CHƯA TỐT NGHIỆP TRƯỜNG ĐỜI.

Thứ Hai, 7 tháng 1, 2013

Càng làm càng lỗ!


Thưa giáo sư, năm 2012, kết quả chung của SXNN nước ta đạt giá trị rất lớn, nhất là xuất khẩu. Song ngôi vị xuất khẩu gạo số 1 thế giới năm trước của Việt Nam đã rơi vào tay Ấn Độ. Giáo sư có quan tâm tới điều này không?
GS Võ Tòng Xuân: Ngôi vị số 1 hay số 2 không phải là vấn đề gì lớn cả đâu. Vấn đề lớn là làm sao cho người trồng lúa nói riêng và người nông dân có thu nhập cao.Thái Lan là cường quốc xuất khẩu gạo số 1 trước ta từ lâu. Nhưng họ đâu cần quan tâm ngôi vị này làm gì. Năm ngoái họ nâng giá lúa cho nông dân lên 50%. Nông dân Thái được lợi nhuận cao, rất vui mừng. Tôi theo dõi kết quả thăm dò tín nhiệm bà Thủ tướng Thái hồi sáng nay trên báo của họ công bố, thấy tỷ lệ ủng hộ của người dân Thái rất cao. Cử tri Thái đánh giá cao chính sách nâng giá lúa gạo dù có nhiều tổ chức, doanh nghiệp phản đối. Tất nhiên Chính phủ Thái phải "nghiêng" về nhân dân hơn chứ!
Lúc chính phủ Thái công bố nâng giá lúc gạo 50%, tôi đã đề nghị Việt Nam cần nâng theo họ vì 2 quốc gia Việt Nam và Thái Lan chiếm thị phần rất lớn. Cả 2 cùng đồng lòng sẽ có lợi cho nông dân 2 nước. Năm ngoái, ta giành được ngôi vị xuất khẩu số 1 trong tình thế người Thái nâng giá bán để bảo vệ lợi ích cho nông dân của họ.
Vin lí do
Nhưng ngoài Việt Nam và Thái Lan, thị trường cung ứng gạo thế giới có thêm đối thủ Ấn Độ với giá gạo rẻ hơn. Họ sẽ giành mất thị trường nếu ta nâng giá gạo? Thực tế Thái Lan đã mất một số thị trường vào tay Việt Nam vì ta không nâng giá?
Ấn Độ có trên 1 tỷ dân, gấp hơn 10 lần dân số nước ta. Sức chứa lượng gạo dự trữ của họ rất lớn. Hàng năm họ phải đưa gạo mới vào cất trữ, bán gạo cũ ra. Gạo này ăn không ngon, giá rất rẻ.
Còn gạo của Việt Nam chất lượng cao hơn, ăn ngon hơn nhiều. Đó là ưu thế lớn của ta.
Khi Thái Lan nâng giá gạo, ta ham bán rẻ, được thị trường nhưng lợi nhuận không cao. Với người nông dân trồng lúa thì bị lỗ.
Thưa giáo sư, ý tưởng thành lập liên minh lúa gáo Việt - Thái đã có từ lâu song tại sao 2 bên không "gặp nhau" để cùng bảo vệ lợi ích cho 2 quốc gia cũng như người trồng lúa của 2 nước? Trên thế giới đã có nhiều liên minh như thế này với các hình thức khác nhau, chẳng hạn như OPEC, tổ chức dầu hỏa?
Do chưa có niềm tin và quyết tâm cao. Người ta hay lấy các lý do này lý do kia để giữ lợi ích cục bộ. Chứ nếu xác định lợi ích tối thượng là lợi ích quốc gia và lợi ích của nông dân, lực lượng chiếm gần 70% dân số của nước ta thì sẽ làm được.
Người Thái vì lợi ích của nông dân, đã "đơn thương độc mã" quyết tâm thực hiện đấy. Nếu Việt Nam cùng tham gia, tình hình sẽ khác. Quan trọng nhất là bảo vệ được quyền lợi cho nông dân và đất nước!
"Nội soi" từ nội tại của nền SXNN
Thưa giáo sư, từng là quốc giá xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới từ đầu thế kỷ 20, do chiến tranh và nhiều nguyên nhân khác, Việt Nam lộn ngược lại thành quốc gia nhập khẩu gạo.  Mãi đến tận năm 1989, ta mới trở lại xuất khẩu gạo với vị trí thứ 2 thường xuyên trên thế giới. Suốt gần ¼ thế kỷ "trở lại" này, giáo sư có đánh giá như thế nào về ưu, nhược của nền SX lúa gạo nói riêng và SXNN nói chung ở nước ta?
Nông dân ta vô cùng năng động, nhạy bén và sáng tạo. Đây là một lợi thế lớn song chưa được tổ chức tốt nên có lúc thành bất lợi.
Về quản lý Nhà nước, theo tôi cần xem lại việc cư xử với người trồng lúa như thế nào để cuộc sống của họ khấm khá lên tương ứng với đóng góp của họ. Trong khâu tổ chức, vẫn còn lỏng lẻo lắm, Nhà nước mới chỉ làm được một nửa, "theo đuôi" các doanh nghiệp nhiều hơn là vì lợi ích của nông dân.
Đã gần 30 năm thành "cường quốc" xuất khẩu gạo mà gạo Việt Nam chưa có thương hiệu thì không thể chấp nhận được. Thiệt thòi cho đất nước rất lớn, thiệt hại cho nông dân rất nhiều.
Giáo sư có thể nói rõ hơn từng phần?
Rõ ràng nhất là nông dân ta hưởng ứng rất tích cực chủ trương Đổi mới của Đảng và Nhà nước, làm ra sản lượng lương thực lớn hơn rất nhiều, đưa đất nước từ nhập khẩu gạo lớn, có năm tới 1,5 triệu tấn thành xuất khẩu gạo thứ 2 trên thế giới. Nhưng nghịch lý là thu nhập của người nông dân thấp nhất trong xã hội. Khoảng cách giữa thành thị với nông thôn ngày càng xa.
Về tổ chức sản xuất và kinh doanh gạo, ta thấy Nhà nước "nặng" về doanh nghiệp hơn. Bao năm qua chúng ta từng chứng kiến nhiều thời điểm nhu cầu gạo thế giới đang cao, giá thị trường thế giới rất tốt, bỗng dưng Nhà nước "tạm dừng xuất khẩu" để hạ giá gạo trong nước xuống với lý do rất mơ hồ là "an ninh lương thực"! Điều này chỉ có lợi cho doanh nghiệp nhưng "giết" nông dân.
Hàng năm vào vụ thu hoạch chính, giá lúa rớt vì tập trung thu hoạch rộ, doanh nghiệp nhà nước kiến nghị mua tạm trữ, Chính phủ duyệt, cho vay vốn không lãi suất mua theo giá sàn Nhà nước quy định. Thực tế, nông dân bán không thể được giá sàn vì phải qua trung gian là thương lái. Doanh nghiệp mua lúa được giá thấp vì thời điểm thu hoạch rộ, chế biến và xuất khẩu có lời, nông dân chẳng được hưởng gì cả.
Cơ chế "mua tạm trữ" cứ "đến hẹn lại lên" hàng chục năm qua chưa thay đổi gì có lợi cho nông dân.
Nhiều người nước ngoài than phiền, trong một bao gạo Việt Nam có mấy loại giống!
Còn việc gạo Việt Nam chưa có thương hiệu, tôi cho rằng với kiểu tổ chức kinh doanh gạo như hiện nay thì không thể nào có thương hiệu được. Doanh nghiệp không tổ chức sản xuất vùng nguyên liệu, không mua lúa trực tiếp từ nông dân mà mua qua thương lái thì không thể có gạo rặt, mà "năm cha ba mẹ", làm sao có gạo đúng tiêu chuẩn?
Thái Lan là nước xuất khẩu hàng đầu, sản lượng lớn. Cả nước Thái sản xuất ra nhiều như vậy mà chỉ có 3 giống lúa. Còn ta, hàng mấy chục giống lúa. Thương lái mua gom của nhiều nông dân về trộn lại, xay, đánh bóng, giao cho công ty xuất khẩu. Vì lợi nhuận, họ phải trộn lúa giá rẻ phẩm chất kém vào lúa giá cao nên công ty xuất khẩu chẳng kiếm đâu ra gạo rặt là vậy!
Tôi đã nghe nhiều khách hàng mua gạo người nước ngoài than phiền hàng chục năm qua rằng, trong một bao gạo của Việt Nam có mấy loại giống!
Xây dựng thương hiệu đòi hỏi nhiều yếu tố. Song yếu tố chất lượng là hàng đầu. Yếu tố đầu tiên của ta chưa có, làm sao mong hạt gạo Việt Nam đi xa hơn?
GS-TS, Anh hùng Lao động, Nhà giáo Nhân dân Võ Tòng Xuân là nhà giáo, nhà khoa học nổi tiếng trong nước và thế giới. Ông sinh năm 1940 tại xã Ba Chúc, huyện Tri Tôn, tỉnh  An Giang.
Hồi trẻ, ông được học bổng đi du học tại đại học Los Banos (Philippin) chuyên về cây lúa. Tháng 2/1975, ông bảo vệ thành công luận án nghiên cứu về cây lúa tại Nhật.
Ông từng là Hiệu phó trường Đại học Cần Thơ, Hiệu trưởng Đại học An Giang và nay là Hiệu trưởng trường Đại học Tân Tạo. Ông là nhà giáo, nhà khoa học nổi tiếng được nhiều quốc gia và tổ chức trên thế giới tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý: Giải thưởng Derek Tribe về khoa học kỹ thuật 2005; Giải thưởng Nikkei Châu Á 2002 về Tăng trưởng vùng; Giải thưởng Ramon Magsaysay 1993 về Phục vụ nhà nước; Bằng tưởng lệ của Thủ tướng Canada (1995) về "Phụng sự và đóng góp vào khoa học thế giới; Huy chương "Kỵ mã Nông nghiệp của Bộ Nông-Lâm-Thuỷ sản Pháp (1996); Giải "Cựu sinh viên xuất sắc nhất" của Đại học Philippines tại Los Banos (2001), giải thưởng Derek Tribe-Australia (2005).



Copy từ: Tin Mới


 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét