, làm rõ dấu hiệu cố ý làm
trái các quy định của pháp luật về đất đai và đầu tư xây dựng; hành vi
chuyển nhượng đất trái pháp luật, gây thất thu ngân sách nhà nước, trước
hết là 6 trường hợp, nếu có dấu hiệu tội phạm thì phải xử lý nghiêm
minh theo quy định của pháp luật.
Sáu trường hợp nêu trên đó là: khu đất chuyển nhượng
cho Công ty TNHH Phúc Thiên Long để xây dựng khu dịch vụ thương mại du
lịch (thành phố không xác định lại giá, gây thất thu 120.172 triệu
đồng); Khu đất A2, A3 (diện tích 34.306m2) thuộc khu tái định cư đầu
tuyến Sơn Trà - Điện Ngọc (người được chuyển nhượng là bà Phạm Thị Đông,
thu được chênh lệch 107.965.297.000 đồng); lô đất A3 (ông Trương Đình
Trung thu chênh lệch 256.941.880.000 đồng). Tổng số tiền các cá nhân đã
chuyển nhượng các khu đất trên đã thu được khoản chênh lệch so với giá
chuyển nhượng của thành phố trên 520 tỷ đồng.
Khu đất A4, A5 (khu dân cư đầu tuyến Sơn Trà – Điện
Ngọc), chênh lệch so với giá của thành phố xác định năm 2007 là
220.680.432.000 đồng. Khu đất chuyển đổi mục đích sử dụng đất của Công
ty Tân Cường Thành tính giá thấp hơn giá thành phố quy định là
67.323,064 triệu đồng. Khu đất 29 ha thuộc dự án Sân golf Đa Phước giao
cho Công ty CP 79 thấp hơn giá thành phố quy định làm lợi cho Công ty CP
79 là 570.826,323 triệu đồng.
Đáng chú ý, tổng hợp số liệu từ 22 dự án có vi phạm về
xác định số tiền phải thu khi chuyển quyền sử dụng đất là
2.120.569.900.790 đồng. Ngoài ra, còn có một số khu đất Hội đồng xác
định giá thiếu căn cứ, cơ sở, không phù hợp với quy định như: Khu đất
209 đường Trường Chinh; 4 khu đất A2, A3, A4, A5 Khu tái định cư đầu
tuyến Sơn Trà - Điện Ngọc; khu đất số 8 đường Hùng Vương; 4 khu đất khu
vực vịnh Thuận Phước…, cần có biện pháp tiến hành xác định lại giá thu
tiền sử dụng đất đối với các dự án này để truy thu về ngân sách nhà
nước.
Ngoài sai phạm về thu tiền sử dụng đất gây thất thoát
lớn, Đà Nẵng còn vi phạm về ban hành quy chế đấu giá đất và thực hiện
quy chế đấu giá đất (tình trạng giao đất không thông qua đấu giá còn phổ
biến dẫn đến việc xác định giá thu tiền sử dụng đất chưa sát với giá
chuyển nhượng quyền sử dụng đất trên thị trường, tạo điều kiện để một số
Nhà đầu tư đầu cơ, thu lợi).
Vi phạm về giao đất, ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử
dụng đất: Kiểm tra 46/1.061 công trình dự án cho thấy, UBND thành phố
Đà Nẵng đã giao cho các Ban quản lý dự án và một số Công ty thực hiện
chức năng quản lý quỹ đất, ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất
cho các tổ chức, cá nhân để đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất kinh doanh và
xây dựng nhà để bán và cho thuê không tuân thủ các quy định của pháp
luật về đất đai, vi phạm quy định tại các Điều 5,15,31,41,58,122 Luật
Đất đai năm 2003.
Đây là nguyên nhân cơ bản dẫn đến phát sinh nhiều sai
phạm như: không đủ căn cứ, cơ sở để xác định giá thu tiền sử dụng đất;
việc phê duyệt và phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng tùy
tiện; nhiều nhà đầu tư sau khi ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng
đất, được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đã không thực hiện đầu
tư, tiếp tục chuyển nhượng cho nhà đầu tư khác thu chênh lệch số tiền
rất lớn... làm thất thu ngân sách nhà nước, gây thiệt hại lớn về kinh
tế.
Vi phạm về thực hiện Quy hoạch, Kế hoạch sử dụng đất:
Vi phạm về việc giảm tiền sử dụng đất, việc UBND thành phố Đà Nẵng giảm
10% tiền sử dụng đất phải nộp cho các hộ được bố trí đất tái định cư,
các tổ chức cá nhân được thành phố giao đất, nhận chuyển nhượng nhượng
quyền sử dụng đất là không đúng đối tượng và trái với quy định tại Điều
13, Điều 15, Nghị định số 198/2004/NĐ-CP của Chính phủ và Mục III, Phần
C, Thông tư số 117/2004/TT-BTC của Bộ Tài chính, gây thất thu ngân sách
446.229.756.243 đồng (đối với các hộ tái định cư) và 867.455.055.921
đồng (đối với các tổ chức, cá nhân khi được UBND thành phố giao đất,
chuyển nhượng nhượng quyền sử dụng đất).
Vi phạm về gia hạn thời gian nộp tiền sử dụng đất: Kết
quả kiểm tra 46 dự án cho thấy có 10/46 dự án UBND thành phố đã đồng ý
cho phép chủ đầu tư được kéo dài thời hạn nộp tiền sử dụng đất mà không
tiến hành phạt chậm nộp. Một vài dự án đã xác định số tiền phạt chậm
nộp, sau đó UBND thành phố lại cho phép miễn nộp phạt là vi phạm Điều 15
Nghị định 198/2004/NĐ-CP của Chính phủ gây thất thu ngân sách Nhà nước.
Vi phạm về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thời hạn sử dụng lâu
dài là vi phạm quy định tại Khoản 3, Điều 67 Luật Đất đai 2003 gây thất
thu ngân sách nhà nước (giá đất sản xuất kinh doanh bằng 70% giá đất
ở).
Từ đó, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng kiểm
điểm Chủ tịch, các Phó chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng, các tổ chức và
cá nhân có liên quan (thời kỳ 2003 - 2011) theo phân cấp quản lý cán bộ,
đã vi phạm quy định về quản lý sử dụng đất đai liên quan đến việc xác
định giá thu tiền sử dụng đất; giảm tiền sử dụng đất phải nộp cho các
đơn vị và cá nhân gây thất thu ngân sách 3.434.254.712.950 đồng (gồm có:
446.229.756.243 đồng là số tiền giảm 10% cho các hộ tái định cư;
867.455.055.921 đồng là số tiền giảm 10% cho các Nhà đầu tư;
2.120.569.900.790 đồng là số tiền UBND thành phố quyết định giá thiếu
căn cứ); ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất; cấp giấy chứng
nhận quyền sử dụng đất và gia hạn nộp tiền sử dụng đất sai quy định gây
hậu quả rất khó khắc phục.
Thanh tra Chính phủ cũng kiến nghị thu hồi về ngân sách
thành phố 1.486.252.087.290 đồng đối với các nhà đầu tư (kể cả trường
hợp Thành phố đã có quyết định thu nhưng chưa thu) do tính thiếu diện
tích thu tiền sử dụng đất, không tính đủ tiền chuyển mục đích sử dụng
đất, kéo dài thời gian cho thuê đất từ 50 năm lên 70 năm, xác định giá
thu tiền sử dụng đất khi giao đất thấp hơn bảng giá do thành phố ban
hành và giá do Hội đồng thẩm định giá đất thành phố trình.
Kiểm tra rà soát lại tất cả các trường hợp tương tự để
thu hồi về ngân sách thành phố. Thu hồi về ngân sách thành phố
867.455.055.921 đồng là số tiền sử dụng đất đã giảm 10% cho các nhà đầu
tư khi được ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất trái quy định
của pháp luật.
Kiểm điểm và có hình thức xử lý kỷ luật Giám đốc các
sở: Tài chính, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Nội vụ, Hội đồng thẩm
định giá đất thành phố, Chánh Văn phòng UBND thành phố, Giám đốc Văn
phòng đăng ký quyền sử dụng đất, Giám đốc công ty Quản lý và khai thác
đất thành phố, Giám đốc Ban quản lý dự án công trình đường Bạch Đằng
Đông và các cá nhân có liên quan đã để xảy ra các sai phạm nêu trong Kết
luận thanh tra.
Về xử lý sau thanh tra, ngày 19.11.2012, Văn phòng
Chính phủ có văn bản số 1930/VPCP-V.I thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ
tướng Chính phủ về xử lý sau thanh tra tại thành phố Đà Nẵng. Thủ tướng
Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo xử lý sau thanh tra tại thành phố Đà Nẵng như
sau: qua thanh tra cho thấy việc chấp hành pháp luật về Thanh tra, Khiếu
nại, Tố cáo và Phòng, chống tham nhũng, việc quản lý và sử dụng đất có
một số khuyết điểm, sai phạm. Đồng ý với kết luận và kiến nghị của Thanh
tra Chính phủ tại văn bản số 2852/KL-TTCP ngày 02/11/2012. Chủ tịch Ủy
ban nhân dân thành phố Đà Nẵng tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của
tổ chức, cá nhân liên quan đến sai phạm và có hình thức xử lý nghiêm
minh theo quy định của pháp luật; thực hiện các kiến nghị của Thanh tra
Chính phủ, thu hồi triệt để về Ngân sách số tiền phải nộp.
Thủ tướng giao các bộ: Tài nguyên và Môi trường, Tài
chính, Kế hoạch và Đầu tư theo chức năng tiến hành kiểm tra việc chấp
hành quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai, thu chi tài
chính và việc thực hiện dự án đầu tư liên quan đến việc giao đất, cho
thuê đất tại thành phố Đà Nẵng thời gian qua.
Giao Bộ Công an xác minh, làm rõ dấu hiệu cố ý làm trái
các quy định của pháp luật về đất đai và đầu tư xây dựng; hành vi
chuyển nhượng đất trái pháp luật, gây thất thu ngân sách nhà nước, trước
hết là 6 trường hợp nêu trên, nếu có dấu hiệu tội phạm thì phải xử lý
nghiêm minh theo quy định của pháp luật.
Việt Anh
Copy từ: SGTT
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét