CHƯA TỐT NGHIỆP TRƯỜNG ĐỜI.

Thứ Hai, 31 tháng 12, 2012

Tại Việt Nam, những người chống Trung Quốc tìm ra một lối thoát : Bóng đá



No U FC trước trận đấu ngày 15/04/2012 (Ảnh: Reuters/Nguyễn Lân Thắng)
LND : Bài viết này của hãng thông tấn Reuters được đăng ngày 23/12/2012. Sau đó tờ Hoàn cầu Thời báo ngày 25/12/2012 đã phản pháo bằng một bài báo đòi hỏi « Chính quyền Việt Nam phải kìm lại chủ nghĩa dân tộc cực đoan », với lời răn đe hiểm độc ở cuối bài là coi chừng « áp lực trong nước trở thành một mối nguy hiểm còn cao hơn là sự xung đột với Trung Quốc ». Buổi chiều cùng ngày 25/12, Nhân dân Nhật báo cũng tung ra bài « Việt Nam cần chấm dứt trò hề gây phiền nhiễu tại Nam Hải ! », với các lý sự quen thuộc, nhưng cuối bài có đôi chút ve vuốt « ý thức hệ tương cận », « lân bang hữu hảo ».
Xin phép lần lượt dịch lại, trước hết là bài viết của Reuters. Trong không khí chộn rộn của những ngày cuối năm, xin gởi đến các bạn đọc những lời chúc nồng nhiệt nhất cho năm mới, và vui lòng thứ lỗi cho những sai sót nếu có của các bản dịch.
(Reuters 23/12/2012) Dưới sự quan sát của các công an mặc thường phục, tiền vệ Nguyễn Văn Phương tung một cú đá chân trái mạnh mẽ vào góc cầu môn. Bên ngoài đường biên, những người thường tham gia biểu tình chống Trung Quốc reo mừng. Một số người hô : « Đả đảo Trung Quốc ». Phương giơ cao nắm tay.
Trong khi căng thẳng giữa Bắc Kinh và Hà Nội về Biển Đông tăng cao, những người Việt phản đối Trung Quốc vốn thường xuyên phải đối phó với sự trấn áp của công an đã tìm ra một hình thức đấu tranh chính trị mới : bóng đá.

« Mọi người không sợ hãi khi đá banh ». Đội trưởng Phương đã nói như thế sau một trận đấu tập ở Hà Nội.
Họ tự gọi mình là « No U FC ». U ở đây là đường 9 đoạn mà Trung Quốc đã vẽ ra, bao trùm hầu như toàn bộ Biển Đông, đi sát Việt Nam rồi vòng qua Malaysia và phía bắc Philippines - một khu vực tập trung từ tiềm năng dầu khí, những tuyến đường hàng hải chiến lược cho đến quyền đánh cá - một trong những vùng lãnh thổ tranh chấp nóng nhất ở châu Á. FC có nghĩa là Football Club - câu lạc bộ bóng đá. Hay như một số người nói, là « Fuck China ».
Biểu tình chống Trung Quốc xâm lược ngày 09/12/2012 tại Hà Nội.
Ê-kíp biểu hiện sự phẫn nộ đang dâng cao đối với Trung Quốc, nước đang yêu sách chủ quyền trải rộng khắp vùng biển ngoài khơi duyên hải phía nam của họ đến phía đông lục địa Đông Nam Á, khiến Trung Quốc tự đặt mình trước sự chống đối của các đồng minh Mỹ là Việt Nam và Philippines, trong khi Brunei, Đài Loan, Malaysia cũng đòi hỏi phần của họ.
Câu lạc bộ được hình thành sau khi công an bắt giữ mấy chục người biểu tình chống Trung Quốc, đã xuống đường một cách hòa bình vào mỗi cuối tuần từ tháng Sáu đến tháng Tám năm ngoái. Ban đầu họ được để yên - trong một quốc gia cộng sản bị kiểm soát chặt chẽ, những vụ biểu lộ bất đồng chính kiến công khai hết sức hiếm hoi. Nhưng chính quyền lo ngại các cuộc biểu tình này sẽ trở thành một phong trào chống chính phủ rộng hơn và khó kiểm soát hơn – theo như nhiều nhà ngoại giao có quan hệ với các quan chức cao cấp cho biết.
Một số người biểu tình bị bắt và kết tội chống chính quyền. Trong số những người phản kháng có các nhà trí thức và các blogger, mà ngoài sự phẫn nộ của họ trước Bắc Kinh còn có các vấn đề nhạy cảm trong nước, từ hố sâu ngăn cách giàu nghèo quá lớn cho đến các vụ cưỡng chế đất đai, sự thô bạo của công an và việc hạn chế quyền tự do ngôn luận.
Sau khi bị trấn áp, Phương và những người chủ chốt trong phong trào phản kháng đã gặp nhau tại Thủy Tạ, một quán cà phê quen tên ở gần hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội, để hoạch định các hoạt động mới. Công an ra lệnh cho chủ quán không được phục vụ họ. Họ bèn đến một quán khác, và chẳng bao lâu quán này bị đóng cửa. Phương nói : « Đó là lúc chúng tôi quyết định lập đội bóng đá. Chúng tôi cần phải gặp gỡ nhau hàng tuần ».
Có khoảng 30 cầu thủ tham gia buổi tập đầu tiên vào ngày 30/10 năm ngoái. Đến tháng Ba, đội có được trận đấu tầm cỡ đầu tiên trước một đội bóng được tài trợ bởi PetroVietnam, một công ty quốc doanh đã làm Trung Quốc bực tức qua việc khai thác dầu tại Biển Đông. Các cổ động viên của No U FC vẫy các khẩu hiệu phản đối Trung Quốc và hô to « Đả đảo Trung Quốc xâm lược ».
Phương cho biết, công an ra lệnh cho PetroVietnam không được chơi nữa. Chủ sân yêu cầu họ ra khỏi địa điểm để được yên. Những người có trách nhiệm của công an không muốn bình luận về việc này.
Nguyễn Văn Phương (giữa) đang chơi bóng với các đồng đội.
Mèo bắt chuột
No U FC chơi trò mèo vờn chuột với chính quyền trong nhiều tháng, thường tập trung tại nhiều sân banh khác nhau ở Hà Nội và luôn bị đuổi đi. Họ mặc áo thun màu đen và trắng, với hình chữ U bị gạch chéo ở phía trước, còn phía sau là chữ “Hoàng Sa”, tên Việt Nam của quần đảo bị tranh chấp Paracels.
Kể từ tháng Chín, họ tập trung lại hai lần một tuần tại một sân cỏ nhân tạo của quân đội, một cơ quan mà những người phản kháng cho biết là có thiện cảm với cuộc đấu tranh của họ. Nhưng công an mặc thường phục vẫn cảnh giác.
Một Chủ nhật mới đây, gần 100 thành viên của No U FC đã xuất đầu lộ diện. Họ tự hào với sự đa dạng của câu lạc bộ: người là nhà thơ, người khác là chuyên gia ngân hàng, tuổi từ 10 cho đến 60. Một số chơi bóng đá bằng đôi chân trần.
Ngoài niềm tin chung, họ còn đoàn kết với nhau qua một yếu tố khác: hầu như tất cả đều đã từng bị bắt, cùng với những người ủng hộ như ông Tạ Trí Hải, một nghệ sĩ vĩ cầm thường đội chiếc nón cao bồi bằng rơm, chơi những bản nhạc dân gian bên ngoài sân cỏ.
Nguyễn Văn Dũng, thủ môn và là người tổ chức nói: “Chúng tôi đang mạnh mẽ hơn nhờ truyền thông xã hội”. Số thành viên của câu lạc bộ đã tăng lên 120 người, liên lạc chặt chẽ với nhau qua Facebook. Anh chỉ trích chính quyền mà anh cho là đã tỏ ra nhu nhược trước yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh, trong đó có sự kiện tàu cá Trung Quốc hồi tháng trước được cho là đã cắt cáp một tàu thăm dò của PetroVietnam gần Vịnh Bắc bộ. Anh cho rằng “Chính phủ Việt Nam cần gây áp lực nhiều hơn lên Trung Quốc”.
Một điều chừng như khó thể xảy ra.
Nghệ sĩ violon Tạ Trí Hải (trái) bên ngoài sân cỏ.
Ngại phản đối mạnh mẽ
Việt Nam lệ thuộc nặng nề vào Trung Quốc. Máy móc, dầu lọc và thép nhập khẩu từ Trung Quốc là tâm điểm của một nền kinh tế lệ thuộc vào nhiên liệu, khiến thâm hụt thương mại của Việt Nam với Trung Quốc từ 185 triệu đô la vào năm 2001 đã tăng lên13 tỉ đô la trong năm 2011.
Căm hờn đối với Trung Quốc rất sâu sắc, bắt rễ từ tình cảm tự hào dân tộc và cuộc đấu tranh giành độc lập sau nhiều thập kỷ chiến tranh và bị đô hộ. Những ngôi chùa xám màu rêu với những dòng chữ Hán khắc ở trên nằm rải rác quanh Hà Nội nhắc nhở hơn một ngàn năm Bắc thuộc, kết thúc vào thế kỷ thứ 10.
Một số gợi nhớ đến sự xâm lăng của quân đội Trung Quốc vào miền Bắc Việt Nam năm 1979, và những cuộc xung đột biên giới tiếp diễn cho đến thập niên 80.
Tiền bạc của Trung Quốc bắt đầu đổ vào nhỏ giọt kể từ năm 1991, khi quan hệ được bình thường hóa, đạt đến 120 triệu đô la đầu tư vào năm 1999. Từ đó trở đi, đầu tư Trung Quốc tăng vọt lên 21 tỉ đô la, tính cả giá trị của các dự án của Hồng Kông tại Việt Nam. Các nhà ngoại giao nói rằng, điều này giúp giải thích sự miễn cưỡng của Việt Nam, không muốn phản đối mạnh mẽ trước những khiêu khích của Trung Quốc.
Tại hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo Đông Nam Á ngày 19/11 ở Cam Bốt, Trung Quốc đã thành công trong việc ngăn trở cuộc tranh luận xung quanh một nghị quyết về việc tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông, bác bỏ những nỗ lực khởi đầu một cuộc thương thảo chính thức về vấn đề này, tránh những chỉ trích của chính quyền Obama về tham vọng trên biển của Bắc Kinh. Trong khi Philippines đưa ra lời phản đối chính thức, thì lại không có tuyên bố công khai nào từ phía Việt Nam.
Những ngày sau đó, khi tỉnh Hải Nam của Trung Quốc cho phép cảnh sát biển được lên tàu và bắt giữ những tàu nước ngoài hoạt động “bất hợp pháp” tại vùng Biển Đông trong năm tới; Philippines, Singapore và Tổng thư ký Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á bày tỏ sự quan ngại. Việt Nam vẫn giữ im lặng.
Chỉ khi các tàu Trung Quốc bị tố cáo là đã phá hoại các hoạt động thăm dò dầu khí của Việt Nam bằng việc cắt cáp, thì chính quyền mới ra thông cáo lên án ngày 4/12.
Anh Lã Việt Dũng xăm logo No U lên cánh tay.
Phương, 25 tuổi, muốn rằng chính phủ nước mình tỏ ra nhất quán hơn trong các tuyên bố công khai trước các tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc. Và anh không thể hiểu nối vì sao chính quyền lại không hỗ trợ cho mình. Anh nói: “Chúng tôi là những người yêu nước”.
Phương cho biết anh đã bị bắt ba lần và bị mất việc ở một cửa hàng bán đồ điện tử, sau khi công an gây áp lực lên người chủ. Đồng đội của anh là Lê Dũng cũng tỏ ra kiên quyết. Anh nói rằng vợ anh đã ly dị vì anh không muốn ngưng các hành động phản kháng. Một cầu thủ khác là Lã Việt Dũng, đã xăm logo của câu lạc bộ lên cánh tay.
Trong số những ủng hộ viên của câu lạc bộ có những nhà ly khai được nhiều người biết đến như ông Lê Gia Khánh, 80 tuổi, từng bị tù 6 năm vì đã hỗ trợ nhà cầm quyền Pháp trong cuộc chiến tranh Đông Dương kết thúc năm 1954, và bị giam lần thứ hai trong cuộc chiến tranh Việt Nam – Hoa Kỳ. “Đội bóng này hiện diện để chứng tỏ rằng ngọn lửa trong trái tim chúng tôi vẫn luôn được thắp sáng” – ông nói sau khi reo hò cổ vũ cho đội bóng từ bên ngoài sân cỏ.

Bài viết liên quan:
Chính phủ Việt Nam phải kìm hãm chủ nghĩa dân tộc cực đoan
 
 

Copy từ: Thụy My RFI


 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét