> Ba Sàm - Đôi lời: Về vụ việc quá tệ hại này, hôm qua, chúng tôi nhận được một bài bình luận của tác giả Nguyễn Thu Trâm. Nhưng xét thấy nội dung bài có phần gay gắt quá, lại dựa vào và tầm chương trích cú quá nhiều thứ luân lý Nho giáo cổ lỗ và các nhân vật trong sử Tàu, nên chỉ xin điểm trong phần bản tin, khi bài được đăng ở một trang khác.
Rồi sáng nay, chúng tôi nhận được tiếp một bài của Nhạc sĩ Tuấn Khanh, về cùng chủ đề, với mấy lời trao đổi riêng với chúng tôi, băn khoăn không biết có thể đăng ở đây khi nó là “một đề tài rất nhỏ”, giữa lúc bao nhiêu sự việc to tát, quốc gia đại sự nóng hổi đang được bàn luận sôi nổi.
Cũng sáng nay, phát hiện và điểm một bài nhan đề “Học sinh lớp 2 dọa tự tử vì không được gọi phát biểu“.
Không phải
là chuyện nhỏ nữa rồi! Không chỉ loanh quanh “kỹ năng sống” của riêng
con trẻ, hay phương pháp sư phạm và trình độ nhận thức pháp luật của
giáo viên, mà là một vấn đề lớn lao hơn rất nhiều.
Đó là một
sự méo mó tới quái dị trong nhận thức về quyền con người, từ hệ thống
Giáo dục, cho tới những ngành liên quan, như ở đây là Công an và nhiều
nơi khác.
Ngược thời gian và lên “trên” nữa, mới đây thôi, Ngày Nhân quyền Quốc tế của Liên hiệp quốc 10-12-2012, báo chí VN gần như hoàn toàn im tiếng, trong khi VN từng tham gia ký tên vào Công ước Nhân quyền của LHQ, lại đang tranh ghế vào Hội đồng Nhân quyền của LHQ nữa.
Rõ ràng
có cả một làn sóng ngược, rộng khắp, quyền lực ghê gớm, mà không được
tuyên bố thành lời, bằng văn bản, đang chống lại những gì giúp cho người
dân Việt Nam, từ trẻ thơ cho tới người đã chết, được phát huy quyền con
người căn bản của mình đã được ghi trong Tuyên ngôn Độc lập nước VNDCCH
và Hiến pháp, Công ước quốc tế. Đương nhiên, từ quyền căn bản bị kìm
hãm, thì Dân trí, Dân khí cũng bị ức chế, tù hãm.
---------------------
Thư ngỏ cho bộ trưởng GD-ĐT Phạm Vũ Luận:
Từ nỗi nhục
của trường Trung Lập Thượng
Câu chuyện xảy ra ở trường tiểu học Trung Lập Thượng, huyện
Củ Chi, TP. HCM, vào ngày 26 tháng 12 này, có thể nói là lại gây thêm
một nỗi nhục của ngành giáo dục Việt Nam, là chỉ dấu của những bất an mà
xã hội Việt Nam đang và sẽ chịu đựng.
Chuyện được tóm tắt rằng bà Ngô Thị Mai, hiệu trưởng trường
tiểu học Trung Lập Thượng, Củ Chi, TPHCM, vì nghi ngờ một học sinh nữ
lớp 2 ăn cắp của giáo viên Th. hơn một triệu đồng, nên đã đồng ý giao
cho công an hỏi cung. Thậm chí anh trai của bé T. đang học cùng trường
cũng bị giao nộp cho công an dẫn đi. Vì quá sợ hãi, bé T. đã nhận là đã
ăn cắp và bộc lộ dấu hiệu hoảng sợ đến mức tâm thần khi trả lời bất
nhất. Thế nhưng đến chiều hôm đó, cô Th. nhận ra rằng tiền mình vẫn còn
nguyên trong giỏ.
Trong câu chuyện này, dù đã được cấp trên là Phòng GD-ĐT
huyện Củ Chi yêu cầu nhà trường xin lỗi học sinh, nhưng rốt cuộc vẫn gây
nhiều tai tiếng, buộc phụ huynh và dư luận nhìn thấy nơi đó một ví dụ
buồn và nhục cho ngành giáo dục, cũng như với các nơi có liên quan.
Hãy quay trở lại thời gian vào năm 2007, nơi đã từng xảy
ra sự kiện kinh hoàng, và có thể tạm gọi là đầu tiên của ngành giáo dục,
đó là chuyện bé Huỳnh Thị Ngọc Trâm, học lớp 5, trường tiểu học An Hiệp
2, tỉnh Đồng Tháp, vì làm mất tiền quỹ của lớp là 47.800 đồng đã bị
chính các thầy giáo của mình đưa đến công an xã đển khảo cung. Sau đó vì
bị sốc do oan ức và hoảng sợ, bé Trâm đã mất khả năng nói.
Cho đến nay, những chuyện lạ lùng và man rợ như vậy không
mất dần đi, mà lại cứ tăng thêm, quen dần như một phương thức hành xử
chung trong xã hội Việt Nam, nơi được tờ báo ngớ ngẩn nào đó đặt tên
rằng một trong những xứ sở hạnh phúc nhất hành tinh. Hãy dành chút thời
gian, tự mình làm một cuộc điều tra trên internet, bất cứ ai cũng sẽ
nhìn thấy vấn nạn này đang có một biểu đồ tăng trưởng không kém chỉ số
lạm phát.
Việc một nhà trường không thể giải quyết những vấn đề của
mình bằng nghiệp vụ học đường và lương tâm, đã là một nỗi nhục. Việc
luôn sử dụng đến công an như một hình thức đe doạ, trấn áp cho thấy tư
duy những người có học và được giao cho việc dạy dỗ, đang đánh giá rằng
xã hội Việt Nam là một xã hội công an trị.
Việc các nhà giáo luôn chọn cách giao nộp học sinh mình cho
công an, mà không hề có thầy cô nào đi kèm hoặc người giám hộ, lại cho
thấy nhà trường hiện hoặc rất dốt nát, hoặc tuỳ tiện trong việc quyết
định số phận con người. Và việc ngành công an ở nhiều nơi luôn nhận lãnh
trách nhiệm tra khảo trẻ em mà không hề có người đại diện giám hộ trung
gian, hoặc tự tiện dẫn đi và giam giữ, tra khảo, ép cung… cũng cho thấy
các công an viên liên quan đang hoặc quá ngu dốt về luật pháp hoặc quá
kiêu ngạo về quyền lực của mình trong xã hội, bất chấp mọi hiến định về
quyền con người và trẻ em.
Biết phải nói sao đây, khi không ít những người đã phạm
những sai lầm như vậy trước nay, phần lớn là đảng viên. Những thành phần
được coi là ưu tú, được chọn lựa, đặt để trong các vị trí chỉ huy, lãnh
đạo.
Trong
mọi lời bàn của người dân, rằng ngành giáo dục suy đồi, cũng như xã hội
suy đồi. Chúng ta đang có những sự thật là chứng cứ.
Hãy thử nghĩ mình là cha, hoặc là mẹ của những đứa bé đó, ai
ai cũng có thể cảm nhận được sự bàng hoàng về cuộc sống.
Là
một người quan sát, và nhìn thấy những điều tồi tệ diễn ra mà không
được giải quyết tận cội nguồn sự việc, tôi kêu gọi Bộ trưởng GD-ĐT Phạm
Vũ Luận phải có những động thái mạnh mẽ để chấm dứt tình trạng như đã
trình bày, trong ý thức và hành động của ngành giáo dục.
Trường học, là nơi liên thông để phát triển trí tuệ và nhân
cách người Việt, chứ không thể là nơi liên thông đến đồn công an hoặc
phòng khảo cung.
Trẻ em là tương lai, nếu chúng ta không tôn trọng hiện
tại, tương lai sẽ nghiền nát chúng ta. Điều này có thể là sáo rỗng và vô
nghĩa, nếu Việt Nam không còn cần một tương lai, hoặc chúng ta sẽ không
có tương lai.
Việc chuyển trẻ em từ nhà trường sang phòng điều tra của
công an mà bất cần ý kiến của phụ huynh hay người giám hộ, không quan
tâm những quyền đã được định trong luật pháp, không thể được coi là một
cách làm bình thường trong xã hội. Ngành giáo dục nếu thản nhiên tồn tại
với thông lệ đó, thì đó là một ngành giáo dục nhục nhã.
Tôi tin là nếu dành chút thời gian cho lương tâm, bất kỳ ai
cũng thấy rằng ngành giáo dục phối hợp với công an trị là một thảm hoạ
của đất nước. Tất cả các bậc cha mẹ sẽ không còn niềm tin vào xã hội và
nhà trường. Một nước Việt sẽ bất an với cách hành xử được nhân danh hệ
thống giáo dục như vậy.
Tuấn Khanh (Theo Ba Sàm)
--------------------
Cô giáo khóc khi xin lỗi học sinh lớp 2
Sáng 27-12, Ban Giám hiệu Trường Tiểu học Trung Lập Thượng, xã Trung Lập Thượng, huyện Củ Chi - TPHCM đã tập trung toàn thể học sinh, giáo viên để chứng kiến việc cô giáo Nguyễn Thị Thu xin lỗi em Lại Thị Thẩm - học sinh lớp 2 của trường.
Tại đây, Hiệu trưởng Ngô
Thị Mai, cô giáo Nguyễn Thị Thu (người bị mất tiền) và ông Nguyễn Văn
Đắng (Tổng phụ trách Đội, kiêm giáo viên tư vấn học đường) đã trực tiếp
xin lỗi em Thẩm vì nghi em lấy 1 triệu đồng của cô giáo Thu, sau đó giao
cho công an để làm rõ.
Cô Nguyễn Thị Thu vừa
khóc vừa phát biểu: “Đây là sai lầm mà tôi sẽ nhớ suốt đời, không bao
giờ dám tái phạm. Sai lầm xuất phát từ sự nóng vội, những phản ứng thiếu
sư phạm, không mang tính giáo dục khiến em Thẩm bị hàm oan”.
Em Lại Thị Thẩm - người bị cô giáo nghi lấy tiền oan
Buổi xin lỗi này không có mặt đại diện công an xã Trung Lập Thượng vì lý do bận công tác.
Mãi đến buổi trưa, ông
Phạm Thanh Tâm - Phó Ban chỉ huy Công an xã Trung Lập Thượng, người trực
tiếp đưa em Thẩm về công an xã- cũng đã đến nhà em Thẩm để xin lỗi em
và gia đình. Ông Tâm cho biết sẽ rút kinh nghiệm sâu sắc, đồng thời sẽ
quán triệt, nhắc nhở anh em trong đơn vị rút kinh nghiệm.
Học sinh Trường Tiểu học Trung Lập Thượng quyên góp tiền ủng hộ cho em Thẩm
Bà Lê Thị Phương Hồ, Bí thư Đảng ủy xã Trung Lập Thượng, cũng thay mặt Đảng ủy và Công an xã xin lỗi, nhận thiếu sót trong vụ việc này. “Ngay sau khi xảy ra sự việc này, chúng tôi đã yêu cầu 2 đồng chí công an trực tiếp tham gia vụ việc viết giải trình, kiểm điểm; đồng thời nhắc nhở anh em rút kinh nghiệm sâu sắc sau vụ việc này.
Cô hiệu trưởng Ngô Thị Mai xin lỗi em Thẩm trước toàn trường
Xã cũng sẽ kêu gọi hỗ
trợ cho gia đình em Thẩm... Sắp tới, khi em Thẩm không còn đủ tuổi học
tiểu học (em Thẩm ở lại lớp 4 năm), chúng tôi sẽ tính toán để tìm một
môi trường thích hợp để em học tập”.
Cô giáo Nguyễn Thị Thu kể lại sự việc cho phóng viên
Cũng trong buổi sáng nay, cô giáo Nguyễn Thị Thu cũng đã trực tiếp tặng em Thẩm một chiếc xe đạp để em làm phương tiện đi học.
Em Thẩm đã có xe đạp để đến trường
Trường Tiểu học Trung
Lập Thượng cũng tổ chức quyên góp giúp đỡ hai anh em Thẩm ngay tại
trường. Bà Ngô Thị Mai cho biết đã có 1 luật sư ở Hà Nội và 1 bạn đọc
tên Yến gửi tặng em Thẩm số tiền 1,3 triệu đồng. Một học sinh cũ của
trường gửi tặng 100 USD.
Em Thẩm và bà ngoại trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động
Được biết gia đình em
Thẩm rất khó khăn. Ba bà cháu hiện tá túc trong một túp lều tranh trống
hoác. Bà ngoại em Thẩm làm nghề đan liếp, mỗi ngày kiếm được vài chục
ngàn đồng. Ba mẹ em Thẩm đã li dị, đều có gia đình mới và có cuộc sống
rất khó khăn nên không hỗ trợ được gì để nuôi hai anh em.
Phóng viên báo Người lao động tiếp xúc với em Thẩm và gia đình
“Ông bà nội Thẩm cũng
rất nghèo. Bà nội lại bị cụt hai tay, hai chân. Ông nội chở bà đi bán vé
số. Thỉnh thoảng có gặp các cháu ở trường cũng cho một ít tiền”- bà
Phạm Thị Tặng, bà ngoại em Thẩm, cho biết.
Trước đó, ngày 26-11, do
nghi ngờ em Thẩm lấy trộm tiền của cô giáo Thu, nhà trường đã giao em
Thẩm cho cơ quan công an xã Trung Lập Thượng thẩm vấn. Đến hơn 13 giờ
cùng ngày, khi nhà trường gọi điện lên báo rằng tiền vẫn còn nguyên
trong giỏ của cô giáo thì công an mới cho em về nhà.
Đại diện công an xã ông Phạm Thanh Tâm xin lỗi gia đình em Thẩm
Tin -ảnh: Đ.Trinh - Q.Thắng
(NLĐO)
---------------------------------
Bùi Văn Bồng tổng hợp
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét