CHƯA TỐT NGHIỆP TRƯỜNG ĐỜI.

Thứ Ba, 15 tháng 1, 2013

Cần một trò ảo thuật mới…


BLOG CỦA ALAN NGÀY THỨ HAI 14/1/2013
Trong những bữa tiệc sinh nhật của trẻ con, các cha mẹ nhiều tiền thường thích thuê những chú hề (clowns) giúp vui cho đám đông. Anh chị hề nào cũng biết vài món ảo thuật nhất là màn móc tiền xu ra từ tai các em hay rút một bó hoa từ cánh tay áo rộng. Trẻ con thì nhốn nháo khâm phục, người lớn thì quay mặt ngáp dài.
Các quan chức của các ngân hàng trung ương trên thế giới cũng rất rành “sáu câu” về trò ảo thuật này.
Theo bài viết dưới đây của CafeF, các quan ta dường như cũng hết lực để sáng tạo ra một màn ảo thuật mới.
Đại khái là một công ty mua bán nợ xấu (VAMC) sẽ phát hành trái phiếu để lấy tiền cash mua lại hết các nợ xấu của ngân hàng thương mại (đổi giấy lấy tiền). Vì là nợ xấu thì chắc chỉ có vài thằng ngu chịu dổi. Nhưng không hề gì, NHNN sẽ mua lại hay cho vay (chiết khấu) hết cho VAMC hoặc trực tiếp cho các ngân hàng thương mại để tạo thanh khoản. Dĩ nhiên, đây là tiền của NHNN, không phải ngân sách quốc gia, cũng không phải từ dân (?). Mỗi một phi vụ, sẽ có tiền hoa hồng và phí dịch vụ cho các bên liên quan.
Nếu bạn tin là tiền của NHNN không phải in ra hay đến từ ông già Noel, thì bạn sẽ chắc chắn được Viện Nobel trao cho vài ba giải về trí tuệ năm nay.
Alan Phan
Công ty mua bán nợ quốc gia sẽ dọn “nợ xấu” như thế nào?
(CafeF) Đề án thành lập VAMC không dùng đến ngân sách nhà nước, cũng không bơm tiền từ NHNN để “mua” nợ xấu làm sạch bảng cân đối kế toán.
Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2013, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng việc xử lý nợ xấu “chủ yếu là các ngân hàng thôi chứ không có ngân sách để xử lý nợ xấu”.
Thực vậy, theo nguồn tin của CafeF, sẽ không có chuyện nhà nước dùng ngân sách để mua lại nợ xấu như nhiều người lo ngại. Hơn nữa, khác với các chương trình mua lại tài sản của Mỹ, Ngân hàng nhà nước cũng sẽ không “mua” lại tài sản xấu trên bảng cân đối kế toán các ngân hàng.
Nói tóm lại, nợ xấu do các ngân hàng gây ra thì thua lỗ sẽ do chính các ngân hàng gánh. Vậy tác dụng của Công ty mua bán nợ quốc gia (VAMC) là gì? Và tại sao thị trường lại sốt nóng đến vậy trước thông tin VAMC sắp ra đời?
“Làm sạch” ngân hàng
Trong bước đầu tiên của quá trình cơ cấu nợ, ngân hàng sẽ “chuyển giao” giá trị sổ sách nợ xấu sang VAMC. Đổi lại, VAMC sẽ phát hành trái phiếu đặc biệt với lãi suất cực thấp cho ngân hàng.
Như vậy, trên bảng cân đối kế toán ngân hàng, một tài sản “xấu” đã biến thành một tài sản “được coi là tốt”, một tài sản “không có tính thanh khoản” đã biến thành một tài sản có thể mua bán, cầm cố, thế chấp trên thị trường và quan trọng nhất là có thể đem lên NHNN chiết khấu lấy tiền. Tăng tính thanh khoản được coi là cái lợi lớn nhất của trái phiếu VAMC
Khi chuyển từ “nợ xấu” thành “trái phiếu VAMC”, hệ số rủi ro để tính tổng tài sản có rủi ro của các khối tài sản có giá trị số sách tương đương giảm. Nhờ vậy, tổng tài sản có rủi ro của ngân hàng giảm xuống đẩy tỷ lệ an toàn vốn tăng. Khi rủi ro của một tổ chức tín dụng giảm xuống, ít nhất trên lý thuyết lãi suất huy động sẽ giảm theo.
Tác động này có thể không rõ rệt mấy với hình thức huy động tiền gửi từ dân cư, nhưng chắc chắn với hai hình thức huy động thông qua phát hành cổ phiếu và các công cụ nợ khác cho nhà đầu tư tổ chức trong và ngoài nước, ngân hàng sẽ hưởng lợi đáng kể nhờ lãi suất yêu cầu của nhà đầu tư giảm.
Nhưng như thế không có nghĩa VAMC giúp ngân hàng đổi “rác” thành tiền. Đến kỳ đáo hạn, trái phiếu VAMC sẽ có giá trị bằng 0, tức mọi thua lỗ sẽ vẫn phản ánh đầy đủ vào báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh của ngân hàng. Trái phiếu VAMC chỉ kéo dãn thời gian ghi nhận thua lỗ để ngân hàng có thời gian đôn đốc thu hồi nợ đồng thời thu xếp bù đắp số lỗ dự tính này bằng các nguồn thu nhập khác.
“Lĩnh lãi” từ NHNN
Với đặc điểm sinh ra dòng tiền gần như không đáng kể (dù là trả lãi định kỳ hay gốc cuối kỳ), mọi mô hình định giá sẽ tính ra giá trị trái phiếu VAMC rất thấp. Nhà đầu tư tổ chức có nhận thức đầy đủ về thị trường tài chính chắc chắn sẽ vẫn coi trái phiếu VAMC tương đương với “nợ xấu” và việc giảm lãi suất đầu vào như lập luận ở trên ít có khả năng xảy ra.
Hơn nữa, tính thanh khoản lại là một vấn đề nữa, ắt sẽ không tổ chức nào dám mua đi bán lại một công cụ nợ có dòng tiền không đáng kể và phát hành bởi một tổ chức sẽ “hất” liền một lúc hơn 100.000 tỷ giá trị trái phiếu danh nghĩa ra thị trường.
Theo nguồn tin riêng của CafeF, tổ chức sẽ xử lý cả hai nút thắt này là NHNN. Ngân hàng có thể đem trái phiếu VAMC chiết khấu tại NHNN theo một tỷ lệ chiết khấu cụ thể (được dự báo sẽ không vượt quá một nửa giá trị danh nghĩa trái phiếu). Như vậy, vấn đề thanh khoản đã được giải quyết, trái phiếu VAMC có thể biến thành tiền.
Có thể nói, trái phiếu VAMC không hẳn là một tài sản thực sự, mà là một “quyền được vay tiền với giá rẻ trong một thời gian nhất định.”
Giá trị hơn, lãi suất tái chiết khấu trái phiếu VAMC tại NHNN sẽ cực thấp. Ngân hàng sẽ tạo ra dòng tiền từ cho vay hoặc tối thiểu là mua trái phiếu chính phủ (lợi suất hiện nay khoảng xấp xỉ 9%, tùy kỳ hạn)
Như vậy, NHNN đã tạo ra dòng tiền cho trái phiếu VAMC, và hay ở chỗ, dòng tiền ấy không do NHNN chi trả, mà hoàn toàn do thị trường và tính toán đầu tư của từng ngân hàng quyết định.
Xử lý nợ
Một lợi điểm nữa của đề án thành lập VAMC là ngân hàng sẽ không rũ bỏ trách nhiệm thu hồi nợ, và an tâm coi như đã bán được nợ xấu với giá tối đa “50%”. Có hai nguyên nhân để ngân hàng vẫn phải “sát sao”:
Thứ nhất, NHNN không “mua” trái phiếu VAMC, về bản chất họ chỉ cho vay với tài sản bảo đảm là trái phiếu VAMC. Ngân hàng sẽ phải hoàn trả lại khoản tiền này.
Thứ hai, phía ngân hàng sẽ được hưởng 85% số tiền thu từ giải quyết nợ xấu (15% còn lại thuộc về VAMC). Dù nợ xấu đã được chuyển giao (hoặc “buộc” phải chuyển giao) cho VAMC nhưng việc theo dõi, đôn đốc thu hồi nợ và xử lý tài sản bảo đảm sẽ được ủy quyền cho ngân hàng.
Quy định này không có nghĩa ngân hàng “có lợi quá”, mà số tiền phía ngân hàng hưởng trước hết sẽ dùng để trả nợ số tiền vay tái chiết khấu từ NHNN. Theo dự đoán, số tiền thu từ giải quyết nợ xấu sẽ vừa đủ để chi trả cho khoản vay từ NHNN.
Không dùng tiền dân cứu đại gia
Đề án thành lập VAMC không dùng đến ngân sách nhà nước, cũng không bơm tiền từ NHNN để “mua” nợ xấu làm sạch bảng cân đối kế toán.
Thực tế, VAMC là một mắt xích giúp các ngân hàng được tạm ứng trước tiền nhằm giải quyết vấn đề thanh khoản, làm sạch bảng cân đối kế toán, và quan trọng nhất là “còn người, còn của”, có thời gian kiếm tiền bù đắp vào các thua lỗ trước đó.
Ban biên tập CafeF



Copy từ: Góc Nhìn Alan

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét