Bài 2: Chiến lược địa chính trị và triển khai hải quân
SGTT.VN - Tiếp theo những kế hoạch tổng thể trên, giới
làm chính sách Bắc Kinh từng có lúc ưu tiên cho sự mềm mỏng ngoại giao,
chờ đợi thời cơ, song ảnh hưởng của chủ nghĩa dân tộc đại Hán từ xa xưa
và cả thời kỳ Mao Trạch Đông[1] khiến cho chính sách của quốc gia này ngày càng tiến xa hơn trong bước phiêu lưu quân sự và xâm lấn của họ.
Chính sách càng mạnh bạo, phương cách càng bớt đi tính ngoại giao và gia tăng tính quân sự.
Gia tăng quân sự ra ngoài nước trong thế giới hiện đại, tại đây phần của không quân và hải quân sẽ là chính yếu.
Chính giới TQ tác động đến dân chúng TQ nhằm chuẩn bị quân lực và dân tộc hóa các hoạt động lấn chiếm của mình.
Chủ nghĩa dân tộc được đưa lên một mức cao, sẽ chính là
nhiên liệu đẩy sự phiêu lưu của TQ đi xa hơn, mang dáng vẻ hợp lý (nội
địa) hơn cho lý do hành xử của guồng máy chính quyền.
Hải quân Trung Quốc thừa hưởng chiến lược hải quân cũ
của Thống chế M.V.Frunze vào thập kỷ 1920 - trường phái Sô Viết cũ (old
school) vốn cho rằng hải quân là một bộ phận của quân đội nói chung và
phải hỗ trợ lục quân tại các vùng cận sông biển.
Theo lý thuyết này, lãnh đạo hải quân Liên Xô Vladimir Nikolay đưa ra cách đánh “hạm nhỏ đánh trận nhỏ” vào 1927.
Hầu hết các sĩ quan của trường phái này đã không còn
trong quân đội sau cuộc chỉnh huấn 1937 của Stalin. Tuy nhiên, ảnh hưởng
của lý luận này vẫn còn đó mãi đến khi Stalin qua đời 1953.
Một thời gian từ 1949 đến 1960, thiết kế dòng chính của
hải quân TQ đi theo cách của Nga Sô Viết với các đặc điểm của một chế
độ mới là: cần phải trấn áp chống đối nội bộ, sẵn sàng chống lại tấn
công của các nước ngoài, lưu dụng nhân sự chế độ cũ, thiếu hụt tài chính
và kỹ thuật trong khi các tàu chiến thù địch lừng lững ngoài khơi.
Năm 1950 Liên Xô điều 500 sĩ quan kỹ thuật sang hỗ trợ
TQ, đến 1953 con số này là 2000. Ngược lại cũng có hàng ngàn sĩ quan TQ
sang Liên Xô học tập trong đó có tướng Xiao Jingguang.
Khi thị sát hải quân tháng 2.1953 trong chiến tranh
Triều Tiên, Mao phát biểu “chúng ta cần có hải quân mạnh để chống bọn đế
quốc xâm lược”.
Tháng 10.1953, Mao lệnh cho Hải quân các nhiệm vụ chống
can thiệp của Quốc dân đảng bảo đảm thông biển, chuẩn bị chiếm Đài Loan
và đề kháng tấn công từ biển.
Sau đó TQ đã chiếm được các đảo nhỏ từ Đài Loan trừ Kim
Môn, Mã Tổ. Giai đoạn này vẫn là giai đoạn của phòng thủ bờ biển
(coastal defense) cho Hải quân TQ.
Đến năm 1954, TQ mới nghĩ đến phát triển hải quân nước
xanh (blue water), và vẫn chưa nói đến sự độc lập của hải quân với lục
quân.
Giai đoạn những năm 1950 và 1960 Bắc Kinh tập trung vào võ khí hạt nhân và tàu ngầm để phóng hạt nhân.
Ảnh hưởng lớn của trường phái Sô Viết “hạm nhỏ đánh
trận nhỏ” ngày đó cũng vì lý do cơ sở vật chất và tài chính của Trung
Quốc còn yếu kém.
Khi sang Liên Xô năm 1958 học tại Voroshilov viện Hải Quân ở Leningrad, Lưu Hoa Thanh[2] chịu ảnh hưởng nặng Tổng Tư Lệnh Hải Quân Liên Xô S.G.Gorshkov (1956-1985).
Giai đoạn này Gorshkov tranh cãi với Krushev (người đề
cao vai trò võ khí hạt nhân) bằng học thuyết thống lĩnh biển (sea
supremacy) quyết tâm thu hút một phần nguồn lực vốn lý ra đã đành trọn
cho võ khí nguyên tử.
Gorskov khẳng định “Nhằm bảo vệ quyền lợi Liên Xô trong
thế giới, hải quân cần có vai trò chiến lược và độc lập không chịu sự
chỉ huy của một bộ chỉ huy lục quân – hải quân chung nhất, và hải quân
phải có khả năng hoàn tất các công việc chiến lược vì quyền lợi quốc gia
trên biển”.
Giai đoạn 1960 đến 1976, TQ có nỗi lo sợ từ phía Bắc do
đã có những cuộc đụng độ trên bộ. Giai đoạn này hải quân TQ vẫn hoạt
động như một trợ thủ của lục quân một khi có nguy cơ từ Liên Xô.
Trở về Trung Quốc, Lưu Hoa Thanh trở thành Tổng tư lệnh
Hải Quân và mau chóng phát triển những ý tưởng của Gorshkov trong
khoảng thời gian thập kỷ 1980, khi người Trung Quốc mở của và phát triển
kinh tế.
Đến đầu năm 1982, Lưu Hoa Thanh ra lệnh cho Học viện
Nghiên cứu Hải quân tìm hiểu về phòng thủ ngoài khơi (offshore defense)
và vẽ lên hai phòng tuyến.
Phòng tuyến 1 đi qua quần đảo Kurile, Nhật Bản, quần đảo Ryukyu, Đài Loan, Philippines, Borneo và Natuna Besar.
Phòng tuyến 2 bao trùm ra ngoài phòng tuyến 1 một diện tích khoảng 80% phòng tuyến 1 đã bao phủ.
Từ đó trở đi, hải quân TQ đã có hẳn một không gian giả
định cho việc phòng thủ ngoài khơi (offshore defense) thay hẳn khái niệm
phòng thủ bờ từ thời Liên Xô.
Năm 1986, Trung Quốc tổ chức hàng loạt hội thảo để bàn
luận giữa trường phái cũ (old school), hải quân nước nâu (brown water
navy) phòng thủ bờ biển (coastal defense) thành ra hải quân nước xanh
(blue water navy) vào tháng 2.1987.
Nhật báo Quân đội Giải phóng đăng bài của Cai Xiaohong,
lần đầu tiên khẳng định Hải Quân là “công cụ chiến lược” và các biển và
đại dương là “không gian chiến lược mới”.
Trung Quốc từ đó đã tách hẳn Hải quân ra khỏi nhiệm vụ
phụ thuộc quân đội nói chung và lục quân nói riêng và khẳng định “nhằm
chiến thẳng các cuộc chiến hiện đại trên biển, chúng ta phải phối hợp
không quân, tàu chiến và tàu ngầm và tạo thành một mũi tiến công tổng
hợp”[3].
Theo niên giám Anh: “The Military Balance” trong 10 năm
lục quân Trung Quốc đã giảm tỷ lệ võ trang từ 80,9% (1980) xuống 77,97%
(1985) và đến 75,9%(1992) trong khi các năm tương ứng đó (1980, 1985 và
1992) Trung Quốc tăng từ 11,01% lên 12,85% và 15,55% (cho hải quân) và
8,09% lên 9,11% và 8,58% (cho không quân).
Chi tiết không được công bố nhưng theo số lượng võ khí
nhập từ nước ngoài về, ưu tiên Trung Quốc dành cho hải quân và không
quân là điều không khó nhận ra.
Các võ khí mới có bốn khu trục hạm Sovremenny, bốn tàu
ngầm lớp Kilo, 48 máy bay SU27SK, một giấy phép sản xuất 200 chiến đấu
cơ tương tự và thêm 55 chiếc SU30MKK. Trung Quốc đã nhập cả dàn S300PMU1
và Sam TorM.
Tỷ lệ mua sắm cho lục quân, hải quân và không quân là
ngót ngét 2:3:5. Các chuyến ra đại dương của Hải quân Trung Quốc trong
vòng 10 năm (1992-2002) là 30 lần so với tổng các chuyến đi 30 năm trước
cộng lại.
Giữa thập kỷ 80, Trung Quốc đã gia tăng yêu sách chủ quyền cho vùng lãnh hải từ 12 hải lý lên 200 hải lý.
Hai tuyến phòng thủ số 1 và số 2 của TQ tự dựng. Nguồn www.globalsecurity.org
|
Trung Quốc đòi hỏi điện tích 4,7 triệu km2 trong biển Nhật Bản, Hoàng Hải và Biển Đông.
Trung Quốc cho rằng 30% trong tổng số 800.000 km2 Biển Đông (South China Sea) “của Trung Quốc” đã bị nước khác lấn chiếm, trong đó khoảng 420.000 km2 là do Philippines, 70.000 km2 là do Việt Nam, 270.000 km2 (Malaysia), 50.000 km2 (Indonesia) và 3.000 km2 (Brunei).
Tại Biển Đông Trung Quốc (Biển Nhật Bản), và Hoàng Hải, Trung Quốc tranh chấp 30.000 km2 với Bắc Hàn, 170.000 km2 với Nam Hàn.
Với Nhật Bản, Trung Quốc có vùng tranh chấp 65.000 km2, trong đó có Điếu Ngư/Senkaku và 5 đảo nhỏ cùng bãi San’an.
Ngoài ra Trung Nhật còn bất đồng ở vùng thềm lục địa, liên quan 770.000 km2 mặt biển. Không muốn chia sẻ thềm lục địa với Nhật, Trung Quốc muốn lấy đường biển đi qua Okinawa làm đường ranh giới.
Trong khi Nhật chấp nhận chia thềm lục địa với Trung
Quốc và lấy đường trung gian của Đảo Nanniu làm đường ranh giới. Để phản
đối điều này, từ năm 1998 đến 2002 Trung Quốc đã cho tàu vào vùng EEZ
của nhật đến 40 lần!
Lý do tranh giành của Trung Quốc ở biển Nhật Bản và Biển Đông là vì lợi ích kinh tế ở khu vực này.
Hải quân Trung Quốc đã tuyên bố khảo sát toàn bộ Biển Nhật Bản, Hoàng Hải và Biển Đông.
Trong đó một trữ lượng 45 tỉ tấn khí tự nhiên và dầu mỏ là nằm ở Biển Đông (trị giá 1.500 tỉ USD).
Khu vực Trường Sa và Biển Nhật Bản là khu vực giàu dầu
mỏ nhất – 13,7 đến 17,7 tỉ tấn dầu, trị giá 500 tỉ USD. Theo China Daily
13.12.1992, từ 1995 Trung Quốc đã nhập khẩu dầu. Trung Quốc đang chạy
đua với thời gian để giành các vùng này.
Lược đồ xung đột biển giữa TQ với 29 nước xung quanh từ 1949 đến đầu thập kỷ 2010. Ảnh: theinternationalpolicy.com
|
Âm mưu vừa chạy đua thời gian, nhưng TQ cũng vừa sử dụng thời gian kéo dài để gia tăng vị thế.
Theo khái niệm “hiệu lực thời gian” (time effect) trong
luật Quốc tế, nếu một quốc gia quản lý thực tế một lãnh thổ tranh chấp
trong một thời gian nào đó, quốc gia đó sẽ có thể tuyên bố làm chủ vùng
lãnh thổ đó. Thông thường thời gian đó là 50 năm.
Một số học giả tại viện Hàn lâm khoa học xã hội Trung
Quốc còn kêu gọi nếu Trung Quốc không nhanh chóng “giải quyết” Trường
Sa, đây sẽ là mối nguy cho Trung Quốc[4].
Họ còn dự đoán chắc chắn rằng từ 10 đến 30 năm nữa sẽ
phải có đụng độ lớn tại Biển Đông. Ngược lại sự gia tăng căng thẳng tại
Biển Đông sẽ làm giảm nguy cơ đối đầu của Trung Quốc và Đài Loan vì có
thể hai nước này có chung kẻ thù, miễn là Đài Loan không tuyên bố độc
lập.
Tại đây nổi bật sự hung hãn có toan tính sao cho cả trên phương diện quân sự và tận dụng luật pháp để họ có lợi tối đa.
Lê Vĩnh Trương (tổng hợp)
[1]http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20121213-quan-he-viet-trung-viet-nam-duoi-cai-nhin-cua-%E2%80%9Cthien-trieu%E2%80%9D-trung-quoc
[2]Lưu Hoa Thanh là người đề ra lý thuyết hai phòng tuyến và chuỗi ngọc trai của TQ.
[3] Tạp chí Conmilit tháng 4/1992, trang 35
[4]Maritime Strategies in Asia, trang 225
[2]Lưu Hoa Thanh là người đề ra lý thuyết hai phòng tuyến và chuỗi ngọc trai của TQ.
[3] Tạp chí Conmilit tháng 4/1992, trang 35
[4]Maritime Strategies in Asia, trang 225
Copy từ: SGTT
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét