Nhân một hội thảo của Bộ Y tế vừa tổ chức tự dưng dư
luận sinh ra... cãi nhau là mỗi năm người Việt chi 1 hay 2 tỉ USD để ra
nước ngoài khám, chữa bệnh!
Cãi nhau chỉ vì chính Bộ Y tế cũng không đưa ra được con số chính thức. Thế là các quan điểm của chuyên gia, cán bộ ngành y tế đành xoay quanh các dữ liệu... ước đoán.
Tuy nhiên, người tỉnh táo thì lại chẳng quan tâm số 1 tỉ hay 2 tỉ USD. Họ chỉ cần xác nhận một sự thật rằng do quá tải bệnh viện (BV), do năng lực ngành y tế không đủ để tiếp nhận và phục vụ nhân dân khiến một bộ phận dân cư phải bỏ tiền ra nước ngoài mua dịch vụ. Điều họ quan tâm là liệu có cách nào nhanh chóng hóa giải việc này hay không!?
Thực tế thì chuyện quá tải BV, thiếu thốn y đức, sai sót chuyên môn, cơ sở vật chất kém... từng được là vấn đề ưu tiên của nhiều đời bộ trưởng Y tế, song đến nay vẫn khó giải quyết. Đơn giản vì với cơ chế quản lý cũ kỹ, dù có nhân sự mới thì kết quả vẫn như cũ, các BV tuyến trên vẫn ì ạch giải bài toán mặt bằng, kinh phí và nhân lực, trong đó vướng mắc mặt bằng là vấn đề nan giải nhất.
Trong khi đó cũng vào tuần trước, Bộ Xây dựng đã phải hội thảo (là hội thảo lần thứ n++) về “cứu” bất động sản mà thực chất là tìm cách sử dụng các nguồn lực công (ngân sách, chính sách) để cứu một vài doanh nghiệp cụ thể thông qua việc tiêu thụ sản phẩm cho họ. Đáng nói là các cuộc hội thảo này cũng nằm trong tình trạng thiếu các số liệu chính thức về số lượng căn hộ tồn kho, thiếu các khảo sát, nghiên cứu về nhu cầu thị trường (như số lượng đối tượng sẽ được mua nhà ở xã hội, khả năng chi trả của họ), chỉ thấy các phát biểu hùng hồn để tìm cách tận dụng nguồn lực công!
Vì thế nhiều ý kiến đã mạnh mẽ cho rằng một khi đã đem nguồn lực công ra tiêu xài thì ưu tiên số một là nó phải phục vụ được lợi ích cộng đồng. Và một trong vài ba vấn đề bức xúc nằm ở hàng top hiện nay rõ ràng là giảm tải BV, nâng chất lượng dịch vụ y tế, từ đó có khả năng kéo nguồn USD xuất ngoại… quay trở lại. Với hàng loạt dự án tồn đọng hiện nay, phải chăng hợp lý nhất là cho đấu thầu cung cấp chuyển đổi công năng thành BV thì một mũi tên có thể bắn hai đích.
Đó mới là việc cần bàn.
BẰNG LĨNH
Copy từ: Pháp Luật
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét