CHƯA TỐT NGHIỆP TRƯỜNG ĐỜI.

Thứ Hai, 31 tháng 12, 2012

Lối thoát hay nợ chất chồng?



(TBKTSG) - Dù nợ đọng xây dựng cơ bản ở các địa phương hiện nay là rất lớn nhưng do hụt thu ngân sách, cần tiền đầu tư, nhiều địa phương lớn trên cả nước đã và đang được “bật đèn xanh” phát hành trái phiếu chính quyền địa phương (TPCQĐP). Lối thoát này liệu có làm hẹp thêm luồng vốn vay trên thị trường?
Khi mục tiêu đầu tư không lùi
Ba địa phương lớn gồm Đà Nẵng, Bắc Ninh và Hà Nội đều đã tính đến phương án phát hành trái phiếu. Ngoại trừ phương án phát hành của Đà Nẵng đã được Bộ Tài chính phê duyệt và HĐND tỉnh thông qua hồi cuối tháng 11 với con số, thời điểm phát hành cụ thể thì Bắc Ninh hiện đang trình Chính phủ. Còn Hà Nội chưa có phương án cuối cùng.
Tình hình thu ngân sách năm nay không đạt chỉ tiêu, từ trung ương đến địa phương, là nguyên nhân chính dẫn đến việc các tỉnh, thành phải tính đến kênh phát hành trái phiếu.
Trong kỳ họp Quốc hội cuối tháng 10 vừa qua, Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cho biết thu ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2012 ở nhiều lĩnh vực, nhiều địa phương, đặc biệt một số tỉnh, thành trực thuộc trung ương có nguồn thu lớn, sẽ không đạt dự toán. Đến hết tháng 9, mới có 15/63 địa phương thu đạt từ 75% dự toán trở lên. 13/36 địa phương số thu đạt dưới 60% dự toán, kể cả một số trọng điểm thu. Tuy nhiên, quy định của Luật NSNN không cho phép bù trừ số thu giữa các địa phương nên các địa phương phải tự cân đối lấy.
Phát biểu tại cuộc gặp gỡ các doanh nghiệp địa ốc TPHCM hồi cuối tuần qua, Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ cho biết hiện bộ đang phối hợp với các địa phương để phát hành trái phiếu địa phương và vừa rồi TPHCM đã phát hành thành công 310 tỉ đồng.
Hiện nay mức vay nợ công của chính quyền địa phương chưa tới 1% trong tổng nợ của quốc gia và những địa phương này đều có dư địa tăng thu để trả nợ tốt, cho nên cần phải có huy động để tăng cho đầu tư phát triển, mà tăng cho đầu tư phát triển là tăng tổng cầu.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng lối thoát tìm tiền qua kênh trái phiếu là biểu hiện của việc các địa phương không thích ứng và điều chỉnh kịp thời các mục tiêu tăng trưởng khi gặp khó khăn. Các địa phương thường phát hành trái phiếu để bù đắp sự thiếu hụt nguồn vốn đầu tư, trong khi việc rà soát hiệu quả các dự án đáng ra phải được làm trước. Ông nói chỉ cần nhìn con số nợ đọng xây dựng cơ bản 91.000 tỉ đồng chưa thanh toán được khiến nhiều doanh nghiệp phải nợ lòng vòng lẫn nhau, thậm chí “chết oan”, mới thấy rằng việc tiếp tục vay tiền đầu tư sẽ dẫn đến những hệ lụy xấu ra sao trong tương lai.
Vay nợ phải tính đến chuyện trả nợ. Thông tư số 81/2012 do Bộ Tài chính hướng dẫn phát hành TPCQĐP tại thị trường trong nước có quy định các điều kiện phát hành, từ mục đích đến phương án tài chính, đánh giá hiệu quả và khả năng hoàn vốn của dự án, tình hình dư nợ của ngân sách địa phương trong ba năm liền kề đến thời điểm xây dựng đề án và dự kiến dư nợ của ngân sách địa phương sau khi phát hành trái phiếu…
Bên cạnh đó là phương án bố trí nguồn trả nợ, thanh toán gốc và lãi trái phiếu. Song, tờ trình của UBND gửi HĐND thành phố Đà Nẵng chỉ nêu rõ số tiền cần phát hành, tóm tắt phương án phát hành và đề nghị xem xét quyết định tổng giá trị phát hành, thời điểm để không gây áp lực cho ngân sách. Các thông tin cần thiết khác như tình hình dư nợ ngân sách trước và sau khi phát hành, nguồn trả nợ đã không được đề cập. Thậm chí, nếu theo phương án trong tờ trình thì việc phát hành trái phiếu cũng là một hình thức vay để trả nợ cũ (hoàn trả 500 tỉ đồng tạm ứng của Kho bạc Nhà nước đã sử dụng trước đó).
Đông người bán, nản người mua
Báo cáo “Nợ công: quá khứ, hiện tại và tương lai” do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và UNDP công bố cách đây vài tháng đã chỉ rõ nguồn trả nợ cho các khoản vay từ ngân sách trung ương đến địa phương đều lấy từ nguồn thu thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, thuế xuất nhập khẩu… Tuy nhiên, tình hình kinh tế khó khăn khiến các nguồn thu nói trên gặp khó và sẽ còn tiếp tục khó ở năm sau. Tình trạng hụt thu khiến cho việc cân đối ngân sách địa phương, trả nợ đọng xây dựng cơ bản đã trở thành vấn đề lớn, chưa nói đến việc phải trả thêm khoản vay trái phiếu.
Các nguồn thu khác mà chính quyền địa phương mong đợi là thu từ chuyển quyền sử dụng đất, thu từ bán tài nguyên khoáng sản đang ngày một giảm dần. Số thu từ các nguồn này còn phải dùng cho chi thường xuyên và các khoản chi cấp thiết khác liên quan đến an sinh xã hội, không được dùng hết cho chi đầu tư xây dựng cơ bản.
Tổng khối lượng trái phiếu mà Đà Nẵng phát hành trị giá 5.000 tỉ đồng, bắt đầu thực hiện ngay trong quí 4-2012, có thời hạn năm năm, trả lãi hàng năm, lãi suất căn căn cứ vào quy định của Bộ Tài chính và tình hình thị trường.
Bắc Ninh dự kiến phát hành khoảng 1.000 tỉ đồng để đầu tư các công trình trọng điểm của tỉnh.
Ông Lê Đăng Doanh cho rằng bối cảnh thực tế thì như vậy song quy định về hướng dẫn phát hành trái phiếu hiện nay lại thiếu điều khoản chỉ rõ các địa phương đang nợ lớn có được phát hành trái phiếu hay không và nếu được thì tỷ lệ là bao nhiêu trên nguồn thu. “Kinh nghiệm của Trung Quốc cho thấy nợ địa phương đang trở thành gánh nặng lớn cho nền kinh tế, có thể lên đến 3.000 tỉ đô la do nhiều địa phương đã “vung tay quá trán”, đầu tư kém hiệu quả để chạy theo thành tích”, ông nói và cho rằng Việt Nam cũng không nên xem nhẹ bài học này.
Nếu tính riêng số tiền trái phiếu do một địa phương phát hành thì không phải là quá lớn, song nó được trả bằng tiền ngân sách, bằng tiền thuế của người dân, doanh nghiệp và đặt trong bối cảnh chi tiêu công kém hiệu quả, đó lại là vấn đề.
Chưa hết, việc phát hành trái phiếu địa phương cùng với trái phiếu chính phủ đã ảnh hưởng không tốt đến nguồn tín dụng cho khu vực tư nhân. Ủy ban Kinh tế Quốc hội thống kê năm 2010-2011, Chính phủ đã vay nợ 110.000 tỉ đồng/năm qua kênh trái phiếu, gấp đôi so với năm 2007-2009 với mức lãi suất cũng tăng gấp đôi. Còn năm 2012, mới đến 26-11, lượng trái phiếu chính phủ phát hành và bảo lãnh phát hành thành công là 167.800 tỉ đồng, lãi suất dao động từ hơn 9% đến gần 11%/năm, mới thấy sức hút của kênh trái phiếu đã chèn lấn luồng tiền đầu tư cho tư nhân đến mức nào. Nay thêm cả địa phương bán trái phiếu thì luồng tín dụng mà đáng lẽ khu vực tư nhân có thể tiếp cận với mức giá hợp lý càng xa hơn nữa và gián tiếp phần nào đẩy doanh nghiệp vào chuyện “sống dở, chết dở” do thiếu vốn.
Mặt khác, từ Chính phủ đến chính quyền địa phương thi nhau bán trái phiếu trong khi người mua trái phiếu hầu hết là các ngân hàng, lại đang gặp không ít khó khăn. “Cần tránh việc các địa phương gây sức ép các ngân hàng phải mua trái phiếu của địa phương mình”, ông Doanh cảnh báo.
Chưa bàn đến hiệu quả của các dự án dùng vốn TPCQĐP sẽ ra sao nhưng chỉ cần hạn chế được các quyết định đầu tư công dàn trải, phân tán và siết chặt kỷ luật tài chính ở các dự án đang đầu tư có lẽ nhiều địa phương sẽ chưa phải dùng đến kênh phát hành trái phiếu. Sâu xa hơn, nếu sửa được cơ chế phân cấp ngân sách và phân cấp đầu tư, xác định rõ trách nhiệm về quyết định đầu tư, trách nhiệm giải trình, thì nhiều địa phương sẽ không đặt nặng mục tiêu tăng trưởng và tìm tiền bằng nhiều cách để thực hiện bằng được mục tiêu đó.



Copy từ: Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét