Phạm Đình Trọng (Danlambao)
- Say sưa phô trương sức mạnh bạo lực nhà nước, công an – tòa án – nhà
tù, hơn nửa thế kỉ cầm quyền, nhà nước độc tài cộng sản Việt Nam đã vô
cùng cần mẫn và tùy tiện tống hàng ngàn người dân Việt Nam lương thiện
của nhiều thế hệ nối tiếp nhau vào ngục tù.
Đầu tiên nhà nước độc tài man rợ đó tống vào tù những đại công thần đã
mang cả cuộc đời chiến đấu hi sinh dựng lên nhà nước cộng sản: Tướng
Đặng Kim Giang. Nhà cách mạng lứa tiền bối dựng lên đảng Cộng sản Việt
Nam, dựng lên nhà nước cộng sản Việt Nam Vũ Đình Huỳnh. Nhà triết học
cộng sản Hoàng Minh Chính... Rồi lần lượt đến những trí thức, nhà văn,
nhà báo con đẻ của chế độ cộng sản. Nhà văn Vũ Thư Hiên, nhà báo Hoàng
Thế Dũng, nhà báo Trần Thư, đạo diễn điện ảnh Huy Vân, nhà báo, nhà văn
Bùi Ngọc Tấn... bỗng trở thành người tù không án ròng rã gần chục năm
trời trong nhà tù cộng sản mà từ lúc bước chân vào ngục tối đến khi ra
khỏi cổng nhà tù vẫn không biết bị tù về tội gì.
Qua đi thời hồng hoang không pháp luật, tù không án, tù theo lệnh tùy
hứng của kẻ độc tài như từ trên trời rơi xuống, đến thời luật cộng sản,
luật chỉ để bảo vệ sự thống trị của đảng cộng sản và chỉ để khoe mẽ,
vênh váo làm sang với thế giới văn minh, còn bộ máy công quyền thì vẫn
hành xử mông muội, ngồi xổm lên pháp luật, tùy tiện bắt người, đánh
người, giết người và tùy tiện làm án.
Làm án theo lệnh của quyền lực độc tài từ bóng tối ban ra, làm án theo
kịch bản của công an, theo lớp lang dàn dựng của cơ quan cảnh sát điều
tra và quan tòa. Với cách làm án mờ ám, bất lương đó, bất kì người dân
lương thiện, trung thực, khảng khái nào sống đúng Hiến pháp và pháp luật
cũng đều có thể bị tù vì những tội danh vu vơ, mơ hồ “tuyên truyền
chống nhà nước”, “lợi dụng các quyền tư do, dân chủ” hoặc đi tù mút mùa
vì tội danh cụ thể: trốn thuế, nhưng mang rõ dấu ấn dàn dựng, áp đặt của
cơ quan cảnh sát điều tra và tòa án tạo dựng lên tội.
Những tội danh vu vơ, những bản án được dàn đựng sống sượng đã tống vào
tù ngục nhiều trí thức chân chính như bác sĩ Phạm Hồng Sơn, luật sư
Nguyễn Văn Đài, nhà báo Nguyễn Vũ Bình, nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa, luật
sư Lê Thị Công Nhân, nhà giáo Vũ Hùng, giáo sư Phạm Minh Hoàng, tiến sĩ
Cù Huy Hà Vũ, luật sư Lê Công Định, luật sư Lê Quốc Quân, luật sư Phan
Thanh Hải,... Biến nhiều công dân ưu tú có ý thức về quyền làm người, có
lương tâm với cuộc đời, có trách nhiệm với vận mệnh đất nước thành
những người tù lương tâm, người tù thời đại như trái tim yêu nước Vi Đức
Hồi, nhà doanh nghiệp Trần Huỳnh Duy Thức, kĩ sư Nguyễn Tiến Trung, nhà
báo tự do Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, những phụ nữ trung hậu Phạm Thanh
Nghiên, Tạ Phong Tần, Bùi Thị Minh Hằng,...
Muốn bắt ai cũng được, muốn bỏ tù ai cũng được. Cần có án thì tạo dựng
ra án. Không có tội thì tạo dựng ra tội. Mọi tiếng nói khác biệt, mọi
đòi hỏi tự do dân chủ, mọi đòi hỏi quyền làm người đều trở thành án hình
sự, đều bị tống vào tù ngục. Với bộ máy công cụ bạo lực nhà nước khổng
lồ không cần hành xử theo pháp luật, thẳng tay tiêu diệt mọi tiếng nói
trung thực nhưng khác biệt chính kiến, đảng cộng sản và nhà nước độc tài
của đảng tưởng rằng sẽ ngạo nghễ tồn tại đến vô cùng và những người
lãnh đạo cộng sản “ghế trên ngồi tót sỗ sàng” thì hả hê bắt dân tụng
niệm: Đảng cộng sản Việt Nam quang vinh muôn năm.
Nhà tù cộng sản là nơi giam cầm khát vọng làm người của người dân Việt
Nam, nơi giam cầm trí tuệ và khí phách Việt Nam cũng là nơi thể hiện đầy
đủ bộ mặt man rợ, mất tính người nhất của nhà nước độc tài cộng sản.
Nhà nước độc tài cộng sản càng tùy tiện tống nhiều trí tuệ và khí phách
Việt Nam vào tù thì sự man rợ cộng sản càng được trí tuệ và khí phách
Việt Nam khắc ghi vào lịch sử, khắc ghi vào thời gian.
Chín năm trong nhà tù cộng sản cho nhà văn Vũ Thư Hiên viết tự truyện
Đêm Giữa Ban Ngày ghi lại sự tàn bạo, man rợ của thể chế cộng sản. Thể
chế cộng sản là đêm đen lạc lõng giữa ánh sáng rực rỡ của văn minh loài
người thời công nghiệp hóa, toàn cầu hóa.
Miệt mài chăm chỉ viết báo tô hồng thể chế cộng sản, tô hồng xã hội cộng
sản, nhà báo Bùi Ngọc Tấn bỗng bị bắt rồi trở thành người tù không án
trong nhà tù cộng sản. Năm năm trong nhà tù cộng sản cho nhà báo Bùi
Ngọc Tấn thấy sự man rợ cộng sản đã khinh rẻ, đã đầy đọa, đã xỉ nhục con
người như thế nào. Con mắt quan sát sắc xảo của nhà báo Bùi Ngọc Tấn và
cảm hứng sáng tạo mạnh mẽ của nhà văn Bùi Ngọc Tấn đã biến hiện thực
năm năm ngục tù cộng sản thành tiểu thuyết tư liệu lịch sử Chuyện Kể Năm
2000.
Năm 2000 chấm dứt một thế kỉ chủ nghĩa cộng sản đưa loài người vào chém
giết, hận thù, máu và nước mắt. Chủ nghĩa cộng sản rồi sẽ qua đi như một
cơn ác mộng của loài người. Nhưng sự khinh bỉ con người của cộng sản,
máu và nước mắt cộng sản gây ra cho con người thì phải khắc vào thời
gian, ghi lại cho mai sau sau để cảnh tỉnh loài người. Vì thế Chuyện Kể
Năm 2000 cũng là Chuyện Kể Năm 3000, Chuyện Kể Năm 4000...
Nhà văn Vũ Thư Hiên, nhà văn Bùi Ngọc Tấn đã phải để lại những năm tháng
quí giá của cuộc đời trong ngục tù man rợ cộng sản để có Đêm Giữa Ban
Ngày, Chuyện Kể Năm 2000. Những Vi Đức Hồi, Nguyễn Xuân Nghĩa, Điếu Cày
Nguyễn Văn Hải, Cù Huy Hà Vũ, Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Quốc Quân... những
trí tuệ và tâm hồn đó đang sống, đang quan sát, đang ghi nhận, đang
nhận mặt thể chế cộng sản và nhà tù cộng sản để rồi sẽ có thêm những Đêm
Giữa Ban Ngày, Chuyện Kể Năm 2000 chân thực, sinh động về số phận bi
thảm của con người trong thể chế cộng sản, trong ngục tù cộng sản.
Nhà nước độc tài cộng sản ỷ vào sức mạnh bạo lực nhà nước, vận hành tối
đa công suất bộ máy công cụ bạo lực khổng lồ công an – tòa án – nhà tù
càng hung hãn tù đày nhiều tâm hồn, trí tuệ Việt Nam thì sự tàn bạo, mất
tính người của độc tài cộng sản càng được những tâm hồn trí tuệ Việt
Nam trong lao tù cộng sản khắc ghi vào lịch sử, khắc ghi vào thời gian.
Nhà văn Vũ Thư Hiên và nhà văn Bùi Ngọc Tấn trước tôi một thế hệ và hơn
tôi một cuộc chiến tranh. Khi người lính Vệ quốc đoàn Vũ Thư Hiên và anh
đội viên Thanh niên xung phong Bùi Ngọc Tấn đi vào cuộc chiến tranh
chống Pháp thì tôi còn là đứa bé ê a đọc sách Tân Quốc Văn. Nhưng cuộc
đời các anh và trang sách về cuộc đời ngục tù của các anh đã thức tỉnh
tôi và thức tỉnh hàng triệu người Việt Nam về thể chế cộng sản. Không
biết tự lúc nào anh Vũ Thư Hiên và anh Bùi Ngọc Tấn đã trở thành người
anh thân thiết của tôi.
Dù cách xa hàng chục ngàn kilomet nhưng hằng ngày tôi vẫn gặp anh Vũ Thư
Hiên trong thế giới phẳng tin học. Mới mấy tháng trước anh Bùi Ngọc Tấn
và chị Nguyễn Thị Ngọc Bích, vợ anh Tấn vào Sài Gòn, tôi cùng anh chị
đến nhà con gái anh Vũ Thư Hiên để được nói chuyện và nhìn thấy anh Hiên
trên màn hình laptop. Mới mấy ngày trước, tôi lại được gặp anh Tấn, chị
Bích ở Sài Gòn và anh Tấn đã tặng tôi bản in mới nhất tập tiểu thuyết
của đời anh, tập tiểu thuyết về hiện thực cái ác cộng sản, về thân phận
con người, về sự khinh bỉ, xỉ nhục, đày đọa, vật hóa con người của nhà
nước cộng sản.
Chuyện Kể Năm 2000 được nhà xuất bản Thanh Niên ở Hà Nội phát hành đầu
tiên tháng hai, năm 2000 liền bị cơ quan văn hóa của nhà nước độc tài
cộng sản ra lệnh thu hồi và tiêu hủy. Một việc làm của quyền lực độc ác
mà tối tăm. Độc ác và tối tăm như nhà nước độc tài cộng sản Việt Nam
giam cầm những tâm hồn, trí tuệ và khí phách Việt Nam. Làm sao có thể
giam cầm được sự thật, giam cầm được lẽ phải. Làm sao có thể giam cầm
được tâm hồn, trí tuệ và khí phách.
Thời tin học, không quyền lực nào thu hồi, tiêu hủy được thông tin đã
được tin học hóa, sản phẩm của thế giới thật, thế giới vật thể đã trở
thành sản phẩm của thế giới ảo, thế giới phi vật thể. Lệnh thu hồi tiêu
hủy của nhà nước độc tài cộng sản với Chuyện Kể Năm 2000 là sự giới
thiệu, sự quảng cáo, tôn vinh lớn nhất cho Chuyện Kể Năm 2000. Vì có
lệnh thu hồi và tiêu hủy của nhà nước độc tài cộng sản mà Chuyện Kể Năm
2000 lại được xuất bản với số lượng lớn, phát hành rộng chưa từng có
dưới nhiều hình thức. Chuyện Kể Năm 2000 tràn ngập trên các trang web.
Chuyện Kể Năm 2000 được in đi in lại với số lượng lớn ở trong nước,
ngoài nước.
Cuối năm 2013 lại có người ở phía Nam đứng ra tổ chức in Chuyện Kể Năm
2000. “Tập sách này được thực hiện bởi những người yêu quí Chuyện Kể Năm
2000 / Tháng 12 – 2013 / 100 bản. Không bán”. Anh chị Bùi Ngọc Tấn -
Nguyễn Thị Ngọc Bích vào Sài Gòn nhận sách do người in ấn tặng để tặng
lại những người đang đấu tranh giành lại những giá trị làm người đã bị
nhà nước độc tài cộng sản tước đoạt.
Copy từ: Dân Làm Báo
...............
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét