* MINH DIỆN
Đêm qua, khuya lắm, chuông điện thoại của tôi bỗng reo. Tôi không quen biết
người gọi mình. Anh ấy tự giới thiệu tên là Hưng ở xã Vinh Quang huyện Tiên
Lãng (Hải Phòng).
- Tôi và mấy anh em là cựu chiến binh cùng lứa với Đoàn Văn Vươn vừa ghé
qua nhà chị Thương. Được biết công an Hải Phòng đã chuyển kết luận điều tra vụ
án Đoàn Văn Vươn sang Viện kiểm sát đề nghị truy tố tội giết người và chống người
thi hành công vụ. Chị Thương cho số điện thoại của bác nên tôi gọi báo
cho nhà báo biết.
Anh Hưng nói tiếp:
- Ngoài này đang rét lắm! Ở trong làng còn đỡ, mẹ con chị Thương
ở giữa đồng không mông quạnh, gió thốc gió tháo rét run cầm cập tội
nghiệp lắm bác ạ!
Thế là một kết cục thê thảm, oan khốc đã đến!
Không ai bất ngờ cả. Ngay chị Hiền, vợ anh Qúy, một người phụ nữ thôn quê
cũng xác định: “Tôi không bất ngờ trước kết luận của cơ quan cảnh sát điều tra
thành phố Hải Phòng, vì chúng tôi xác định trước, nếu để công an thành phố Hải
Phòng điều tra thì không mong có công tâm!”.
Chị Hiền nói đúng. Làm gì có công tâm khi kẻ gây án, nạn nhân, và điều
tra chì là một? Nói đúng hơn, một tổ chức thống nhất vô cùng chặt chẽ, nắm quyền
lực trong tay? Còn nạn nhân thật sự bị dồn thành “thủ phạm” là một dân đen, thấp
cổ bé họng?
Quả thật đã có lúc lóe lên tia hy vọng, khi Thủ tướng Nguyễn Tấn
Dũng chỉ thị phải xem xét giảm nhẹ hành vi phạm tội của anh Đoàn Văn Vươn. Nhưng
Thủ tướng nói rồi bỏ đó, như cơn gió lướt qua. Các cơ quan lãnh đạo đảng
chính quyền thành phố Hải Phòng hình như chẳng thèm quan tâm, từ lâu họ quen xử
sự theo cách riêng của đất cảng!
Cái kết cục là dịp cho chính quyền, công an Hải Phòng trả thù quả là khó tránh.
Hơn hai chục năm trước Đoàn Văn Vươn hy vọng tìm thấy một mảnh thiên đường
nơi Cống Rộc.
Sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo, hai mươi tuổi đi bộ đội, hết nghĩa vụ
trở về miệt mài học hành, có một tấm bằng kỹ sư, cái vốn kiến thức lặn lưng
trong thời đổi mới, nhưng Đoàn Văn Vươn không tìm đường vào chốn quan trường.
Nói đúng hơn, thân cô, thế hèn, túi lép như anh, len vào đâu
được?
Đoàn Văn Vươn kéo cả nhà ra bãi bồi hoang hóa, sình lầy Cống
Rộc. Vươn quỳ xuống, vốc nắm đất, ngửa mặt lên trời: “Xin Chúa xót thương ban
cho chúng con sức khỏe và lòng kiên nhẫn để chúng con biến vùng đất hoang này
thành miếng cơm nuôi sống chúng con!”.
Tuổi thơ Vươn đã quen sóng gió mặn mòi, biết mỗi miếng ăn nơi đây đều phải đổi
bằng mồ hôi nước mắt. Bố mẹ anh cũng từng làm lụng vất vả nuôi các con khôn lớn.
Vươn cũng biết, dù nghiệt ngã, dữ dằn nhưng mảnh đất quê không nỡ bạc bẽo với
người.
Từ ngày đó Đoàn Văn Vươn không tiếc mồ hôi, lăn lộn cùng với đất. Anh em Vươn
be bờ, đắp đập chắn sóng, chắn gió. Những lưỡi mai xén đất dưới nước, anh
em Vươn lặn xuống bê lên. Anh em Vươn còng lưng đẩy từng xe đất đắp
đê chắn sóng. Họ phải nhịn ăn mang thóc bán lấy tiền mua từng cây tràm, cây tre
cắm cọc làm cốt đê. Cây cọc vừa cắm xuống, rọ đất vừa neo vào, gió thốc gió
tháo nổi lên, sóng ập vào cuốn phăng theo dòng nước. Chiều nhìn con đê nhú lên
niềm hy vọng, đêm thao thức chờ sáng ra đắp tiếp. Sáng ra, chưa kịp và bát cơm
nguội chan nước cà, nhìn ra đê, thì trời ơi, đã bị sóng cuốn mất rồi. Thế là bỏ
bát cơm, lao xuống đầm, vừa tiếc của vừa lo trắng tay nước mắt cứ trào ra.
Không nhớ bao nhiêu nhiêu lần như thế. Không biết mồ hôi nước mắt của vợ
chồng, anh em Đoàn Văn Vươn đã trộn vào bùn tanh và nước phèn Cống Rộc?
Có lần người bí thư đảng ủy già xã Vinh Quang, đi ngang qua, đã kêu
lên: “Vươn ơi! Chúng mày làm con giã tràng đến bao giờ hở!”
Những “con dã tràng” ấy vẫn bền bỉ xe đất!
Đoàn Văn Vương và mấy anh em vẫn bám cống Rộc. Thân hình Vươn, Quý,
Sịnh quắt lại, da cháy đen, mắt lõm sâu và tóc thi nhau bạc trước tuổi.
Bao nhiêu công sức đã đổ xuống đây, có đồng vốn liếng nào ném hết vào đây
rồi, bỏ lấy gì sống? Một buồi chiều Đoàn Văn Vươn và người lớn đang ngụp
lặn ngoài đầm thì đứa con gái của anh sa chân xuống cống và
cháu chết đuối.
Trời đất đã thử thách lòng kiên nhẫn của Đoàn Văn Vươn như thế. Cuộc đời đắng
cay thế! Ngày ấy không thấy ông cán bộ đảng chính quyền nào để ý tới cái
đầm “mèo không ngó chó không nhìn” này.
Hai mươi năm, gần một phần ba cuộc đời vắt kiệt sức, ánh mắt Đoàn Văn Vươn
sáng lên niềm vui khi lớp cáu phèn chưa tan trên mặt. Hơn
bốn mươi héc ta Cống Rộc đã thành đầm nuôi thủy sản, có bờ đê cao chắn sóng, chắn
gió, có vườn chuối, vườn cây ra trái mùa đầu. Với Đoàn Văn Vươn,
đây là một mảnh thiên đường mà Chúa đã đoái thương ban tặng cho anh, đứa con khốn
khổ của Người!
Sóng biển không gào đe dọa nữa. Gió không thốc tháo mà vui reo trên những ngọn
phi lao. Đất quê hết bạc bẽo với anh.
Nhưng khi ông Trời thương tình cho hưởng thành quả ban đầu sau hai thập niên
anh em họ Đoàn dầm mình chặn sóng lấn biển, thì con người lại nhảy vào cướp
công, giành đất khu đầm tôm.
Khi máu tham ứ lên trong lòng các vị lãnh đạo, trực tiếp là đảng chính quyền, từ
xã Vinh Quang đến huyện Tiên Lãng, tiêu biểu là Chủ tịch xã Lê Thanh Liêm
cùng anh ruột là Chủ tịch huyện Lê Văn Hiền và Bí thư Huyện ủy Bùi Thế Nghĩa.
Hiền, Nghĩa, Liêm cùng đồng bọn ra quyết định thu hồi đất cùa anh em Đoàn Văn Vươn.
Anh em Vươn có quyết định cho thuê đất từ 15-10-1993, thởi gian 20 năm. Lẽ
ra đến 15-10-2013 mới hết hạn hợp đồng, nhưng Chủ tịch huyện Lê Văn Hiền vẫn ký
quyết định thu hổi đất. Bí thư huyện ủy Bùi Thế Nghĩa, và cấp trên nhất
trí cao với Hiền. Họ đã có dự án xây dựng sân bay quốc tế Tiên Lãng, 40 hec ta
đất của Đoàn Văn Vươn nằm trong cái sân bay tương lai ấy. Họ dự tính mỗi mét
vuông đất nhà nước bồi thường hơn một triệu, và ra tay cướp trắng
40 héc ta đất của Vươn.
Lòng tham khiến con mắt đui mù!
Lòng tham biến con người thành dã thú!
Lê Văn Hiền nhắm mắt ban hành quyết định thu hồi đất trái luật. Đoàn Văn
Vươn và bà con xã Vinh Quang khởi kiện. Tòa án Tiên Lãng bênh chính quyền, xử
thắng cho UBND huyện Tiên Lãng. Đoàn Văn Vươn và các hộ dân kháng cáo lên Tòa
án nhân dân thành thành phố Hải Phòng. Đuối lý, UBND huyện Tiên
Lãng đề nghị Tòa án thành phố Hải Phòng tổ chức hòa giải.
Trong buổi hòa giải thành, Phạm Xuân Hòa, thay mặt Uỷ ban nhân dân huyện Tiên
Lãng hứa với dân: “Rút đơn kháng cáo lại, huyện sẽ tiếp tục cho thuê đất”.
Tin lời hứa của chính quyền như tin cha mẹ, Đoàn Văn Vươn rút đơn kháng cáo.
Nhưng ngay lập tức chính quyền trở mặt như một kẻ bất lương, coi như
vụ án đã thành, ra quyết định cưỡng chế thi hành cái bản án Tòa án nhân dân huyện
đã tuyên. Lừa dân như thế, dồn dân vào đường cùng như thế, có trời đất nào chứng
giám!
Bị dồn cùng đường, Đoàn Văn Vươn vùng lên, biến Cống Rộc thành một “Đồng
Nọc Nạn”!
Cuộc cưỡng chế diễn ra
lúc 8 giờ 30 phút ngày 5-1-2012. Bí thư huyện ủy Bùi Thế Nghĩa, Chủ tịch
huyện Lê Văn Hiền, Giám đốc công an thành phố Đỗ Hữu Ca trực tiếp chỉ huy
và chỉ đạo cuộc cưỡng chế. Hàng trăm cảnh sát, bộ đội, súng AK,
B40, chó nghiệp vụ phương tiện hỗ trợ, dàn quân như một trận
đánh giặc, một mất một còn!
Ngàn năm sau sẽ còn trơ cái bia miệng mà đại tá Đỗ Hữu Ca, Giám đốc công
an thành phố Hải Phòng khắc vào lòng dân ngày hôm đó: “Cuộc cưỡng chế như một
trận đánh đẹp có thể viết thảnh sách dựng thành phim!”. Mỉa mai thay cho
chữ “đánh đẹp”, khốn nạn thay cho một tâm hồn bệnh hoạn một kẻ cầm quyền! Ăn cơm
dân, mặc áo dân, ngày nào cũng ra rả “vì nước quên thân vì dân phục vụ” mà coi
đàn áp dân là “một trận đánh đẹp”!
Đoàn Văn Vươn như con giun đã bị xéo mãi rồi, như dòng nước
đã ứ đầy rồi. Con giun xéo mãi phải quằn, tức nước phải vỡ bờ. Điều đó đã xảy ra
ở Tiên Lãng, “con giun” - Đoàn Văn Vươn!
Không ai cổ vũ một hành động bạo lực, không ai đồng tình với việc Vươn
mua 2 khẩu súng hoa cải, 1 cái kíp nổ, và bắn 4 bốn phát súng làm 6 người
bị thương.
Nhưng, nếu bị dồn vào cảnh bị mất trắng khu đầm tôm đã 20 năm thấm đẫm biết bao
mồ hôi, máu và nước mắt mới tạo dựng được, trước sự áp đảo của lực lượng lớn
cưỡng chế thu hồi, thì rất có thể nhiều người sẽ hành động như Đoàn Văn Vươn!
Là một người lính, nếu như Vươn có ý định giết người thì không việc gì phải tự
chế ra súng bắn đạn hoa cải để tỏ thái độ phản ứng và tự bảo vệ mình.
Vụ án đã xảy ra.
Anh
em nhà họ Đoàn (Đoàn Văn Vươn, Đoàn Văn Qúy, Đoàn Văn Sinh, Đoàn Văn Vệ) đã bị
bắt. Toàn bộ nhà cửa của gia đình Đoàn Văn Vươn và Đoàn Văn Qúy đã bị phá, 40
héc ta đầm nuôi trồng thủy sản của Đoàn Văn Vươn bị cướp, trở lại hoang sơ
như hai mươi năm trước.
Sau một năm điều tra, Cơ quan cảnh sát điều tra đề nghị Viện kiểm sát truy tố
Đoàn Văn Vươn và các đồng phạm theo điểm d, khoản 1 điều 93 Bộ luật hình sự: Tội
giết người thi hành công vụ.
Đã có nhiều bài báo lên tiếng về cái gọi là “công vụ” trong cuộc cưỡng chế ở
Tiên Lãng. Cái gọi là “công vụ” ấy là một vết nhơ khó tẩy xóa mà Lê Văn Hiền đã
bôi lên chính quyền huyện Tiên Lãng và thành phố hải Phòng, làm xấu mặt những
người chiến sỹ công an và bộ đội địa phương. Cái gọi là “công vụ” ấy
là điển hình của sự lộng quyền, nhẽ ra phải bị xét xử trước pháp luật.
Về sự việc đã xảy ra ở hiện trường vụ án có những điều cần lưu ý:
Cái mà cơ quan điều tra gọi là “quả mìn” không còn tang vật, không được giám định
có đúng là mìn không? Loại thuốc nổ gì? Mức độ sát thương ra sao?
Hai khẩu súng hoa cải tịch thu được liệu có đúng là hai khẩu súng đã bắn vào lực
lượng cưỡng chế không? Súng hoa cải loại gì? Có tầm sát thương thế nào? Cỡ nòng
bao nhiêu? Loại đạn có chì hay chỉ là diêm sinh? Thế mà quy tội giết người, đã
chết ai chưa?
Những chi tiết đơn giản nhất của một vụ án chưa được làm rõ.
Một chi tiết hé lộ trong kết luận điều tra, là
anh em Vươn kích nổ “quả mìn” khi lực lượng cưỡng chế còn cách 40 mét,
không làm ai bị thương.
Tình tiết ấy đã chứng tỏ Đoàn Văn Vươn không có ý định giết người, mà họ chỉ dọa
thôi. Nếu có ý định giết người thì họ chờ cho đối phương đến thật gần mới
điểm hỏa, không điểm hỏa khi mục tiêu còn xa lắc xa lơ như thế.
Lẽ ra khi người dân đã có biểu hiện liều lĩnh như
vậy, người chỉ huy phải dừng ngay cuộc cưỡng chế lại, đề thuyết phuc. Một giờ
không xong thì nhiều giờ. Một ngày không chuyển thì nhiều ngày. Đây là một vụ cưỡng
chế hành chính, đâu phải vây bắt một vụ án ma túy , một tổ chức tội phạm
nguy hiểm? Cái đầm tôm không có cánh mà bay. Anh em nhà Đoàn Văn Vươn có
nhân thân tốt.
Vậy mà một đại tá giám đốc công an thành phố, một bí thư, một chủ tịch huyện
có mặt tại đó không đủ sáng suốt, vẫn nhắm mắt làm càn, bắt công
an, bộ đội tràn lên, ép người dân cùng đường nổ súng?
Ra quyết định thu hồi đất trái pháp luật , cưỡng chế
trái pháp luật, dùng quân đội vào cưỡng chế càng trái pháp luật, chỗ đất bị cưỡng
chế không vào lại xông vào chỗ không được cưỡng chế. Cái sai quấy rành rành ra
đó không xử, lại xử người giữ đất bị chiếm?
Thế là cái kết cục ấy đã đến!
Tôi không hy vọng Viện kiểm sát sẽ trả hồ sơ về cho cảnh sát điều tra lại, bởi
suy cho cùng viện kiểm sát cũng như công an chỉ là công cụ. Muốn có thay đổi
thì người sử dụng công cụ đó phải thức tỉnh lương tâm. Đấy là điều cực
khó vì lương tâm mà thức tỉnh thì cái ghế đi đời! Cái ghế bợ lương tâm, không
phải lương tâm bợ cái ghế!
Hãy nghe tiếng kêu tuyệt vọng của Nguyễn Văn Khanh nguyên phó chủ tịch huyên
Tiên Lãng: “Kính mong các bác, các đồng chí! Với tinh thần trách nhiệm và tình
cảm của người lãnh đạo , người cha , người anh, người đồng chí với tôi và các
cán bộ khác có liên quan đến vụ cưỡng chế tai Tiên Lãng, hãy kêu gọi thuyết phục
những cán bộ đó thức lương tâm!”
Lương tâm thối nát rồi còn thức với tỉnh gì!
Gần
một thế kỷ trước thực dân Pháp đô hộ nước ta, thi hành chính sách mà nhà thơ
cách mạng Tố Hữu đã miêu tả: “Chim treo trên lửa cá nằm dưới dao”. Nhưng vụ án
Đồng Nọc Nạn, và nhiều vụ án khác, cán công nghiêng về phía dân lành. Còn
nay, thấy rõ nhiều cán bộ vi phạm phạm pháp luật đã trở lại làm việc hoặc
bố trí chức danh khác, riêng thảo dân-tép tôm dân Đoàn Văn Vươn bị công an đề
nghị Viện kiểm sát kết tội quá nặng. Cách làm của Hải Phòng đề nghị xét xử công
dân Đoàn Văn Vươn tội giết người là sự cố tình trả thù dân nghèo một cách quá
đáng. Và như thế có nghĩa là phát sinh thêm nghịch lý: "quan xử theo Lễ,
dân xử nặng Hình / Công minh pháp luật bất bình vậy sao?". Hãy
chờ xem phiên tòa xét xử Đoàn Văn Vươn cán cân công lý nghiêng về đâu?
Đoàn Văn Vươn cố gắng vươn lên chiến thắng đói nghèo. Với anh cũng như đa số người
dân nông thôn Việt Nam bây giờ không dám mơ “Thiên Đường” lầu son gác tía, một
mảnh đất đủ nuôi sống gia đình như cái đầm tôm của anh là thiên đường rồi. Nhưng
chút hạnh phúc nhỏ nhoi ấy cũng khó giữ anh Vươn nhỉ?
Cầu
mong gió mùa Xuân ấm áp mau quét sạch rét mướt và rác rưởi đi!
M.D
Copy từ: Bùi Văn Bồng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét